Về một số từ trong Truyện Kiều của Hội Kiều Học (Nguyễn Huy Việt - Cộng hòa Séc)


Về một số từ trong Truyện Kiều của Hội Kiều Học, N
hà xuất bản Trẻ, 2020


Vừa qua, nhân dịp kỷ niệm 250 năm ngày sinh của Đại thi hào dân tộc Nguyễn Du, Hội Kiều học Việt Nam cho xuất bản Truyện Kiều do ban Văn bản Truyện Kiều của Hội hiệu khảo và chú giải. Đây là bản Kiều mới nhất cho đến nay với sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu nổi tiếng trong lĩnh vực văn học, văn hóa và thi ca. Do đó, đây là một bản Truyện Kiều mới rất có giá trị và sẽ có nhiều sự đồng thuận trong giới bạn đọc yêu thích Truyện Kiều của Nguyễn Du. Tuy nhiên, vì cho đến nay chưa phát hiện bản thảo nào của chính tác giả, hay bút tích nào của Nguyễn Du về Truyện Kiều, nên việc phục dựng nguyên tác của Truyện Kiều là điều không thể. Cho đến nay đã có lưu hành rất nhiều bản Kiều khác nhau với hàng trăm lần xuất bản. Theo tôi, mỗi bản Kiều phổ biến đều đáng quý và có giá trị riêng ở nhiều mức độ khác nhau, nhưng chắc chắn rằng không thể có bản Kiều nào có thể có giá trị tuyệt đối và được độc tôn.

Trên tinh thần đó, tôi cũng rất hoan nghênh, đón nhận và đánh giá rất cao bản Kiều của Hội Kiều học Việt Nam do Nhà xuất bản Trẻ in lần thứ sáu này. Với tư cách là người thuộc lòng Truyện Kiều và biết khá nhiều những bản Kiều phổ biến rộng rãi cho quảng đại bạn đọc trong cả nước, tôi chỉ xin góp một vài ý kiến riêng về một số từ dùng trong bản Kiều này mà thôi. Đó là những từ tôi muốn góp ý để sửa chứ không phải là một lỗi nào của cuốn sách.

Câu 92: Sẵn  đây ta kiếm một vài nén hương. Trong câu này có một số bản Kiều dùng chữ thắp thay chữ kiếm. Tôi nhớ rất rõ, cố nhà thơ Xuân Diệu trong một buổi bình Kiều vào khoảng năm 1977 tại phòng đọc thư viện Ủy Ban khoa học xã hội, 26 Lý Thương Kiệt, Hà Nội, rất cổ xúy cho từ thắp, vì nhà thơ nói, đã sẵn đây rồi sao lại còn phải kiếm chi. Vả lại, như thế là không đàng hoàng. Ba chị em Kiều đi tảo mộ ắt có hương mang theo. Vậy nên phải là: Sẵn đây ta thắp một vài nén hương.

Câu 877: Hổ sinh ra phận tơ đào. Hầu hết các bản kiều phổ biến đều dùng chữ thơ, không dùng chữ tơ. Sao đây lại dùng chữ tơ, cũng không có chú giải hay giải thích gì?

Câu 1121: Lối mòn cỏ lợt màu sương. Hiếm có bản Kiều dùng chữ lợt, mà dùng chữ nhợt, cũng là đồng nghĩa thôi, nhưng tôi nghĩ nên để chữ nhợt đã được dùng phổ biến.

Câu 1971 phải là "Liệu mà xa chạy cao bay" chứ không là "cao chạy ...".

Câu 1982, Tiểu thư đâu đã gót hoa bước vào. Sao lại dùng chữ gót mà không dùng chữ rẽ mà cũng không có giải thích. Câu này theo tôi nên là: Tiểu thư đâu đã rẽ hoa bước vào, như thông thường.

Câu 2232 phổ biến là: Đêm thâu đằng đẵng, nhặt cài then mây. Ổn rồi,  sao đây lại là: Đêm thâu đằng đẵng, ngày cài then mây, làm gì ?

Câu 2260 thông thường phổ biến là: Đồng thanh cùng gửi: Nào là phu nhân? Sao đây lại là: Đồng thanh cùng dạ:  Nào là phu nhân, mà không có giải thích vì sao dùng chữ dạ này, theo nguồn nào?

Câu 2297, Nghiêm quân tuyển tướng sẵn sàng. Chữ tuyển đã dùng rất phổ biến và ổn rồi, sao không dùng mà lại dùng chữ chọn thay vào?

