Trang phục của người bình dân qua ca dao (Nguyễn Thị Hồng Vân)

.

Ca dao là câu hát dân gian không có điệu có khúc nhất định" hoặc ca dao là "thơ ca dân gian truyền miệng dưới hình thức những câu hát, không theo một nhịp điệu nhất định. Ca dao phản ảnh sinh hoạt trong cuộc sống hàng ngày (ăn, mặc, ở, làm việc...), tâm tư tình cảm (tình cảm gia đình, tình yêu đôi lứa, tình làng nghĩa xóm, tình yêu quê hương đất nước, yêu lao động...), cách đối nhân xử thế...

Cùng với nhu cầu ăn, ở con người còn có nhu cầu mặc. Nhu cầu này giúp con người ứng phó được với cái nóng, rét, mưa, gió che chắn và bảo vệ thân thể. Ngoài ra, trang phục và cách ăn mặc còn thể hiện thẩm mĩ và nét văn hóa của chủ thể.

Như đã biết, trong xã hội Việt Nam, giai cấp nông dân, bình dân chiếm đại đa số. Họ là những người nông dân quanh năm gắn với ruộng đồng, là những người làm thuê cuốc mướn, những người nuôi con lợn con gà, những người bán củ khoai củ sắn...nên thường thì họ ăn mặc rất giản dị, phù hợp với điều kiện tự nhiên và xã hội và công việc đồng áng.

Bài viết của chúng tôi tập trung nghiên cứu trang phục của tầng lớp bình dân của người Việt gốc ở đồng bằng Bắc Bộ - "cái nôi" của người Việt". Để thực hiện đề tài này, chúng tôi đã tiến hành tập hợp những bài ca dao có nội dung nói về trang phục của giai cấp bình dân, nông dân trong công trình Kho tàng ca dao người Việt do Nguyễn Xuân Kính, Phan Đăng Nhật chủ biên.

Khí hậu Bắc bộ có bốn mùa xuân, hạ, thu, đông. Tuy nhiên, hai mùa nổi bật nhất ở đồng bằng Bắc Bộ vẫn là mùa đông và mùa hạ, thể hiện nét đặc thù khí hậu thất thường của vùng này: gió mùa hè nóng ẩm, hầm hập; gió mùa đông giá buốt, rét run cầm cập, cắt ruột cắt gan. Vì vậy, cả đàn ông đàn bà đều ưa màu sẫm, nhất là màu nâu đất, với các loại biến tấu, từ nâu non đến nâu già... Đàn bà đi làm bận váy thâm, áo nâu yếm nâu đã đành, đàn ông đi làm, trong lúc ứng phó với cái nắng nóng ghê gớm của châu thổ Bắc Bộ vào mùa hạ, khi lao động "hai sương một nắng" trên cánh đồng, thường để lưng trần cho "lộ thiên" hoàn toàn phần trên còn phía thân người dưới, thì đóng khố. Thời xưa, đàn ông Việt thì "cởi trần đóng khố", còn đàn bà Việt thì "váy vận yếm nang", là những đồ mặc phổ biến nhất trong mùa nóng bức, khi cả đàn ông, đàn bà phải làm lụng "chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa". Thế nhưng, sau đó, cách mặc này lại được nâng cấp lên thành cái đẹp trong văn hóa mặc của người Việt cổ truyền. Đàn ông đóng khố đuôi lươn được coi là đẹp nhất trong cách mặc, ngang với đàn bà yếm thắm hở lườn, và nhất định như thế... mới xinh.

"Đàn ông đóng khố đuôi lươn

Đàn bà mặc yếm hở lườn mới xinh"

1. Trang phục của nam giới

 Chiếc khố xuất hiện từ khi con người ý thức được việc che thân thể của mình. Đây là trang phục phía dưới của nam giới:

"Nghĩ rằng không khố mà sang

Bởi chưng không khố phải mang lấy quần."

     Chiếc khố cấu tạo đơn giản, phù hợp với khí hậu nóng ở nước ta và thích hợp với công việc đồng áng. Lời ca dao với lối nói hóm hỉnh "bởi chưng không khố phải mang lấy quần" đây là giai đoạn chuyển đổi từ mặc khố sang mặc quần.

