Trạng thái yên ổn giả tạo trong Đứa trẻ mồ côi (TS. Mai Liên Giang)

 

THÁNH CA VÀ TRẠNG THÁI YÊN ỔN GIẢ TẠO TRONG TIỂU THUYẾT ĐỨA TRẺ MỒ CÔI CỦA MÓRICZ ZSIGMON.

 

Hãy nhiều đức tin hơn nữa, nhiều sự thống nhất hơn nữa và nếu có thêm cả tình yêu, thì tất cả đều làm được (1) - Dostoievski .

 

Móricz Zsigmond (Môrix Gicmôn 1872-1942) là nhà văn nổi tiếng của nhân dân Hungari. Đứa trẻ mồ côi là một trong những kiệt tác của văn xuôi Hungari được nhiều bạn đọc chú ý. Từ sau ngày giải phóng Hungari, tiểu thuyết đã được dựng thành phim và được xuất bản nhiều lần với tổng số trên 500 bản. Tác phẩm là tâm sự thấm đẫm nước mắt của tác giả về cuộc đời em bé mồ côi Trơre, về thân phận con người làm rung động người đọc bao thế hệ. Bằng vẻ ngoài của lời thánh ca bình yên, Môrix Gicmôn muốn làm náo động trạng thái yên ổn giả tạo, thức tỉnh sự lười biếng của trí tuệ và tha hóa của tâm hồn đang ngự trị bên trong xã hội Hungari một thời kỳ. Từ đó, nhà văn đặt ra vấn đề ý thức trách nhiệm của loài người trước cuộc đời của những thân phận khốn khổ, kém may mắn.

Thánh ca là những bài hát ca ngợi, cầu nguyện thần thánh trong các buổi lễ. Với chất giọng của thánh ca, con người có thể tìm thấy được sự an ủi, bình yên khi cõi lòng rối bời. Kết hợp với giai điệu âm nhạc nơi thánh đường, thánh ca có khả năng khiến con người có nhu cầu được sám hối những tội lỗi của mình. Cho dù đó chỉ là một tội bé nhỏ như hôm qua con đói bụng quá, con có hái trộm một quả nho trong vườn nho của mẹ, hôm qua con lạnh quá, con đã dám mơ ước được mặc một chiếc áo len không thuộc sở hữu của con... Sử dụng giọng điệu cơ bản của thánh ca, nhưng không phải dùng nó nơi giáo đường mà là trong thực tế cuộc đời nghiệt ngã, Môrix Gicmôn đã sáng tạo nên một tiểu thuyết mới. Tiểu thuyết gồm bảy thánh ca, mỗi thánh ca là một đoạn đời của em bé mồ côi 7 tuổi: mồ côi Nhà nước. Cũng sử dụng âm điệu chính của thánh ca nhưng tiểu thuyết Đứa trẻ mồ côi không phải là bài hát ca ngợi, cầu nguyện thần thánh mà chính là bài cầu nguyện về tấm lòng bao dung của loài người. Tạm gác lại những thông điệp sâu sắc khác, chúng ta có thể thấy sức cuốn hút của tác phẩm khá tập trung ở cấu trúc song hành: thánh ca là thủ pháp nghệ thuật nhằm biểu hiện sự đối nghịch của vẻ bình yên nơi giáo đường và cuộc sống của những con người khốn khổ buộc phải tồn tại trong những điều nghịch lý của xã hội. Bằng cách viết này, nhà văn muốn nói với chúng ta rằng trạng thái bình yên của sự sống bên ngoài chỉ là giả, nỗi khốn khổ tận cùng bên trong của tâm hồn mỗi con người diễn ra ngày đêm không biết chia sẻ cùng ai mới là điều cần lưu tâm.

