Tiếng Việt sẽ đi về đâu với báo mạng ? (Lê Xuân Chiến - Quảng Nam)

Hiện nay trên báo điện tử xuất hiện ngày càng nhiều những tiêu đề "giật gân" câu khách. Cách dùng chữ cẩu thả, tùy tiện này có nguy cơ làm méo mó, mất đi vẻ trong sáng của tiếng Việt. Những dẫn chứng trong bài viết này đều trích từ những trang báo điện tử chính thống, chứ không phải từ những trang mạng xã hội như Twitter, Facebook, Google Plus hay những tờ báo "lá cải" bát nháo hỗn tạp, thượng vàng hạ cám.

Tôi ở tuổi trung niên, tiếp xúc nhiều với giới trẻ và may sao không đến nỗi bị xem là "cổ lỗ sĩ" hay "quê mùa", "hai lúa". Tôi sử dụng internet đã hơn 15 năm nhưng chưa bao giờ thấy hiện tượng đưa tin "giật gân", đặt tiêu đề (dưới đây có lúc gọi là "tít" - title) một cách cẩu thả, vô lối trên báo điện tử đến mức đáng báo động như vài năm trở lại đây.

Những tiêu đề "giật gân"
Là người Việt nhưng đọc nhiều tiêu đề trên báo điện tử (báo mạng), nhiều lúc tôi không hiểu nổi và cảm thấy mình như lạc lõng, bơ vơ giữa thế giới chữ nghĩa thời @. Tiếng Việt đi về đâu nếu tiếp tục bị cuốn trào lưu dùng chữ "giật gân", vô lối trên báo chí, nhất là báo mạng hiện nay ? Trong khi nêu dẫn chứng, vì lý do tế nhị, tác giả xin được viết tắt tên một số trang báo mạng đang lưu hành.
Thời gian qua, từ "rúng động" xuất hiện với tần suất dày đặc trên báo mạng. Vậy "rúng động" nghĩa là gì ? Từ điển Tiếng Việt của NXB Từ điển Bách khoa, năm 2013 giải thích : "Rúng động" (động từ) : "náo động và nao núng".
Thế mà trong chuyến thăm Việt Nam của tổng thống Mỹ Obama, một trang mạng có uy tín trong nước là V.N "giật tít" : "Rúng động' trước quyết định lịch sử của Mỹ với VN". Tôi đọc mà hoảng hồn, tưởng rằng hai nước sắp có chuyện gì. Đọc nội dung bài viết thì té ra là chuyện "Mỹ dỡ bỏ cấm vận vũ khí sẽ giúp VN tiếp cận được với những vũ khí cần thiết để tự phòng thủ". May sao, sau đó báo này đã phát hiện lỗi và sửa lại bằng một tiêu đề khác. Nhưng lỗi đặt tít trên báo này vẫn chưa hết. Ngay dưới tiêu đề bài viết trên, có đường link của một bài viết khác mang tiêu đề : "Chủ tịch nước: Hoan nghênh Mỹ dỡ bỏ cấm vận vũ khí VN". Bỏ qua lỗi viết tắt (từ "VN"), chỉ xin hỏi "vũ khí Việt Nam" là vũ khí gì vậy ? Tại sao không viết là "Hoan nghênh Mỹ dỡ bỏ cấm vận vũ khí đối với Việt Nam" ?
Còn trên trang P.Đ.L.S thì "giật tít": "Rúng động trước vẻ đẹp của đảo Lý Sơn". Nếu viết thế này thì ai còn dám đến Lý Sơn du lịch nữa ? Vì "rúng động" là làm cho người ta hoang mang, nao núng, dao động, bất an.
Những từ mà người ta tưởng "hay", "độc", "lạ" thật ra rất nông cạn, dễ dãi. Chẳng hạn như tiêu đề: "Cách viết mở bài môn Văn lấy lòng giám khảo chấm thi" (báo VN.E). Trước hết, ở tiêu đề này thừa hai chữ "chấm thi", tác giả quên để ý "giáo khảo" chính là người chấm thi. Về phương diện tuyên truyền, tiêu đề này vô hình trung đánh giá thấp vai trò của giám khảo. Chẳng lẽ giám khảo dễ bị "lấy lòng", chấm bài thi một cách cảm tính như vậy sao ? Tiêu đề này cần sửa lại như sau: "Cách mở bài môn Văn để thuyết phục giám khảo".
Cũng trên trang báo này, tôi còn gặp một cái tiêu đề ngồ ngộ : "Con ngựa 'đẹp trai' nhất thế giới". Có phải tiêu đề cố ý nhấn mạnh đây là con ngựa đực chăng ? Nếu không thì "con ngựa đẹp" trong tiếng Việt đã có từ "tuấn mã", sao không dùng ?
Trên trang G.D thì giật tiêu đề câu khách như sau : "Thầy giáo "bày mưu" giúp học sinh giành điểm cao môn Ngữ văn". Thầy giáo đi "bày mưu" ư ? Phản cảm quá ! Trong trường hợp này từ "bày mưu" là một hành động không trong sáng, thiếu đàng hoàng. Tiêu đề này có thể là một lời nói trong giao tiếp hằng ngày (khẩu ngữ), chứ không thể xuất hiện trên mặt báo của một trang báo mạng chuyên viết về giáo dục.
Trang báo này còn đập vào mắt tôi cái tựa đề "hồn nhiên" : "Đà Nẵng sẽ phạt nặng người vứt rác lung tung tại các bãi biển". Buồn cười quá, phạt người vứt rác "lung tung", còn những người vứt rác không lung tung (vứt dồn một chỗ thôi) thì không bị phạt à ? Tiêu đề này thừa hai chữ "lung tung" nên mới thành ra như vậy.
Thay vì viết "chia tay thời học sinh", trang VN.E lại viết "chia tay đời học sinh", tạo ra một tiêu đề rất khó chịu : "Các bạn trẻ rơi nước mắt chia tay đời học sinh".