Theo các nhà nghiên cứu, khố của nam giới có hai loại:

Khố dây là loại khố của tầng lớp người nghèo trong xã hội, làm bằng vải ngang của khổ vải hẹp dài từ 60cm đến 80cm với cấu tạo đơn giản, một đầu được khâu viền cạp khố để lồng dây lưng quấn thân buộc ở phía trước ngang bụng. Người mặc khố có cạp ở phía lưng trên mông rồi quấn dây, buộc thắt múi ở trước bụng, sau đó luồn khố qua khe mông, vòng qua háng, ôm lên bụng luồn qua dây lưng, kéo cho vừa độ đuôi khố, phần còn lại sẽ buông phủ tỏa xuống phía trước bụng.

Khố lụa là loại khố có chiều dài một sải tay hoặc hơn. Khố lụa dùng cho tầng lớp trên, có khổ vải rộng hơn khố dây, có thể gập lại thành nếp cho đều đặn và quấn quanh người rất chắc chắn. Tao buộc đầu tiên thay cho dây buộc, thắt múi ở lưng phía ngang hông, rồi buông lửng một đầu khố ở phía trên để che phần mông. Đoạn khố được luồn tiếp qua háng ôm vòm lên bụng, luồn qua tao khố quấn quanh bụng, kéo cho vừa phải, đuôi khố còn lại bỏ buông tỏa thõng đằng trước bụng. Kiểu đóng khố này phù hợp với khí hậu nóng ẩm ở nước ta.

Thực tế này không được ca dao phản ánh đầy đủ. Trong tài liệu hiện có, chúng tôi không thấy câu ca dao nào nói rõ về khố dây hay khố lụa cả, mà chỉ nói đến chiếc khố chung chung.

"Vua khen thằng Cát có tài

Ban cho cái khố với hai đồng tiền"

Chiếc quần được nam giới đón nhận trước. Khi lao động nam giới thường mặc quần lá tọa. Màu sắc phổ biến nhất là màu nâu, gụ, đen... Đi lễ hay đến những nơi trang trọng thì nam giới thường mặc quần màu sáng hơn và may bằng vải lụa, gấm...

"Cứ gì quần lụa áo tơ

Quần nâu áo vải, thơm tho được rồi

Mặc lụa mà sức mùi hôi

Không bằng mặc vải mà không hôi gì."

Lời ca dao cho ta thấy một lối sống đáng quý của người Việt, đó là lối sống giản dị, ăn mặc đơn giản "quần nâu áo vải", miễn thơm tho, sạch sẽ là được rồi. Hình ảnh "quần nâu áo vải" gắn liền với người nông dân một nắng hai sương, đây cũng là nét đẹp của người nông dân Việt Nam.

     Quần lá tọa là loại quần có cạp rộng tới cả khổ vải rồi gập lại, không khâu viền để luôn dải rút, cạp quần được kéo cao trên rốn, rồi dùng ruột tượng hoặc thắt lưng lụa để thắt cạp quần chặt vòng quanh bụng. Thắt lưng lụa hoặc ruột tượng rũ xuống thân trước giọt sau khi đã thắt nút quần lá tọa, còn kiểu bắt chéo ở cạp rồi vặn xuống để giữ không tụt.

     Thường thì ca dao không nói rõ đối tượng mặc kiểu quần gì mà thường hay nhắc đến chất liệu may quần như: lĩnh, sồi, là...

"Đố ai bưng kín miệng bình

Đố ai đan thúng cho mình úp voi

Hỏi thăm cô Bưởi Hàng Gai

Quần sồi yếm nhiễu cho ai mất rồi

Biết chăng họa có ông trời

Chuyện này đến bụt cũng cười nhăn răng

Tre già tuổi thẹn vì măng

Chua ngoa mà cũng gió trăng nữa là."

Lời ca dao này chê cười một cô gái đã trót lỡ trao thân mình cho ai, để giờ cha mẹ phải xấu hổ vì con cái. Hình ảnh "quần sồi yếm nhiễu" là hình ảnh ẩn dụ cho người con gái đó. Lời ca dao còn cho thấy thời phong kiến rất quan trọng chữ "trinh" của người phụ nữ.

Về áo của tầng lớp nông dân thì thường mặc áo cánh ngắn tứ thân, áo cánh ngắn năm thân, áo chui đầu...