Thánh ca thứ nhất được mở đầu bằng vẻ trong lành của bình minh trên thảo nguyên. Đó là lúc mặt trời gay gắt muôn thuở mọc giữa trời và đất như quả trứng non của con gà đần độn. Ánh sáng đỏ và vàng ồ ạt tràn vào sương mù xanh lúc bình minh. Yên ổn hơn nữa: ở đây chỉ có thể tốt đẹp và mãn nguyện. Thậm chí trại là nơi ở lâu đời của người và gia súc cũng không cần ngăn cách. Đó là những khoảng cách vô định. Khoảng cách quý giá của cuộc sống tự do mà tự nhiên đã ban tặng cho mọi sinh vật sống. Nhà văn đã khẳng định: sống và nghỉ ngơi ở nơi đây tốt biết bao! Làm trẻ con ở đây thích biết bao. Đến những con chim lúc bình minh mới tỉnh giấc, chúng sắp sửa hót líu lo và vui nhộn... Nhưng tất cả sự bình yên đó chỉ là cái bên ngoài, là giả tạo, chúng ta có thể nhìn thấy được nhưng không cảm thấy được. Dấu hiệu của sự bất ổn đầu tiên xuất hiện từ hình ảnh của em - Trơre - đối nghịch với bình yên. Em đứng đó như thượng đế đã sáng tạo nên, em đứng đó không mảnh áo che thân dưới mặt trời lên cao ngơ ngác; em - gà con vẫn đứng phụng phịu, sương rơi xuống thân thể nhỏ bé, gầy yếu; em chẳng biết vì sao em có mặt trên cuộc đời này. Em buồn ngủ, em như chú mèo con, nhưng mèo con còn biết kêu rên và tắm rửa, còn em bé bỏng chỉ đứng một cách tuyệt vọng. Vì sao em ở đây ư. Có một người đàn bà gầy gò, khô quắt, dường như bà vừa nuốt quả dưa hấu Hy Lạp to nhất cánh đồng (do tạp dề của bà nhô ra một cách kỳ quặc). Bà ta là bà mẹ quý hóa đã nuôi thêm đứa trẻ mồ côi của Nhà nước bên cạnh việc nuôi gà, nuôi lợn con để kiếm nguồn lợi cho mình. Nhận nuôi em, hàng tháng Nhà nước phải trả cho bà tám Pengguê (2), chiếc áo sơ mi và một số đồ dùng của trẻ con. Nhưng bất ổn thay, em không được mặc chiếc áo đó. Chiếc áo đã được bà mẹ dành cho Rôdi - một trong bốn đứa con đang ở tuổi đi học của bà. Em đứng ở trần truồng, nhìn thấy rõ chiếc áo lẽ ra là em phải được mặc. Con dấu của Trại trẻ mồ côi còn in dấu trên áo vẫn chưa giặt sạch đã giúp em biết đó là chiếc áo của em, mặc dù bên ngoài Rodi đã có một áo khoác. Em như chú chim sẻ trụi lông thoăn thoắt trong trang trại để làm việc. Em kháng cự, em muốn có chiếc áo, nhưng hơn nữa em muốn được đi học như bọn trẻ kia. Bà mẹ điên tiết, lũ trẻ chế giễu em, gã Kođorơtrơ Isơtvan cười em. Chỉ có con bò Bôrisơ là bạn của em nhưng con bò rồ dại cũng đã hất em ngã, dường như nó giải trí và cười theo cách của nó: nó đã ăn bánh mì của em. Em bị họ giận, bị họ đánh, bị để đói, bị ông bố Đuđasơ ôm ấp, sờ soạng và bảo em không được nói cho bà mẹ biết. Ông Đuđasơ hành hạ bằng cách đặt cục than lên tay làm cháy tay em. Em bị bà mẹ giáo dục: cho dù ở đâu trên bất cứ thế gian này em cũng không được lấy gì hết. Chỉ có da là của em, những thứ khác em không có. Kể cả việc hái một quả dưa trong trang trại để chống đói, em cũng bị hành hạ. Em vẫn ấm ức, em vẫn chưa đòi lại được chiếc áo sơ mi lẽ ra là của em. Em bé Trơre vẫn phải đi lại, vẫn phải nói cười, ăn uống, kháng cự, nối kết với những người xung quanh bằng vẻ ngoài yếu ớt, bằng thân phận không là gì của mình.

 

 

