Tiểu thuyết Việt Nam 1945 - 1975, một đóng góp mới trong nghiên cứu VH (HuỳnhVănQuốc)

       Sau cuốn tiểu luận phê bình "Những nẻo đường văn chương" đoạt giải thưởng của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam năm 2007, TS. Phạm Ngọc Hiền tiếp tục cho ra mắt bạn đọc tập sách nghiên cứu "Tiểu thuyết Việt Nam 1945 - 1975" (phần tiểu thuyết cách mạng xuất bản ở miền Bắc). Công trình được tác giả viết lại từ luận án tiến sĩ của mình với thời gian nghiên cứu tổng cộng là 10 năm và vừa được NXB Văn học phát hành năm 2010.

       Đây là công trình có nhiều đóng góp mới bởi vì chưa có cuốn sách nào chuyên nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam 1945 - 1975. Trước đây có cuốn Tiểu thuyết Việt Nam hiện đại của Phan Cự Đệ nhưng không phải thuộc lĩnh vực văn học sử mà là lý luận về thể loại tiểu thuyết trong văn học Việt Nam nói chung. Cuốn sách ra đời từ thời chiến tranh (1974, 1975) nên có nhiều điểm khác với bây giờ. Năm 2008, Nguyễn Đức Hạnh (ĐH Thái Nguyên) có ra cuốn Tiểu thuyết Việt Nam thời kỳ 1965 - 1975, nhìn từ góc độ thể loại chỉ khảo sát tiểu thuyết miền Bắc trong vòng 10 năm và tiếp cận nó từ góc độ loại hình. Trong khi đó, cuốn Tiểu thuyết Việt Nam 1945 - 1975  của Phạm Ngọc Hiền nghiên cứu trọn vẹn tiểu thuyết Việt Nam trong suốt 30 năm chiến tranh và góc độ tiếp cận đa dạng hơn.

       Lâu nay, hầu hết các công trình nghiên cứu văn học cách mạng Việt Nam đều do các nhà nghiên cứu thuộc thế hệ lớn tuổi ở miền Bắc thực hiện. Phần lớn những công trình này có nhiều nét giống nhau về phương pháp nghiên cứu và quan điểm học thuật vốn đã định hình từ trước Đổi mới. Với sự xuất hiện của cuốn "Tiểu thuyết Việt Nam 1945 - 1975", trong giới khoa học có thêm một gương mặt mới với cái nhìn mới, đa dạng hơn. Tác giả sinh năm 1971 ở Phú Yên, tuy sinh ra trong chiến tranh nhưng về cơ bản là trưởng thành trong thời bình. Như vậy, về thời gian và không gian có độ lùi và khoảng cách nhất định nên tác giả không bị yếu tố "tình cảm" chi phối trong việc đánh giá tác phẩm.

       Cuốn sách được trình bày theo một thứ tự hợp lý. Chương I: "Những cơ sở của sự ra đời và phát triển". Chương II: "Tiểu thuyết cách mạng Việt Nam giai đoạn 1945 - 1954". Chương III: "Tiểu thuyết cách mạng Việt Nam giai đoạn 1955 - 1964". Chương IV: "Tiểu thuyết cách mạng Việt Nam giai đoạn 1965 - 1975". Ở chương V: "Những đặc điểm của tiểu thuyết cách mạng Việt Nam 1945 - 1975", tác giả trình bày theo lối bổ dọc các vấn đề: nội dung thể tài; nhân vật; kết cấu; ngôn ngữ. Chương cuối cùng, "Đánh giá tiểu thuyết cách mạng Việt Nam 1945 - 1975". Ngoài phần chuyên luận hơn hai trăm trang, cuốn sách còn có phần tóm tắt hầu hết tiểu thuyết cách mạng giai đoạn này. Phần này cũng khá công phu, chiếm dung lượng hơn một phần tư cuốn sách. Ngoài ra, còn có phần Danh mục các tiểu thuyết xếp theo vần tên tác giả, Danh mục các tiểu thuyết - truyện vừa - truyện ký xếp theo vần tên tác phẩm và phần Tài liệu tham khảo. Tác giả đã khảo sát tiểu thuyết cách mạng Việt Nam từ nhiều góc độ khác nhau và hầu như đã bao quát toàn bộ mọi vấn đề về đối tượng nghiên cứu.

      Nếu như trước đây, nhiều công trình nghiên cứu chủ yếu nhìn nhận tiểu thuyết Việt Nam từ phương diện nội dung tư tưởng thì cuốn "Tiểu thuyết Việt Nam 1945 - 1975" của Phạm Ngọc Hiền đã chú trọng nhiều đến hình thức nghệ thuật. Tác giả đã dành một dung lượng thích đáng để nghiên cứu nghệ thuật tiểu thuyết, nhất là ở các mục: Nghệ thuật xây dựng nhân vật, Kết cấu, Ngôn ngữ...Trong mục Hình thức văn bản (trang 195), tác giả còn khảo sát cả nhan đề tác phẩm, đây là việc làm rất hiếm thấy trước đây. Phạm Ngọc Hiền đã tiếp cận tiểu thuyết cách mạng từ nhiều góc độ, trong đó có hai phương pháp đối lập nhau là Xã hội học và Thi pháp học. Tác giả đặt loại hình tiểu thuyết trong bối cảnh nền văn học sử thi Việt Nam 1945 - 1975. Ngoài ra, còn đặt văn học miền Bắc trong cái nhìn tham chiếu với văn học đô thị miền Nam 1955 - 1975. 

