VIỆT NAM CÓ "HÓA HỔ" TRONG NĂM "DẦN" ? (Trần Anh Tuấn)

      Sau gần 30 năm Đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu về Kinh tế, Văn hóa, Xã hội,.. rất ấn tượng. Điều đó đảm bảo cho chúng ta có một niềm tin vững chắc vào tương lại phát triển của đất nước. Tuy nhiên, để Việt Nam trở thành một con hổ của Châu Á thì dân tộc Việt Nam còn phải cố gắng rất nhiều. Vấn đề cơ bản là ngoài việc chúng ta có một hệ thống chính trị ổn định, vững chắc, dân chủ còn phải có một nền giáo dục tiến bộ, đủ sức định hướng, dẫn dắt xã hội tiến lên trong thế giới hiện đại.

      Điều đầu tiên và cũng là duy nhất phải nói tới đó là tư duy trong giáo dục. Vì giáo dục là sự tái tạo tri thức, truyền thống dân tộc cùng tinh hoa văn hóa nhân loại nên giáo dục cũng phản ánh tư duy của dân tộc. Việt Nam ta có ngàn năm văn hiến, có truyền thống bất khuất, không quản ngại khó khăn, có sức sáng tạo vô cùng lớn cả trong thời chiến lẫn thời bình,... Đây vừa là tiền đề, vừa là kết quả cho tư duy trong suốt chiều dài lịch sử từ khi hình thành dân tộc cho đến nay.

      Một con hổ sẽ luôn có tư thế kiêu hãnh của một vị chúa sơn lâm chứ không thể bàng quan, ngơ ngác như hươu nai được. Nếu nói dân tộc Việt Nam có tâm thế của một con hổ thì con hổ ấy đang gặp vấn đề về phương pháp tư duy. Vấn đề ấy thuộc về năng lực của giáo dục trước những biến đổi mới, thời cơ mới. Hệ thống giáo dục của chúng ta dù sao cũng là sản phẩm pha trộn giữa Khổng giáo và Tây học. Nền Nho học đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình một cách xuất sắc vì đã củng cố, duy trì và khơi dậy lòng yêu nước, nghĩa vua tôi, đạo vợ chồng, tình cha con, anh em, tinh thần cầu tiến, hiếu học,..v..v...Tuy nhiên, thành tựu giáo dục của giai đoạn trung cổ này không còn thích hợp với thế giới hiện đại nữa bởi nó đề cao phép tắc một cách cứng nhắc, chân lý hóa lời dạy của người có vai vế trên, có nghĩa là ngăn cản đáng kể trí tò mò, suy nghĩ trái chiều và năng lực sáng tạo của cá nhân.

      Phát huy tính tích cực của Nho giáo, gạt bỏ những yếu tố không còn giá trị của Nho giáo trong thời đại ngày nay, tiếp thu có chọn lọc và hoàn chỉnh những mô hình giáo dục thành công trên thế giới, đặc biệt đề cao sự chủ động, sáng tạo và tự do phản biện trong giáo dục nghĩa là góp phần quan trọng khơi mở một phương pháp tư duy hiệu quả hơn... Chúng ta không "Đổi mới tư duy" mà "Thay đổi phương pháp tư duy". Tin rằng từ đây, chúng ta sẽ có những chuyển biến kỳ diệu trong giáo dục. Mà đương nhiên, bất cứ sự chuyển biến kỳ diệu nào từ giáo dục cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng tạo nên những bước nhảy thần thánh của dân tộc trong thế kỷ XXI và còn xa hơn nữa...

      Hơn nửa thế kỷ từ sau ngày Bác Hồ gửi thư cho thiếu nhi cả nước, đến nay, một số lĩnh vực chúng ta đã tự hào "...Sánh vai với các cường quốc năm châu...", tuy nhiên, với Giáo dục thì chưa... Giải được bài toán Giáo dục, chúng ta có cơ sở để tin rằng: Việt Nam sẽ "hóa Hổ" trong nay mai.

      Mùa xuân đang đến, xuân Canh Dần rồi Việt Nam ơi!....

 

                                                                                         Trần Anh Tuấn

(SV khoa Giáo dục học, ĐH KHXH & NV TP.HCM)

 


Phamngochien.com - 20:59 - 10/02/2010 - Bài của văn nghệ sĩ          

Gửi bình luận