Câu 2357 thông thường phổ biến là: Thoạt trông nàng đã chào thưa, nên theo. Sao đây lại là: Thoạt trông nàng đã chào sơ. Cũng không có giải thích, chú giải hay dẫn nguồn chữ sơ ?

Câu 2569, ở đây là: Một cung gió tủi mưa sầu, tôi cho rằng "Một cung gió thảm mưa sầu" hay hơn và quen hơn nhiều đối với bạn đọc và cũng phổ biến hơn nhiều, nên theo.

Cũng giống như trên, câu 2806, Lửa phiền càng dập càng khêu mối phiền, hay hơn và phổ biến hơn nhiều so với ở đây: Lửa phiền khôn dập càng khêu mối phiền.

Câu 2934 ở đây là: Mảnh gương còn đó phím đàn còn đây. Đọc, tôi không liên tưởng được đến một mảnh gương vở nào hay một cái gương nhỏ nào cả. Các bản Kiều phổ biến đều in câu này là: Mảnh hương còn đó phím đàn còn đây. Mảnh hương ở đây chính là những mảnh gỗ thơm đã đốt dở trong cuộc thề nguyền của Kim, Kiều, cũng đã được nói tới trong câu 740 là: Phím đàn với mảnh hương nguyền ngày xưa. Tuy sách có in trích nguồn của bản Liễu Văn Đường và Kiều Oánh Mậu, nhưng nếu lấy hai bản ấy làm chuẩn và bắt buộc phải theo, thì lại xuất hiện nhiều câu khác không ổn. Chính bản Kiều Oánh Mậu ở câu 740 này cũng in là mảnh hương. Xin nhắc lại, bản Kiều phổ biến nào cũng có giá trị riêng của nó theo mức độ khác nhau, nhưng không thể có một bản Kiều nào có giá trị độc tôn tuyệt đối.

Câu 2988, tôi thấy ở các bản khác là: Đón nhau tôi đã gặp nhau rước về. Ở đây lại là: Đón theo tôi đã gặp nhau rước về. Chữ theo này là lạ. Nếu có bản nào đã dùng thì cũng nên ghi chú ra, mà nếu là từ mới sáng tạo ra thì cũng nên nói rõ.

Ta hãy xem hai câu 3001 và 3031 ở đây là:

  1. Quây nhau lạy tạ Giác Duyên.
  2. Rủ nhau lạy trước Phật đài.

Như trong phần chú giải, hai chữ đầu của các câu này ở nhiều bản khác nhau dùng khác nhau lẫn lộn là Quây nhau, Rủ nhau hoặc Sắp nhau. Nhưng phương án sau đây được thông dụng áp đảo:

  1. Quây nhau lạy trước Phật đài
  2. Cùng nhau lạy tạ Giác duyên.

Do đó có lẽ nên theo phương án này. 

Câu 2669 ở đây là: Giữa vòng giáo dựng gươm trần.

Bản Trương Vĩnh Ký, Sài gòn 1875 và tất cả các bản phổ biến sau này ghi câu này là: Trong vòng giáo dựng gươm trần. Thiết nghĩ khi có một vòng vây thì chia hai miền phân biệt là trong hay ngoài vòng vây. "Giữa" chỉ là một điểm quá cố định và cụ thể. Vậy nên, nên theo phương án sau.

Cuối cùng, câu 2867 ở đây là: Chàng từ nhẹ bước thanh vân. Câu trên đang nói về Vương Quan: Chàng Vương nhớ đến xa gần / Sang nhà Chung lão tạ ân chu tuyền. Nên nếu dùng chữ Chàng ở câu ngay sau đó như thế thì người đọc dễ nhầm chàng Kim với chàng Vương. Bản Nọa Phu Nguyễn Hữu Lập, chép tay 1870, bản Kiều Oánh Mậu, khắc in 1902 và hầu như tất cả những bản phổ biến về sau đều ghi là: Kim từ nhẹ bước thanh vân, rõ ràng, hợp lý và phổ biến rộng rãi rồi, không nên dùng chữ Chàng như sách vậy.

CH Séc, ngày 6, tháng 1, 2021 

Nguyễn Huy Việt

Email tác giả: huyvietnguyen@gmx.net


Phamngochien.com - 08:11 - 28/01/2021 - Bài của văn nghệ sĩ          

Gửi bình luận