Bạn thân (Võ Thị Hà - Nghệ An)

          Tôm, tên thật là Chân cũng nổi tiếng lắm. Tôi biết điều này trên face. Lũ em út thường nhắc đến "thầy Chân" chúng như một thầy giáo bá đạo khiến chúng mê tít. Mới đó mà chúng tôi học hết trung học, đại học rồi ra trường đi làm. Kể cũng lạ đời, một đứa vụng về như tôi thì làm công việc văn phòng yêu cầu sự tỉ mẩn, còn Tôm, một thầy giáo lãng tử đúng nghĩa, thoạt nhìn chẳng bói đâu ra một nét mô phạm.

          Tuổi thơ của tôi và Tôm gắn với tiếng trống trường, những buổi chơi bóng bàn ở sân chơi của trường và hàng tỷ lần trèo tường vào trộm xoài trộm nhãn trong vườn trường. Ai bảo nhà chúng tôi kế sau trường cấp ba, tôi lại cứ trùi trũi như con trai. Lớn lên da có trắng ra đôi chút nhưng tóc vẫn ngắn cũn, dáng người vẫn cứ lũn cũn, chẳng trổ giò, phổng phao như bạn cùng trang lứa. Cha mẹ mất sớm, từ nhỏ Tôm ở với bà nội. Theo định hướng của bác, vốn là một ông cốp khá to, Tôm theo học sư phạm, gần nhà, sau này có điều kiện chăm sóc bà. Tôi biết, với sức học của Tôm, mấy trường đỉnh cũng trong tầm tay, nhưng mà Tôm quyết định nhanh và nhẹ nhàng lắm. Vậy nên mới có thầy giáo bá đạo bây giờ.

          Nhà không mấy khá giả nhưng hai ba chị em tôi đùa đòi, đổ xô lên phố học. Cha mẹ tôi cũng là giáo viên cấp một nhưng lấy nhau muộn, sinh liền tù tì ba đứa, có chút vốn ông bà nội để lại, đời sống kinh tế có thể nói là tạm khá nhưng rồi nuôi chị em tôi ăn học cũng sa sút nhiều. Tôi vừa đi học vừa tranh thủ làm thêm. Hai thằng em thông minh nhưng ham chơi, tiền tiêu mấy cũng hết, lời khuyên nhủ của chị như gió thoảng qua tai. Ngoài cha mẹ tôi ra, may chỉ có Tôm mới khiến chúng "khuất phục". Xem ra, trong mắt mọi người, Tôm rất có uy. Thế mà trong mắt tôi, Tôm như con sâu cái kiến, "bị bắt nạt sai phái không khác gì nô lệ". Đấy là lời của thằng Bí, em trai tôi.

                                                          *********

Còn mẹ tôi, lần này tôi về, Tôm sang chơi, lại to nhỏ "Đừng chiều con Tép quá, nó sinh hư, con gái lớn đầu mà không khác gì mấy thằng oắt mới lớn. Sắp tới đi dạy rồi cứ giữ y nguyên cái bộ dạng này à? Đi xách tráp theo học mấy cô giáo cùng trường với thằng Tôm kìa. Nẫu cả ruột". Tôm chỉ cười "Trông cũng hay mà cô. Rồi sẽ bá đạo một vùng đấy". Bao giờ cũng vậy, Tôm chỉ thừa cơ chọc tức tôi. Buổi tối, vừa ăn cơm xong, nghe tiếng bước chân ngoài ngõ đã biết là của Tôm. Thằng Cò em tôi nhóp nhép lạc rang nhắm rượu của cha, cười khe khe "Anh chị lại cà phê bờ sông đấy hử? Có tâm sự thì vào quán, đông người đèn sáng, cấm có xách mâm ra ngồi trên bãi cỏ bia bọt nhá". Tôi chưa kịp phát vào vai, nó đã tưng tửng chạy "Chị thì sâu bia nổi tiếng giang hồ rồi nhưng còn thầy Chân thì vẫn phải giữ danh giá, thần tượng của đông đảo các cô giáo và nam thanh nữ tú trường cấp ba...". Thằng Cò chạy ra đến cổng, Tôm còn nhìn theo cười ra chừng hả dạ lắm.