Thánh ca thứ hai, thứ ba là lời thống thiết về nỗi đau của em. Suốt cả tuần không thể dùng em vào việc gì được. Chỉ có con bò Bô risơ thương em nhất. Ngón tay của em bị đau đớn. Chỉ một ngọn gió nhẹ cũng làm cơn đau nhói lên. Vậy mà, em đã phải kháng cự với gã Kođorơtrơ Pitơso độc ác. Và kết cục là gì? Em bị gã bẻ xoắn, vặn, như thể xương thịt em làm bằng cái que... gã quật em vào cái cọc, người em tiếp tục đầy máu. Lúc này không ai có cảm giác gì hết, chỉ có những con chim nhìn em thương xót. Trong tận cùng đau đớn, em muốn được ôm lấy người mẹ nuôi nhưng em không cựa quậy. Cuối cùng em chỉ ôm chính mình. Tuy vậy, sự nỗ lực của em cũng đã khiến cho bà mẹ có thay đổi. Bà rửa nước mối, băng vết thương cho em, dặn các con để yên cho em ngủ, đắp chăn cho em. Nhưng tất cả cách ứng xử đó của bà mẹ cũng chỉ là giả tạo. Bà làm vậy vì bà biết rõ em có thể có lợi cho bà. Cuộc đời em tối tăm hơn ở thánh ca thứ ba. Những ban mai ngày một lạnh hơn. Cô bé Trơre ngày lại ngày vẫn trần truồng, run rẩy ra đồng với con bò. Nhưng đó là thời gian em phải tự chống chọi với những cặp mắt trước hình hài của cô bé mới lớn trong em. Trơre cố gắng để mọi người vui vẻ với em, vì em muốn giống mọi người. Tất nhiên điều đó là không thể được, vì mọi người có quần áo và giày dép, còn em thì đi đứng như lợn con hoặc như con chó trong bộ da của mình. Những người đàn ông to lớn ngây ra nhìn em. Bọn trẻ con trong nhà bị rét, chỉ có em là không bao giờ được rét, không được đói, không được sợ. Những cái gì không tốt, em đều phải chịu đựng. Em chứng kiến sự giận giữ của người cha nuôi khi biết lão Kođorơtrơ giả làm ma để giở trò với em. Kođorơtrơ đã bị ông bắn chết. Em phải túc trực bên cái xác chết của lão Kođorơtrơ từ sáng đến trưa... Trơre không nghĩ gì cả, em chỉ ngạc nhiên rằng tại sao em phải chịu đựng khác với những đứa trẻ kia. Bên ngoài, những người đàn ông xung quanh em đều có vị thế, có quyền lực. Mỗi khi họ xuất hiện đều làm cho bọn trẻ khiếp sợ. Nhưng thực chất, bên trong tất cả họ đều là lũ đồi bại. Tất cả họ xuất hiện trước mặt em chỉ vì sự thỏa mãn dục vọng bản thân.

Sự khốn khổ này lại tiếp diễn ở thánh ca thứ tư. Bọn trẻ con thì đến trường còn Trơre không biết trường học là cái gì. Em chưa lúc nào rời khỏi trại. Một số tiền và áo sơ mi nhà nước cấp cho em đều bị mẹ nuôi cho con bà hoặc dùng nó vào việc nuôi lợn. Em bị trả lại cho Nhà nước. Lần này, em đã tìm cách trốn. Em muốn ở lại với gia đình Đuđasơ. Dù thế nào em cũng yêu mẹ nuôi, em yêu cả những câu chửi mắng lỗ mãng của bà. Nhưng khi được biết bà nhận nuôi em để kiếm tiền, và nếu thoát ra khỏi bà, em cũng được một bà mẹ khác vì tiền mà nhận nuôi em, lòng em đã trở nên băng giá. Trạng thái yên ổn không chỉ biểu hiện ở vẻ ngoài bình yên của trang trại. Đến đây nó được đẩy lên đỉnh điểm qua cách nói của bà mẹ nuôi. Khi nghe bà lớn hỏi: tại sao con bé ở trần như vậy? Bà mẹ trả lời: Không sao, bản tính nó vẫn thế đấy ạ. Cứ mặc quần áo cho nó là nó bứt ngay ra khỏi người. Ở đây không ai nhìn thấy, vả lại, có có lạnh đâu... Nó không chịu được các loại quần áo...Khi gặp bà lớn, mẹ không nói những câu đại loại như: quỷ tha ma bắt mày đi, hoặc thối thịt mày ra mà mẹ nói những câu như "bé ngoan', "bồ câu", "thiên thần của mẹ"... Đó chính là một sự hoạt ngôn giả dối làm em rợn người.

