Tôi tập viết văn (Phan Thanh Tâm - Cà Mau)

 

Hồi còn đi học, tôi không học khá môn văn. Sau này tôi không dám viết thư tỏ tình người mà mình thương mình nhớ. Tôi nhờ một đàn anh từng trải viết cho lá thư gửi nàng, nàng hồi âm là thư không do tôi viết - vì nàng là bạn học cũ của tôi ngày ấy (…). Buồn quá tôi ra nhà sách tìm kiếm sách dạy viết thư tình, tôi tìm gặp cuốn: “Một ngàn lẻ một lá thư tình hay nhất thế giới”, tôi mừng mau mau trả tiền rồi vừa đi vừa đọc…Nghĩ thầm trong bụng hay là mình ăn cắp thư này rồi gửi cho nàng. Tôi về nhà xào tới lui lấy mỗi bài một ít ráp lại thành lá thư tình tầm cỡ quốc tế, tôi đọc xuôi đọc ngược thì câu này tréo cẳng câu kia nên xé bỏ thùng rác. Tôi liền trở ra nhà sách lần nữa rồi rinh về cuốn: “Tôi tập viết văn”, lần này tôi mừng hơn lần trước rất nhiều. Tôi nghiền cho tới khi người tôi yêu lên xe bông mà tôi chưa viết được cho nàng lá thư tình như ý: vì không có trang sách nào dạy viết thư tình như tôi mong nghĩ, chỉ có những điều mà tôi thu lượm được một ít dưới đây: 

Viết văn cần có năng khiếu hay không? Có người cho rằng mình thành công trong sự nghiệp viết văn là không do năng khiếu mà do đam mê học hỏi và trui rèn hàng ngày, họ cho văn thơ là một nghề kiếm sống như các ngành nghề khác trong xã hội nên cần phải học hành tới nơi tới chốn và trao luyện hàng ngày: Điều này hoàn toàn đúng. Nhưng nói đến đam mê thì ít nhiều có năng khiếu nên có người bảo rằng: một người có thể học thành kỹ sư bác sĩ dễ dàng nhưng không thể học để trở thành nhà văn đúng nghĩa như anh ta mong muốn: vì một triệu người mới có được một vài nhà văn đúng với nghĩa thật của nó.Tuy nhiên, một người ít có năng khiếu mà thường xuyên viết lách thì sẽ tốt hơn người có năng khiếu mà ít viết lách - vì không có nguyên tắc nào để trở thành nhà văn ngoài nguyên tắc viết thường xuyên: “có mài đục mới thành thợ mộc” 

Muốn trở thành nhà văn có khó không? Ai cũng có thể trở thành nhà văn: dễ mà khó, vì người nào có cái độc đáo cần viết ra cho mọi người thưởng ngoạn thì là dễ, trái lại người muốn thành nhà văn mà không có cái gì để viết ra thì là khó: “có bột mới gột nên hồ”. Cái khó nữa của nhà văn là sự sáng tạo không ngừng trong sáng tác và cái khó nhất là viết sự thật. Nhiều nhà văn viết rất hay nhưng không dám viết sự thật, vì sự thật ấy có thể đưa nhà văn đến đỉnh vinh quang cũng có thể tiêu tan sự nghiệp sau mấy mươi năm cầm bút, vì làm một nhà văn cong ngòi dễ hơn nhà văn thẳng ngòi. Vì vậy để trở thành một nhà văn đúng nghĩa thì không dễ dàng chút nào.

Khi viết được một truyện ngắn hay hay thì lòng đầy khoan khoái là mình sẽ trở thành nhà văn không lâu xa: Hãy giữ niềm khoan khoái bằng cách viết thật nhiều và viết mọi lúc, viết những gì mình nghĩ mình cảm, mình thấy…Một điều nữa rất quan trọng đó là nhân sinh quan của một nhà văn cần rõ ràng, thuyết phục được độc giả đương thời bằng tư tưởng và sự đúng đắn của mình. Nhà văn cũng nên biết độc giả mong muốn cái gì ở nhà văn, ví như câu cá phải biết loài cá nào thích nhất loại mồi nào. Một tác phẩm vượt thời gian thường là tác phẩm mà nhà văn nói hết mọi điều thầm kín một cách chân thành nhất về tâm tư tình cảm của loài người, vì thời đại nào thì cái thầm kín đó luôn giống nhau và ai cũng muốn biết để có sự trải nghiệm. 

