Bài hát ba miền của ba nhạc sĩ quê Phú Yên (Lê Ngọc Thạnh)

Tác giả bài viết và TS. Nguyễn Xuân Đàm, nguyên giám đốc Sở GD và ĐT Phú Yên

Tôi sinh ra trên vùng đất có cánh đồng lúa mỏi cánh cò bay, vào mùa gặt sáng rực một màu vàng như rải thảm. Lớn lên một tí rồi tôi đi biền biệt, lâu lâu mới về nhà đôi lần. Tự trách, mình chưa biết mấy về nơi chôn nhau cắt rốn, nên sau này, tôi cố đọc, cố xem khi nghe ai đó có thông tin về quê mình. Lần lại những sự kiện rời rạc qua câu chuyện, và tôi chỉ là người sắp xếp lại các dữ liệu về bài hát ba miền của ba nhạc sĩ quê hương Phú Yên mà tôi rất đỗi tự hào...

1. Những năm hai ngàn của thế kỷ trước, tôi có dịp từ Tây Nguyên ra Hà Nội học. Đi tàu lửa thì khỏe, nhưng phải về ga Nha Trang, hoặc ga Tuy Hòa mua vé, khi được khi không, và tốn thời gian hơn, vì mất hơn một ngày từ phố "bụi" về ga cả đi và chờ tàu. Đi máy bay thì tốt rồi, nhưng không dám nghĩ đến thường xuyên, vì thời đó, chưa có hàng không giá rẻ. Do vậy, thuận tiện nhất vẫn là đi xe đò. Khổ nỗi, chưa có xe chất lượng cao, nên cứ mỗi lần đi học là tôi phải chuẩn bị hàng loạt thuốc đặc trị hệ tiêu hóa, đề phòng những bất trắc trên đường khi dừng chân ở một số quán ăn. Nỗi ám ảnh ấy, đến bây giờ nhớ lại, vẫn cứ sờ sợ thế nào đấy. Sau này, khi hành khách được lên ngôi theo đúng nghĩa của nó, được chăm sóc cẩn thận, sáng đi, trưa ăn cơm Trà Bá của "phố núi", chiều ngắm biển Lăng Cô thưởng thức các món hải sản, chấm thịt ba chỉ với mắm Huế thì không phải bàn thêm điều gì.

Nhạc sĩ Nhật Lai

Hành trình từ nhà tôi đến Hà Nội thường mất đến hai tư giờ, sáng hôm nay khởi hành thì sáng mai mới đến nơi. Ngủ gà ngủ gật từ Huế ra, chớp chớp dụi mắt, ánh sáng mờ mờ, ưng ửng chiếu vào cửa xe thì cũng là lúc bài hát "Tỉnh ca" của Hà Tây: Hà Tây quê lụa vang lên từ hệ thống loa công cộng, nghe rất đỗi tự hào và cũng đầy chất hùng tráng. Có lẽ, bài học về lịch sử, địa lý của tôi về vùng đất "cửa ngõ thủ đô" - phên dậu của kinh thành xưa như cách ví von của một số nhà sử học bắt đầu từ những địa danh, sản vật, con người của bài hát: Sữa trắng Ba Vì, Thóc vàng Khu Cháy, Sông Tích, Sông Đà, Cô gái suối Hai, Chàng trai cầu Giẽ, Cô gái Đan Phượng đảm đang. Sau này, không hiểu có phải vì thế hay chăng, mà tôi đi dọc Quốc lộ 32, rồi Quốc lộ 6, đại lộ Thăng Long... để lần theo những địa danh ấy, và biết thêm một tí về vùng đất văn vật nổi tiếng của xứ sở Hai Vua.

Bài hát hay đến vậy, nhưng tôi cũng chẳng để ý của tác giả nào. Đến vài năm sau, huyện nhà quê tôi chuẩn bị cho việc chia tách, để thị xã Tuy Hòa lên thành phố, tôi mới tìm hiểu nhà thơ Nguyễn Mỹ với "Cuộc chia ly màu đỏ" nổi tiếng, để đề nghị đặt tên đường. Lúc đó, tôi mới biết, tác giả bài hát trên là của nhạc sĩ Nhật Lai, anh ruột của nhà thơ Nguyễn Mỹ, người Tuy An, Phú Yên quê mình.

Bài hát ra đời trong bối cảnh những năm tháng chiến tranh, gắn liền với sự kiện tỉnh Hà Tây vừa được thành lập và là hành trang, niềm tự hào của bao thế hệ thanh niên lên đường ra trận. Niềm tự hào ấy như được lan truyền sang tôi, là người con cùng quê của nhạc sĩ Nhật Lai, người đã dùng ca từ và giai điệu mượt mà, tô đẹp thêm xứ sở đầy truyền thống văn hóa của vùng đệm kinh thành xưa.

