VẺ ĐẸP CỦA NGƯỜI PHỤ NỮ TRONG THƠ TAGORE (Phan Thị Thu Mai)

                                                                            

          Người nghệ sĩ với giọng văn dịu dàng R. Tagore không chỉ dựng lên những hình ảnh mang tâm trạng của phụ nữ mà ông còn tìm tòi, khám phá, quan tâm đến cuộc sống số phận của họ. Hơn thế nữa, Tagore còn đi vào thế giới toàn thiện, toàn mĩ, một thế giới thiên đường của các giác quan và nghệ sĩ trong tâm hồn của phụ nữ.

          Chính vì thế mà thơ Tagore là kết tinh nghệ thuật của những gì đẹp nhất, trong sáng nhất ở phụ nữ và là kết tinh nghệ thuật của một tấm lòng chan chứa yêu thương của một con người, là "ngôi sao sáng của Ấn Độ phục hưng" (J. Nehru).

1. Vẻ đẹp ngoại hình

          Người phụ nữ Ấn Độ được coi là đẹp phải có một gương mặt trái xoan, mũi cao và cặp mắt to hình búp sen. Dáng người phải đậm đà. Ngực và mông to, vai tròn lẳn. Hình thể ấy khi được choàng lên tấm sari thướt tha thì những nhược điểm của mông và ngực được xóa bớt và phụ nữ Ấn trở nên duyên dáng lạ thường.

          Người phụ nữ là "thiên đường của các giác quan" với vẻ đẹp tự nhiên được trời đất tô thắm và tôn tạo thêm:

          "Em thế nào thì cứ thế mà đến

          Chớ có loay hoay sửa soạn áo quần                                             

          Với những trang sức từ "vòng chân, chuỗi hạt, viên ngọc"... tiếng nhạc, giọng nói nhẹ nhàng êm dịu góp phần tôn thêm nét đáng yêu và duyên dáng cho người phụ nữ Ấn Độ, là nét nhấn giác quan trong mỗi bài thơ.

            "Đừng để vòng xuyến leng keng va nhau khi tay cầm đèn

            Em hãy đến bước nhanh trên cỏ                                                    

          Biểu tượng Đôi mắt trong Người làm vườn, Tặng phẩm của người yêu là sự tập trung diễn tả chiều sâu tâm hồn của người phụ nữ, là biểu hiện của những tâm hồn thanh tao, dịu dàng đầy nữ tính là nét nhấn giác quan trong mỗi bài thơ. Ý nghĩa nhân bản của biểu tượng đã tạo dòng cảm xúc mạnh mẽ và cái nhìn trầm tĩnh, bao dung hơn về tình yêu của người phụ nữ. Với một làn da trắng nõn mịn màng độ ấm áp và mềm mại đã tạo nên vẻ đẹp nữ tính dịu dàng đầy quyến rũ và gợi cảm của người phụ nữ Ấn Độ, đó là nét nhấn giác quan trong mỗi bài thơ.

          Ngoài ra, người phụ nữ Ấn Độ còn được hiện ra dưới đôi mắt thiên thần: khoác lên những bộ nhung y thiên thần, ngoài y phục thiên thần người phụ nữ còn đeo những vòng hoa thơm ngát, mùi trầm hương ngào ngạt của cõi tiên. Với nụ cười thật ngọt ngào, nụ cười mỉm làm cho ai đã say tình: "Một nụ cười kín đáo rung nhẹ trên môi. Hãy để nụ cười ấy vì sao tôi thất bại? Hãy để làn môi em chúm chím cười tươi trên lời thề nguyện nói rõ vì sao giọng tôi tan vào thinh không như ong say mật ngã trong lòng bông sen"