Trang N.Z ham "dùng chữ" nên đặt một tiêu đề là "Nam sinh đạt điểm cao nhất nước tư vấn thi đỗ đại học". Sao không phải là "thí sinh" mà phải là "nam sinh" ? Và thí sinh có điểm cao nhất, tiếng Việt có từ "thủ khoa", sao không dùng ?
Gần đây từ "vi diệu" xuất hiện nhan nhãn trên báo nói, báo hình, báo viết. Nhiều người chẳng rõ nghĩa từ này nên dùng rất tùy tiện, cẩu thả. Chẳng hạn : "8 sự thật vi diệu bạn không thể biết khi còn đang là một nhóc tì" (trang T.T.T), "Học cách dạy con vi diệu từ bố Xuân Bắc" (trang P.N). Nên nhớ, chỉ có những thần thánh, tiên Phật mới làm được những điều vi diệu, chẳng hạn thiên biến vạn hóa, cải lão hoàn đồng, thoắt ẩn thoắt hiện ...
Hết "vi diệu" đến "gây bão", từ này "ăn sâu" vào cách đặt tiêu đề báo mạng : "MC Phan Anh nói về chương trình ‘gây bão' của VTV" (báo V.N), "Kỷ yếu ăn mày gây ‘bão' của học sinh Lạng Sơn" (báo VN.E), "7 lần Angela Phương Trinh gây "bão" vì áo váy" (trang 24H), "Đàm Vĩnh Hưng gây "bão" khi khen thí sinh của Tuấn Hưng biết trước, biết sau" (báo T.N), "Hoài Linh "gây bão" khi lần đầu khoe ảnh cùng con trai" (báo E.V), "Messi gây bão vì từ thiện thiếu suy nghĩ" (trang GDE). Nói tóm lại, bất cứ cái gì cũng có thể "gây bão", lời khen cũng gây bão, khoe ảnh của con cũng gây bão, áo váy cũng gây bão ! Nếu vậy thì với bài viết này, tôi phải đổi tiêu đề thành "Những tít báo gây "bão" trên mạng" mới xứng tầm với các "fan" thích "bão" !
Còn đây là tít "giật" trên báo T.T : "Méo mặt vì hải sản xuống giá, ngư dân mong trong bờ ổn định". Đọc qua, tôi cũng "méo mặt" vì tiếng Việt đang bị người ta "xuống giá".
Và đây nữa, tiêu đề "Cận cảnh gia đình Sài thành trồng rau, nuôi gà trên sân thượng" (trang N.ĐT). Trồng rau, nuôi gà trên sân thượng là chuyện thường, có gì mà phải "cận cảnh" với "viễn cảnh" rồi "phóng" tiêu đề lên như vậy ?
Gần đây do ám ảnh phim Tàu, phim Hàn nên các trang mạng thích dùng từ "soái ca". Từ này chưa có trong từ điển Tiếng Việt. Trên Internet có giải thích : "Soái ca" chỉ một chàng trai vô cùng đẹp trai, đàng hoàng, phong nhã, giàu có nhưng thường đi theo tiếng gọi của tình yêu và yêu một cô gái không có gì đặc biệt cả.
Thế nhưng nhiều trang báo mạng đặt tít như sau : "Những "soái ca" trong lòng cư dân mạng trong ngày Hà Nội ngập !" (trang K14), "Bắt "soái ca" Tây Nguyên chém trọng thương công an" (báo Gi.T), "Soái ca" tè bậy giữa phố bị phạt 200.000 đồng" (báo Gi.T). Thật là hết chỗ nói, "soái ca" vốn mang nghĩa tốt đẹp - "anh chàng phong độ, giàu có, hào hoa, si tình", bị báo mạng "biến tướng" thành những tên lưu manh, vô văn hóa ("chém công an", "tè bậy") !
Tiếng lóng "cười té ghế" được nhiều trang mạng ngày nay sử dụng triệt để. Trang V.U và hàng loạt trang khát có bài viết mang tiêu đề : "Những Pha Không Đỡ Nổi, Chơi Ngu Dã Man, Cười Té Ghế". Trang E.V "sáng tạo" một tiêu đề vô cùng "độc lạ" : "Cười té ghế với chàng "cao, to, đen, hôi" tìm bạn gái". Đã "té ghế" rồi lại còn "cao, to, đen, hôi", đọc tiêu đề này tôi bị sốc nặng, suýt nữa cũng bị "té ghế" luôn.
Trên báo mạng có một thời gian rộ lên cái từ "đắng lòng". Xin trích vài tiêu đề : "Đắng lòng" dự án TTTM Thuận Kiều Plaza gần 20 năm hoang vắng" (trang C.F); "Đắng lòng nhìn cá chép Táo quân ngáp giữa dòng kênh rác" (báo T.N); "Đắng lòng bát cơm của học sinh nghèo"(trang Đ.V); Đắng lòng 'trai vẫy' vật lộn mưu sinh giữa lòng Thủ đô" (trang Đ.V, K.T, V.B).
Trang Đ.V còn đăng một tin câu khách với nhan đề : "Sự thật vụ bị đâm chết vì liên tục nói 'Đắng Lòng'?". Nội dung như sau : "Nạn nhân là anh Trần Văn Lợi sinh năm 1989, quê quán Quận 1, TP.HCM. Trong lúc đang nhậu với đám bạn, anh liên tục "chêm" từ "đắng lòng" vào mỗi câu nói. Các bợm nhậu bàn kế bên quá bực tức với mỗi câu nói của anh. Không kiềm chế được, một thanh niên ngồi bàn bên cạnh là dùng dao đâm nhiều nhát vào anh Lợi, kết quả khiến anh tử vong tại chỗ".
Xin được "đắng lòng" cùng câu chuyện khôi hài trên.
Bên cạnh từ "đắng lòng" có báo còn dùng từ "tím mặt" : "Chủ quán Nhật 'tím mặt' nhìn thức ăn thừa của khách Việt" (báo V.N). Thức ăn thừa chứ có phải chuyện gì sợ hãi, thất kinh mà "tím mặt" ? Sự "giật gân" tít báo trong trường hợp này quá lộ liễu.