Nhạc sĩ Trương Tuyết Mai

2. Tôi nhớ vào năm cuối đại học, lớp tôi dàn dựng tiết mục hát múa "Huế tình yêu của tôi" của nhạc sĩ Trương Tuyết Mai. Thời ấy, phương tiện truyền thông không như bây giờ, máy móc thiết bị chưa sẵn, nên các chương trình ca nhạc chủ yếu được chúng tôi tiếp nhận qua hệ thống đài phát thanh. Nghe bài hát mới để cảm nhận giai điệu xong, chúng tôi phải đi tìm nhạc, thường là trên các báo trung ương. Lại tự xướng âm, đánh nhịp bằng cách chơi đàn ghita, rồi tập hát cho thành thục, cảm thụ được cái hồn của bài hát, xong mới dàn dựng lại cho các bạn trong lớp. Quy trình kể ra nghe đơn giản, nhưng đối với dân không chuyên như chúng tôi thì thật là vất vả, và tốn kém thời gian.

Phương tiện hỗ trợ hạn chế là vậy, nhưng có cái hay là không phải ai cũng biết bài hát mới này. Các ca sĩ không chuyên của lớp tôi tuy hát không đặc sắc, nhưng cái được là đội múa tốt, làm nền và tôn giọng ca lên, nên cũng thường được giải. Sau này, tôi mới biết, bài hát ra đời trong bối cảnh, xứ sở thần kinh vừa trải qua cơn bão dữ dội của năm 1985, là nguồn cảm xúc cho sự ra đời bài thơ của nhà báo Đỗ Thị Ngân Bình. Bắt được tứ ấy, nhạc sĩ Trương Tuyết Mai đã sáng tác nên bài hát để đời về đất Huế, tuy chưa được ví von là "Thành phố ca" như "Hà Tây quê lụa", nhưng cũng đã ghi dấu ấn những bài hát hay về Huế, và sức lan tỏa của nó không chỉ dừng lại ở vùng đất hình chữ S nữa, mà đã vượt đại dương ngân vang đến nhiều vùng miền xa lạ.

Lại bất ngờ nữa đến với tôi, sau khi đất nước mở cửa, phương tiện truyền thông phát triển, qua tìm hiểu tôi mới biết, nhạc sĩ Trương Tuyết Mai là người con của vùng đất cực bắc tỉnh Phú Yên: huyện Sông Cầu - một địa danh nổi tiếng với nhiều bãi biển đẹp còn hoang sơ mới phát hiện sau khi hai tỉnh Bình Định và Phú Yên đầu tư xây dựng cầu Bình - Phú, nhất là đối với những ai một lần dừng chân lại ăn cơm ở đây với các món ăn hải sản ngon bổ rẻ, theo đúng nghĩa của nó.

3. Đến giờ này, tôi cũng không nhớ được, là mình biết bài hát "Ru lại câu hò" vào thời gian nào nữa. Chỉ nhớ rằng, giai điệu, ca từ và đặc biệt là chất Nam bộ trong đó đã làm tôi say mê, và cứ thầm nghĩ, tác giả bài hát chắc là người miền Nam, và phải là người lớn tuổi, vì độ sâu sắc trong ca từ thể hiện. Bài hát như một câu chuyện buồn, câu chuyện của nhân vật chính: chị Hai. Có thể nói, về đề tài này trong âm nhạc đã được nhiều tác giả khai thác với nhiều góc cạnh khác nhau như Chị tôi của Trần Tiến, hay Chị tôi của Trọng Đài, nhưng chưa thấy hình ảnh nàng "Tô Thị" nào buồn đau như chị Hai Nam bộ. Một người phụ nữ âm thầm chịu đựng những mất mát trong đời sống tình cảm của mình ở vùng sông nước này. Hoài niệm về một thời kỳ hạnh phúc, chị mòn mỏi, trông đợi con đò gắn với người xưa đến nỗi phai phôi màu tóc. Giận lắm là vậy, nhưng:

"Một hôm bão tố mưa dầm ướt con đò xưa.
Lòng nghe buốt giá con đò bỗng quay về đây.
Thấy người xưa kia gặp không may.
Thương lòng chị hai trào nước mắt.
Giận lắm cũng đành ru lại câu hò thủy chung.".

Và tình yêu của tôi với bài hát cũng chỉ dừng lại ở những thông tin đến thế. Bỗng một hôm, về quê mình, biết tôi đam mê văn học nghệ thuật, bạn bè mới tặng một số ấn phẩm, ca khúc có liên quan đến Phú Yên, trong đó có bài hát "Vơi bớt nhọc nhằn" của Vũ Quốc Việt. Qua chuyện trò, mới biết, hóa ra, Việt còn khá trẻ so với sự nghiệp âm nhạc đầy đặn của mình. Càng trẻ hơn so với ca từ anh ấy đã thể hiện trong một số nhạc phẩm và "Ru lại câu hò" là một trường hợp như vậy. Lại càng xúc động hơn, khi biết, Việt cũng sinh ra và lớn lên từ "Thành phố rạng rỡ phía mặt trời"[1] - Tuy Hòa của chúng tôi.