          Mở đầu Thơ Dâng, là lời tuyên xưng "Người đã tạo tôi vô tận, đó là ý thích của Người". Do sự chi phối của chủ thể trữ tình ấy, nên không phải ngẫu nhiên Will Durant nhận xét: "trong thơ ông, phụ nữ bao giờ cũng thấy quyến rũ, đàn ông bao giờ cũng điên cuồng mê đàn bà... tôn sùng thượng đế", "Tôi sẽ không bao giờ là thầy tu khổ hạnh...nếu nàng chẳng thề thốt gì với tôi, nếu chẳng có tiếng cười vui rộn rã trong bóng âm vang, nếu chẳng có tà sari nào phất phơ". Bộc bạch, nồng thắm, đam mê như "hương cari vàng sẫm, thơm hăng đậm đà" (Chữ dùng của Xuân Diệu - Thăm Ấn Độ) như điệu Champer snacke huyền bí, điệu Odissi lả lướt, trầm lắng mà đam mê rừng rực, mê hoặc vô biên, như bộ trang phục truyền thống Sari quyến rũ và bí ẩn..., nhưng cũng vươn lên kết hợp với cái siêu nghiệm, vút cao ở thế giới tâm linh "Bông sen trắng" Hymalaya lung linh "ánh sáng mặt trời"  

2. Vẻ đẹp tâm hồn  

2. 1. Tình yêu thiên nhiên 

          Cuộc sống và phụ nữ là những điều kỳ diệu mà thượng đế đã mang đến ban tặng cho con người. Các tập thơ Thơ Dâng, Trăng non, Người làm vườn, Tặng phẩm của người yêu, ... nói lên lời cảm tạ của Tagore về món quà ấy.

          Hình tượng người phụ nữ là sợi dây nối kết mối giao hòa vĩnh cửu của thế giới thực tại và hư vô, của mặt đất và bầu trời, của con người và thiên nhiên... Con người trong mối tương quan với thiên nhiên. Nếu mối quan hệ Con người - thiên nhiên, đất trời là một nhất thể lí tưởng thì trong không gian khoáng đạt ấy, bông hoa, vườn hoa là thực thể thiên nhiên tao nhã, thanh khiết, là trạng thái thiên đường trên trái đất. Vẻ đẹp của hoa là vẻ đẹp tinh sương.

          Trong đời sống văn hóa và văn học, bông hoa mới hé nở được so sánh với vẻ đẹp tinh khôi của thiếu nữ. Lời hoa là lời tình yêu. Hương thơm bí ẩn của hoa lôi cuốn những tâm hồn tao nhã của các thi nhân.

          Người phụ nữ gắn bó với thiên nhiên hơn bằng những lời thơ vừa trang nhã, vừa nồng nàn thành kính như trong Thơ Dâng: "Hái bông hoa nhỏ bé này đi, rồi cầm lấy, đừng chần chừ anh ạ. Em sợ hoa sẽ rủ cánh và rơi vào cát bụi mất thôi. Nếu trên vòng hoa đã kết không còn chỗ, thì cũng nên bằng tay mình, anh ạ, qua va chạm đớn đau ban vinh dự cho hoa mà ngắt hoa đi. Em sợ ngày sẽ hết trước khi em biết và thời gian dâng hiến qua đi. Tuy sắc chẳng thắm tươi, hương không ngào ngạt, song hãy dùng hoa này mà hiến dâng anh ạ, và hái hoa khi thời gian còn đó, anh ơi" (Bài số 6). Hình ảnh thiên nhiên góp phần tô điểm cho vẻ đẹp người phụ nữ.

          Hoa trong các hình ảnh so sánh, nhân hóa: Hoa là đời anh (em), hoa - môi thơm tình đầu, hoa - bàn tay dịu dàng của người tình, hoa nghểnh cao đầu hôn yêu (bài 28, 32 - Người làm vườn, 49 - Tặng phẩm của người yêu) hay những sắc hoa đặc trưng Ấn Độ: hoa Abôca, hoa Benna, Malati. . . tất cả đã đem lại cho không gian tình yêu một vẻ đẹp bình an.

