Bài học từ một người thầy (PGS. Nguyễn Ngọc Thiện)

BÀI HỌC VỀ TƯ DUY THỰC CHỨNG VÀ ĐỐI THOẠI 

TRONG NGHIÊN CỨU VĂN HỌC TỪ MỘT NGƯỜI THẦY

PGS.TS. Nguyễn Ngọc Thiện

Cựu sinh viên Văn khóa VIII (1963-1967),
Đại học Tổng hợp Hà Nội

Từ đầu những năm học ở Lớp Văn Khóa VIII (1963-1967), Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, chúng tôi đã có những kỷ niệm sâu sắc về Thầy Đinh Gia Khánh.

Trong năm học đầu, Thầy Khánh lúc đó bước vào bậc trung niên, xấp xỉ 40 tuổi, dáng cao, nhanh nhẹn, hoạt bát. Thầy dạy môn Văn học dân gian Việt Nam và tiếp đó môn Văn học viết Việt Nam thế kỷ X đến thế kỷ XV. Lúc này Thầy đã là tác giả của những bộ Giáo trình đầu tiên về Văn học dân gian Việt Nam (2 tập), Văn học cổ Việt Nam (2 tập), thuộc Tủ sách của Trường Đại học Tổng hợp; đồng thời là Chủ biên bộ Hợp tuyển thơ văn Việt Nam, Tập II, từ thế kỷ X - thế kỷ XVII, biên dịch Truyện thơ Nôm Thiên Nam ngữ lục ra tiếng Việt.

Một buổi chiều thu năm 1963, cách đây 50 năm, ngay trong tháng đầu năm học thứ nhất, Lớp tổ chức học ngoại khóa, mời Thầy đến nói chuyện về kinh nghiệm trên bước đường khoa học sớm có thành tựu của Thầy để chúng tôi, những lứa học trò hậu sinh mới bước vào nghề có thể theo đòi và học tập.

Hôm ấy Thầy đi chiếc xe máy hãng Mobillet của Pháp đến Hội trường rất đúng giờ, lúc đó cả Lớp đã tề tựu đông đủ hơn 100 học trò. Thầy bước lên bục gỗ mặt rạng rỡ, phấn khích, khoác ngoài chiếc áo bludong mỏng màu xám, trìu mến nhìn chúng tôi, nói với giọng nhanh, có lúc như lập bập, thỉnh thoảng lặp lại những từ vừa nói theo thói quen cũng là để nhấn mạnh ý tứ. Giọng Thầy lôi cuốn, truyền cảm, đã cho chúng tôi một bài học sinh động và cụ thể về việc phải có chí hướng và dũng cảm khắc phục khó khăn, trở ngại nhiều mặt để chuyên tâm nghiên cứu khoa học nhân văn. Theo Thầy, đã là nhà nghiên cứu chuyên nghiệp thì phải tâm huyết, chí thú với công việc chuyên môn mà mình theo đuổi. Thầy nhấn mạnh, điều căn cốt thuộc phẩm chất của người nghiên cứu là tạo lập một tư duy khách quan, thực chứng, "nói có sách, mách có chứng" như dân gian đã dạy. Phải trực tiếp đọc, xem, nghe, khảo chứng "thực mục sở thị" đối tượng nghiên cứu là tác phẩm văn học và những công trình mà thiên hạ đã bàn về tác phẩm ấy, vấn đề ấy trước mình, để từ đó khổ công hình thành, động não, vắt óc mình ra để nhen nhóm ý kiến riêng của mình góp vào. Trong đó nhà nghiên cứu phải phát huy bản lĩnh khoa học độc lập, dám phản biện, tranh luận với những ý kiến khác, bất luận họ đến từ đâu, đang ở vị trí nào, để xem xét lại, bảo vệ hay sửa chữa ý kiến của mình. Tất nhiên, Thầy lưu ý, cần trình bày ý kiến riêng sao cho dễ hiểu, giản dị và nhũn nhặn, tôn trọng đối tượng tranh luận - có như vậy mới có thể "tâm công" - nói như Nguyễn Trãi, người ta được, thuyết phục người khác được. Trong nghiên cứu, tự tin là cần nhưng phải hết sức tránh tự mãn, tự đắc và tự kỷ v.v...

