Thuyết tam tòng và tính gia trưởng (Huỳnh Khang - Sài Gòn)

  

“Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử”. Đa số chúng ta đều hiểu như thế này: Phụ nữ chưa lấy chồng thì theo cha, đã lấy chồng thì theo chồng, chồng chết thì theo con (con trai).

Ngược dòng lịch sử tôi đi về miền viễn cổ, về Khúc Phụ - Sơn Đông, Trung Quốc - để gặp Đức Khổng Tử. Mục đích chuyến đi của tôi là hỏi cho ra lẽ: tại sao ông đưa ra thuyết (quy định) “Tam tòng” để trói buộc phụ nữ mấy ngàn năm sau này?

Khổng Tử được người đời xưng tụng là “Vạn Thế Sư Biểu” – Người thầy của muôn đời - lẽ nào lại có tư tưởng thấp kém như thế!? Ông ngồi im lặng, trầm ngâm, vầng tráng cao mênh mông, miên man nghĩ ngợi chẳng thèm đối thoại gì với tôi.

Tôi lại đi gặp Mạnh Tử, người sinh sau Khổng Tử khoảng 100 năm và là người thấm nhuần đạo của Khổng Tử nhất. Ông là người cả đời phát huy đạo của Khổng Tử và đưa nó vào thực tiễn đời sống của thời đó. Người đời xưng tụng ông là Á Thánh. Ông chỉ trả lời tôi vẻn vẹn 1 câu: “Làm gì có chuyện đó”!

Vậy theo (tòng) rốt cuộc là theo cái gì và đâu là nguồn cơn?

Xin lược trích một chút về lịch sử ra đời của thuyết tam tòng:

Các nghi lễ có từ đầu thời nhà Chu. Trải qua chiến tranh và nhiều biến cố của lịch sử thì Chu lễ có phần bị mai một. Khổng Tử sinh vào cuối thời nhà Chu, là người viết và san định các sách trong thiên hạ lại, phục hưng các nghi lễ…tạo thành hệ thống Nho gia.

Nhà Chu mất, nhà Tần lên thay. Sau khi Tần Thuỷ Hoàng thống nhất Trung Hoa đã áp dụng theo chính sách Pháp gia nên đã đàn áp Nho gia mà tiêu biểu là việc “Đốt sách chôn nho”: Tần Thủy Hoàng đã ra lệnh đốt bỏ hết phần lớn các sách của Nho Gia và cả thủ tiêu những nhà Nho.

Nhà Tần bị diệt vong. Lưu Bang lập nhà Hán.

Vào đầu nhà Tây Hán (khoảng 200 TCN), Cao Đường Sinh viết lại sách Nghi Lễ, ghi chép lại các lễ nghi có từ thời nhà Chu mà Khổng Tử đã chỉnh đốn và san định. Theo sách “Nghi Lễ” phần Tang Phục – Tử hạ truyện: (Trích nguyên văn) “Phụ nhân bất nhị trảm giả, hà dã? Phụ nhân hữu tam tòng chi nghĩa, vô chuyên dụng chi đạo, cố vị giá tòng phụ, ký giá tòng phu, phu tử tòng tử.”( Dịch là: “Phụ nữ không mặc tang phục ‘trảm thôi’ hai lần, nghĩa là gì? Phụ nữ có cái nghĩa phải theo ba điều, mà không có cái lễ (đạo) làm theo ý mình, cho nên, khi chưa lấy chồng thì theo cha, khi đã lấy chồng thì theo chồng, khi chồng chết thì theo con trai)”.

Như vậy, “tam tòng” nguyên sơ chỉ là quy định về cách thức chịu tang đối với người phụ nữ.

Các nho gia sau này viết lại sách Nghi lễ của Cao Đường Sinh đã giản lược, chỉ còn: “Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử” và dùng vào việc giáo hoá phụ nữ. Cụ thể: sau khi sách Nghi Lễ ra đời hơn 200 năm thì có danh nho Đới Đức (Đại Đới) cuối thời Tây Hán đã giản lược Nghi Lễ, viết sách gọi là Đới Đức Nghi Lễ, trong đó có câu: “Phụ nữ là người theo, đàn ông là chủ động. Phụ nữ nghe theo lời dạy bảo của đàn ông, từ đó tăng trưởng hiểu biết về nghĩa lý, do đó gọi là phụ nữ. Phụ nữ là người cúi đầu trước người khác, là do cái nghĩa không được tự ý chuyên chế, có cái đạo tam tòng. Ở nhà thì theo cha, về nhà chồng thì theo chồng, chồng chết thì theo con trai, không được tự ý theo sở thích”

Theo dòng chảy của lịch sử, sách Nghi Lễ bị “tam sao thất bổn”! Kể từ đó “Tam tòng” đã được áp dụng vào việc giáo huấn phụ nữ.

Hai ngàn năm tiếp theo, đại bộ phận người dân Á đông đã bị ảnh hưởng bởi quan niệm này. Người phụ nữ ngày xưa hầu như không tự quyết cho số phận của mình từ gia đình cho tới ngoài xã hội.

Từ đầu thế kỉ 20, với việc sử dụng chữ quốc ngữ thì các nhà nho của ta cũng có suy nghĩ thoáng hơn về nhiều phương diện nhưng quan niệm về tam tòng thì hầu như vẫn giữ chặt. “Tam tòng” cùng với các quan niệm: “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”; “Áo mặc sao qua khỏi đầu”; “Cá không ăn muối cá ươn. Con cãi cha mẹ trăm đường con hư”; “Cha mẹ đặt đâu con ngồi đó”…trong suốt một thời gian dài đã kiềm hãm sự tự do phát triển của phụ nữ nói riêng và con cái nói chung. Đồng ý là, cha mẹ cần phải kiểm soát con cái để uốn nắn chúng kịp thời, tránh chúng hư hỏng nhưng không nên bắt con cái làm theo ý mình, theo sở thích của mình. Ngày nay, đại bộ phận nhân dân đã có suy nghĩ thoáng hơn, bình đẳng giới được coi trọng, nhưng còn nhiều người – nhất là ở thôn quê - vẫn còn hiểu sai và vẫn còn giữ những quan niệm này. Do đó mà khiến “Tam tòng” bị coi là lạc hậu và bất công của xã hội đối với phụ nữ thời xưa (và cả ngày nay).

Dường như vùng, miền nào xưa kia có nhiều nho gia rành chữ Hán, giỏi chữ Nôm thì tính gia trưởng càng tăng trong gia đình. Các gia đình ít học chữ Hán, di dân đi nơi xa, đi kinh tế mới…thì tính gia trưởng ít hơn! Rất có thể thuyết “tam tòng” đã hình thành tính gia trưởng ở đàn ông!?

Ngược dòng lịch sử tôi lại đi về miền viễn cổ để gặp lại Khổng Tử. “Vạn thế sư biểu” vẫn ngồi đó, trầm ngâm nghĩ ngợi, trông rất khắc khổ. Hơn hai ngàn năm nay nhiều tư tưởng của ông bị lợi dụng, thấm sâu, di truyền qua nhiều thế hệ, nên khó mà xoá bỏ triệt để ở các nước Á Đông và Việt Nam ta trong một sớm, một chiều!

Sài Gòn, tháng 11/2022. Huỳnh Khang.

 


Phamngochien.com - 12:20 - 17/11/2022 - Bài của văn nghệ sĩ          

Gửi bình luận