Văn hóa Nam Trung Bộ trong sáng tác của Võ Hồng

Văn hóa viếng mộ người Việt Nam Trung Bộ trong tập

"Xuất hành năm mới" của nhà văn Võ Hồng

 Đối với tâm thức người Việt, đạo thờ tổ tiên là nghĩa cử linh thiêng và cao đẹp, mang bản sắc đặc trưng riêng tồn tại trong suốt quá trình diễn tiến dân tộc. Từ ngàn xưa, người Việt luôn xem trọng và tôn thờ mọi thần linh, từ những thân cây, hòn đá vô tri cho đến những con vật gắn liền với sinh hoạt hàng ngày theo một nghi thức bình dân. Sống trong môi trường gắn liền với hoạt động kinh tế nông nghiệp nên mọi nghi lễ, nghi thức người Việt hoà quyện với thiên nhiên và thể hiện tư tưởng phồn thực, luân hồi, với vòng tuần hoàn "sinh, lão, bệnh, tử" theo chu kỳ bốn mùa "xuân, hạ, thu, đông". Tết Nguyên Đán là dịp người Việt thể hiện toàn bộ và sâu sắc nhất về những nghi thức trên, từ việc "tống cựu nghênh tân" cho đến việc thờ cúng thần linh, lòng tri ân, báo hiếu những người đã khuất, và dịp lễ tết là lúc các thành viên người Việt hoài cổ về tổ tiên qua hoạt động sửa sang phần mộ, thường gọi là tảo mộ hay viếng mộ. Tùy thuộc vào mỗi vùng miền, người Việt có nhiều cách thức và khoảng thời gian tảo mộ khác nhau, có nơi người ta chuẩn bị trước hoặc sau tết, có nơi người ta viếng mộ cả trước và trong ngày tết, dù có khác nhau nhưng tựu chung cho triết lý "sống về mồ về mả" của người Việt. Với dòng suy tư về văn hoá viếng mộ của người Việt đối với ông bà tổ tiên, chúng tôi đề cập triết lý nhân văn sâu sắc này trong tập truyện ngắn Xuất hành năm mới của nhà văn Võ Hồng và thông qua tập truyện ngắn trên nói lên triết lý đặc trưng về văn hóa viếng mộ người Việt trên dải đất Nam Trung Bộ.