Em gần như không tìm thấy lối thoát nào ở thánh ca thứ năm, thứ sáu. Em rơi vào gia đình thứ hai, gia đình của Dobo Mari. Lại tiếp tục chăn bò. Lại tiếp tục khổ sở vì người ta xem em như một người thừa. Em lại phải chứng kiến cảnh gia đình họ cãi cọ nhau vì em như những con chó. Nhìn bên ngoài thì đây là một gia đình sung túc, quyền uy nhưng đời sống sinh hoạt, tình cảm bên trong của những con người trong gia đình họ đã trở nên cạn kiệt, rối loạn. Họ chẳng khác gì nhà ông Đuđasơ. Thánh ca thứ năm chính là lời nguyện cầu của tác giả cho em được có mẹ, cho em được nhìn thấy mẹ đẻ của mình, cho em được bình yên. Nhưng cái bên ngoài và cái bên trong của gia đình này thật khác biệt, nó làm cho em khốn khổ hơn. Ở thánh ca thứ sáu, cuộc đời Trơre cũng chẳng có gì sáng sủa. Em lại tiếp tục chăn gà, chăn lợn trong gia đình Dobo Mari. Em chỉ được ăn ở ngưỡng cửa. Em ngồi cạnh con chó, em đợi đĩa cơm trong lúc gia đình họ đang ăn. Em có chút may mắn. Đó là khi em hiểu thêm cuộc sống qua kinh nghiệm của bác thợ dệt: ai mà có người bảo mẫu là Nhà nước thì kẻ đó phải nghĩ hai lần trước khi ra đời. Cháu cũng sinh ra làm gánh nặng cho nhà nước làm gì, hỡi cô bé điên...Cháu đừng sợ, dù cháu phải gian khổ như thế nào thì cháu cũng chịu được, vì cháu còn trẻ. Tuổi trẻ chịu được tất cả. Còn có nhiều điều đến với cháu, kể cả điều tốt. Bác còn dạy em cách phát âm chuẩn, dù đó là âm thanh chẳng hay ho gì: Cô Dobo Mari đã làm dách đầu cháu. R...rrr...rrr, bác đã nhắc em phát âm đúng hơn...Nhưng giá mà bác thợ dệt đừng dạy cho em hiểu mọi thứ thì em đỡ đau khổ, bớt tủi hờn! Ở đây Dobo Mari được xem là một phụ nữ thuộc tầng lớp thượng lưu. Bà ta có xưng với em: con gái của mẹ, con chạy vào bếp mang cái sọt ra đây khi có bà lớn. Khi bà lớn đi rồi em mới thấy hết sự lỗ mang trong ngôn ngữ của bà. Bà có mang đồ ăn trưa cho em với lời nói ngọt lịm: Lại đây con gái của mẹ, mẹ mang cơm trưa cho con đây này. Nhưng ôi, lạy chúa, em đã biết rõ phần thức ăn của em đã bị bà ta ăn bớt. Em đã kháng cự. Em lại phải hứng chịu những trận đòn vô cớ. Kết quả là em lại bị họ trả về cho xã. Em lại gặp lại bà lớn, người đại diện cho nhà nước chịu trách nhiệm phân phối em về các gia đình. Bà lớn tiếp tục hé ra một dấu hiệu: bà Veruê muốn có một con bé. Hẳn đây là một cánh cửa tối mịt nữa của cuộc đời em bé Trơre mà em sắp phải bước vào. Sự việc diễn ra đều đặn mỗi ngày ở đây khiến người ta lầm tưởng đây là chốn bình yên của bé hơn bao giờ hết. Nhưng thực chất đó là bình yên giả, có chăng, đôi lúc em chỉ có sự sống khi gặp bác thợ dệt từng trải.

Thánh ca thứ bảy mở ra một đoạn đời khác nữa của em. Em lại tiếp tục rơi vào gia đình Fater, Muter. Bà lớn bảo đảm rằng em sẽ không còn sống giữa nông dân, em sẽ ở giữa những người có học, những người đi học. Nhưng đó thực sự là một trò lừa đảo. Em không thấy sự có học ở đâu cả, nhà bếp ở đây cũng chỉ là nhà bếp, chỉ có điều mặt đất cứ rập rình khi người ta đi trên đó. (Sau này em mới nhận ra, nền nhà ở đây làm bằng những tấm gỗ nhưng không được cọ rửa nên rất bẩn thỉu). Lại phải làm công việc chăn lợn, lại phải ngủ dưới nhà bếp với những cái chăn rách. Em tội nghiệp hơn cả một con chó nhà nghèo. Em bị hành hạ, bị đánh vào miệng cho đến nỗi không còn khóc được. Em như đồ thừa ở đây. Trong đau khổ, em chỉ mơ ước được có mẹ nhưng điều đó với em là không thể. Trạng thái yên ổn giả tạo được đẩy đến đỉnh điểm bằng việc sắp xếp bữa tiệc trong đêm Noel của gia đình Fater. Trong lúc mọi người được thoải mái thụ hưởng không khí Noel thì em phải ở ngoài đường, phải mang những cái sọt quá nặng (đựng tới mười một lít rưỡi rượu) cho ông chủ. Em chỉ được phép đứng ngoài nhìn vào cuộc sống loài người một cách thèm thuồng, khao khát, khó hiểu. Nhìn bên ngoài, tất cả đều rực sáng, tất cả đều lung linh dưới ánh nến. Nhưng có ai biết tất cả những con người trong căn phòng đó đều là những con người lười nhác, chỉ biết sai khiến, trách móc người khác. Họ thản nhiên trước nỗi khao khát được mặc quần áo, được đi học, được nhìn ngọn nến trong đêm noel... của trẻ thơ. Đó là những con người lười biếng về trí tuệ. Họ có những câu ra lệnh rất sắc sảo nhưng không hề thấy họ suy nghĩ.