Áo cánh ngắn tứ thân là kiểu may như áo tứ thân nữ giới, cổ áo được dựng cao từ 1cm đến 1,50cm. Áo nam khác áo nữ là có nẹp áo ở gấu, tà áo, ngực áo. Ở một bên nẹp ngực áo có may thêm một dải cựa gà từ cổ xuống ngang phần rốn để khi cài khuy hai tà áo khép lại không hở ngực, hở bụng. Khuy và khuyết đều được tết bằng dây vải cuộn lộn trái ra, đính vào mép áo, áo không có túi.

"Con chim xanh đứng bóng thở dài

Thương anh áo cộc vá vai hai lần

Cái áo tứ thân, cái quần năm lá

Em hỏi anh rằng ai vá cho anh

Một ngày hai bữa cơm canh

Lấy ai lo liệu cho anh một đời

Thủy chung có bấy nhiêu lời

Anh về lo liệu lấy người làm ăn

Mỗi tháng có nửa tuần trăng

May cho đấy ở cho bằng lòng đây

Chàng về giục gió khuyên mây

Chín lần mây đệm chưa tầy đời ta."

Lời ca dao đã bộc lộ tình cảm cô gái dành cho chàng trai, một chàng trai nghèo với "áo cộc vá vai hai lần", "cái áo tứ thân, cái quần năm lá". Cô gái muốn chia sẻ cuộc sống còn nhiều khó khăn này. Hình ảnh chiếc "áo cộc vá vai" ở trong lời ca dao này trở nên đẹp lạ thường, đẹp bởi tình cảm chân thành, đẹp bởi nó đã gắn kết hai con người lại với nhau.

Áo cánh ngắn năm thân thường mặc ở nhà để tiếp khách được coi là trang trọng. Cổ áo thấp có đệm lá sen, nẹp áo đều may ẩn ở trong, phần gấu áo may lượn cong lưỡi trai. Kiểu áo năm thân thứ hai cũng có cấu tạo tương tự. Khác ở mặt trước là thân áo thứ năm phủ ngoài được cắt hẹp lại để lộ phần thân áo và phía dưới cắt cao lên một đoạn bằng ống tay áo. Khuy tết cài nổi ở thân ẩn và thân thứ 5. Kiểu áo này thấy cả 5 thân áo.

"Tay gắp miếng mỡ

Tay đỡ miếng quay

Sửa mặt, sửa mày

Quần hồ áo cánh

Thầy mẹ sắm sanh

Sao anh không mặc?..."

2. Trang phục của nữ giới

Trong lao động, các bà các cô miền Bắc và Bắc Trung Bộ thường mặc áo cánh ngắn bằng vải giấn nâu, cổ tròn, viền nhỏ, tà mở, đa số không cài cúc trước ngực. Bên trong là tấm yếm màu vàng tơ tằm hay bằng vải màu hoa hiên hoặc nâu non. Hình thức loại yếm này kín cả ngực, bụng và một phần lưng, do đó người phụ nữ có thể không mặc áo ngoài, tay để trần. Váy thường mặc ngắn đến ống chân. Khi làm ruộng, xắn váy cao lên trên đầu gối rồi buộc túm gấu váy trước và sau vào nhau. Họ thường quấn thắt lưng bằng vải màu (ở nhiều vùng gọi là bao ruột tượng), một hoặc hai vòng ngoài cạp váy. Hoặc khi cùng một lúc họ dùng hai thắt lưng khác màu nhau. Khi làm việc, đầu thắt lưng giắt gọn lên cạp váy cho đỡ vướng. Mùa rét, phụ nữ nông thôn thường mặc thêm tấm áo cánh hoặc mặc một kiểu áo cộc tay bằng vải thô, buộc một sợi dây quanh bụng cho gọn gàng. Áo dài, có loại áo tứ thân, hai vạt phía trước đều nhau, thả buông xuống, không cài khuy. Hoặc buộc hai vạt ấy vào nhau gọi là áo buộc vạt, hoặc buộc quặt hai vạt ấy ra sau lưng cho gọn. Trường hợp mặc áo buông vạt, buộc vạt người phụ nữ bao giờ cũng mặc yếm cổ xây cho kín đáo. Thắt lưng màu buộc múi, hai đầu buông phía trước. Khi cần gọn gàng thì xắn ống tay lên cao, giắt cả mấy vạt và đầu thắt lưng bên cạnh sườn.