Tập truyện ngắn Xuất hành năm mới được Võ Hồng viết vào năm 1961 (Tân Sửu), đăng trên tạp chí Bách Khoa (số 98, năm 1961), lúc này ông làm cộng tác viên nhiều tạp chí như Bách Khoa, Văn Hữu, Mai, Giáo dục phổ thông, Tin Văn,... Kể từ biến cố năm 1957, người bạn đời mà theo ông "lúc sống, vợ chồng nào gặp nhau sau chừng một năm cách biệt cũng bắt đầu bằng cái nhìn im lặng như thế mà biết bao nhiêu đầm ấm hẹn sau", nỗi buồn và lòng thương nhớ người vợ quá cố đã ảnh hưởng không nhỏ đến ngoài bút của ông, giờ đây Võ Hồng sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là ba đứa con thơ dại. Sau bốn năm, cái cảnh "gà trống nuôi con" dường như không còn xa lạ với ông, tâm trí ông không còn "xao xuyến mất tin tưởng" như buổi đầu, ông tự hào với người vợ rằng mình đã hoàn thành tốt mọi vai trò với gia đình, xã hội. Cũng theo lối sáng tác tả thực, tập truyện ngắn Xuất hành năm mới thể hiện nỗi lòng của nhà văn, thông qua nhân vật Giang và ba đứa con Hằng, Thuỷ, Hào người đọc thấu cảm cảnh ngộ, với lòng tự hào và thám phục về ông. Quan trọng hơn nữa, qua tác phẩm người đọc bắt gặp khung cảnh ngày tết Nguyên Đán ở vùng quê nghèo Nam Trung Bộ với nhiều sinh hoạt văn hoá đặc sắc, nào là chuẩn bị tết làm sao, cảnh người đi chơi tết, cách ăn mặc của các em nhỏ, người lớn trong ngày tết,... và điều đặc biệt là văn hoá đi tảo mộ ngày đầu năm. Toàn bộ cái triết lý nhân văn sâu sắc ấy được nhà văn Võ Hồng mô tả như là bổn phận thiêng liêng đối với ông bà tổ tiên.Mở đầu tác phẩm, nhà văn Võ Hồng dẫn dắt người đọc đến ý nghĩa và câu trả lời tại sao người ta hay đi tảo mộ năm mới, việc đi viếng mộ là bổn phận thiêng liêng "việc đó đã thành ra một bổn phận có thể gọi là thiêng liêng". Xuất phát từ tấm lòng của nhân vật Giang đối với người vợ mất sớm cả năm bận bịu công việc, giờ đây vào dịp tết anh ấy mới có thời gian rảnh đi tảo mộ vợ "đến ngày đầu năm mọi việc xếp lại, mọi người yên vui trong gia đình, vậy đi viếng vợ vào lúc này là một việc rất hợp lý", đây cũng là chân lý chung của người Việt chúng ta, đến đầu năm mọi việc gác lại, đi sửa sang phần mộ của người thân để tỏ lòng thành kính với ông bà tổ tiên. Sau cái diễn biến tâm trạng ấy, Võ Hồng mô tả đến từng chi tiết khâu chuẩn bị của gia đình Giang, giờ đây chàng phải cho các con ăn mặc thật đẹp, chải chuốt cho thật sạch sẽ để viếng mộ vợ, một phần cho người vợ biết là Giang đã chăm sóc con chu đáo đến nhường nào, một phần phô trương những bộ đồ mới trong những ngày xuân. Đây cũng là nghĩa cử cao đẹp của người Việt, họ luôn ăn mặc chu đáo trước khi viếng thăm mộ ông bà tổ tiên "Thanh niên chỉ có áo sơ mi trắng. Nếu đeo ca-vát thì hoặc quá ngắn, hoặc quá dài, hoặc úp cong như một cái lá. Thiếu nữ thì áo thường một màu chứ không hoa hoè", nó vừa biểu lộ lòng kính trọng, vừa biểu lộ cái đẹp trong những ngày tết.Người ta còn tìm thấy cái đạo lý "uống nước nhớ nguồn", giáo dục con cái đối với những người đã khuất trong tác phẩm Xuất hành năm mới, qua chi tiết Giang thắc mắc về việc đi viếng mộ trễ của mình: "Mọi năm cứ sáng tinh sương chàng đi thăm mộ thật sớm rồi về thật sớm nên sự đi lại qua cầu tự do. Năm nay vì muốn để cho con đi cùng mà thành phải đi trưa, phải bị ánh đèn xanh đỏ hạn chế tự do". Những suy nghĩ của Giang dường như là của chung của người Việt, họ luôn suy nghĩ cho thế hệ con cái, nhất là những lúc mình gần đất xa trời, làm sao để cho con cái không quên công lao tạo dựng cơ nghiệp của tổ tiên. Tư tưởng phồn thực của người Việt len lỏi đến từng chi tiết, việc làm, họ sống vì thế hệ con cháu, sẵn sàng hy sinh mọi thứ cốt cho con cháu thịnh vượng. Đứng trước những ngôi mộ lòng người như thắt đau lại, con người trở nên nhỏ bé và những ký ức dường như quay trở về, họ không dấu nổi cảm xúc ví như người thân mình còn sống. Cũng như Giang lúc mới bước tới cổng nghĩa trang lòng chàng như đau thắt lại "một áng mây dày đang che kín mặt trời đang le lói", một viễn cảnh hoài cố nhân hiện về nơi chàng "con đường mới năm nào lần đầu tiên chàng bước đến là lúc đưa vợ chàng ra nằm vĩnh viễn nơi đây", tâm trạng và giọng nói của chàng cũng khác đi có vẻ trầm xuống và không khí linh thiêng đến chừng đau nhói lại hiện về nơi chàng, sự thật người bạn đời mình đang nằm nơi đây. Nhà văn Võ Hồng không giấu nổi cảm xúc hoà quyện vào nhân vật Giang, nước mắt chàng kìm nén để che dấu cái yếu đuối trước ba đứa con thơ dại. Để gia tăng tâm trạng của nhân vật Giang, tác giả nhắc đi nhắc lại những câu nói thơ dại của Hào, Thuỷ "Ba ơi. Đây mộ của má đây rồi" càng khiến lòng chàng "đau xót". Chàng đưa tay lên tấm bia mộ người vợ quá cố như thầm nhủ mình cầm tay này và thì thầm những lời tận trong đáy lòng "Một năm qua, anh không năng ghé lại đây thăm em, nhưng chắc em đã tha thứ vì em hiểu tính anh hơn ai hết ở trên đời này", nỗi cảm thông của người vợ và lòng tự hào về những đứa con là niềm vinh hạnh của Giang. Tâm thức người Việt luôn chứa đựng những cảm xúc đến lạ kỳ về những người đã khuất, ở thế giới bên kia họ nhìn thấy mọi việc làm và hành động của mình, họ rủ rỉ những lời bên ngôi mộ với hy vọng người đã khuất nghe được những lời mình nói. Thông qua nén nhang người Việt tỏ lòng thành kính với ông bà tổ tiên, nó như là vật kết nối giữa người chết và người sống, người ta đi viếng mộ sẽ không bao giờ thiếu nén hương và cây đèn cầy, đôi khi là một ít hoa quả, có người còn mang theo cả giấy vàng mã. Đứng trước cửa mộ vợ, Giang đưa nén hương đã được con gái lớn Hằng đốt và chàng khấn vái nhiều điều mà chủ yếu thuật lại những việc đã làm từ khi "em bỏ anh đi", thông báo cho người vợ biết toàn bộ tình hình gia đình mình. Dáng hao gầy của Giang và ba đứa con trước khói nhang và ánh lửa lặp loè của ngọn nến như tình ấm áp mà chàng và các con dành cho người vợ quá cố "ánh lửa hắt hiu ánh lên mặt bốn cha con quây quần trước bia mộ". Với nhiều nghi thức khác nhau trong tập truyện ngắn Xuất hành năm mới đã làm toát lên nét văn hoá tảo mộ với ý nghĩa "sống gửi thác về", người Việt quan niệm mình sống chỉ là lao động để chuẩn bị những cái gì thiết yếu cho thế giới vĩnh cửu, thế giới bên kia.    