Từ hồi cấp ba, tôi và Tôm đã biết uống bia, mà uống rất khá. Chúng tôi thường ngồi với nhau ở cái quán lá ngay gần lò luyện thi, cách nhà chừng chục cây. Chỗ đó trông ra một mặt hồ xao động, gió mát và trong lành. Từ hồi vào đại học, cũng là lúc quán bờ sông mở, cứ hễ về nhà, chúng tôi đều ới nhau ra quán. Sắp một đĩa nhắm, một ca uống nước bia hơi, vài ba chiếc bánh đa vào chiếc mâm nhựa nhỏ, chúng tôi hay ngồi xếp bằng trên manh chiếu nhỏ của chòi câu cá nhà gia chủ, vốn là một ông già dễ tính của quán lá gần lò luyện thi ngày xưa, rồi trông ra bờ sông gió mát. Như vậy, vừa thoải mái trò chuyện vừa tránh sự ngượng ngùng khi gặp người quen. Ở đó, tôi từng nằm gối đầu lên chân Tôm, khóc khi kể lại quá trình tan vỡ của mối tình trên phố. Những đêm trăng sáng, tôi thích câu cá, Tôm sẵn sàng bỏ tiền ra để thuê cần, mồi câu của ông già, trả tiền câu cá theo giờ chỉ để chiều chuộng sự dở hơi của tôi. Và nếu nóng bức quá, Tôm đạp xe đèo tôi qua mấy vòng cánh đồng trên chiếc xe đạp tự chế hễ chạy là đèn sáng, có cả chiếc giỏ lớn đằng trước và ghế đệm êm cho tôi ngồi. Lại có cả những lần dễ bảo, ngoan hiền khác thường, chúng tôi dòng một bóng đèn vàng ra nhành bưởi rũ xuống bể nước cũ của nhà Tôm, ngồi vắt vẻo trên ấy chơi phỏm đến khuya.

Lại nói về cái bể nước, nó có từ lâu lắm, nghe nói từ thời cụ nhà Tôm, vốn là một địa chủ xây nên. Từ bé, chúng tôi đã bắc thang lên bể, bày đủ trò trong cái khoảng không gian bằng phẳng mà chỉ cần nhìn hoa rụng, nhìn lên những vòm cây là biết đương là mùa nào trong năm. Bây giờ đang sắp là mùa hạ, hoa khế rụng li ti trên chiếc chiếu một mà tôi và Tôm đang ngồi. Nhìn tôi tần ngần, chẳng còn chú ý vào quân bài, Tôm gợi ý "Bia hơi đi". Tôi ngập ngừng "Bữa nay hơi lạnh". Tôm không nói gì, nhảy xuống bể, vào nhà lấy chiếc áo khoác len mỏng "Đi". Thấy tôi vẫn ngồi chòng chân xuống, Tôm giang hai tay ra, nhấc bổng tôi xuống.

Cuối tuần, quán đông hơn bình thường, chúng tôi chưa kịp định thần thì một nhóm người đã kéo Tôm lại "Tưởng bận gì, hóa ra là đi với cô em. Kiểu này là phải phạt". Tôi kịp nhận ra là mấy thầy cô giáo trẻ dạy cùng trường với Tôm. Mấy cô giáo nhìn tôi rất kỹ, cười khúc khích. Các cô mặc một kiểu váy liền, đi giày cao gót giống nhau, chỉ khác màu và tóc cũng đều uốn xoăn lọn to trông rất điệu đà. Có lẽ họ vừa đi chơi về và ghé qua đây. Tôi nhìn lại mình, quần short cũ càng, áo như vừa mượn được của thằng em, chân lệt bệt đôi tông ghẻ và tóc thì lởm chởm như phải gió. Tôi chỉ biết nhe răng ra cười.