Những tiêu đề "tai hại"
"Thầy giáo Nguyễn Tất Thành ở trường Dục Thanh" ra mắt bạn đọc", đó là tiêu đề đăng trên báo V.NG. Chao ôi ! Đáng lẽ phải viết : Sách "Thầy giáo Nguyễn Tất Thành ra mắt bạn đọc", vì đây là vấn đề cần hết sức nghiêm túc.
Phản ánh tình trạng thiếu nước sinh hoạt vì vỡ đường ống dẫn nước sông Đà, trang VTC thì không ngại "giật tít" : "Mất nước, bệnh viện lao đao". Còn báo Đ.Đ.K thì "chơi chữ" tương tự : "Bệnh viện cũng lao đao vì ... mất nước". Tại sao không viết "thiếu nước", "mất nguồn nước", "không có nước" mà dùng từ "mất nước", một từ vốn nhạy cảm như vậy ? Dùng chữ trên diễn đàn cần phải hết sức cẩn trọng. Trước đây ở bến xe, bến tàu, người ta bán dạo nước chè, nước đá, không ai bảo ai, người dân đều dùng từ "đổi một ly nước", "cho một ly nước", chứ không ai dùng từ "mua nước", "bán nước" cả.
Còn đây là tiêu đề của một bài viết hoang đường, gây hoang mang dư luận trên báo V.N : "Rùng rợn chuyện heo 'thành tinh' báo oán chủ lò mổ". Nếu thật vậy, toàn thế giới sẽ ăn chay !
Trang VN.E cũng vậy, giật tít "khủng khiếp" : "Bà vợ hét lên kinh hãi vì ôtô bị 'bóng ma' chặn đường". Mặc dù không tin sự nhảm nhí đó nhưng tôi cố đọc để xem thực hư thế nào thì cuối bài viết ghi "nguồn Youtube". Biết nguồn tin trên Youtobe là không đáng tin cậy nhưng trang VN.E cố ý giật cái tít như vậy để câu khách.
Và đây là một tiêu đề phản cảm, phản giáo dục đối với trẻ em : "Chuyện tình đôi uyên ương gieo mầm từ năm lên 7" (báo VN.E). Ngợi ca một tình yêu "gieo mầm từ năm lên 7" như vậy mà chấp nhận được sao ?
Trang S.H, giật một tít chẳng giống ai : "Phó TGĐ VCCorp: "Chỉ cần bạn tốt nghiệp cấp 3, nhưng đủ điên, đủ dị, đủ say mê, hãy join với chúng tôi". Đây là một câu nói đùa không hơn không kém, không phải là tít đúng nghĩa của một bài báo. "Đủ điên", "đủ dị" rồi còn "join" nữa là sao ? Tít này không chỉ không chuẩn mực mà còn khó hiểu đối với nhiều người. Nên nhớ rằng báo chí là phương tiện truyền thông mang tính đại chúng.