Đọc bất kỳ loại sách và viết bất kỳ lúc nào: Đọc sách báo nhiều giúp nhà văn thu lượm được kiến thức và dễ dàng gây cảm hứng nẩy ra những ý tưởng bất ngờ và độc đáo - độc đáo là cái quý nhất để nhà văn thành công. Tác phẩm có hay hay không là ở những chi tiết độc đáo này. Đọc sách cần có sổ tay ghi nhớ những điều hay ý đẹp, ghi cảm nghĩ về vấn đề đã xem qua, khi thấy nó hay thì mình có thể thu lấy cái đó làm cái của mình, hoặc chế tác sao cho hay hơn. Đọc sách và viết lách thường xuyên giúp tinh thần sáng suốt và tập trung, dễ dàng phân biệt được cái hay cái dở là tiền đề để viết văn sau này. Nên đọc sách cao hơn trình độ của mình để biết thêm cái chưa biết, đọc sách lâu ngày ý hay ý đẹp ẩn sâu trong tâm tư tình cảm tự bao giờ không hay biết, những điều tưởng chừng không dễ dàng viết ra nhưng đến khi viết thì mọi thứ sẽ tuôn chảy tự nhiên một cách không ngờ: vì mỗi cá nhân là một thiên tài tiềm ẩn chưa được biết đến. Nên đi đây đó cho thật nhiều để có thêm trải nghiệm, tập óc quan sát và phân tích các vấn đề một cách khoa học nhất. Nhờ óc quan sát và sự từng trải sẽ giúp cho nhà văn viết được thật hơn và chính xác hơn.

Đôi khi cầm bút mà không biết viết gì, hãy viết về cảnh ngộ một người già bán vé số mà mình vừa mua hôm qua, một em bé cơ nhỡ mà mình đã cho nó ổ bánh mì, viết những ý nghĩ vừa lóe trong đầu, về giấc mơ, cảm nghĩ về bạn bè hay tóm lược một bộ phim vừa xem.vv…, vì tư liệu ngoài đời là nguồn cảm hứng bất tận cho một nhà văn. Một nhà văn giàu trí tưởng tượng thì chỉ cần một hiện tượng nhỏ, sự việc nhỏ nào đó trong đời sống tức thì nhà văn có thể hình dung cho nó có đủ: đầu, mình, tay chân… rồi xem nó như một con người bí hiểm cần khám phá, sau đó nhà văn bắt đầu khai bút. Nhà văn cần tính độc lập và sáng tạo nhằm thoát khỏi cái bóng của người xưa như vậy văn chương mới luôn mới mẻ mà không nhàm chán. Nhà văn được biết đến là nhờ “cái đặc biệt khác lạ” chứ không phải cái tài thao thao không hết chuyện hoặc viết bóng bẫy tân kỳ phô trương sự học hiểu của mình. Một nhà văn đích thực còn là người biết tập trung dư luận để truyền bá tư tưởng đẹp: đó cũng là đức hạnh của một nhà văn chân chính.

Một người mới tập viết văn không nên tìm kiếm sự hoàn mỹ, vì có ai hoàn mỹ bao giờ. Một nhà văn có tiếng tăm họ không biết mình hoàn hảo tới mức nào về thước đo giá trị của xã hội đương thời. Lỗi câu từ không quan trọng, quan trọng là họ có hiểu mình nói cái gì hay không. Nên viết tự nhiên, giản dị và sáng sủa, đừng gò bó quá vào văn phong hay phương pháp luận văn: có nhà văn khuyên vui là viết cho người khác hiểu mà có sai văn phạm cũng không sao, vì viết cho người khác hiểu là điều rất quan trọng. Hãy để mạch văn tuôn trào, đừng bận tâm sắp xếp câu chữ vì làm như vậy mạch văn sẽ bị tắt và tuột hứng khó gây trở lại, cuối cùng cũng nên tập viết nhiều thể loại phong cách khác nhau, vv… 