Nữ giới ở nhà thường chỉ mặc yếm cho mát và dễ làm việc nhà, kể cả khi lao động, khi có công việc mới mặc thêm áo ngoài. Yếm thường được chú trọng may bằng vải nõn, vải quyết sợi nhỏ hoặc lụa và nhiều màu sắc trừ màu đen. Đi làm phụ nữ nông thôn thường mặc yếm nâu, phụ nữ ở thành thị hay mặc yếm trắng, lễ hội mặc yếm thắm, yếm đào. Yếm có ba loại: yếm cổ tròn, yếm cổ xây, yếm cổ thìa (cổ xẻ).

Yếm cổ tròn: là một vuông vải, lấy hình tròn miệng bát úp xuống một góc, đánh dấu rồi cắt theo, thêm một dải vải để viền cổ yếm. Đường viền nhỏ, lé lên một vành tròn màu trắng rộng 3 đến bốn ly, tạo thành một đường trang trí kép nổi ở cổ yếm, hai đầu vòng tròn nối với dải yếm dài được khâu lộn đường khâu trốn vào trong, dải yếm ở phần cuối có hình mái chèo (khi lộn xong có đường khâu chặn nhỏ xíu). Chiếc yếm là biểu tượng cho người phụ nữ nên mỗi khi nhắc đến người phụ nữ thì người ta lại dùng chiếc yếm là một hình ảnh ẩn dụ.

"Cái cổ yếm em nó thõng thòng thòng

Tay em đeo vòng như bắp chuối non

Em khoe em đẹp em tròn

Anh trông nhan sắc, em còn kém xuân."

Yếm cổ xây: là loại yếm có cổ đã được chế tác sẵn do những người thợ chuyên nghiệp làm cổ yếm bán sẵn. Cổ yếm được khâu bằng bốn lớp vải lộn dấu vào trong thành một vành tròn gấp viền khéo léo có ngoàm sẵn trên dưới. Khi mua về người may mang vuông vải được khoét vòng tròn, lựa đưa đầu vải được khoét khớp và nằm vào giữa lớp ngoàm cổ yếm. Sau đó dùng chỉ tơ khâu đột từng mũi để cổ yếm ngậm chặt vuông vải, trở thành cổ yếm của vuông vải. Viền yếm cổ xây có bề rộng chừng 5 ly nổi lên bề mặt, làm cho chiếc yếm cứng cáp tôn vinh vẻ đẹp ở phần ngực người mặc để lộ phần cổ phía trên, như tăng cho cổ cao hơn, vai và cổ người phụ nữ trở nên thanh thoát, nhẹ nhàng với dải yếm dài bỏ phía sau hoặc quặt ra phía trước buộc tết múi hoa, làm tăng thêm vẻ duyên dáng.

"Hỡi cô mặc yếm cổ xây,

Lại đây tôi gả ông Tây béo xù."

Lời ca dao như chế ngạo những cô gái ham giàu sang mà đi lấy Tây, mà thằng Tây lại béo xù, có đẹp đẽ gì đâu. Người Việt Nam thời bấy giờ bị ảnh hưởng bởi lễ giáo phong kiến nên việc cô gái ham giàu sang lấy ông Tây là điều không được hay cho lắm.

"Ngó lên cổ yếm em may

Đường ngôi em rẽ, anh say về tình."

Lời ca dao này nói về một cô gái dịu dàng từ cách ăn mặc, chải tóc, làm chàng trai say mê. Chiếc yếm thể hiện sự nữ tính, vừa là biểu tượng của tình yêu đôi lứa.

 

.

Yếm cổ thìa: là loại yếm thường được khoét hình chữ V, người có tuổi hay mặc kiểu yếm cổ này, yếm cổ thìa có cổ xẻ nên có độ mở rộng thoáng mát phù hợp với mùa hè. Khi xẻ cổ yếm xong thì gập vải khâu đột chỉ, phần chân chữ V được đặt một miếng vải hoặc lụa, gấp phía trong so le với thớ vải yếm khâu bù vào chỗ hụt có tác dụng tăng độ bền cho cổ yếm. Cách làm này vừa để trang trí vừa tăng độ khỏe của cổ.

"Nhác trông cái yếm cũng xinh

Khen ai khéo dệt ra hình hoa mai

Khen người khâu yếm cũng tài

Cổ thêu con nhạn có hai đường viền

Cổ thì em ngả màu hiên

Thắt lưng mùi huyền, dải yếm cũng xinh

Khen ai khâu yếm cho mình

Đường lên đường xuống ra hình lưng ong

Yếm này em ngả màu hồng

Yếm này nhuộm mất mấy công hỡi nàng?

