Tự sự của heo rừng (Phạm Ngọc Hiền)

Tôi sinh năm Tân Hợi (1971), tuổi con heo nhưng tự xét thấy mình giống heo rừng chứ không phải heo nhà. Bởi vậy, nhân dịp xuân Kỷ Hợi, có vài dòng tự sự như sau:

     Con người thường nói: “Tuổi hợi nằm đợi mà ăn”, ý nói người tuổi hợi nhàn hạ như heo. Thực ra, họ so sánh người tuổi hợi với heo nhà. Chứ còn loài heo rừng như chúng tôi thì khác hẳn. Sau đây là một vài so sánh:

     Heo nhà không có ý thức về tự do. Chúng chấp nhận cuộc sống quẩn quanh trong cái chuồng khoảng chừng 2 mét vuông. Nhưng heo rừng thì khác. Nếu bị con người giam trong cái chuồng hẹp như thế thì chúng tôi sẽ la hét phá chuồng để chạy ra ngoài rừng. Lãnh thổ hoạt động của mỗi bầy heo rừng rộng chừng 2000 mét vuông, tức là gấp ngàn lần lãnh thổ của heo nhà. Đối với heo rừng, không có gì thú vị hơn khi được sống tung hoành trong rừng hoang bạt ngàn.

     Nhưng sự tự do nào cũng có cái giá phải trả. Heo rừng luôn sống trong sự đe dọa của các loài động vật ăn thịt. Cọp beo xem loài heo là món ăn khoái khẩu bậc nhất trên đời. Để tồn tại, heo rừng cũng tìm cách thức chống trả. Chúng tôi tìm những cây có mủ, lăn mình vào đó cho da chai sạn. Nanh vuốt cọp beo không thể cào xé được lớp da dày. Kẻ hở của heo rừng là hậu môn, nơi có lớp da mỏng. Khi chiến đấu với cọp beo, chúng tôi thường rúc đuôi vào hốc cây, bụi rậm, hang đá, chĩa hàm răng nanh ra ngoài. Cọp beo phải chào thua. Kẻ thù của heo rừng còn có chó sói. Thông thường, một con sói đơn độc sẽ né tránh những con heo rừng lớn và chỉ dám tấn công những con heo nhỏ. Tuy nhiên, những lúc ỷ thế bầy đàn, chúng cũng tấn công những con heo rừng lớn. Những cụ heo già yếu thường làm mồi cho chúng. Nhìn cảnh ấy, chúng tôi tự an ủi: ai mà chẳng có một lần chết. Thà chết đau đớn trong 10 phút còn hơn người già bệnh tật nằm lăn lóc trên gường bắt con cháu phải nuôi suốt 10 năm mới chết. Người ta bỏ công sức ra nuôi heo nhà cũng chỉ để giết thịt nó trong những dịp nhà có đám chết, đám giỗ… Nhưng nó cứ tưởng mình ngon khi thấy được con người nấu ăn, chăm sóc. Nó cảm thấy tự hào khi được sống trong một cái chuồng ấm áp, an toàn, không bị cọp beo rình rập. Kể ra, heo nhà cũng sướng đấy nhưng tuổi thọ không quá 1 năm trong khi tuổi thọ trung bình của heo rừng lên tới 10 năm. Vậy, bạn chọn cái nào: sống nhàn hạ 1 năm rồi chết hay là sống lam lũ 10 năm mới chết ?

     Heo nhà được con người chăm sóc chu sóc, cho ăn uống no nê, tắm rửa sạch sẽ, da dẻ hồng hào. Khi trời mưa nắng, người ta che mái lá, khi trời se lạnh, người ta che gió cho nó. Lũ heo rừng không có được vinh dự đó. Chúng tôi sống tự lập, tự xoay xở với cuộc sống khó khăn. Khi trời mưa gió, chúng tôi nép mình dưới tán lá cây rừng. Khi trời nắng nóng, chúng tôi lặn xuống những con suối, đầm lầy dơ bẩn. Nhưng heo rừng cũng có cái sướng của cuộc đời tự lập. Khi nào phởn chí, chúng tôi chạy nhảy trong rừng già mênh mông, nghe tiếng gió ngàn reo ca, tắm mình trong những vạt nắng ấm áp xuyên qua tán lá dày. Chúng tôi muốn đi đâu thì đi, ăn ngủ lúc nào cũng được, không lệ thuộc ai. Đó là cái thú của kẻ tự do.