          Người phụ nữ có xu hướng hòa hợp với thiên nhiên. Bài thơ 58 - Người làm vườn là cảm thức đặc biệt của Tagore về cái đẹp. Bằng cái nhìn nhân ái ấm áp, nhà thơ tạo nên hình tượng nhân vật trữ tình có ấn tượng sâu đậm: thiếu nữ mù và vòng hoa gói kín trong chiếc lá sen trong sự liên tưởng, vẻ đẹp trinh nguyên của bông hoa vừa hé nở với đôi mắt - cánh cửa tâm hồn của cô gái mù. Nhà thơ bộc lộ quan điểm mĩ học mang dấu ấn riêng từ các hình tượng thơ. Phải chăng, tấm lòng cô gái mù cũng chính là chốn thiên đường, cõi niết bàn và giấc mơ giải thoát ? Từ hiện thực: Một sớm mai trong vườn đầy hoa có người thiếu nữ mù tới cho tôi vòng hoa gói kín trong chiếc lá sen đến ước mơ giả định: hoa nở bằng ánh sáng đôi mắt, bài thơ có cấu trúc như một truyện ngắn.

          Tiếp nối truyền thống và bằng một tình cảm đặc biệt, trân trọng và ngưỡng mộ, Tagore miêu tả người phụ nữ với những nét đẹp cao quý, bất ngờ. Và cho dù ở hoàn cảnh nào, ông cũng giữ một thái độ thuần khiết đối với họ.

2. 2. Tình yêu lứa đôi

          Tagore cho rằng muốn có hạnh phúc trong tình yêu thì trai gái phải tự do đi tìm sự hòa hợp tâm hồn, sự hòa nhịp của trái tim, sự đồng điệu trong lời ca tiếng hát. Thơ ca dân gian Ấn Độ có nhiều câu giao duyên rất trữ tình

          Tagore kế thừa chất trữ tình đó, thơ ông thường nói tới đôi mắt. Bởi đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn, là nơi phát ra những tín hiệu của trái tim, là ngôn ngữ của tình yêu.

          Người phụ nữ trong Người làm vườn là sự khám phá của nhà thơ về thế giới tâm hồn. Vẻ đẹp ngoại hình, tâm hồn thánh thiện của họ hòa quyện trong nhau. Và rất ít khi, nhà thơ đặc tả nét đẹp ngoại hình, ông không miêu tả họ như một tuyệt thế giai nhân, vẻ đẹp của họ tỏa sáng từ tấm lòng: Lòng người phụ nữ, là ngai vàng. Có lẽ với Tagore, không có người phụ nữ xấu, sắc đẹp của họ là kết tinh của đất trời và được nhà thơ tôn tạo thêm

          "Thi nhân dệt cho các người một màn tơ lưới đầy hình ảnh óng vàng, họa sĩ tô điểm thân hình các người nét bất tử mới mẻ luôn luôn"

          Để khám phá và đưa ra mức chuẩn về cái đẹp Tagore chỉ  "cách yêu riêng". Ông cho rằng, người phụ nữ được sinh ra từ chính tình yêu của người đàn ông : "Ước muốn từ tim đàn ông tiết ra đã rắc vung rực rỡ, tô thắm các người trẻ trung thêm mãi". Trong cuộc hành hương về nơi xứ sở tình yêu, ông bộc lộ khát khao kiếm tìm "một nửa cuộc đời" của mình: "Có phải tình anh đã một lần phiêu du qua bao thời đại, qua bao thế giới chỉ để tìm em" ? và "Tôi chỉ muốn đòi thêm, thêm nhiều nữa, dù cho đã có bầu trời, hằng hà sa số vì sao, dù cho đã có cả tòan thế giới, tài nguyên bất tận tràn trề, song nếu nàng là của riêng mình, tôi sẽ mãn nguyện với nơi này nhỏ nhất, trên trái đất mình đang sống hàng ngày"

          Từ bài thơ tình đầu tay Bông hoa rừng, viết năm 13 tuổi, 2 tập thơ tình ở tuổi 17 đến Người làm vườn, Tặng phẩm của người yêu ghi nhận những tình cảm chín muồi ở độ tuổi 50, hay tập thơ Puravi (viết tặng nữ văn sĩ Victoria Ocampo người Achentina) gửi gắm nỗi nhớ nhung da diết khi Tagore đã ngoại lục tuần. . . những xúc cảm yêu thương của nhà thơ vẫn trọn vẹn, những rung động vẫn hồn nhiên tươi trẻ, ngôn từ vẫn tình tứ đắm say. Nhà thơ hát ca về mọi phương diện của tình yêu. Tiếng hát ông bay khắp không gian để ngợi ca cả niềm vui và nỗi khổ đau nhân thế.