Nhạc sĩ Vũ Quốc Việt và công chúng mến mộ

Xâu chuỗi lại các nhân vật - sự kiện mới thấy, càng yêu thương hơn, tự hào hơn về vùng đất quê mình. Ba nhạc sĩ, quê ở ba nơi dọc theo vùng biển Phú Yên, cùng có những ca khúc nổi tiếng ở ba miền đất nước, đạt ở tầm như là "tỉnh ca", thành phố ca", "miền ca". Nhạc sĩ Nhật Lai đi xa đã lâu, còn lại hai nhạc sĩ: Trương Tuyết Mai, Vũ Quốc Việt vẫn còn hoạt động trên lĩnh vực âm nhạc. Tôi thầm ước ao, có dịp được gặp họ để trân trọng và chiêm ngưỡng bởi họ đã làm cho Phú Yên quê mình gần hơn trong lòng bè bạn cả nước.

4. Hôm mười sáu tháng giêng Giáp Ngọ năm nay, lần đầu tiên tôi được tham dự ngày hội của những người con Phú Yên trên đất Sài Gòn. Đầy đủ các thế hệ, những mái đầu đã bạc, còn đang làm việc và đông nhất vẫn là các em sinh viên. Chương trình gặp gỡ tương đối đầy đặn, với sự tham gia chủ công của Nhà hát Sao Biển đến từ quê, cùng các ca khúc, điệu hò mang đậm chất dân ca của tỉnh nhà. Và đây cũng là dịp để NSƯT, nhạc sĩ Cao Hữu Nhạc giới thiệu một số sáng tác "nẫu mình", trong đó có bài hát gây ấn tượng với tôi là "Tuy Hòa thành phố phía mặt trời". Rồi, anh Trần Quang Nhất, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao đổi về tình hình phát triển kinh tế xã hội năm qua.

Cả hội trường như lặng im khi MC giới thiệu nhạc sĩ Trương Tuyết Mai trình bày một số ca khúc của mình. Vẫn giọng nói nhỏ nhẹ, ấm áp, như trải lòng theo câu hát, và không ai nghĩ cô đã ở tuổi cổ lai hi. Đến muộn một tí, nhưng lại là người khuấy động, làm nóng cả sân khấu là nhạc sĩ, ca sĩ Vũ Quốc Việt, với một số bài hát quen thuộc của mình, của người như: Hát lên đi, Ngọn lửa cao nguyên,...Tôi như hòa vào ca từ, giai điệu khi sôi nổi, lúc mượt mà, trong không khí ấm áp của những ngày đầu xuân. Đâu đây, như thấy cả mùa xuân quê mình ẩn hiện trong từng khuôn mặt rạng rỡ của những người con quê hương đất Phú.

Mới đấy, mà tiết trời đã chuyển sang đông, chuẩn bị đón một năm mới. Tôi lại mong đợi cuộc họp mặt thường niên để gặp lại những khuôn mặt cũ, mới, cùng ôn lại nơi gắn bó một thời của những năm tháng đẹp nhất đời mình, để dặn lòng mình, "Yêu lắm quê mình" để "Vơi bớt nhọc nhằn", và nhớ về "Tuy Hòa chín nhớ mười thương"[2].

Cảm ơn những người con quê hương đã làm cầu nối để tôi cùng bao người gắn bó với những vùng đất của cả ba miền đất nước: Hà Tây quê lụa, Huế - tình yêu của tôi và Ru lại câu hò. Cảm ơn quê hương Sông Cầu, Tuy An, Tuy Hòa đã nuôi dưỡng những tâm hồn của các nhạc sĩ biết yêu quê mình, và cũng biết điểm tô làm đẹp thêm quê hương bè bạn, để Phú Yên hòa cùng với cả nước, và cả nước cũng vì vùng đất gian khổ, "nút thắt" của miền Trung - nơi làm điểm trấn biên cho cả hai thời kỳ: phong kiến và cả giai đoạn chín năm kháng chiến, để Phú Yên cất cánh đi lên cùng cả nước.

Viết xong bản thảo lúc 19.27' ngày 30/10/2014


[1] Tên chương trình nghệ thuật đón chào sự kiện Tuy Hòa lên đô thị loại II .

[2] Tên những bài hát về Phú Yên.

 

Cao Huu Nhac - (vào lúc: 10:10 - 10-27-2015)
Sáng nay rất tình cờ, đoc bài viết của bạn, mình rất thích, qua bài viết mình thấy tác giả hiểu sâu rộng về Văn học Nghệ thuật, mình nghĩ là bạn nên gởi bài viết này về báo Phú Yên hay tạp chí Văn nghệ Phú Yên để nhiều người cùng chi sẻ. Rất mong bài viết mới của Bạn về Phú Yên.
NSUT Cao Hữu Nhạc (GĐ Nhà hát Sao Biển)

Phamngochien.com - 08:41 - 01/01/2015 - Bài của văn nghệ sĩ          

Gửi bình luận