Buổi nói chuyện liền một mạch không nghỉ của Thầy tuy không dài, chỉ chừng hơn một tiếng đồng hồ, nhưng đã gây ấn tượng sâu sắc với chúng tôi, những người còn non nớt đang chập chững bước vào nghề văn. Đó cũng là bài học nhập môn, đặt nền tảng cơ sở cho chúng tôi tham khảo, vận dụng thực thi vào công việc hàng ngày trong học tập và nghiên cứu khi ngồi trên ghế nhà trường cũng như sau này khi ra Trường.

Riêng tôi, từ đó nghe theo lời khuyên chí tình, chí lý của Thầy Đinh Gia Khánh và Thầy Chủ nhiệm Lớp Hà Minh Đức, trong suốt 4 năm học Đại học Văn khoa tôi xa lạ với kiểu học chay, học đối phó để thi lấy điểm, mà lao vào học thật, không bỏ sót một buổi nghe Thầy giảng trên lớp, dành thời gian tối đa cho tự học: đọc sách, khảo sát tư liệu, ghi chép tỉ mỉ thu hoạch của mình về tác gia, tác phẩm của từng môn học qua từng năm. Đồng thời, vẫn không quên mở rộng việc đọc tham khảo các bài viết, công trình đã bàn về vấn đề này, nhà văn ấy, tác phẩm nọ.

Do chuyên cần học tập theo lời khuyên của Thầy Khánh và Thầy Đức, các bài kiểm tra và thi môn học của chương trình học tập tôi đều đạt khá hoặc giỏi. Tôi được chọn vào Ban cán sự học tập của Lớp. Tôi nhớ có lần khi trả bài kiểm tra viết làm trên lớp về Nguyễn Du và Truyện Kiều, Thầy Khánh đã cho tôi điểm 5 duy nhất trong Lớp và đọc trên Lớp bài làm của tôi cho cả Lớp nghe chung, khiến tôi vừa cảm động vừa tự hào. Tôi càng tự nhắc nhở mình phải cố gắng chuyên cần hơn nữa, "thôi xao" hơn nữa và từ đó tôi cũng được hai Thầy quan tâm theo dõi và khích lệ từng bước trên đường học tập và nghiên cứu.

Học kỳ 2 năm học thứ tư, Thầy Đinh Gia Khánh nhận hướng dẫn tôi làm khóa luận tốt nghiệp với đề tài "Một vài nét trong quan điểm văn học của Lê Quý Đôn". Anh Nguyễn Phú Trọng cũng được Thầy hướng dẫn làm khóa luận tốt nghiệp với đề tài "Phong vị ca dao, dân ca trong thơ Tố Hữu".

Đề tài khóa luận tốt nghiệp của tôi thuộc chuyên ngành lý luận văn học, đây là một đề tài mới và khó.

Tôi có phần lo lắng về hướng triển khai đề tài, bởi lúc đó nghiên cứu Lê Quý Đôn ở phương diện văn hóa và văn học còn rất hiếm và tư liệu về tác phẩm, ý kiến của học giả họ Lê về mảng này còn chưa được dịch giới thiệu là mấy. Thầy Đinh Gia Khánh với tư cách là chuyên gia hàng đầu về văn học cổ Việt Nam, khẳng định Lê Quý Đôn là tác gia văn học quan trọng, nhà bác học về khoa học xã hội ở Việt Nam thế kỷ XVIII, ông có thể xem như là nhà lý luận văn học hàng đầu của văn học ta thời trung đại. Ngoài các công trình biên soạn và sáng tác thơ ca, những ý kiến bàn về văn học của ông tuy còn rải rác, nhưng độc đáo và sâu sắc. Cần sưu tầm, tập hợp đầy đủ các ý kiến đó lại, làm rõ những nét căn bản trong quan điểm văn học hàm súc của danh gia này, nếu làm tốt sẽ có đóng góp bước đầu, đáng quý vào việc khảo sát tư duy về văn học của Việt Nam từ thuở ban đầu nhưng đã rõ nét, và có thể tiến lên một bước cho thấy giữa xưa và nay, trên góc độ tư duy lý luận văn học, đã có sự kế thừa, tiếp nối và phát triển như thế nào.

Thầy Khánh chỉ dẫn tỉ mỉ cho tôi cách sưu tầm để không bỏ sót tư liệu về tác gia, tác phẩm trong quá khứ ở các thư viện công cộng và tư nhân; cách ghi fiche và phân loại các khía cạnh nội dung ý kiến để không bị trùng lặp; cách trình bày đầy đủ các yếu tố của đơn vị thư mục khi trích dẫn để tiện cho người đọc kiểm chứng và cách bố cục, triển khai logic tư duy của Luận văn sao cho chặt chẽ và sáng sủa, có sức thuyết phục.

