Vài kỷ niệm về hoạt động sáng tác thơ văn của trường THPT Trần Quốc Tuấn (Phạm Ngọc Hiền)

 

Nói đến đội ngũ sáng tác thơ văn trong các trường THPT ở Phú Yên, có lẽ không có trường nào sánh được với Trần Quốc Tuấn. Hoạt động thơ văn của Trường đã trải qua một bề dày 40 năm (1980 - 2020). Tôi không có tham vọng phản ánh hết thành tích sáng tác của Trường mà chỉ ôn một vài kỷ niệm thơ văn trong 13 năm tôi công tác ở đây (1994 - 2007).

Trước hết, xin đề cập đến một số hoạt động phong trào mang tính truyền thống. Hầu như năm nào, Trường cũng tổ chức các hoạt động liên quan tới sáng tác văn chương như: thi sáng thơ văn và phát thưởng nhân ngày 20/11, thi báo tường và tổng kết vào dịp 26/3… Thỉnh thoảng, Trường cũng mời một số nhà văn nổi tiếng về nói chuyện với học sinh và giáo viên. Một số buổi hội diễn văn nghệ có lồng ghép đọc và ngâm thơ… Và thơ cũng được đọc trong các buổi chào cờ (do thầy hiệu phó Phạm Hồng Thái tự biên tự diễn). Các đời lãnh đạo của Trường cũng chú ý đến thơ văn: Phan Long Côn, Ngô Minh Hòa, Lê Văn Học, Trần Văn Tuyên…Và các Bí thư đoàn trường, Tổ trưởng tổ Văn cũng chăm lo chuyện sáng tác như: Hoàng Ngọc Sơn, Lê Văn Nho, Trương Hải Tâm, Phạm Ngọc Hiền, Nguyễn Văn Hợp, Lê Thị Phi Loan, Nguyễn Thị Đà Giang… Và còn phải kể đến công lao của các thầy cô giáo dạy Văn cùng học sinh các thế hệ vẫn luôn giữ ngọn lửa văn chương không bao giờ cạn…

Một trong những sản phẩm văn chương đáng chú ý nhất của trường Trần Quốc Tuấn là tập san Ước mơ xanh. Tập san ra số đầu tiên năm 1997, từ đó về sau, cứ mỗi năm ra một số. Các số đầu, tôi phụ trách cả việc biên tập và vẽ minh họa. Từ số thứ 2 trở đi, Ước mơ xanh không còn thuần túy thơ văn mà còn đăng nhiều hoạt động phong trào của Trường. Trong giai đoạn 1997 - 1999, tôi làm Bí thư đoàn trường, những hình ảnh về hoạt động Đoàn đều được tôi chọn đăng ở phần phụ lục Ước mơ xanh. Tập san không chỉ được phát hành trong giáo viên, học sinh của Trường mà còn tặng cho các trường bạn, Sở Giáo dục, Tỉnh đoàn, Thị đoàn, giới văn nghệ sĩ… Tuần san Nhịp sống học đường (Tuổi trẻ Phú Yên) của Tỉnh đoàn thường đăng lại các sáng tác thơ văn rút ra từ Ước mơ xanh. Và theo chân của nhiều giáo viên, học sinh, tập san còn đi vào Nam ra Bắc. Một cựu học sinh có thói quen sưu tập và giữ nguyên vẹn các tập Ước mơ xanh là bạn Cao Vỹ Nhánh (hiện công tác ở văn phòng Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh Phú Yên).

Ở Phú Yên, sau tết Nguyên đán, các huyện đều có tổ chức đêm thơ nhạc. Huyện Phú Hòa được tách ra khỏi thị xã Tuy Hòa vào tháng 1/ 2002 (dương lịch). Bởi vậy, trong tết Nhâm Ngọ, chưa tổ chức được hoạt động này. Trong bối cảnh đó, trường THPT Trần Quốc Tuấn đứng ra đảm nhiệm đêm thơ nhạc. Đây là hoạt động chuyên môn của tổ Văn (lúc này, tôi làm tổ trưởng). Đêm thơ nhạc Hương xuân được diễn ra tại sân trường Trần Quốc Tuấn với sự tham gia của đông đảo giáo viên, học sinh. Đặc biệt, Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật tỉnh Phú Yên đến dự bằng một chiếc xe con chở nguyên dàn lãnh đạo của Hội gồm các nhà văn Đào Minh Hiệp, Huỳnh Thạch Thảo, Huỳnh Văn Quốc… Người ta nói, khó có đêm thơ cấp huyện nào có lãnh đạo của Hội đi dự đông đủ như vậy. Sau đó, tin tức về đêm thơ nhạc của trường Trần Quốc Tuấn được phát trên đài phát thanh, truyền hình Phú Yên. Sang năm sau, phòng Văn hóa thông tin huyện Phú Hòa tổ chức đêm thơ nhạc riêng ở địa điểm khác. Nhưng sinh hoạt thơ nhạc của Trường vẫn duy trì, có khi tổ chức ban đêm, có khi ban ngày, có năm làm nhỏ, có năm làm to, có năm lồng ghép vào các hoạt động khác nhưng năm nào cũng có.