Ấp ủ về một đề tài muốn viết tới: Ai cũng biết trái cây chưa chín mà bẻ sớm đem giú thì khi chín sẽ không ngon bằng trái chín tự nhiên ở trên cây, một tác phẩm khi viết ra sẽ giống như vậy. Một ý tưởng ấp ủ có khi chỉ vài ngày nhưng có khi là vài mươi năm, sự ấp ủ trăn trở đó được hình thành như bầu thai: lúc đầu chỉ là cái nhân nhỏ xíu rồi dần biến hình đổi dạng thành đầu, mắt, mũi, tay, chân… nhưng vẫn chưa rõ nét, đến khi nó thành hình là một con người lúc đó nhà văn hứng khởi tột cùng và bắt đầu khai bút khai hoa cho đứa bé ra đời, như vậy vẫn chưa xong còn tốn vải tốn thức ăn và cho nó học hành, vv…để nó trở thành một con người thật sự đúng nghĩa trở lại phụng sự cho xã hội đã nuôi nó khôn lớn, vì vậy một tác phẩm được nuôi dưỡng và hoài bão lâu ngày thường là một tác phẩm hay vượt thời gian không gian. Tuy nhiên, nhà văn cũng phải biết hạn chế và mạnh tay rứt bỏ những thứ râu ria không cần thiết để đạt được một “ý chính” - đó là hồn cốt của một tác phẩm, giống như căn phòng trang trí nhiều hoa cảnh sẽ làm rối mắt, chỉ cần một bức tranh treo tường đúng vị trí và một lọ hoa tươi đặt trên bàn thì đủ làm căn phòng sáng và đẹp hơn. Người xưa cho rằng: “lời nói ít là lời nói hay/khéo trang trí như không trang trí”. Cuối cùng, câu văn cần sáng sủa là đọc hiểu liền không phải suy nghĩ nhiều, sáng sủa là nhờ giản dị và giản dị là nhờ tự nhiên, câu văn đọc lên nghe như nói chuyện kể chuyện, viết văn như vậy là đã đạt đến mức thành thục. 

Nhập đề và kết như thế nào? Người xưa cho rằng nhập đề là điều khó nhất: nếu khéo vô thì dễ ra và cũng nên biết viết cái gì trước cái gì sau. Người xưa khuyên đừng sợ nhập đề, hãy nghĩ mình như là người mù bị bỏ trong căn nhà hoang rồi tự thân dò dẫm, dần dần sẽ quen và làm được mọi việc. Hãy viết bừa những gì mình nghĩ và tự khắc sẽ biết, thấy chưa được thì xé bỏ viết tiếp, có nhà văn thảo hàng trăm trang giấy rồi xé bỏ không chút tiếc. Nhà văn giỏi họ vào đề ở giữa bụng sau đó phăng về đầu, hoặc vô đề ở đoạn cuối để dẫn dắt độc giả tò mò theo bút pháp biến hóa của nhà văn một cách say mê mà không biết chán, vô đề kể chi tiết từ A - Z thì dễ bị nhàm chán, dễ đoán được ý tác giả cũng như câu chuyện muốn nói đến. Cái khó nữa là đoạn kết: đoạn kết không gây được ấn tượng thì người đọc sẽ dễ dàng quên tác phẩm vừa xem xong. Nếu tác phẩm vì một tư tưởng hoặc một hành động đúng đắn cần bênh vực thì nhà văn phải kết quyết đoán, hoặc chỉ kết tạm thời trong quá trình tìm kiếm cái đúng đắn hơn. Nếu đề tài là lịch sử sự kiện thì cần tóm gọn và sâu chuỗi lại cho rõ nét, ngược lại một tác phẩm thuộc văn học tưởng tượng thì nên kết bằng nhiều hướng: cho đọc giả thêm suy tưởng rồi tự mình đi tìm lời kết thay cho tác giả. 

Trở lại lá thư tình dỡ dang…Ngày xưa tôi cứ nghĩ viết thư tình thì phải tô hồng tô son thì người con gái mới động lòng nên nhờ người từng trải viết thư dùm, bị lật tẩy thì chạy đôn chạy đáo tìm kiếm sách vở dạy viết thư tình, ý nghĩ này dẫn đến tôi mất nàng: chính điều này giúp tôi hiểu ra là không gì bằng viết - chân thành và chân thật.

 Phan Thanh Tâm

 


Phamngochien.com - 13:59 - 01/08/2019 - Bài của văn nghệ sĩ          

Gửi bình luận