Trường ĐH Văn Hiến tổ chức Hội thảo v/v thu hút SV vào học các ngành KHXH

Những năm gần đây, việc tuyển sinh ĐH vào các khối thuộc ngành xã hội nhân văn đang diễn ra ảm đạm. Làm thế nào để các ngành này trở nên thu hút SV khi mùa tuyển sinh ĐH đến ?

Đó là nội dung chính của cuộc hội thảo "Làm gì để thu hút người học tìm đến với ngành khoa hoc xã hội nhân văn (KHXHNV)" do trường ĐH Văn Hiến TP.HCM vừa tổ chức vào sáng 30/3.

Trong phát biểu khai mạc, nhà giáo ưu tú Trần Chút - Phó Hiệu trưởng trường ĐH Văn Hiến cho biết: Trong những mùa tuyển sinh ĐH gần đây, tại các trường ĐH trong và ngoài công lập đang đối diện với một thực trạng đáng buồn: số thí sinh đăng kí dự thi, xét tuyển vào các ngành KHXHNV đang ngày càng giảm, thậm chí có ngành tuyển không đủ chỉ tiêu buộc phải ngừng đào tạo. Từ thực trạng này đã dẫn đến việc mất cân đối trong cơ cấu lực lượng lao động, trong sự phát triển KH, cả trước mắt lẫn lâu dài.

Theo ThS Đỗ Văn Bình - khoa XH học, ĐH Văn Hiến, nguyên nhân của việc này xuất phát từ rất nhiều yếu tố. "Trước tiên, do tâm lý nên nhiều người cứ lầm tưởng rằng chọn học các ngành KHXHNV rất khó xin việc làm, hoặc làm không đúng chuyên môn. Nội dung các môn học được cho rằng quá nặng, nhiều lý thuyết và ít thực hành, không phù hợp với cấu trúc đề thi ĐH, CĐ như hiện nay. Tại bậc ĐH, giáo trình của những môn học này thường thiên về tuyên truyền, giáo dục tư tưởng, xa rời thực tiễn, làm SV không mấy thích thú..."

Hội thảo "Làm gì để người học tìm đến với nhóm ngành KHXHNV" vào sáng 30/3 ở TP.HCM (ảnh: N.D)

 Cùng lúc, ThS Đỗ Văn Bình còn cho rằng các chính sách, chủ trương của ngành GD vẫn chưa thực sự coi trọng các ngành KHXHNV, dẫn đến việc người học thường đua, chạy theo các ngành học "nóng" để ra trường dễ có việc làm, có thu nhập và vị trí tốt trong XH.

Đại diện cho một trong những trường ĐH đào tạo ngành KHXHNV lớn nhất VN, PGS TS Đoàn Lê Giang - Trưởng khoa Văn học, Ngôn ngữ, ĐH KHXHNV TP.HCM cũng nhận định: "Những trường ĐH có đào tạo ngành KHXHNV luôn bị coi là ĐH hạng hai, điều ấy dẫn đến việc có rất ít SV giỏi lựa chọn các ngành này, ngay cả ở trường chúng tôi cũng thế".

Cũng theo PGS TS Đoàn Lê Giang, nguyên nhân là còn do số lượng trường đào tạo ngành KHXHNV ít, chỉ tiêu tuyển sinh ĐH, CĐ hằng năm cũng thấp hơn các ngành học khác, nhất là ngành KH tự nhiên. Chính vì vậy, các đại biểu tham dự hội thảo khẳng định: Đã đến lúc cần phải tìm ra các giải pháp để vực dậy các ngành học KHXHNV. 

Thầy Nguyễn Đức Hiệp - Bộ phận phát triển GD, Tổng Công ty Truyền thông đa phương tiện VTC nhấn mạnh rằng: Muốn thu hút SV nhiều hơn nữa, các ngành học thuộc nhóm KHXHNV cần phải chủ động tìm đến SV, cần phải có nhiều cơ hội để tiếp cận, giới thiệu những thế mạnh của ngành học. Song song đó, thầy Hiệp cũng lưu ý rằng cần thiết phải thay đổi phong cách tư vấn tuyển sinh ĐH ở các trường phổ thông, cần thay đổi các nhận định cũ, sai lầm về ngành học KHXHNV.

Dưới góc độ là một cựu SV đã từng tốt nghiệp ngành KHXHNV, anh Trần Triều - báo Phụ Nữ TP.HCM đề xuất, cần nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo, tập trung vào những nội dung có tính ứng dụng cao trên thực tế, khơi dậy niềm đam mê KHXHNV ngay từ cấp THPT, đào tạo theo nhu cầu XH như yêu cầu của Bộ GD&ĐT hiện đang yêu cầu thực hiện

Việt Dũng

 

 

 


Phamngochien.com - 13:21 - 01/04/2011 - Bài của văn nghệ sĩ          

Gửi bình luận