                                      **********

Khi chúng tôi đã lại về ngồi trên bể nước. Trăng đã lên cao tầng trời. Bà nội Tôm đi giỗ ở quê ngoại chừng ba bốn hôm nữa mới về nên nhà càng vắng.  Tôi biết kiểu gì rồi cũng phải nói, mà Tôm phải là người phải được nghe trước nhất. Hôm qua, khi tôi về, ngồi đun bếp, mẹ còn nhỏ to "Nhìn là mẹ biết, thằng Tôm thương con là cái chắc. Cha mẹ cũng chỉ mong có thằng con rể như vậy". Tôi cố xoay chiếc nhẫn mới hơi chật chội quanh ngón tay giữa, muốn cất tiếng gọi Tôm. Chưa kịp mở miệng thì Tôm đã đu người lên thành bể, dúi vào tay tôi một túi giấy mềm mại. "Mai đi ăn cưới nhé, mặc cái này cho đẹp". Bên trong túi giấy là chiếc váy liền màu nude đậm có lớp voan mềm mại bao ngoài. Mải ngắm chiếc váy, lúc ngẩng mặt lên tôi mới hay Tôm đang mải mê nhìn mình, hay hơi bia làm tôi chuếnh choáng. Thầy giáo bá đạo của lũ học trò ham chơi hơn ham học lần đầu tiên làm tôi bối rối. Và tôi đã không thể động đậy nổi chân tay khi hai bàn tay Tôm ôm lấy mái tóc ngắn ngủn, nâng gương mặt tôi lên và đặt lên đó những cái hôn. Lúc ôm tôi trong tay, Tôm thì thầm "Hãy cứ đến thành phố mới và kết hôn với người ấy, nhưng ngày mai vẫn đi đám cưới nhé".

Tôi về nhà bằng lối đi sau vườn. Đèn đã tắt nhưng từ cửa sổ căn nhà nhỏ cha mẹ tôi xây riêng như dành một xứ sở cho hai thằng em, tiếng nói chuyện vẫn rì rầm. Tiếng thằng Cò "Chị Tép lấy anh Tôm là đẹp nhất. Năm trước không có anh Tôm bí mật dàn xếp vụ cá độ năm chục củ của anh thì đuổi học cái chắc". Tiếng thằng Bí "Ừ! Hai người đó cũng đẹp đôi. Chị Tép hơi luộm thuộm qua chuyện nhưng cũng tốt tính, đẹp gái ăn đứt mấy cô mê mệt anh Tôm". Tiếng thằng Cò "Mà anh Tôm là chúa nhát, có bao giờ dám thổ lộ đâu, nhưng cứ nhìn ánh mắt của người đang yêu là biết, vụ này phải hỏi chuyên gia tình yêu Cò quăm đây".

Tôi lặng người, chiếc nhẫn từ ngón giữa đã tháo ra từ lúc nào. Trăng phản chiếu lên màu vàng sáng, gương mặt của người tặng nhẫn hiện ra. Anh, người đàn ông ở thành phố ấy,  người hay cười, khiến bất cứ ai cũng dễ mềm lòng nhưng lại vô cùng cực đoan. Anh từng cười khẩy khi tôi nói rằng mình muốn về quê, theo nghề dạy học của cha mẹ, với tấm bằng đỏ và cơ hội đang đến. Anh có thực sự là hình mẫu người đàn ông mà tôi vẫn hằng kiếm tìm suốt những ngày qua. Sự ấm áp những nụ hôn của Tôm còn lưu lại trên gương mặt kéo tôi quay trở lại thực tại Rồi trong vô thức, tôi nhón chiếc nhẫn bằng hai ngón tay, thả nhẹ vào trong túi áo. Nhà trên, tiếng mẹ tôi rất nhẹ "Thằng Cò xem chị có ở bên nhà anh Tôm không, gọi về nghe điện thoại đi, réo từ hồi hôm tới giờ". Ánh đèn treo trên nhành bưởi vẫn tỏa ánh vàng. Tôi nhón gót chui rào sang nhà bên cạnh, còn nghe tiếng thằng em cằn nhằn "Mẹ buồn cười thật. Con mà sang lúc này, thể nào cũng bị anh Tôm đá đít...".

Võ Thị Hà

Xóm 2, xã Lăng Thành, Yên Thành, Nghệ An

Email: voha2303@gmail.com


Phamngochien.com - 02:40 - 01/11/2014 - Bài của văn nghệ sĩ          

Gửi bình luận