Khi xưa lụa hãy còn vàng

Khen ai khéo nhuộm cho nàng, nàng ơi!"

Lời ca dao tả chiếc yếm tỉ mỉ từng chi tiết: chiếc yếm lụa hình hoa mai, cổ thêu con nhạn có hai đường viền, cổ thì màu hiên, yếm thì màu hồng... lời ca dao như là một bức trang vẻ lên chiếc yếm xinh xắn, màu sắc tươi mới. Qua việc hết lời ca ngợi chiếc yếm đã bộc lộ sự cảm mến của chàng trai trước một cô gái vừa khéo tay vừa duyên dáng.

Về các loại vải may yếm còn tùy chủ nhân của chiếc yếm (giàu nghèo, già trẻ), tùy theo môi trường sử dụng yếm. Yếm mặc ở nhà hay khi đi lao động được may bằng vải ta hay vải trúc bâu. Vào những ngày hội hè đình đám người ta thường mặc yếm màu, con nhà khá giả mặc yếm vóc, yếm nhiễu là những loại vải quý đắt tiền:

"Hỡi cô yếm trắng lòa lòa

Yếm nhiễu, yếm vóc hay là trúc bâu?

Hay là lụa bạch bên Tàu

Người cắt cũng khéo, người khâu cũng tài.

Một đàng anh thêu nên nhạn

Hai đàng anh mạng nên hoa

Yếm em anh để trong nhà

Khen thay thầy mẹ mở khóa đem ra cho nàng."

Chiếc yếm trong lời ca dao này được cắt và khâu rất khéo léo, được thêu nhạn mạng hoa, toát lên vẻ đẹp dịu dàng, và dường như chiếc yếm may bằng lụa bạch bên Tàu, nhiễu, vóc hay là trúc bâu cũng không quan trọng nữa.

Về màu sắc, còn tùy theo sở thích cá nhân hay còn tùy theo môi trường sinh hoạt. Thông thường người ta thường mặc yếm trắng hay yếm nâu trong nhũng lúc ở nhà hay làm việc ngoài đồng áng:

"Cô kia yếm trắng lòa lòa

Lại đây đập đất trồng cà với anh"

Những người đứng tuổi vẫn dùng hai màu này là chính dù ở trong bất kỳ môi trường sinh hoạt nào. Khi tham dự các cuộc hội hè đình đám, phần lớn phụ nữ trẻ tuổi thích mặc yếm màu:

"Hỡi cô mặc áo yếm hồng,

Đi trong đám hội, có chồng hay chưa?"

Ngoài chiếc yếm trắng hay yếm nâu thường may bằng loại vải ta mặc ở nhà hay trong những lúc lao động, những chiếc yếm màu cũng được may bằng các loại vải kể trên nhưng cũng có khi được may bằng những loại vải đắt tiền hơn và thường được dùng trong các dịp Tết nhất, giỗ chạp hay trong các cuộc hội hè đình đám:

"Con cò lặn lội bờ ao

Phất phơ hai dải yếm đào gió bay

Hỡi cô áo trắng  yếm hồng

Đi trong đám hội, có chồng hay chưa?

Hỡi cô yếm thắm răng đen

Muốn lên mạn ngược ngồi thuyền cùng anh!

Chùa này chẳng có Bụt ru

Mà đem chuông khánh treo chùa hồ sen?

Thấy cô yếm đỏ, răng đen

Nam mô di Phật lại quên mất chùa!"

Lời ca dao là lời nói dí dỏm, trước vẻ đẹp của cô gái thầy chùa cũng quên mất vị trí của mình, đây cũng ám chỉ các vị thầy tu chưa thật sự thoát tục mà còn ham mê dục vọng.

Cái yếm làm tăng độ duyên dáng của người phụ nữ nên cái yếm cũng có thể là một trong những điều kiện tạo nên nét đẹp, nét duyên dáng của người phụ nữ để người con trai lựa chọn ý trung nhân:

"Một thương tóc bỏ đuôi gà,

Hai thương ăn nói mặn mà có duyên.

Ba thương má lúm đồng tiền,

Bốn thương răng nhánh hạt huyền kém thua.

Năm thương cổ yếm đeo bùa,

Sáu thương nón thượng quai tua dịu dàng.

Bảy thương nết ở khôn ngoan,

Tám thương ăn nói lại càng thêm xinh.

Chín thương cô ở một mình,

Mười thương con mắt có tình với ai."