Nghe theo lời chỉ dẫn kỹ càng của Thầy Khánh tôi như sáng ra, yên tâm và hăm hở lục tìm sách trong các thư viện lớn nhỏ ở Hà Nội và Thái Bình - quê hương ông, cuối cùng lên được một Thư mục gồm bài viết về tư tưởng văn học của Lê Quý Đôn (đến lúc đó mới chỉ có 1 bài của Trần Thanh Mại đăng trên Tạp san Nghiên cứu văn học của Việt Văn học, số 4 năm 1960) cùng không nhiều ý kiến của chính Lê Quý Đôn bàn về một số khía cạnh về nhà văn, tác phẩm và thể loại văn học cổ điển ngụ ở chương "Văn nghệ chí" trong tác phẩm Vân đài loại ngữ (bản dịch của Viện Sử học năm 1962). Ngoài ra có thể tham khảo thêm cách viết liệt truyện các nhân vật lịch sử, văn hóa của Lê Quý Đôn trong Đại Việt thống sử (tuy vậy bản dịch còn ở dạng viết tay, chưa được đánh máy, lưu tại thư viện khoa Sử học, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội).

Tôi còn may mắn được Thầy Khánh cho phép gặp nhiều lần trong quá trình viết khóa luận tại khu sơ tán thôn Tràng Dương, xã Vạn Thọ, huyện Đại Từ, tỉnh Bắc Thái.

Ngày đó, Thầy thường hẹn tôi đến gặp Thầy tại gian nhà dân mà Khoa đã mua để Thầy và các con nhỏ cùng người giúp việc trú ngụ.

Vì nôn nóng với bài vở mà tôi trót đến sớm hơn giờ hẹn, lúc Thầy đang dang dở công việc viết lách. Thấy vậy, Thầy bèn bảo tôi tạm dắt con gái lớn của Thầy vừa lên thăm Thầy và các em, là Đinh Thị Minh Hằng đi chơi. Nói là con gái lớn, nhưng Minh Hằng lúc đó chỉ chừng 8 - 9 tuổi là cùng; tôi dắt em ra bờ suối gần nhà trông em chơi một lát rồi dẫn về; lúc đó Thầy đã xong việc và hai Thầy trò ngồi trao đổi ý kiến về Luận văn lúc này đang vào đoạn kết.

Đến tận nhà Thầy ở nơi sơ tán, tôi tận mắt chứng kiến sự ngăn nắp việc nhà và tấm lòng yêu thương các con nhỏ của Thầy. Tuy có người giúp việc, nhưng lúc ngồi viết lách, Thầy vẫn dành thời gian làm những việc nhà như: chăm sóc dạy bảo các con học tập, tắm rửa cho các con nhỏ để chúng luôn sạch sẽ, mát mẻ...

Thời gian cứ trôi qua. Mấy tháng sau, khóa luận của tôi dài hơn 50 trang viết tay đã xong. Tôi kính chuyển lên để Thầy xem lại. Thầy sửa chữa vài chỗ trong diễn đạt để thể hiện chính xác ý tưởng của người viết và hài lòng bảo tôi chép lại sạch sẽ thành 3 bản - 1 bản nộp Nhà trường, một bản Thầy giữ và một bản lưu cho tôi (Hồi đó ở khu sơ tán việc đánh máy chữ Khóa luận - là bất khả thi, cho nên Nhà trường chấp nhận nộp quyển Khóa luận dưới dạng viết tay một mặt, nhưng yêu cầu phải dễ đọc và sạch sẽ).

Hôm bảo vệ Khóa luận, Thầy Khánh và Thầy Hà Minh Đức ngồi trong Hội đồng chấm Khóa Luận về đề tài Lý luận văn học và Văn học Việt Nam. Anh Nguyễn Phú Trọng và tôi lần lượt trình bày tóm tắt Khóa luận và trả lời các câu hỏi phản biện của Hội đồng. Chúng tôi trả lời trôi chảy, được đánh giá tốt, xếp điểm loại ưu. Sau này, anh Trọng có trích một đoạn trong Khóa luận của anh, bổ sung và hoàn thiện thành bài viết, được đăng trên Tạp chí Văn học số 11 năm 1968.