       Một trong những đóng góp của cuốn sách là việc thẩm định lại các tiểu thuyết giai đoạn này. Chúng ta thấy cách đánh giá văn chương thời bao cấp và của Phạm Ngọc Hiền có ba mối tương quan như sau: 1. Rất nhiều tác phẩm trước đây được đề cao (về nội dung) nhưng Phạm Ngọc Hiền không đánh giá cao những cuốn này. 2. Cũng như nhiều nhà nghiên cứu trước đây, Phạm Ngọc Hiền đánh giá cao những tác phẩm như: Cái sân gạch, Sống mãi với thủ đô, Cao điểm cuối cùng, Ở xã Trung Nghĩa, Hòn Đất, Bão biển, Dấu chân người lính, Đất nước đứng lên... 3. Có những tác phẩm trước đây bị phê phán hoặc chưa đánh giá đúng mức giá trị nghệ thuật của nó, nay Phạm Ngọc Hiền khẳng định lại, như: Mười năm, Trước giờ nổ súng, Trên mảnh đất này, Đất lửa, Dưới đám mây màu cánh vạc, Pả Sua, Nhãn đầu mùa... Đặc biệt, tác giả rất đề cao tiểu thuyết Đống rác cũ của Nguyễn Công Hoan (từng bị xem là tai tiếng nhất trong văn học Việt Nam 1945 - 1975). Theo tác giả: "xét về mặt nghệ thuật, có thể xem đây là một trong những đỉnh cao của tiểu thuyết Việt Nam hiện đại" (trang 267). Nhiều tác phẩm từng bị xem là "có vấn đề" nay cũng được tác giả xem xét với tinh thần khách quan khoa học: Vào đời, Mở hầm, Những người thợ mỏ, Phá vây, Mùa hoa dẻ, Người người lớp lớp, Vượt Côn Đảo, Sắp cưới, Thôn Bầu thắc mắc, Những ngày bão táp...

       Cách nhìn nhận về văn học cách mạng Việt Nam thời chiến tranh có sự thay đổi theo từng thời kỳ. Trước Đổi mới, nó được xem là đỉnh cao của văn học dân tộc nhưng những năm đầu sau Đổi mới, một số người đã phủ nhận sạch trơn. Phạm Ngọc Hiền đã tránh được hai xu hướng cực đoan nói trên và có một tư duy mở, không bị "đóng khung" bởi một định kiến nào. Tác giả mạnh dạn chỉ trích những yếu kém của tiểu thuyết cách mạng Việt Nam 1945 - 1975. Mặt khác, cũng không tiếc lời ca ngợi những tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao. Tác giả không chỉ khen ngợi một cách trừu tượng mà còn phân tích những chi tiết cụ thể "nói có sách, mách có chứng". Như vậy, Phạm Ngọc Hiền đã dày công đãi cát tìm vàng để góp phần khẳng định những giá trị của tiểu thuyết cách mạng Việt Nam 1945 - 1975, giúp cho thể loại này có thêm một vẻ đẹp mới, một sức sống mới vượt thời gian.

        Nhà phê bình Bùi Việt Thắng nhận xét: "Chuyên luận của tác giả Phạm Ngọc Hiền đã góp thêm một tiếng nói khoa học, khách quan công bằng và quan trọng nhất là bình tĩnh khi nhìn nhận lại các giá trị của quá khứ. Dĩ nhiên là không tránh khỏi một vài thiếu sót trong quá trình nghiên cứu một đối tượng quá lớn so với sức lực của một cá nhân. Công trình này thực ra đòi hỏi một sự cộng tác và hợp tác nghiên cứu của nhiều nhà khoa học và phải có thời gian cũng như sự đầu tư công sức. Có thể nói, tác giả Phạm Ngọc Hiền đã dũng cảm nhận lấy sứ mệnh cao cả nhưng cũng đầy những thử thách lớn lao khi nghiên cứu tiểu thuyết cách mạng Việt Nam 1945 - 1975." (Tuần báo Văn nghệ, số 47 ra ngày 20-11-2011). Có thể xem đây là nhận xét thấu tình đạt lý, để vừa chúc mừng thành công của một nhà nghiên cứu trẻ, cũng vừa chia sẻ những khó khăn mà anh phải giải quyết.

                                                                                                                     

HUỲNH VĂN QUỐC

(Hội Văn học nghệ thuật Phú Yên)

___________

 

(*) Chuyên luận của Phạm Ngọc Hiền - NXB Văn học - 2010

 

Bài đã đăng báo Phú Yên, số ra ngày 5 / 12 / 2010

 

 


Phamngochien.com - 09:27 - 05/12/2010 - Bài của văn nghệ sĩ          

Gửi bình luận