Lời ca dao này đã phác họa bức tranh về người phụ nữ Việt Nam với vẻ đẹp của cách ăn mặc truyền thống: tóc bỏ đuôi gà, răng nhánh hạt huyền, cổ yếm đeo bùa, nón thượng quai tua... hết lời ca ngợi vẻ đẹp và nết na của người phụ nữ.

Tuy hình thức của cái yếm trông có vẻ đơn giản, nhưng vì công dụng của nó mà nó hóa ra quyến rũ khác thường. Mê cái yếm chính là mê con người mặc yếm. Hơn thế nữa, có những cách mặc yếm nó làm cho người nhìn cũng phải ngất ngây vì sự kín đáo nửa vời của nó. Theo Anh Thy, "Người phụ nữ khi làm lụng, nhất là trong bóng râm, dù là vào thời kỳ Hùng Vương hay đầu thế kỷ XX, vẫn thường mặc váy - yếm với hai tay và lưng để trần. Trời nắng thì thêm cái áo ngắn có xẻ tà hai bên hông gọi là áo cánh. Áo có đính cúc nhưng khi mặc thường không cài, vừa để cho mát, vừa để hở cái yếm làm duyên."

"Rũ nhau các ả thuyền quyên

Đánh quần đánh áo phút liền đi ra

Một đàn tím tía chói lòa

Yếm hồng khăn thắm coi đà xinh thay"

Cái yếm đã đẹp và gợi tình thì cái dải yếm nào có kém gì. Hình ảnh của đôi dải yếm phất phơ trong gió sao mà quyến rũ, sao mà đa tình đến thế:

"Con cò lặn lội bờ ao

Phất phơ hai dải yếm đào gió bay!"

Ngoài cái công dụng buộc miếng vải yếm vào phần ngực của người phụ nữ, có người còn dùng dải yếm để buộc cái túi vải nho nhỏ đựng dăm bảy khẩu trầu hay đựng mấy đồng tiền để dành:

"Tiền buộc dải yếm bo bo

Trao cho thầy bói đâm lo vào mình!"

 

"Trầu em têm tối hôm qua

Cất trong dải yếm mở ra mời chàng!"

Lời ca dao này là một lời tỏ tình ý nhị của cô gái thông qua tục mời trầu. Đây cũng là nét đẹp văn hóa của người Việt. Và không phải ngẫu nhiên mà cô gái nói trầu này cô đã cất trong dải yếm, vì chiếc yếm là biểu tượng cho tình yêu đôi lứa.

Thông thường, người phụ nữ tự chọn vải, chọn màu rồi tự cắt may lấy cái yếm để dùng. Thế nhưng, đôi khi chiếc yếm cũng được sản xuất hàng loạt để đem bày bán. Và từ đây, chiếc yếm đã là một tặng phầm hết sức thân tình để trở thành những kỷ vật rất được trân trọng của người phụ nữ. Có thể các bậc cha mẹ chọn một chiếc yếm có giá để làm quà cho cô con gái trước ngày vu quy:

"Con lạy cha hai lạy một quỳ

Lạy mẹ bốn lạy con đi lấy chồng

Mẹ sắm cho con cái yếm nhất phẩm hồng

Thắt lưng đũi tím, bộ nhẫn đồng con đeo"

Áo cánh (áo ngắn) có hai loại cổ: cổ tròn và cổ thìa. Áo không có khuy như là áo tứ thân ngắn, không có cổ lá sen, thân trước và thân sau nối liền nhau. Phần ống tay nối ở cánh tay trên, phụ thuộc theo vuông vải hẹp. Ống tay hẹp, cửa ống tay viền nhỏ không có đáp phụ viền. Phần đầu ống tay chừa lại khoảng 1cm mà không khâu sát mép để dễ luồn bàn tay qua khi mặc. Áo cánh mặc thường để lộ yếm nên không có khuy, chỉ có đính hai dải nhỏ khoảng giữa bụng ngang eo:

"Mở lời chào áo đen áo trắng

Áo ngắn vá quàng

Chào thêm tiếng nữa bỉ bàng ái ân

Mở lời chào trong nhà có chí ngoài san

Phụng cánh dơi chào trước, áo lương trần chào sau."