Chính là dựa vào kết quả điểm ưu của Khóa luận tốt nghiệp và kết quả học tập tốt trong 4 năm học, đặc biệt là năm học cuối của tôi  mà hai Thầy Đinh Gia Khánh và Hà Minh Đức đã bàn thống nhất ý kiến giới thiệu tôi là 1 trong 3 sinh viên năm thứ 4 Lớp Văn Khóa VIII (hai người kia là các anh Bùi Công Hùng, Huỳnh Vân), sau tốt nghiệp về Viện Văn học làm cán bộ nghiên cứu, khi đồng chí cán bộ tổ chức của cơ quan này đến tận nơi sơ tán của Khoa Ngữ Văn xin ý kiến của Khoa về sinh viên trẻ vừa tốt nghiệp ít nhiều có năng lực nghiên cứu để Viện tiếp nhận, bổ sung vào đội ngũ cán bộ của Viện.

Tôi không bao giờ quên ơn 2 Thầy đã tiến cử tôi với Viện Văn học, vì quả thật về cơ quan nghiên cứu hàng đầu của miền Bắc lúc đó, tôi đã phát huy sở trường nghiên cứu của mình về lý luận văn học và gắn bó với Viện suốt gần 40 năm, trở thành nhà nghiên cứu văn học chuyên nghiệp với ít nhiều đóng góp trong nghiên cứu và đào tạo Sau đại học trên lĩnh vực lý luận văn học và văn học Việt Nam hiện đại.

Sau này, tôi còn nhiều dịp gặp gỡ lại Thầy Đinh Gia Khánh, nhất là khi Thầy được chuyển công tác từ Khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội về làm Viện trưởng Viện nghiên cứu văn hóa dân gian, thuộc Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn quốc gia. Hàng tuần Thầy trò vẫn gặp nhau ở trụ sở 20 Lý Thái tổ, Hà Nội: cơ quan Thầy lúc mới thành lập tạm bố trí tại phòng họp lớn trên gác 2, còn phòng làm việc của chúng tôi ở dưới tầng 1. Thầy luôn hỏi tôi về nghiên cứu, viết lách, công trình ra sao, thúc giục tôi phải "tăng tốc" hơn nữa để bù vào 5 năm do đi làm nghĩa vụ quân sự theo lệnh tổng động viên thời chiến, việc nghiên cứu bị gián đoạn. Thầy nhắc nhở tôi cần sớm ổn định chỗ ở của gia đình (tôi vừa cưới vợ, nhưng cơ quan có khó khăn về chỗ ở, nên chúng tôi mỗi người ở một nơi) để tập trung sức lực cho nghiên cứu khoa học...

Rồi cơ quan Thầy chuyển về 27 Trần Xuân Soạn, với trụ sở đàng hoàng, rộng rãi, bề thế; còn tôi được cử tuyển đi học nghiên cứu sinh tại CHDC Đức. Sang nước bạn ở trời Âu học tập và nghiên cứu, nhìn lại tôi mới thấm thía hơn những lời dạy của Thầy Đinh Gia Khánh và Thầy Hà Minh Đức về tinh thần và phương pháp làm việc khách quan, thực chứng, không ngại tranh biện để phát huy dân chủ trong học thuật - đó là những điều từ lâu ở các nước phương Tây có nền khoa học phát triển sớm hơn ở ta, họ đã thực hành thành nếp. Tôi nhanh chóng nhập vào công việc nghiên cứu khoa học ở nước bạn và sau 4 năm hoàn thành việc học tập của nghiên cứu sinh, viết và bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ chuyên ngành về Lý luận văn học, lại trở về Viện Văn học tiếp tục làm việc ở Phòng chuyên môn cũ.