Trường THPT Trần Quốc Tuấn là nơi công tác của nhiều thế hệ văn nghệ sĩ, trong đó có những cây bút đã thành danh trước 1975 như Phan Long Côn, Nguyễn Đình Chúc… Đến thế hệ sau, giáo viên của Trường cũng có rất nhiều người thường xuyên sáng tác và có tác phẩm đăng báo như: Hoàng Nam Bằng, Nguyễn Thị Hoa, Hoàng Thị Sơn, Đào Tấn Phần, Nguyễn Phi Hùng, Nguyễn Văn Giác, Phạm Ngọc Hiền, Công Văn Vinh, Đào Văn Chánh, Phạm Huy Văn, Lê Thị Phi Loan, Trần Thị Hồng An… Ngoài ra, còn có nhiều thầy cô giáo sáng tác văn chương như: Phạm Hồng Thái, Lê Hoàng Hoa, Lê Xuân Ngọc, Lã Thị Bích Thủy, Nguyễn Lý, Lê Quang Tuyền, Nguyễn Hữu Tú, Trần Văn Sung… Và còn rất nhiều giáo viên khác nhưng họ công tác ở giai đoạn trước (nên tôi không biết) và giai đoạn sau (tôi không nắm hết). Cựu học sinh của trường cũng có nhiều người thường xuyên sáng tác thơ văn và có bài đăng báo như: Đặng Kim Ba, Phạm Thơ, Vân Anh, Nguyễn Thị Trúc, Cao Vỹ Nhánh, Phạm Thị Tưởng, Bùi Thị Diện, Tô Thị Ngọc Hân, Đặng Tường Vi, Kim Thoa, Nguyễn Thị Kim Phượng, Phan Thị Thu Hồng, Nguyễn Kim Tuyền, Châu Thị Phương Diệu, Nguyễn Thị Thanh Lý, Nguyễn Thị Hoài Yên, Nguyễn Phương Trâm (Sầu Đông)… Và phải kể đến những cựu học sinh của Trường hoạt động trong lĩnh vực báo chí như: Huỳnh Văn Quốc, Tấn Lộc, Đào Nhật Kim, Hoàng Thư, Ngọc Cẩm, Nguyên Khang, Nguyễn Văn Hiếu, Lê Minh Cường, Nguyễn Đức Tính, Bùi Văn Tuấn, Lê Quyết Thắng… Ngoài ra, còn có nhiều cây bút khác trong các lĩnh vực sáng tác, nghiên cứu, báo chí…

Nói về những gương mặt tiêu biểu trong phong trào sáng tác thơ văn ở Trường, nhà báo Đào Đức Tuấn (Ba Đào) có bài viết “Bốn ông giáo “lạ” ở một trường huyện”, đăng nguyên trang khổ lớn trên báo Văn nghệ (TW), số 23/4/2011. Cả bốn ông giáo được nêu đều có cá tính, không giống ai. Đào Tấn Phần là người “lập dị” nhất, suốt đời, đi làm trên chiếc xe đạp cà tàng, với một đầu tóc bù xù và quần áo có nhiều lỗ thủng. Anh dạy Sử, chuyên làm thơ và thường “nổ” mình có tác phẩm được chọn đăng trong tuyển tập Những gương mặt thơ trẻ Việt Nam… Giáo Phần nói nhiều nhưng viết ít, ba ông giáo còn lại nói ít nhưng viết nhiều. Nguyễn Phi Hùng (Phùng Hi) thường sống lặng lẽ như lúc nào cũng suy tư tìm hiểu những điều phi lý trong các định lý Toán học. Truyện của anh thường mang nhiều ý nghĩa sâu sắc và đọc nhức đầu như giải hàm số lượng giác. Anh từng có truyện ngắn đoạt giải ba cuộc thi trên báo Văn nghệ (TW) và là cây bút truyện ngắn quen thuộc trên báo Tuổi trẻ. Nguyễn Văn Giác thường sáng tác thơ với bút danh Ma Joan. Thơ anh nghe như tiếng thở dài của rừng già phóng túng và man dại. Anh cũng có rất nhiều bài nghiên cứu Lịch sử đăng trên các tạp chí khoa học. Hiện nay, TS. Nguyễn Văn Giác là giảng viên trường Đại học Thủ Dầu Một. Trong bốn ông giáo đó, tôi ít tuổi hơn nhưng bù lại, số lượng tác phẩm nhiều hơn: gần 400 bài đăng báo, 10 đầu sách, chưa kể những bài đăng trên trang web phamngochien.com. Sau khi có bằng tiến sĩ, tôi từ giã trường Trần Quốc Tuấn để vào công tác tại Đại học Sài Gòn. Nhưng trong lòng vẫn mang nỗi nhớ khôn nguôi về những ngày tháng dưới mái trường Trần Quốc Tuấn, trong đó có những kỷ niệm văn chương.

Phạm Ngọc Hiền

 


Phamngochien.com - 05:53 - 17/11/2020 - Bài của Phạm Ngọc Hiền          

Gửi bình luận