Trong một bài trước đây (1), tôi đã viết về cái khái niệm này trong sách Giáo trình dẫn luận Thi pháp học của ông Trần Đình Sử. Vừa rồi có dịp đọc trong sách “Phê bình văn học, con vật lưỡng thê ấy” của ông Đỗ Lai Thúy. Thấy có bài “Trần Đình Sử, hình thức có tính quan niệm” tôi đã đọc. Và tôi thấy cần trở lại chuyện này.

Là người say mê với cái hình thức trong phê bình văn học, ông Thúy rất hậm hực vì chuyện phê bình văn học “mượn” cặp phạm trù “nội dung và hình thức” của triết học nên bị quan niệm “nội dung quyết định hình thức” của triết học làm cho “sai lệch mục đích của phê bình”. Theo ông, “văn học – nghệ thuật xét cho cùng là vấn đề hình thức” (2), “không thể coi nhẹ hình thức được”. Ông coi việc đưa Thi pháp học vào đã “gỡ thế bí cho phê bình”, khi nó “đặt hẳn lên bàn nghị sự đối tượng nghiên cứu của mình chính là hình thức”!…Và ông đánh giá cao cái việc sáng tạo ra cái hình thức bên trong, hình thức có tính quan niệm của ông Trần Đình Sử khi nói về thi pháp học. Như thế là chỉ ra được một cách cụ thể sự thống nhất giữa nội dung và hình thức (cũng như ông Đặng Lưu coi đó là một “cụm từ đích đáng” mang ý nghĩa đặc biệt mà nếu không chú ý đến ý nghĩa của nó ta “khó mà hiểu hết tư tưởng của ông” – tác giả “Giáo trình Dẫn luận Thi pháp học”). Ông đánh giá cao những công trình nghiên cứu về thi pháp thơ Tố Hữu hay Truyện Kiều như là những thành công rực rỡ làm cho phương pháp thi pháp học có sức thuyết phục.

Về cái khái niệm hình thức bên trong, hình thức có tính quan niệm của ông Trần Đình Sử mà ông Thúy và người khác ca ngợi chúng tôi đã có dịp chỉ ra sự mù mờ rối rắm trong bài “Hai chữ hình thức” đã dẫn. Chỉ xin lược lại vài điểm chính.

Những lời giảng giải của tác giả về khái niệm ấy cho ta thấy sự lặp đi lặp lại một cách lúng túng. Nào là: Hình thức mang tính quan niệm là “hình thức bên trong, hình thức của cái nhìn, hình thức tâm hồn (?) để cảm nhận và tái tạo lại sự vật, tái tạo hình thức thẩm mỹ cho tác phẩm văn học”. Nào là “hình thức bên trong” của tác phẩm là “hình thức tạo hình thức”, nó “chính là hình thức của chủ thể dùng để sáng tạo và tri giác (?), cảm nhận (?) thế giới” tuy nó hàm chứa trong “hình thức của khách thể thẩm mỹ được sáng tạo trong tác phẩm”. Rồi tiếp đến lại là: “Hình thức bên trong là hình thức của cái nhìn nghệ thuật, là sự hiện diện của con mắt nghệ sĩ, yếu tố qui định cách tạo hình cho tác phẩm”. Đến những thí dụ thì cũng lại lẫn lộn lung tung như: “Kết cấu bề ngoài của kịch là đối thoại, chia hồi cho hành động, còn kết thúc bi kịch hay hài kịch là hình thức bên trong, hình thức kiến tạo”.

Lại còn có những câu không biết nên hiểu thế nào như: Quan niệm là một yếu tố quả có sức mạnh tạo hình rất to lớn. Nhưng tính quan niệm nói đây không phải là khái niệm hóa, công thức hóa hình thức, mà là nội hàm quan niệm (tác giả nhấn mạnh) trong hình thức, hình thành trong cảm nhận. Có khi tác giả không tự giác được quan niệm của mình. (Khi “quan niệm” đã “trở thành nguyên tắc cấu tứ, xây dựng (tác phẩm)” của tác giả mà “có khi” tác giả lại “không tự giác được quan niệm của mình”?!).

Đến tác giả của thứ “lý luận” có tính sáng tạo mà còn hiểu về “con đẻ” của mình như thế thì người khác dễ gì “hiểu được tư tưởng” của ông như lời ông Đặng Lưu ca ngợi!

Lại phải nói về cái khái niệm “hình thức bên trong”: có thật là sáng tạo? Là tư tưởng đáng trầm trồ? Chỉ cần mở cuốn Từ điển Triết học của Rôdentan ta dịch từ năm 1972 xuất bản năm 1976 cũng có thể đọc được mấy dòng liên quan ở mục từ “Hình thức và Nội dung” sau đây:

Hình thức là tổ chức bên trong của nội dung, nó liên hệ những yếu tố của nội dung thành một khối thống nhất. Không có hình thức, nội dung không thể có được (3).

Còn như việc chia ra hai thứ hình thức trong tác phẩm thì có thể tìm thấy xuất xứ từ cách phân chia của M. Bakhtin (4). Mà chúng tôi đã viết trong bài “Hai chữ hình thức” đã dẫn:

Bakhtin phân biệt hình thức kết cấu và hình thức cấu tạo. Hình thức kết cấu là hình thức được thực hiện trên chất liệu, bằng chất liệu; đó là sự tổ chức chất liệu (ngôn từ). Hình thức cấu tạo là hình thức có ý nghĩa nghệ thuật; ý nghĩa đó có được do hoạt động chủ động sáng tạo của một chủ thể thẩm mĩ tức là người nghệ sĩ. Hoạt động này diễn ra không chỉ trong việc tạo lời mà trước đó là nhiều việc như chọn thể loại, cấu tạo cái khung tác phẩm… Việc này đương nhiên gắn với nhiều điều trong quan niệm nghệ thuật của người nghệ sĩ.