Những tiêu đề "ăn theo" người nổi tiếng
Viết về một người mẫu ăn kiêng, trang 24H và D.V dùng tít "Phương Trinh Jolie bỏ ăn cơm hơn 5 năm để giữ dáng", trang S.B thì giật tít "Những bữa ăn giản dị đến khó tin của người đẹp Việt". Trong bài này còn có câu : "Hình ảnh bữa cơm quá giản dị khiến người hâm mộ của cô không khỏi xót xa". Người mẫu ăn kiêng, ăn rất khoa học, khẩu phần đầy đủ chất dinh dưỡng, có gì đâu mà phải dùng từ "bỏ ăn", "khó tin", "xót xa" ?
Chuyện riêng tư của chính trị gia cũng được lôi lên mạng : "Ứng viên tổng thống Mỹ gọi bồ cũ là "loại gái hạng bét" (trang D.V). Chuyện 3 cô người mẫu ở Thụy Sỹ hát nhép, nhảy múa với trang phục hơi hở hang trên ô tô, vậy là trang D.V giật tít "3 người mẫu "gây bão" vì làm chuyện kỳ cục trong ô tô".
Một ca sỹ nói đùa một câu cũng trở thành đề tài của báo T.N : "Lý Hải : ‘Người ta nói vợ tôi chỉ biết ăn rồi đẻ".
Trang Đ.S.P.L đặt một tiêu đề rất "kêu" : "Chăn dắt nữ sinh với chiêu nhập vai "bạch mã hoàng tử". Có lẽ người viết là một người quá mê phim Tàu nên "giật tít" cũng đậm chất kiếm hiệp như vậy. Bài này viết về một câu chuyện pháp luật hẳn hoi ở Lào Cai, chứ không phải viết về chuyện phím, chuyện đùa. Thật ngược đời khi tác giả gọi một kẻ "buôn thịt bán người", lừa tình, bán nữ sinh qua biên giới là bằng cái tên khá mỹ miều là "bạch mã hoàng tử" ! (?).
Có báo gọi Bà Tưng là "gái hư", "âm mưu" nhưng có báo gọi là "thánh nữ" : "Bà Tưng, Hồng Quế, Andrea: 3 'gái hư' hết thời" (trang Đ.V), "Âm mưu Bà Tưng: Từ thả rông, y tá sexy đến ... hình ảnh thiếu nhi !" (trang T.T.T), "Chân dung thật của thánh nữ "Bà Tưng" (trang T.I.N).
Trang phục Ngọc Trinh "xuyên thấu" là tiêu đề không thể thiếu của nhiều trang mạng, nhất là trang E.V: "Ngọc Trinh diện mốt váy ngủ xuyên thấu", "Ngọc Trinh, Thủy Tiên gây tranh cãi vì váy hở bạo", "Úp mở vòng 1 với váy ren, Ngọc Trinh hút chặt mọi ánh nhìn", "Ngọc Trinh khoe eo thon với váy xuyên thấu tại sự kiện". Cuộc sống, xã hội hết người tốt, việc tốt, hết những hình ảnh đẹp hay sao mà cứ "khai thác" mãi đề tài "xuyên thấu", "hở", "sexy" của người mẫu như vậy ?