     Heo nhà thường chỉ ăn một số thức ăn đơn điệu vì chúng không có quyền lựa chọn. Ngày này sang ngày khác, chúng vẫn bằng lòng với món cháo rau dền, bẹ chuối xắt trộn cám. Thức ăn của heo rừng nhiều vô kể, tha hồ lựa chọn. Đó là các loại rễ củ, quả hạt và các loại rau dại mọc đầy rừng. Thỉnh thoảng, chúng tôi cũng ăn các loại động vật nhỏ. Người ta xếp loài heo vào nhóm động vật ăn tạp. Thực ra, chúng tôi vẫn thích ăn thực vật hơn, bao gồm những thực vật hoang dã đến những thứ do con người trồng. Chúng tôi ăn ngô, khoai do con người trồng nhưng không ghét con người. Cũng như con người vẫn ăn thịt heo nhưng không ghét loài heo. Con người rất sợ heo rừng phá hoại nương rẫy của họ. Tuy nhiên, việc săn bắn heo rừng không hẳn xuất phát từ lý do bảo vệ nương rẫy. Họ giết chúng tôi chỉ vì thịt heo rừng ngon hơn thịt heo nhà. Có khi, chúng tôi không đụng chạm gì tới quyền lợi của họ nhưng vẫn bị họ giết chết. Họ làm bẫy săn heo rừng. Bạn heo của tôi có một đứa con nhỏ bị sa bẫy. Chúng tôi tìm cách phá bẫy nhưng không được đành để cho con heo nhỏ chết. Từ đó, bạn tôi rất căm ghét con người. Nên nhớ rằng, trong các loại động vật hoang dã, voi và heo rừng có trí nhớ dai và đôi lúc cũng biết trả thù. Một hôm, bạn tôi trả thù bằng cách húc chết một đứa bé con của người kiểm lâm. Nhưng nó không hiểu rằng, người kiểm lâm không phải là gã thợ săn bữa trước. Người kiểm lâm có nhiệm vụ bảo vệ rừng, bảo vệ các loại động vật như nó. Đứa bé con của người kiểm lâm đã chết tức tưởi trong khi không có tội tình gì. Mà cần gì có tội mới chết. Xưa nay, những con người vô tội vẫn chết như thường. Chết vì bom rơi đạn lạc, chết vì tai nạn giao thông do người khác gây ra… Trở lại chuyện con heo nhà. Nó cũng chẳng có tội tình gì nhưng vẫn bị con người đè ra chọc tiết. Lúc ấy, không thể ngửa cổ lên trời la: Tôi không có tội !

      Người ta nói, heo rừng dữ hơn heo nhà. Thực ra, heo rừng chỉ dữ tợn khi bị các loài khác đe dọa. Khi gặp cọp beo hoặc con người, việc đầu tiên là heo rừng bỏ chạy. Nhưng nếu bị dồn đuổi đến bước đường cùng, chúng tôi mới quay lại chống trả. Chúng tôi không bao giờ chủ động đi sinh sự với các loài khác. Nhưng nếu bị các loài khác chơi xấu, chúng tôi cũng biết trả thù. Vũ khí của heo rừng không lợi hại như các loài khác, không chạy nhanh như nai, thỏ; không to lớn và có cặp sừng lợi hại như trâu, tê giác… Chúng tôi chỉ biết dùng nội lực ghê gớm của mình, xuất phát lòng căm thù tột độ và sự liều mạng. Chúng tôi dùng đầu húc thẳng vào kẻ địch. Nếu đụng vào bụng kẻ địch, heo rừng mới phát huy thêm lợi thế của cặp răng nanh. Những lúc cần bảo vệ con nhỏ, heo rừng dũng cảm hơn bao giờ hết. Thấy chúng tôi liều mạng bảo vệ con, hổ báo cũng chịu thua, bỏ đi. Chúng tôi thích sống yên ổn. Nhưng rất tiếc, không phải loài nào cũng có cùng sở thích như vậy.