          Thơ tình yêu Tagore là thơ của tình nhân về tình yêu của người phụ nữ. Nó tỏa ra một hương vị rất riêng. Sức hấp dẫn lôi cuốn của nó là ở bên trong những vần thơ có vẻ huyền bí siêu thóat ấy lại thấm đẫm một tình yêu lớn. Tagore luôn coi trọng yếu tố tình cảm, không quá "tỉnh táo" để  "xuất thần" những bài thơ tình mượt mà mà tình tứ, lắng đọng dư âm, bên cạnh những biểu hiện tư duy triết học với những triết lí tình yêu mang tính nhân bản. Nhà thơ đưa hồn thơ dân gian vào Người làm vườn, Tặng phẩm của người yêu.

           Ở Người làm vườn, Tặng phẩm của người yêu, với cảm hứng lao động từ cuộc sống hằng ngày, thiên đường là một biểu tượng nghệ thuật hiện hữu. Nó không ở cõi hư vô, không là ảo ảnh. Nó hiển hiện trong thế giới tâm hồn, trong trái tim tình yêu của mỗi con người. Tagore gọi nó bằng cái tên: Thiên đường trần gian. Tình yêu là thiên đường, con người sống để yêu, để tìm thấy thiên đường của mình, bởi thiên đường sẽ không bao giờ dành cho những người cằn cỗi tình yêu. Nhà thơ đảo ngược lại nếp nghĩ truyền thống, tìm đến một định nghĩa riêng: Thiên đường, niết bàn xa vời vợi, hạnh phúc tình yêu thật gần, thiên đường chính là "Em đây". Từ quan niệm này, Tagore phân tích lí giải thiên đường dưới nhiều góc độ khác nhau.

          Ý nghĩa của biểu tượng thiên đường tình yêu không cao xa vô hình, vô ảnh, không bí ẩn. Nó bắt đầu bằng nét mộc mạc giản dị, vẻ đẹp của nó ẩn chứa sự chân thật. Tứ thơ giản dị đến không ngờ nhưng lại gợi hình, gợi cảm. Qua bài thơ, có lẽ nhà thơ muốn khẳng định một triết lí: chân thành là cái chuẩn đầu tiên để đo tình yêu với một tình yêu thủy chung.

          Tình yêu lứa đôi của người phụ nữ là đề tài vĩnh cửu của thơ ca. Tagore đã thổi vào tình yêu một luồng gió mới mẻ với triết lý tình yêu gợi sự đồng cảm trong trái tim hàng triệu người đặc biệt là người phụ nữ đang yêu với những vẻ đẹp làm say đắm lòng người. Như vậy, thơ ca của Tagore vừa là bản tình ca tuyệt diệu, vừa là bức tranh thiên nhiên tươi màu. Thơ ca của ông dồi dào màu sắc mĩ lệ của hoa lá cỏ cây, ánh sáng, âm thanh rung động lòng người. Với Người làm vườn, Tagore xứng đáng là "nhà thơ trữ tình tinh tế bậc nhất" đúng như nhà văn Liên Xô cũ Iila Erenbua đã nhận xét.

2. 3. Tình mẫu tử

          Tình mẫu tử là tình cảm thiêng liêng và cao quý nhất. Người mẹ nào cũng yêu thương con mình, con chính là sự sống, là hơi thở của đời mẹ.

          Với trẻ thơ, được ở trong vòng tay, trong nụ cười và trong ánh mắt của mẹ thì tất cả những gì lớn lao to tát của vũ trụ này đều trở nên nhỏ bé hơn. Mẹ hòa vào cuộc vui đùa của bé để bé thỏa mãn khát vọng của mình. Có lúc bé ẩn mình trong câu chuyện cổ tích, hóa thành bông hoa Chămpa. Nhưng được ở bên mẹ là thiên đường của bé. Trước sự mời gọi của mây và sóng bé cũng muốn lên chơi "nhưng làm sao mà lên được với các ngươi", nhưng bé đã nghĩ đến mẹ, tình thương của mẹ đã khiến bé từ chối cuộc chơi đó. Sự khước từ này là sự khước từ những ảo ảnh chốn hư vô để trở về với cuộc sống thực tại. Bài thơ "Mây và sóng" mang một triết lí sâu sắc của Tagore, không chỉ ca ngợi tình cảm thiêng liêng cao quý của mẹ và con mà ông còn muốn nói "con người không nên tìm hạnh phúc ở nơi đâu xa vời mà hãy tìm hạnh phúc ngay trong chính cuộc đời thực của mình". Và hạnh phúc ở đây đơn giản chỉ là vòng tay dịu dàng yêu thương của mẹ hạnh phúc như thế đã là tràn đầy rồi.