Áo dài tứ thân: áo dài tứ thân là áo phổ biến của phụ nữ Việt trong mọi tầng lớp từ kinh đô đến nông thôn. Áo dài tứ thân có cấu tạo như là áo cánh, chỉ khác là bốn vạt đều kéo dài. Thân sau vạt được khâu liền, thân trước sau khi được tạo theo vòng cổ, hai vạt trước buông tự do, khi mặc có hai lối: thứ nhất bắt chéo vạt, sau đó bắt chéo vòng ra đằng sau lưng; thứ hai là khi mặt xong thắt hai vạt trước tết nút ngang bụng và phần vạt còn lại bỏ thõng xuống dưới thắt lưng và váy.

 

 

Áo dài kép năm thân: được nối ghép bằng thân vải; mặc áo năm thân thường mặc áo kép, gồm 3 lớp, 5 lớp, 7 lớp; các bà quý tộc mặc tới 9 lớp (mớ ba, mớ bảy, mớ chín). Vạt ngoài, còn gọi là vạt cả, rộng gấp đôi vạt trong, còn gọi là vạt con, nằm bên phải. Thường chỉ cài một hai cúc bên sườn rồi dùng thắt lưng thắt ngang bụng giữ không cho vạt áo trễ xuống.

Mặc áo kép các áo phía trong gồm các màu sặc sỡ nhưng các lớp áo ngoài là hang lụa vân, gấm, lĩnh. Phía ngoài cùng bao giờ cũng phủ áo sa, áo the mỏng, có các lớp trang trí đường triện hoặc trang trí hoa cúc, bát bửu đè lên các lớp áo trong có tác dụng làm màu sắc dịu, lịch sự. Đỡ phải cộm nhiều lớp áo, phần còn lại của vạt thường vừa đủ để chỗ từ cổ áo cài tiếp giáp đến hết phần ngực để không bị hở, còn phần dưới loại bỏ từ phía trên thắt lưng.

"Người thì mớ bảy mớ ba,

Người thì áo rách như là áo tơi.

Cha đời cái áo rách này,

Mất chúng mất bạn vì mày áo ơi."

Lời ca dao nói về sự khác nhau giữa người giàu và người nghèo, thể hiện sự bất mãn của người nghèo bị bạn bè chê khinh.

"Tới đây anh lạ em cũng lạ

Anh bận áo hoa cụt, em bận áo dài đen

Anh nói với em hủy hủy hoài hoài

Biểu em đừng kết nghĩa với ai

Hượm chờ kết nghĩa lâu dài với anh"

Đồ mặc phía dưới của phụ nữ Việt thường là váy ngắn cho phù hợp với công việc làm nông nghiệp. Váy được cấu tạo gồm 3 phần: cạp váy, gấu váy (lai váy) và thân váy.

Cạp váy dùng để lồng dải rút thường có màu sắc sặc sỡ như xanh, cánh sen có tác dụng làm điểm nhấn đẹp mắt cho trang phục vì cách trang phục của phụ nữ Việt là áo cánh xẻ nách cao hở để lộ cạp váy. Lai váy dùng để điều chỉnh độ dài tùy theo thân người mặc, rộng thường gấp đôi hoặc hơn cạp váy, thường màu trắng rồi đến thân váy màu đen.

Thân váy là phần rộng và dài nhất của váy, màu đen hoặc màu nâu đen, hình ống. Váy bình thường mặc có độ dài tới nửa ống chân người mặc. Khi mặc được tạo dáng bằng cách kéo cao hai bên hông một chút tạo khoảng giữa váy trùng xuống, thấp một chút ít làm cho gấu váy hơi cong hình lưỡi trai:

"Ai đi đợi với tôi cùng

Tôi còn sắm sửa cho chồng đi thi

Chồng tôi quyết đỗ khoa này

Chữ tốt như rắn, văn hay như rồng

Bõ khi xắn váy quai cồng

Cơm niêu nước lọ nuôi chồng đi thi"

Những người làm đồng áng thường hay mặc một loại áo làm bằng lá gói, lá cọ... có công dụng là chống rét, chống ướt khi ra đồng đó là áo tơi:

"Tôi đây như thể áo tơi

Khi mưa thì dụng, tạnh trời thì thôi"

Bên cạnh đồ mặc thì trang phục còn có những bộ phận khác không kém phần quan trọng như: thắt lưng, đồ đội đầu, đồ trang sức...