     Heo nhà có nhiều thiệt thòi trong cái khoản tình yêu, tình dục. Đại đa số heo nhà không biết chuyện làm tình trong suốt cuộc đời mình. Người ta nuôi nó, mới vừa đủ lớn đã làm thịt ngay, không cho nó có cơ hội nếm trải vị ngọt của trái cấm. Thế mà nói đến chuyện dâm dục, người ta thường so sánh với con heo. Phim tình dục được gọi làm phim con heo. Thấy ai dâm dục thì người ta gọi đó là họ hàng của Trư Bát Giới. Thực ra, so với các loài, con người quan tâm tới tình dục nhiều nhất. Cuộc sống của con người cũng bị chi phối rất nhiều bởi chuyện tình yêu, tình dục nhưng họ cứ làm ra vẻ đạo đức giả, coi chuyện làm tình là thấp hèn. Trong khi đó, các loại động vật ít quan tâm tới chuyện tình dục. Thông thường, chúng chỉ quan hệ tình dục vào mùa giao phối. Khi đó, các chàng heo đực tranh giành các nàng heo nái. Sự tranh giành càng dữ dội khi có hiện tượng nái ít, đực nhiều. Nhưng có những năm nái nhiều hơn đực, chàng nào cũng có cơ hội làm tình với ít nhất một nàng. Trong cuộc đời, một chàng heo đực có cơ hội tiếp xúc với nhiều nàng heo nái, và một nàng heo nái cũng có cơ hội tiếp xúc với nhiều chàng heo đực. Còn ở heo nhà, chỉ có những chàng heo giống mới có cơ may tiếp xúc với nhiều nàng heo nái. Còn những chàng không chuyên nghiệp thì bị thiến vào mùa động dục. Người ta thiến heo nhà để cho nó đừng quan tâm tới chuyện ấy, chỉ lo ăn no chóng lớn để người ta làm thịt. Họ làm thịt để tổ chức đám cưới. Sau đám cưới, đôi trai gái sẽ chăm chỉ làm tình quanh năm suốt tháng. Họ lại đẻ ra những đứa con để rồi tiếp tục mổ heo ăn mừng. Thì ra, làm thân con heo chỉ để phục vụ cho các thú vui của con người.

      Thịt của loài heo là một phần không thể thiếu trong món ăn của con người (trừ những người theo đạo Hồi và Do Thái). Đối với người Việt Nam, các lễ tiệc không thể thiếu thịt heo. Ở đâu có lễ hội, ở đó có tiếng heo kêu eng éc. Vào mỗi dịp tết, con người giết không biết cơ man nào là heo. Lũ heo rừng chúng tôi đứng ở bìa rừng nghe tiếng heo nhà kêu, lòng không khỏi bồi hồi thương xót cho đồng loại. Mấy năm gần đây, con người nổi hứng muốn ăn thịt heo rừng trong ngày tết. Bởi họ quan niệm, ăn heo rừng vào đầu năm mới sẽ có hên cả năm. Từ trước tết, mấy tay thợ săn đã xách súng vào rừng lùng sục chúng tôi. Nhưng chúng tôi đã nhanh chân chạy biến vào rừng sâu mỗi độ xuân về. Con người đã bắt sống heo rừng và cho lai giống với heo nhà. Từ đó, sản sinh ra một loại heo vừa rừng vừa nhà. Thịt của chúng cũng na ná như heo rừng. Con người nhấm nháp lớp da dày cộm của loài heo rừng lai ấy mà tưởng rằng mình đang ăn heo rừng hoang dã. Nhờ vậy, loài heo rừng hoang dã của chúng tôi tránh được sự săn lùng ráo riết của loài người.

      So sánh heo rừng với heo nhà, tôi rút ra bài học rằng: ở đời, được - mất ngang nhau. Ta phải chấp nhận điều đó để sống vui với đời. Con heo nhà biết bằng lòng với thực tế của mình nên nó chỉ lo ăn và ngủ, không biết buồn phiền. Vậy, loài heo rừng có điều chi phải buồn phiền khi được sống tự do. Hãy trở lại với câu nói “Tuổi hợi nằm đợi mà ăn”. Loài heo có hai loại: heo nhà, heo rừng thì những người tuổi hợi chắc cũng phải chia làm hai loại. Một loại người chỉ biết sống hưởng thụ, ỷ lại, ù ì, không muốn sự đổi thay, không có khát vọng lớn. Một loại người tự thân lập nghiệp, dám xông pha vào nơi khó khăn để tìm hạnh phúc cho mình. Vì là heo rừng nên tôi ủng hộ cách sống của loại người thứ hai: sẵn sàng chấp nhận sự gian khó để có được sự tự do. 

Phạm Ngọc Hiền

 


Phamngochien.com - 06:45 - 04/02/2019 - Bài của Phạm Ngọc Hiền          

Gửi bình luận