          Mẹ là kho báu tình thương không bao giờ khô cạn, là chỗ dựa tinh thần của các con. Bé có tất cả: của cải, tự do, niềm vui nhưng bé đến mặt đất này chỉ để xin một điều là tình thương của mẹ, trời đã ban tặng bé vòng hoa rực rỡ sắc màu nhưng bé cần nhất là hương thơm tình yêu thì trời lại không có. Cuộc hành trình từ thiên đường đến trần gian của bé là cuộc truy tìm trái tim, tình yêu giản dị mà vĩ đại. Bài thơ "cung cách của bé" là sự khẳng định lần nữa triết lí cao đẹp của Tagore tình yêu là cái hạnh phúc lớn lao nhất mà con người có thể đạt đến. Và thiên đường hạnh phúc là ở ngay trong mỗi con người, trong mỗi cuộc đời, trên đôi môi, trong cánh tay và trong lòng mẹ hiền.

          Có vẻ rất ngớ ngẩn nhưng trẻ thơ không biết lấy gì để so sánh tình yêu của chúng đối với mẹ cái gì cũng quá xa vời, bé không thể ôm, không thể hôn và ban tặng nụ cười. Chỉ có con dế nó luôn bên cạnh trẻ.

          Bé biết ơn mẹ chỉ một điều duy nhất không phải là bất cứ thứ gì to lớn mà mẹ mang đến cho em. Vì mẹ em đã có trên đời, là vì mỗi ngày mẹ đã gọi em là "con của mẹ" em bé thật đáng yêu là sao.

          Em bé bộc lộ tình yêu mẹ hết sức thông minh, ước làm bông hoa chămpa có gì cao siêu đâu nhưng bông hoa đó không phải để chơi mà để che chở cho mẹ để tỏa mùi hương thơm ngát lên mái tóc mẹ. Tình yêu mẹ của bé thật cảm động biết bao.

          Cảm nhận tình yêu của mẹ trao tặng tình yêu của mình cho mẹ. Như thế vẫn chưa đủ, bé vẫn muốn chiếm lĩnh cả trái tim người mẹ. Bé luôn tự hỏi mẹ có yêu mình nhiều không ? Nếu trẻ hóa thành con cún con, con vẹt màu xanh "chứ không phải là đứa bé của mẹ" thế mẹ có xua đuổi chúng đi không?

          Với trẻ mẹ là người có tấm lòng nhân hậu lớn nhất vì thế mà trẻ không bao giờ tha thứ cho sự nhẫn tâm của người mẹ. Sở dĩ trẻ luôn đòi hỏi thật nhiều tình yêu của mẹ vì một lẽ rất đơn giản.

                       "Được ghì được ôm chặt trong cánh tay thân yêu của mẹ

                        Còn dịu dàng hơn tất thảy tự do"     

          Sức hấp dẫn của mẹ mãnh liệt là thế. Điều này lí giải vì sao em bé lại sẵn sàng từ bỏ những giấc mơ đẹp đẽ để ở lại mặt đất. Có được tình yêu thương của mẹ là em đã tìm thấy thiên đường cho mình.

          Tình mẹ đối với con lớn tựa ngọn Hymalaya cao vời vợi, con là ước mơ, là khao khát của đời mẹ. Trong dòng sông trần thế, người mẹ biết rằng "rồi đây chúng ta sẽ bị cuốn đi", cuộc đời của mẹ và "con rồi sẽ bị tách ra" và "tình ta sẽ rơi vào quên lãng". Nhưng mẹ không hi vọng "có thể dùng đến những món quà để mua trái tim con" mà chỉ lấy "mối tình ta mang đến cho con" và không trách gì khi "con không có thì giờ tưởng nhớ" đến mẹ. Con trẻ luôn luôn cần tình yêu thương của cha mẹ hơn là những vật chất phù phiếm kia.