    

Với lối viết tả thực, nhà văn Võ Hồng đưa toàn bộ những xúc cảm riêng tư đi cùng nhân vật Giang, ông cố tình trau chuốt đến từng chi tiết nhỏ để cho người đọc thông cảm những nỗi lòng của những con người mất đi người thân yêu của mình, đồng thời nó cũng toát lên vẻ đặc trưng nét sinh hoạt văn hoá ngày đầu xuân ở vùng quê Nam Trung Bộ. Ngoài ra, Võ Hồng còn phối hợp nhuần nhuyễn giữa cái tôi và cái xã hội, tức là hoạt động văn hoá cá nhân gắn liền với xã hội, tâm trạng Giang, cách làm của Giang như là đại diện chung cho nét sinh hoạt văn hoá tảo mộ người Việt. Những phản cảm về mặt xã hội cũng được nhà văn nhắc đến, phải kế đến là việc mô tả đến chi tiết cấu trúc của những ngôi mộ, phải chăng thế giới bên kia mọi người cũng sống như thế giới thực tại (xã hội thực tại). Võ Hồng không phê phán gay gắt điều ấy, ông hoàn toàn thông cảm cho những ý nghĩ chủ quan ấy, ông xem "giá đặt nằm thảnh thơi giữa một cảnh trí riêng biệt thì những ngôi mộ xa hoa này sẽ có đầy đủ giá trị mỹ thuật", một cái thông cảm hết sức tinh tế bởi ông cũng muốn trang trí cho ngôi mộ của người vợ mình giống như một công trình nghệ thuật.       