Lúc này trên cương vị mới, tôi vừa làm Phó Trưởng Ban lý luận văn học, vừa kiêm nhiệm công tác đào tạo Sau Đại học của Viện. Con gái lớn của Thầy - Đinh Thị Minh Hằng - sau khi tốt nghiệp Văn khoa Đại học Tổng hợp Hà Nội đã về công tác tại Ban Lý luận, là đồng nghiệp của tôi, một thời gian sau làm nghiên cứu sinh trong nước tại cơ sở đào tạo Viện Văn học. Thầy Đinh Gia Khánh gặp anh Nguyễn Phúc - Trưởng Ban và tôi - Phó Ban Lý luận, ủy thác cho Ban Lý luận trách nhiệm giúp đỡ Minh Hằng làm quen với công việc của nghiên cứu sinh, để ngày một trưởng thành. Chúng tôi hứa với Thầy sẽ không phụ lời Thầy ủy thác, tin cậy. Luận án tiến sĩ của Minh Hằng, theo gợi ý của Thầy Đinh Gia Khánh, được GS.TS. Phương Lựu hướng dẫn, có nhan đề Lê Quý Đôn trên tiến trình ý thức văn học dân tộc. Lúc Minh Hằng bảo vệ Luận án, tôi có tên trong danh sách Hội đồng chấm, làm ủy viên Thư ký. Luận án bảo vệ thành công, sau đó được nhà xuất bản Khoa học xã hội chọn in thành sách năm 1996. Thật không phải ngẫu nhiên mà đề tài khóa luận tốt nghiệp Đại học của tôi do Thầy Khánh hướng dẫn và đề tài Luận án tiến sĩ của Đinh Thị Minh Hằng do Thầy gợi ý chọn, lại có sự tiếp nối và mở rộng trong nghiên cứu về tư duy lý luận của một tác gia văn học lớn thời trung đại là Lê Quý Đôn. Thầy Đinh Gia Khánh đã sớm nhận ra tầm vóc của nhà lý luận văn học kiệt xuất thời trung đại ở ta và ông kiên trì dẫn dắt các học trò của ông đi theo hướng ấy.

Giờ đây Thầy Đinh Gia Khánh đã đi xa tròn 10 năm! Nhớ lại trước lúc Thầy mất, gia đình rước Thầy vào Khoa hồi sức cấp cứu Bệnh viện Hữu Nghị Hà Nội, có những phương tiện kỹ thuật y học hiện đại, để tiện cho việc khôi phục sức khỏe của Thầy. Anh em trong Ban Lý luận Viện Văn học - nơi Minh Hằng con gái Thầy công tác - phần lớn là học trò cũ của Thầy hồi Thầy dạy ở khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội, lo lắng về sức khỏe của Thầy khi thấy Thầy vẫn phải truyền oxy để duy trì việc hô hấp. Thầy và các học trò cũ nhìn nhau, cầm tay nhau thật chặt mà không nói được gì - nhưng nhìn vào mắt Thầy, chúng tôi thấy ánh lên vẻ toại nguyện và thanh thản. Có lẽ Thầy không hối tiếc gì về cuộc đời cống hiến trọn vẹn cho nghiên cứu về văn học dân gian và văn học viết Việt Nam thời trung đại mà Thầy là một trong những người đứng ở vị trí hàng đầu; có lẽ Thầy cũng yên tâm và hài lòng về sự trưởng thành của các con mình, các học trò mà Thầy đã dày công chăm chút đào tạo, bảo ban.

Biết ơn người Thầy tôn kính, trong cuốn sách Người văn - Nghĩ và Sống mới xuất bản tháng 9 năm nay, nhân kỷ niệm 50 năm tựu trường Đại học Tổng hợp Hà Nội của Lớp Văn khóa VIII, cũng là kỷ niệm 10 năm mất của Thầy Đinh Gia Khánh, chúng tôi đã trân trọng xếp những trang di ảnh của Thầy và bài viết về Thầy của các anh Trần Nho Thìn và Phạm Văn Hưng cùng với chân dung và bài viết của các Thầy khác, về các Thầy khác đã từng dạy dỗ chúng tôi trong 4 năm ở bậc Đại học vào phần đầu của sách. Chúng tôi trân trọng bày tỏ lòng tri ân của một thế hệ học trò đối với các Thầy, những bậc sư biểu đã luôn luôn tận tình bên cạnh, dìu dắt, chỉ bảo chúng tôi trong học hành, giữ gìn tình bạn bè đồng môn thủy chung, tạo lập danh phận đàng hoàng, đầy đặn việc nhà, trọn vẹn việc nước, đề cao Đạo Thầy trò, Đạo làm người hữu ích cho xã hội.

50 năm trôi qua - những lời tâm huyết Thầy Đinh Gia Khánh truyền dạy cho chúng tôi trong buổi nói chuyện thân tình ấy luôn nhắc nhở chúng tôi cách nghĩ, nếp làm việc trung thực, khách quan, tận hiến cho khoa học ngữ văn mà Thầy là một tấm gương sáng đẹp - rực rỡ!

 Hà Nội, tháng X năm 2013

.


Phamngochien.com - 17:03 - 15/11/2013 - Bài của văn nghệ sĩ          

Gửi bình luận