          Người mẹ là một điểm tựa vững chắc của trẻ. Mẹ và những nơi có mẹ đã mang đến cho trẻ một thế giới thật yên bình

          Hình ảnh em bé trong Trăng non rất hồn nhiên, vô tư tìm được gì bé cũng lấy làm nên đồ chơi cho mình. Suốt buổi sáng em ngồi chơi với một "cành cây gãy" nhưng em bé vẫn vui sướng vô cùng người cha bật cười "Con ơi, suốt buổi sáng, con ngồi trên nền đất chơi với cành cây gãy, sung sướng biết bao. Cha mỉm cười nhìn con đùa với một lẻ nhỏ của cành cây gãy"

          Tagore là một nhà thơ nam nhưng ông đã nhập thân vào tư cách của người mẹ trong quan hệ với trẻ thơ rất thành công. Ông đã yêu trẻ theo cách yêu thương của một người mẹ. Ông chơi đùa với trẻ theo cái cách của một người mẹ và ông cũng hiểu trẻ như một người mẹ hiểu từng sắc điệu, cử chỉ, dáng đi của con mình. Trong Trăng non, ta cũng thấy xuất hiện hình ảnh người cha nhưng rất ít và không gắn bó với trẻ như mẹ. Cha là nhà văn, hay đi xa, cha học, cha viết những gì cao siêu còn mẹ thì gần gũi, mẹ biết yêu thương trẻ theo những cách phù hợp với trẻ ("Nhà văn", "Đất trích", "Chú lái buôn", "Người phu trạm độc ác", ...).

          "Mẹ nói rằng cha viết rất nhiều sách, nhưng cha viết những gì, con có hiểu đâu.

          Cha đọc cho mẹ nghe suốt buổi chiều, nhưng mẹ có thực hiểu ý cha không?"

          Trẻ hay đặt sự so sánh, đối lập giữa những hiện tượng, những quan hệ, những tư tưởng với nhau. "Mẹ ơi, mẹ biết kể cho chúng con nghe những câu chuyện thật là hay! Tại sao cha không viết được như thế

          Có phải vì cha chưa từng nghe bà kể những chuyện người khổng lồ, những chuyện thần tiên và công chúa?

          Hay cha quên hết cả rồi?"                                                  

          Em bé đặt so sánh giữa một bên là mẹ biết kể cho bé nghe những câu chuyện cổ tích thật hay với một bên là cha, tuy là nhà văn nhưng "cha không biết viết những câu chuyện như thế?". Rồi bé lại so sánh giữa một bên là cha được chơi "bôi đen làm hỏng từng đống giấy" với trò chơi của bé chỉ có một tờ giấy, thế mà mẹ lại không cho. Bé con cảm thấy giận mẹ vô cùng vì sự thiên vị ấy của mẹ. Bé đưa ra lý lẽ rằng:"Cha hủy từng đống giấy như thế, mẹ ơi, mẹ không để ý một tý nào", giọng điệu trẻ hờn dỗi, nũng nịu rất đáng yêu. Thể hiện sự tranh luận với mẹ cũng là cách trẻ vòi vĩnh tình yêu của mẹ.

          Cha yêu trẻ nhưng cha hay đặt lên bàn cân những nết hay tật xấu của trẻ, cha bắt trẻ phải ngoan phải giỏi còn mẹ yêu trẻ chỉ vì một điều rất giản dị rằng trẻ "là đứa con nhỏ" của mẹ, mẹ khổ, mẹ buồn, cùng những lỗi lầm của trẻ. Ở đây, tình yêu của cha là tình yêu của lý trí, tình yêu có điều kiện, còn tình yêu của mẹ là một tình yêu vô điều kiện. Mẹ yêu trẻ vì trẻ là trẻ chứ không phải vì trẻ đã thỏa mãn một điều kiện, một kỳ vọng nào đó của mẹ. Tình yêu vô điều kiện của người mẹ tương xứng với thiết vọng sâu thẳm nhất, không những chỉ của đứa trẻ mà là của mỗi con người. Tagore muốn cho người đọc nhận thấy rằng tình yêu thương cần thiết với trẻ biết nhường nào. Tình yêu sẽ vượt lên trên tất cả để đóng vai trò người phán xử. Bởi vì "chỉ có ai thương người đó mới có quyền trừng phạt". Người phán xử trẻ phải là trên cơ sở của tình yêu thương.

