Bình luận đề thi đại học môn Ngữ văn năm 2014

 

 

     Năm nào, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng tuyên bố "đổi mới" cách ra đề thi môn Văn. Nhưng phải đến năm 2014, người ta mới chứng kiến sự đổi mới toàn diện trong cách ra đề thi môn Văn tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, sau một tháng chờ đợi sự đổi mới đề thi đại học, nhiều người cảm thấy hơi thất vọng khi có hiện tượng bình cũ rượu mới.

      Đề thi đại học năm 2014 vẫn giữ nguyên kết cấu quen thuộc: câu 1: câu hỏi ngắn (2 điểm), câu 2: nghị luận xã hội (3 điểm), câu 3: nghị luận văn học (5 điểm). Chỉ khác một chút là câu 1 trước đây thường ra kiểu tái hiện kiến thức văn học sử, nay ra kỹ năng đọc hiểu. Câu 3 trước đây cho chọn 1 trong 2 câu, nay chỉ có 1 câu bắt buộc (nghĩa là ít dân chủ hơn). Tuy nhiên, cách ra 3 câu với điểm số như vậy cũng hợp lý, kiểm tra toàn diện kiến thức. Nếu thí sinh không làm được câu này thì còn có 2 câu kia "vớt" điểm.

      Ở câu 1, cả hai đề khối C và D đều ra dạng đọc hiểu một đoạn thơ. Đề khối C ra một đoạn trong bài Đò Lèn của Nguyễn Duy. Đề khối D ra một đoạn trong bài Đất nước của Nguyễn Đình Thi. Cả hai đoạn thơ này đều nằm trong phần đọc thêm chứ không học chính thức. Lâu nay, GV và HS rất lơ là với phần đọc thêm. Nay, thí sinh có bất ngờ nhưng cũng không trách ai được vì đoạn thơ có trong SGK. Qua vụ này, thí sinh các khóa sau sẽ "gặm" các bài đọc thêm trong SGK như mọt sách và không dám bỏ bài nào. Điều đó có thể làm tăng sức ép thi cử. Nếu lấy các đoạn văn ngoài SGK thì ép sức sẽ giảm bớt và có khả năng đánh giá đúng thực chất thí sinh.

       Ở câu 2, cả hai đề khối C và D đều ra nghị luận xã hội. Đề khối C lấy một nhận định của Nam Cao trong SGK lớp 11: "Kẻ mạnh không phải là kẻ giẫm lên vai kẻ khác để thỏa mãn lòng ích kỉ. Kẻ mạnh chính là kẻ giúp đỡ kẻ khác trên đôi vai mình". Câu này khá quen thuộc và không khó trả lời. Nó thiên về thao tác chứng minh một nhận định. Đề khối D nhận định về ý kiến: ""Cống hiến hết mình, hưởng thụ tối đa" là phương châm sống tích cực của con người hiện đại, luôn phù hợp với mọi hoàn cảnh". Câu này thiên về thao tác bình luận và có vẻ khó hơn. Ở vế sau của ý kiến, thí sinh phải chọn một thái độ đúng đắn: con người phải cống hiến hết mình, cũng biết hưởng thụ nhưng cũng phải quan tâm tới những cảnh đời bất hạnh xung quanh mình. Đôi lúc, chỉ nghĩ cống hiến và hy sinh chứ chưa nghĩ đến chuyện hưởng thụ. Ý kiến đó còn cho rằng, cần hưởng thụ tối đa trong mọi hoàn cảnh. Điều này chưa hẳn đúng vì trong những hoàn cảnh đặc biệt như chiến tranh, thiên tai... con người không nên quá quan tâm tới việc hưởng thụ cá nhân.

       Ở câu 3, cả hai đề đều yêu cầu phân tích, bình luận một tác phẩm trữ tình. Đề khối C bàn về tác phẩm Ai đã đặt tên cho dòng sông của Hoàng Phủ Ngọc Tường. Đề khối D bàn về bài thơ Đàn ghi ta của Lor - ca của Thanh Thảo. Trước đây, người ta thường yêu cầu thí sinh phân tích một hình tượng hoặc chứng minh một ý kiến đúng. Nay thì đưa ra hai ý kiến có vẻ trái ngược nhau để thí sinh chọn phương án trả lời. Như vậy là giảm bớt nạn học vẹt. Đề khối C đưa ra hai ý kiến: một là khẳng định vẻ đẹp cảnh quan thiên nhiên, hai là khẳng định vẻ đẹp văn hóa lịch sử của sông Hương. Thực ra, hai ý này không đối lập mà chỉ bổ sung những góc nhìn khác nhau về vẻ đẹp đa dạng của sông Hương. Câu 3 đề khối D khó hơn nhiều khi đưa ra hai ý kiến rất khó lựa chọn. Ý kiến 1 cho rằng Lor - ca là "mẫu nghệ sĩ - chiến sĩ, vì dấn thân tranh đấu cho dân chủ và tự do nên bị bọn phát xít hành hình". Trong chế độ phát xít, không có tự do nên những người đấu tranh cho dân chủ sẽ bị thủ tiêu. Ý kiến 2 cho rằng, Lor - ca là "mẫu nghệ sĩ thuần túy, chỉ đam mê cái đẹp và sáng tạo nghệ thuật nhưng bị giết hại oan khuất". Chế độ phát xít xem văn nghệ là vũ khí tuyên truyền chính trị nên loại "nghệ sĩ thuần túy", "nghệ thuật vị nghệ thuật" bị vứt bỏ. Nghĩa là, làm chính trị, đấu tranh cho dân chủ cũng chết, mà không làm chính trị, ẩn náu trong nghệ thuật cũng chết. Trong chế độ phát xít, không có con đường sống cho các văn nghệ sĩ chân chính. Bài Đàn ghi ta của Lor - ca thể hiện đầy đủ cả hai nghĩa trên theo tinh thần văn chương đa nghĩa của chủ nghĩa siêu thực.

     Nhìn chung, đề thi khối D có vẻ khó hơn đề khối C. Điều đáng buồn là trong đề thi khối C, cả ba câu đều quẩn quanh trong địa hạt văn chương nên ít có tính thực tiễn. Ngoài câu nghị luận xã hội, hai câu còn lại đều ra thơ, không có truyện, như vậy là thiếu cân đối. Nếu như đề thi tốt nghiệp THPT dẫn HS ra khỏi thành lũy văn chương để hội nhập vào thế giới hiện đại thì đề thi đại học lại dẫn HS quay về với mảnh vườn xưa yêu dấu. Bởi vậy, thí sinh mắc cái vòng lẩn quẩn như con kiến mà leo cành thông, leo phải cành gãy, leo ra leo vào.

PHẠM NGỌC HIỀN


Phamngochien.com - 01:22 - 11/07/2014 - Bài của Phạm Ngọc Hiền          

Gửi bình luận