Về dị bản bài thơ “Nam quốc sơn hà” (Lê Trung Kiệt - Vũng Tàu)

                                 

Trong bài viết “Sự  phát triển của tư tưởng yêu nước Việt Nam qua ba áng văn “ Nam quốc sơn hà “, “Hịch Tướng sĩ”, “Bình Ngô đại cáo” in trong Văn học Việt Nam – Văn học trung đại (Những công trình nghiên cứu), Nxb Giáo dục, TP.HCM, 2003, tác giả Tầm Vu có đoạn viết: “Tương  truyền bài thơ mà ngày  nay chúng ta gọi là Nam quốc sơn hà do Lý Thường Kiệt sáng tác khi quân ta  cầm cự với quân Tống  trên sông Như Nguyệt và chuẩn bị phản công để đẩy lui chúng; đó là vào năm 1077. Nhưng cũng có tài liệu văn học nói bài này đã xuất hiện hồi 980 – 981 khi Lê Hoàn tiêu diệt đại quân của Hầu Nhân Bảo (cũng là của nhà Tống). Theo thần phả Trương tôn thần sự tích ở các đền Trương Hống, Trương Hát, thì thần họ Trương hai lần đọc thơ, lần thứ nhất giúp Lê Hoàn, lần thứ nhì giúp Lý Thường Kiệt. Câu thứ tư trong hai bài có khác nhau... 

Một đêm, trên phòng tuyến sông Như Nguyệt, từ một ngôi đền linh thiêng, vọng lên tiếng ngâm vang dội của phúc thần: 

Nam quốc sơn hà, Nam đế cư

Tiệt nhiên định phận tại thiên thư

Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm

Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư. 

(Trong bài lưu truyền thời Lê Hoàn thì câu chót là: Nhất trận phong ba tận tảo trừ)”. 

 Về tài liệu áng văn Nam quốc sơn hà, tác giả Tầm Vu dựa theo Hợp tuyển thơ văn Việt Nam, tập II, Nxb Văn Hóa, H., 1963. 

Điều bất hợp lý là Nhất trận phong ba tận tảo trừ không thể tồn tại trong kết cấu nghệ thuật: Chân lý - Phản chân lý – Tất yếu bại vong của bài thơ Nam quốc sơn hà. Bởi lẽ dân tộc Việt Nam từ ngàn đời nay có truyền thống  hiếu hòa. 

Trong quan hệ nội tại của bài thơ, câu chót Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư với phần dịch nghĩa: Chúng bây, hãy xem, sẽ tự rước lấy phần thất bại thảm hại (tất yếu bại vong). Hay nói như GS – NGND Lê Trí Viễn về câu thứ tư của bài thơ này  trong Đến với thơ hay Nxb Giáo dục, 1998: “Không nói ta đánh mà nói chúng nó tự làm chúng nó thua, mà thua sạch trơn, thua vì hành động phi nghĩa”. Điều này hoàn toàn khác với câu chót trong bài lưu truyền thời Lê Hoàn: Nhất trận phong ba tận tảo trừ (một trận phong ba sớm quét trừ hoàn toàn). Xin một phút tĩnh lặng trong tâm để tìm sự khác biệt tinh tế qua  tiếng vọng từ 3 chữ cuối của vị ngữ trong câu chót: thủ bại hư (tự nhận lấy, tự chuốc lấy thất bại thảm hại) và tận tảo trừ (sớm quét trừ hoàn toàn).   

Do đó, theo chỉnh thể của văn bản, thiết nghĩ không nên chấp nhận thông tin không có cơ sở khoa học, làm phá vở cấu trúc hệ thống của bài thơ Nam quốc sơn hà của Lý Thường Kiệt.

 


Phamngochien.com - 08:59 - 05/08/2019 - Bài của văn nghệ sĩ          

Gửi bình luận