          Khi đứng ở vị thế người phán xử, hơn ai hết cha mẹ phải là người hiểu con mình và có trách nhiệm trong việc giáo dục con cái

          Tình thương con vô bờ bến đã khiến cho mẹ tôn thờ con như một vị thần linh. Con là tất cả những gì thiêng liêng, kì diệu của đời mẹ. Khi con bước xuống cuộc đời trần tục này, đến xin kho báu tình thương của mẹ thì mẹ thật hạnh phúc, tự hỏi không biết sự kỳ diệu nào đã chiếm lĩnh cái kho vàng trên cõi thế và đặt vào đôi tay mảnh khảnh của mẹ đây? Đối với mẹ, con cũng là một kho báu tình thương vô giá của mẹ đó!

          Có thể nói rằng, trẻ thơ của Trăng non là kết tinh của những gì đẹp nhất, thánh thiện nhất. Hình ảnh trong sáng của trẻ là sự đối lập rõ nhất với những gì xấu xa của xã hội Ấn Độ bấy giờ. Và chỉ có Tagore với tình yêu thương con trẻ thật sự mới có thể có được những lời thơ ca ngợi tình mẹ con chân thành và gần gũi đến như vậy. Và hơn thế nữa tình cảm mẹ dành cho con thật dịu dàng hơn, bao dung hơn.  

          Trong suốt đời mình, thông qua những sáng tác văn học, R. Tagore đã nỗ lực đưa tâm trí của người Ấn Độ "từ hư vô trở về với thực tại", vun đắp hạnh phúc cho người phụ nữ trong cuộc đời trần thế. Thơ Tagore là tiếng nói thiết tha ca ngợi vẻ đẹp của người phụ nữ và cuộc sống. Trong nhiều tập thơ như Thơ Dâng, Vượt biển. . . nhà thơ hóa thân thành một tín đồ tha thiết bày tỏ tấm lòng sùng kính của mình lên một Đấng Tối Cao. Tình cảm của nhà thơ dành cho người phụ nữ cũng giống như tình cảm của một tín đồ dành cho Chúa. Trong những tập thơ tình nổi tiếng như Người làm vườn, Tặng phẩm của người yêu. . . , ông lại hóa thân thành một người làm vườn trong khu vườn tình ái. Nhà thơ vun xới, chăm sóc để khu vườn nở rộ hoa và ngát hương thơm, đem đến cho người phụ nữ tình yêu và sự gắn bó sâu sắc với cuộc sống. Nhà thơ khẳng định hạnh phúc không thể tìm đâu xa mà ngay ở trên mặt đất này, trong vòng tay của Chúa Đời hiền dịu.

 

 Phan Thị Thu Mai

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO 

 

1. Lưu Đức Trung - Phan Thu Hiền (2000), Hợp tuyển văn học Ấn Độ, NXB Giáo dục.

2. R. Tagore (1979), Thơ (Đào Xuân Quý dịch), NXB Hà Nội.

3. R. Tagore (2001), Tặng vật (Đỗ Khánh Hoan dịch), NXB Đà Nẵng.

4. R. Tagore (2001), Tâm tình hiến dâng (Đỗ Khánh Hoan dịch), NXB Đà Nẵng.

5. R. Tagore (2004), Tuyển tập tác phẩm (Lưu Đức Trung tuyển chọn và giới thiệu), NXB Lao động.

6. Cao Huy Đỉnh (2004), Tuyển tập tác phẩm, NXB Lao động.

 

nguyen van minh - (vào lúc: 14:09 - 09-27-2015)
chưa nhắc đến hình tượng đôi mắt

Phamngochien.com - 09:04 - 14/03/2010 - Bài của văn nghệ sĩ          

Gửi bình luận