Những tiêu đề lạm dụng tiếng nước ngoài
"Loạt clip makeover với tóc giả sẽ khiến bạn mê tít vì quá "ảo" (trang T.T.T), "Màn 'make-over' trên truyền hình bị coi là thảm họa" (Ng.S), "Hoàng Thùy Linh - Huyền My: váy xịn đụng váy fake" (báo VN.E), "Loạt người mẫu chân ngắn hội tụ tại Victoria's Secret Fashion Show phiên bản chó" (trang T.T.T), "11 bí kíp "xương máu" giúp bạn thoát khỏi "kiếp FA" vô cùng hiệu quả" (trang Đ.O) ...
Đó là những tiêu đề "khoe chữ", đánh đố người đọc. ("makeover" chuyển giao, chuyển nhượng, bỏ đi; "fake" là "giả mạo" "hàng nhái"; Victoria's Secret là nhà bán lẻ nội y lớn nhất ở Mỹ; "Fashion Show" là chương trình trình diễn thời trang. Nhưng thời trang ở đây không dành cho người mà dành cho ... chó, vì thế người viết bài này đã nói rõ là "phiên bản chó" !

Hết đề tài để viết rồi sao ?
Có lẽ hết đề tài để viết nên các trang báo "lá cải" này giật hàng loạt tít nhảm nhí : "Hoàng Thùy khoe eo "con kiến" bên Xuân Lan, Hoàng Hải, Hoàng Thùy "lột xác" đầy ma mị, ấn tượng", "Cái bẫy đằng sau chiếc váy của Phương Trinh ở Cannes" (trang NEW), "Angela Phương Trinh lộ bụng to bất thường tại LHP Cannes", "Chán ngoan hiền, Angela Phương Trinh lại nghịch phá" (trang P.N), "Hồ Ngọc Hà cùng Cường Đô la dắt con trai đi chơi giữa tâm bão" (báo T.N), "Diễn viên Mai Phương cùng con gái dạo chơi công viên" (trang Ng.N.T), "Học phí con trai Lệ Quyên "ăn đứt" con trai Hồ Ngọc Hà" (báo V.N), "Lộ diện người trả tiền bún chả cho Tổng thống Obama" (báo Gi.T), "Obama rủ vợ đi ăn nhà hàng sau khi trở lại Mỹ" (trang D.V), "Dắt chó đi chơi, nhặt được "cục phân" 250 triệu đồng" (trang D.V), "Ronaldo ‘vô đối' trên MXH; Sao Real lấy tên Messi đặt cho... chó cưng" (báo B.Đ).
Và đây là hàng loạt tít giật ... cấp 12 của báo T.N : "Tuổi trẻ dữ dội của Tổng thống Obama: Cuộc đua khốc liệt vào Nhà trắng", "Tuổi trẻ dữ dội của Tổng thống Obama: Bươn chải mưu sinh", "Tuổi trẻ dữ dội của Tổng thống Obama: Năm tháng không yên bình", "Tuổi trẻ dữ dội của Tổng thống Obama: Những giọt nước mắt".
Đúng là "dữ dội" thật, dữ dội ngay trên cái tít báo, làm người ta chưa đọc đã thấy choáng, vì "dữ dội" không kém.

Xin được "thoát"
Tôi xin dùng 3 chữ "Xin được thoát" để khép lại bài viết này. Dung lượng trang báo không cho phép tôi viết dài thêm. Và dẫu có được phép đi nữa, tôi cũng không thể dẫn chứng và phân tích hết những tiêu đề báo "gây sốc" hiện nay trên báo mạng, vì nó càng ngày càng "lây lan" một cách vô kiểm soát. (Dù đó mới chỉ là tiêu đề, chưa bàn đến nội dung). Điệp khúc "giật tít" trên báo mạng không biết bao giờ mới chịu dừng ? Khổ nỗi, báo mạng hiện nay lại chiếm ưu thế, lớp trẻ thích đọc, cứ rảnh khi nào là chúng lại cầm i-phone, i-pad lướt web, "lên phây" (facebook) lúc đó, thay vì đọc sách như thế hệ trước. Nói không ngoa rằng, cứ đà này, không bao lâu nữa, một thế hệ trẻ Việt Nam sẽ mù mờ, ngớ ngẩn, lệch lạc, méo mó trong việc sử dụng tiếng mẹ đẻ, vì họ bị tiêm nhiễm bởi cách dùng chữ tùy tiện, vô lối, thiếu trách nhiệm, "phá hoại" sự trong sáng của tiếng Việt trên báo mạng hiện nay.


LÊ XUÂN CHIẾN (Quảng Nam)

Email: xuanchienle@gmail.com

Bài viết phản ánh quan điểm riêng của tác giả Lê Xuân Chiến



Phamngochien.com - 19:24 - 13/07/2016 - Bài của văn nghệ sĩ          

Gửi bình luận