Thuộc Kiều (Nguyễn Huy Việt)


Từ hồi còn nhỏ tôi đã được bố tôi đọc cho nghe Truyện Kiều hằng đêm, nên tôi đã thuộc lòng nhiều đoạn. Tuy chưa hiểu hết, nhưng tôi đã thấy hay từ lời văn, ngôn từ, tới âm điệu. Bố tôi, lúc sinh thời rất thích Truyện Kiều và chắc thuộc lòng trên 95 phần trăm, còn tôi lúc đó chắc thuộc trên một nửa Truyện Kiều.

Sau lớn lên tôi học chuyên toán ở Đại học Tổng Hợp Hà Nội, khóa 2, rồi sau đó hai lần đi du học ở Liên Xô và về làm việc ở Viện Toán Học. Suốt 20 năm từ tuổi trưởng thành tôi vẫn hay đọc lại rồi thuộc lòng Truyện Kiều, và càng hiểu nhiều càng mê thơ lục bát của Nguyễn Du qua Truyện Kiều. Nhưng thuộc lòng toàn bộ Truyện Kiều một cách vững vàng và nhuần nhuyễn có lẽ là vào những năm 1988-1990 khi tôi làm chuyên gia giáo dục ở Algeria. Khi đó tôi không mang theo Truyện Kiều và cũng chưa dùng mạng nên chỉ đọc Truyện Kiều nhiều lần từ trí nhớ. Thế là Truyện Kiều thấm đẫm vào tâm trí và nhớ rõ từng chữ một.

Suốt một thời gian dài tôi tìm những người thuộc Kiều như tôi để kết bạn. May mắn, tôi đã làm quen được hai người. Đó là nhà Kiều học Phạm Đan Quế ở TP HCM, người đã viết 16 đầu sách về Truyện Kiều và về nhiều kỷ lục của Truyện Kiều và nhà thơ Vương Trọng, người đã có nhiều bài viết hay và thơ hay về Truyện Kiều và Nguyễn Du. Tôi chẳng phải là nhà văn, nhà thơ, chuyên như hai vị ấy, chỉ có cái giống họ ở chỗ là cùng thuộc lòng Truyện Kiều, cùng sùng bái Nguyễn Du và đều xuất thân từ ngành toán.

Nói đến thuộc Kiều, thì có thể nói, thuộc chín mươi phần trăm Truyện Kiều là dễ và thuộc chín mươi chín phần trăm vẫn còn là tương đối dễ, vì thể thơ lục bát rất quen thuộc với người dân Việt Nam ta và rất dễ thuộc, dễ nhớ, vả lại, một phần trăm Truyện Kiều tương đương với cả  những hơn 220 từ! Nhưng thuộc lòng trăm phần trăm Truyện Kiều chính xác đến từng câu, từng chữ không sai từ nào thì quả thật là khó vô cùng. Chỉ xin nêu vài cái khó điển hình. Rất nhiều từ trong Truyện Kiều có thể thay thế bằng một số từ khác gần hoặc tương đương về nghĩa và các từ đó cũng không làm thay đổi vần điệu của câu Kiều. Vậy nên rất khó để luôn nhớ và đọc ra chính xác cái từ mà Nguyễn Du dùng ở chỗ đó. Ví dụ, nhiều câu, đều là lời của Kiều, bắt đầu bằng:

Kiều rằng:......,
Thưa rằng:.... hoặc
Nàng rằng:...

Khi học thuộc lòng làm sao phải nhớ được ở câu nào thì Nguyễn Du dùng từ nào: Kiều, Thưa hay là Nàng? Cái khó là các từ này không ảnh hưởng hay làm thay đổi vần điệu gì của câu thơ lục bát. Một ví dụ nữa là ba cặp lục bát ở đoạn cuối của Truyện Kiều đều bắt đầu bằng "Chàng rằng":

3083. Chàng rằng:"Nói cũng lạ đời,
Dẫu lòng Kia vậy còn lời ấy sao?,
3113. Chàng rằng:"Khéo nói nên lời,
Mà trong lẽ phải có người có ta!, và
3165. Chàng rằng:"Gắn bó một lời,
Bỗng không cá nước chim trời lỡ nhau.

Cả ba cặp này cũng đều dễ thuộc, dễ nhớ, nhưng cả sáu câu lại gây ra nhiều bối rối và dễ lẫn lộn khi đọc thuộc lòng vô cùng!

Và nói đến thuộc Kiều thì có lẽ cũng có nhiều mức độ khác nhau. Nếu chỉ là đọc thuộc Truyện Kiều từ đầu đến hết truyện một cách từ từ, đều đặn, thì tôi chắc rằng có thể có khá nhiều người làm được. Tuy nhiên cũng không biết thực sự thời nay có bao nhiêu người? Nếu thuộc theo kiểu ai đó đọc lên bất kỳ một câu Kiều nào, mình cũng đọc tiếp ngay được luôn thì đã là khó hơn. Từ lâu tôi tự tin rằng mình thuộc Kiều ở mức cao hơn thế. Cụ thể là khi ai nêu ra một từ tiếng Việt nào, mình cũng biết cái từ đó có ở trong Truyện Kiều hay không, và nếu có từ đó duy nhất một lần trong Truyện Kiều thì nhanh chóng tìm ra câu Kiều có từ đó.Trường hợp từ ấy có nhiều trong Kiều thì nhanh chóng tìm ra được vài câu có chứa từ đó. Còn nếu xướng lên ba hoặc bốn từ liên tiếp trong một câu bất kỳ, thì nói chung câu Kiều đã được xác định và tôi có thể đọc ra luôn. Ở đây tôi dùng chữ "nói chung" vì có trường hợp bốn từ liên tiếp vẫn chưa xác định được câu Kiều, ví dụ bốn từ "bốn bề bát ngát" có thể là ở câu "Bốn bề bát ngát xa trông /câu 1035/" mà cũng có thể là câu "Bốn bề bát ngát mênh mông /câu 2735/".

Có khi, ngay cả 5 từ cũng vẫn chưa xác định được câu Kiều. Đó là vì, có cả thảy bốn trường hợp mà hai câu Kiều trùng nhau đến cả năm từ :
a. Thưa rằng: Chút phận ngây thơ /câu 227/ và:
Nàng rằng: Chút phận ngây thơ /câu 2279/.
b. Rằng: Tôi chút phận đàn bà /câu 1141/ và
Rằng: Tôi chút dạ đàn bà /câu 2365/.
c. Cho hay muôn sự tại trời /câu 2391/ và
Ngẫm hay muôn sự tại trời /câu 3241/.
d. Người mà đến thế thì thôi /câu 179/ và
Đời người đến thế thì thôi/câu 2465/.

Trong trường hợp cuối cùng này, hai câu trùng nhau bốn từ cùng vị trí trong câu, từ thứ năm trùng nhau nhưng ở vị trí khác nhau trong câu. Cuối cùng, có hai câu Kiều trùng nhau hoàn toàn, đó là các câu 2073 và 2677, đều là "Giác Duyên nghe nói rụng rời" như tôi đã nêu ở mục 16 trong bài "70 kỷ lục mới phát hiện trong Truyện Kiều" đăng trên Tạp chí Văn (TP. Hồ Chí Minh). 


Phamngochien.com - 17:16 - 04/04/2020 - Bài của văn nghệ sĩ          

Gửi bình luận