Tình cảm gắn kết với ông bà tổ tiên, với người thân được nhà văn Võ Hồng khắc hoạ hết sức sâu sắc, là lúc nhân vật Giang sắp chia tay ngôi mộ vợ để trở về với cuộc sống thực tại. Giờ  đây Giang sẽ rời xa Bảo (tên người vợ quá cố của Giang), lòng chàng đau thắt lại trước cảnh chia ly giữa hai thế giới dương và âm, "chàng thẫn thờ nhìn ngôi mộ vợ rồi lặng lẽ quay đi", cái lặng lẽ bước đi ấy vì chàng không muốn người vợ ở dưới mồ kia nhìn thấy nỗi lòng của chàng và chàng cũng biết đây là quy luật hiển nhiên của cuộc sống, đó là bổn phận và nghĩa cử nhân văn của người sống đối với người chết. Đến đây "tâm hồn chàng thấy nhẹ nhàng vui vẻ vì cái bổn phận đối với vợ đã trả xong, trả trọn vẹn hơn mọi năm bởi chàng đã chiều con, nhẫn nại đưa con đi thăm mẹ chúng" và bây giờ mỗi người một bổn phận riêng cùng hoà mình vào sự sống "những bổn phận riêng tư, những chỗ vui chơi cũng riêng tư". Chính cái khắc hoạ ấy của Võ Hồng làm toát lên cái chân lý cuộc sống người Việt, họ đi viếng mộ người thân trong cảm giác đau buồn vui lẫn lộn, có nét tinh nghịch của những đứa trẻ, lại có nét đau khổ và đôi khi nét vô tư từ những người đi tảo mộ. Người sống đã làm tròn bổn phận, nghĩa vụ đối với người chết, họ không thể sống mãi trong cảnh tiếc nuối mà phải tiếp bước sự sinh tồn, phấn đấu cho cuộc sống thực tại. Cái triết lý phồn thực ấy là biểu hiện đặc trưng của người Việt, giữa hai thế giới âm dương ấy dường như chỉ là một, họ sống vì con cháu, sống để đời và làm tròn bổn phận để được trở về thế giới bên kia trong giây phút thanh thản.       

Cái triết lý nhân văn viếng mộ của người Việt, nói đúng hơn là của người Nam Trung Bộ được nhà văn tái hiện một cách sinh động, những ngôn từ mộc mạc đến là chân chất, đôi khi khô khan nhưng không thiếu tính thiệt thà, cái chất liệu Phú Yên ấy đã làm nên những đặc trưng trong các tác phẩm Võ Hồng. Văn hoá viếng mộ trong Xuất hành năm mới là biểu hiện đặc trưng sinh hoạt văn hoá trong những ngày tết Nguyên Đán ở miền Nam Trung Bộ những năm 60 thế kỷ XX, cái vốn xã hội cũng tìm thấy trong tập truyện ngắn này; ngoài thứ văn hoá ấy, người đọc còn bắt gặp nhiều nét tính cách con người Nam Trung Bộ. Và cái văn hoá ấy được "di truyền" qua nhiều thời gian, trường tồn trong các thế hệ người Nam Trung Bộ. Phải chăng tết này chúng ta cùng đi tảo mộ người thân và cùng suy nghĩ về văn hoá, triết lý ấy trong tập truyện ngắn Xuất hành năm mới năm Tân Sửu (1961) của nhà văn Võ Hồng. 

Ths. Ngô Minh Sang

(Trường Đại học Thủ Dầu Một) 

Tài liệu tham khảo 

1. Đào Duy Anh. 1992. Việt Nam văn hoá sử cương. TP.HCM: Nxb. Tp. Hồ Chí Minh.

2. Lê Phương Chi. Nhà văn Võ Hồng trong "Bách Khoa", số 251, ngày 15/6/1967.

3. Nguyễn Đăng Duy. 2009. Văn hóa tâm linh. Hà Nội: Nxb. Văn hoá - Thông tin.

4. Nguyễn Đăng Thục. 1998. Lịch sử tư tưởng Việt Nam. TPHCM: Nxb. TP. Hồ Chí Minh.

5. Nhiều Tác giả. 2004. Đất & người - Duyên Hải miền Trung. T.P. Hồ Chí Minh: Nxb. Tổng hợp T.P. Hồ Chí Minh.

6. Võ Hồng. 2003. Tuyển tập Võ Hồng. TP. HCM: Nxb. Văn nghệ TP. HCM.


Phamngochien.com - 15:35 - 18/02/2013 - Bài của văn nghệ sĩ          

Gửi bình luận