Thắt lưng: lúc đầu thắt lưng có mục đích giữ cho đồ mặc ở phía dưới khỏi tuột, khi đó thắt lưng là 1 sợi dây gọi là dải rút. Sau đó phát sinh thêm mục đích giữ áo dài cho gọn, tôn lên nét đẹp hình thể phụ nữ. Phụ nữ còn dùng thắt lưng bao (còn gọi là ruột tượng) để làm túi đựng đồ vặt (tiền, trầu cau...).

"Hỡi cô thắt lưng bao xanh

Ngày ngày thấp thoáng bên mành trông ai?"

Khăn đội đầu: phụ nữ trước đây để tóc dài và vấn bằng một mảnh vải dài cuộn lại để trên đầu, gọi là cái vấn tóc, đuôi tóc để chừa ra 1 ít gọi là đuôi gà. Đàn ông trước đây để tóc dài búi tròn lại trên đầu gọi là búi tó, búi củ hành. Khi làm lụng vấn khăn đầu rìu, lúc sang trọng thì đội khăn xếp. Ở Nam Bộ người ta thường đội khăn rằn.

"Cổ tay em trắng như ngà,

Con mắt em liếc như là dao cau.

Miệng cười như thể hoa ngâu,

Cái khăn đội đầu như thể hoa sen."

Nón: để che mưa nắng, rộng vành, có mái dốc. Có các loại nón như: nón ba tầm, nón chóp, nón nhị thôn, nón lá gói lá cọ... Các loại nón này đều phải có quai để giữ, quai thao (bằng vải thao) là phổ biến hơn cả.

"Cái nón ba tầm, cái nón ba tầm

Quai thao mỏ vịt, bịt bạc là nón ba tầm

Anh cho em đội qua rằm tháng giêng."

Như vậy, trang phục của giai cấp nông dân thường mặc những trang phục kiểu dáng và màu sắc phù hợp với công việc đồng áng, với chất liệu vải mát mẻ có nguồn gốc từ ngành trồng trọt, có giá thành phù hợp với thu nhập của người bình dân. So với trang phục của nam giới thì trang phục của nữ giới đa đang về kiểu loại, cầu kỳ về kết cấu hơn.

Những lời ca dao thuộc mảng đề tài trang phục nói chung và trang phục của giai cấp nông dân nói riêng rất đa dạng và phong phú. Mỗi lời ca dao như một bức tranh vẽ lại một loại trang phục thời bấy giờ.

Nguyễn Thị Hồng Vân

khóa 2008 - ĐH Văn Hiến

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đào Duy Anh (1998), Việt Nam Văn Hóa Sử Cương, NXB. Đồng Tháp, Đồng Tháp.

2. Chu Xuân Diên (1999), Cơ Sở Văn Hóa Việt Nam, NXB. ĐHQG TP.HCM - ĐH KHXH & NV, TP. Hồ Chí Minh.

3. Vũ Thị Thu Hương (2008), Ca Dao Việt Nam Và Những Lời Bình. NXB. Văn Hóa Thông Tin, TP. Hồ Chí Minh.

4. Nguyễn Xuân Kính - Phan Đăng Nhật (2001), Kho Tàng Ca Dao Người Việt (tập 1, 2), NXB. Văn Hóa Thông Tin, Hà Nội.

5. Huỳnh Minh - Trúc Phương (2003), Việt Nam Văn Học Bình Dân, NXB. Thanh Niên, TP. Hồ Chí Minh.

6. Bùi Mạnh Nhị (chủ biên) (2008), Văn Học Dân Gian - Những Công Trình Nghiên Cứu, NXB. Giáo Dục, Hà Nội.

7. Đoàn Thị Tình (2006), Trang Phục việt Nam (dân tộc Viêt), NXB. Mỹ Thuật, TP. Hồ Chí Minh.

8. Trần Ngọc Thêm (1999), Cơ Sở Văn Hóa Việt Nam, NXB. Giáo Dục, Hà Nội.

9. Phan Cẩm Thượng (2010), Văn Minh Vật Chất Của Người Việt, NXB. Tri Thức, TP. Hồ Chí Minh.

10. Họa sĩ Trịnh Quang Vũ (2008), Trang Phục Triều Lê - Nguyễn, NXB. Từ Điển Bách Khoa, Hà Nội.

11. Trần Quốc Vượng (chủ biên) (2006), Cơ Sở Văn Hóa Việt Nam, NXB. Giáo Dục, Hà Nội.

 


Phamngochien.com - 07:29 - 26/11/2012 - Bài của văn nghệ sĩ          

Gửi bình luận