Rồi tất cả sự độc ác, dã man của thế giới quanh em biến thành tro bụi. Nhà Muter cùng với những người trong gia đình họ đã bị cháy bởi ngọn nến để quên trong đêm Noel. Những con người cư xử độc ác với em đã hết đời dưới tuyết. Nhưng hình ảnh em vẫn còn đó trong tâm trí người đọc. Em - mồ côi với khát vọng được sinh tồn. Em tồn tại giữa hai mặt trong và ngoài của cuộc sống. Đã có lúc em cô đơn, thất vọng nhưng em đã kiên nhẫn làm việc đến cùng. Em hạnh phúc nếu được ai đó giao việc dù chỉ là việc lau dọn nhà cửa. Em phải tiếp tục sống để làm việc. Cố hết sức làm việc vì sự khác biệt của em với những đứa trẻ khác. Có lúc nào đó em đã kháng cự nhưng không phải vì em muốn khẳng định em đúng. Em biết rằng tất cả mọi hành động của mọi người quanh mình đều đúng. Em chỉ không hiểu vì sao. Bởi thế giới mà đứa trẻ mồ côi bị hắt hủi ở đây được tạo nên bởi những con người man rợ, nhỏ nhen, ngu dốt và lạc hậu.

Người đọc kính trọng Môrix Gicmôn bởi ông đã thay họ cầu nguyện điều tốt đẹp cho em bé mồ côi, cầu nguyện điều tốt đẹp cho loài người mà không cần đến nhà thờ, không cần đến một đức tin tuyệt đối. Thậm chí có lúc ước vọng ấy, lời cầu nguyện ấy xảy ra trong những trang trại, công xưởng, ngay bên cạnh nơi con bò mẹ đang sinh ra một chú bê với đôi mắt tròn xoe. Hình ảnh ngọn nến cháy trong đêm ở phần kết thúc tác phẩm là một dụng ý nghệ thuật tinh tế của tác giả: rồi tất cả sự giả dối, nhơ bẩn, lừa lọc, những con người cố tình đi ngược với quy luật theo chiều hướng tiêu cực sẽ bị thiêu rụi bởi ngọn lửa. Đó là ngọn lửa của tình yêu cuộc sống, ngọn lửa của tình yêu thương cho mỗi sinh linh bé nhỏ và lòng hận thù điều giả dối. Thánh ca chỉ là một thủ pháp nghệ thuật giúp nhà văn chuyển tải những thông điệp liên quan đến số phận, đức tin và sự cứu rỗi loài người. Bên cạnh những ý nghĩa xã hội khác, Môrix Gicmôn muốn nói rằng hãy đừng cố tạo ra vẻ yên ổn giả tạo bên ngoài con người, hãy biết quan tâm thật sự đến nhau, đừng vì xã giao cho có lệ. Như vậy, thông điệp mồ côi của tác phẩm lúc này không phải chỉ vì không có mẹ tức là mồ côi. Tất cả chúng ta đều là mồ côi nếu không có được một xã hội đúng nghĩa như xã hội loài người để sống.  

 

  TS. Mai Thị Liên Giang (ĐH Quảng Bình)

Tài liệu tham khảo:

(1) Vladimir Soloviev, Siêu lý tình yêu, tập 3, Mỹ học và phê bình văn học, Phạm Vĩnh Cư biên dịch và tổng hợp, Nxb Tri thức, 2011, trang 91.

(2) Đơn vị tiền tệ của Hungari từ năm 1927 đến năm 1946.

(3) Viện ngôn ngữ học, Từ điển tiếng việt, Nxb Đà Nẵng, 2006, trang 916.

(4) Móricz Zsigmond, Đứa trẻ mồ côi, Bản dịch của Trương Đăng Dung, Nxb Thanh niên, 2009.

 


Phamngochien.com - 09:33 - 08/08/2012 - Bài của văn nghệ sĩ          

Gửi bình luận