Cuối cùng, nhân việc ông Thúy nói đến vai trò “hình thức” ở văn học với câu “văn học – nghệ thuật xét cho cùng là vấn đề hình thức”, “không thể coi nhẹ hình thức được” và quan niệm về đối tượng của Thi pháp học là “hình thức”, xin được nhắc lại đôi điều đã nói ở bài “Thi pháp học, thử phác một chân dung” (5).

Có thể phác ra trên nét lớn quá trình sáng tác một tác phẩm văn chương như thế này. Khi từ một “sự kiện đời sống”, đã có một cái “ý tưởng”, một cái “thông điệp” muốn biểu đạt ra (tức là có cái “nội dung”), nhà văn phải chọn một hình thức để thực hiện. Có thể là kịch chẳng hạn. Xét về thể loại, kịch là một câu chuyện kể lại trên sân khấu. Câu chuyện đó khác câu chuyện kể lại bằng lời kể của hình thức “truyện – tự sự”. Tất nhiên, nhà văn phải chú ý đến cả việc chọn các “tiểu loại” của hình thức kịch như bi kịch, hài kịch, cả các kịch chủng khác nhau như chèo, tuồng… để xử lý đúng đặc điểm của chủng loại kịch đó. Cái nội dung nhà văn cần tìm ở tác phẩm đi liền sau đó là một cái “hình thức của nội dung”, một cốt truyện “gói” được vấn đề, “nói” được những điều muốn nói – và một “hình thức của hình thức” (6) cần có là sự “sân khấu hóa” câu chuyện với những tính cách mâu thuẫn, xung đột có ý nghĩa với chủ đề, với những diễn biến có thể “diễn lại” trên sân khấu (và phù hợp với đặc điểm của kịch chủng đó). Sau khi giải quyết xong những thứ đó mới là việc chọn và tổ chức các chất liệu cụ thể ở nội dung và hình thức. Bản chất “thi pháp” của tất cả các sáng tác văn học đều đòi hỏi phải tôn trọng như thế với những đặc thù của thể loại về nội dung và hình thức, những cái chi phối “phương thức cấu tạo tác phẩm” như Tomashevski nói. Như thế, cái bí quyết sáng tạo, “cấu tạo” tác phẩm theo thi pháp trước tiên thể hiện ở hai sự chọn lựa đó. Có hai thứ đó mới tạo điều kiện sáng tạo ra được cái đặc sắc, giá trị đích thực của mỗi tác phẩm vì chúng giúp người sáng tác liên kết tất cả những “thực chất”, những “chất liệu” của nội dung và hình thức anh ta cần biểu đạt. Tất cả những nhân vật, những tính cách có tính phát hiện… nếu không được gói lại trong hai cái “hình thức” của nội dung và “hình thức” của hình thức thì không sao phát huy hiệu quả nghệ thuật được.

Thực ra còn có thể nói thêm về mối quan hệ nội dung và hình thức theo một cách hiểu phổ thông hơn mà chúng tôi đã trình bày ở bài “Môn Văn là một môn khoa học?” (Văn Nghệ TƯ, số 44 ngày 30-10-2015) với ý cơ bản như sau:

Có thể hình dung cái văn bản viết ra như một khối có 4 lớp mà lớp ngoài là “hình thức” trực tiếp của lớp “nội dung” ở trong nằm sát với nó.

- Lớp 1 ngoài cùng là lớp chữ viết

(KÊNH CHỮ).

- Lớp 2 là lớp NGÔN TỪ

(NGÔN NGỮ NÓI).

- Lớp 3 là lớp CÁC Ý

(Bức tranh cuộc sống).

- Lớp 4 là THÔNG ĐIỆP.

Hiểu biết về qui trình “tạo mã” như thế, người đọc sẽ tìm ra qui trình GIẢI MÃ, tiếp nhận cái THÔNG ĐIỆP của tác giả. Đó là qui trình làm ngược lại với người sáng tác. Đó là quá trình đi từ cái vỏ văn bản tới cái ruột, cái lõi thông điệp. Phải bóc từng lớp “bao ngoài” nó để đến được cái “nhân”, cái “lõi” bên trong của nó, giống như ăn bánh phải bóc các lớp lá, vỏ bánh bao gói cái bánh!

Phải trở lại với một vấn đề thực ra cũng đã có bàn nhiều chỉ vì có những quan điểm khó chấp nhận khi người ta cứ cực đoan làm biến dạng nhiều thứ. Tất nhiên đây cũng chỉ là một cách nhìn.

Lê Xuân Mậu
Tuần Báo Văn Nghệ TP.HCM số 388

 

Các bài viết liên quan:

Không gian thời gian trong sáng tác văn học (Lê Xuân Mậu)

Trở lại chuyện hình thức mang tính quan niệm (Lê Xuân Mậu)

Thẩm định tự sướng (Năm Châu Đốc) (phần 1)

Thẩm định tự sướng (Năm Châu Đốc) (phần 2)

Thẩm định tự sướng (Năm Châu Đốc) (phần 3)

"Thi pháp truyện Kiều" mang lại đều gì mới mẻ ? (Trần Mạnh Hảo)

Những ngộ nhận về thi pháp và phương pháp trong nghiên cứu văn học hiện nay (Phan Trọng Thưởng)

Trao đổi với Chu Mộng Long về bài "Thi pháp học đồ đểu" (Phạm Ngọc Hiền)

Từ Thi pháp đến ký hiệu (Chu Giang)