Thơ trẻ của một người già (Phạm Ngọc Hiền)

(Đọc tập thơ Về đi của Trần Thiện Lục - NXB Hội nhà văn 2010)

 

Trần Thiện Lục (Phương Yến) sinh năm 1946 quê ở Nam Định nhưng phần lớn cuộc đời gắn bó với vùng đất Phú Yên từ thời chiến tranh lẫn hòa bình. Ông viết nhiều thể loại, năm 1968 có tập thơ Đồng chí được trao giải thưởng văn học Quân giải phóng Trung Trung Bộ. Hơn 40 năm sau, ông mới ra tiếp tập thơ thứ hai mang tựa đề Về đi.

Nét đáng chú ý của tập thơ là tác giả vẫn giữ một cảm xúc tươi trẻ xuyên suốt các chặng đường sáng tác. Cảm xúc ấy bắt đầu từ những bài thơ được sáng tác từ lúc còn thanh niên, tiêu biểu là bài Ngủ rừng (viết năm 1964):

 

"Miên man gió, mênh mông rừng

Võng đu đưa cả cánh rừng đu đưa

Tiếng ai gọi mẹ trong mơ

Giọng ai cười giữa sương mờ sao đêm

(...) Sao ngẩn ngơ... gió ngẩn ngơ

Đầu cánh võng chợt bất ngờ trăng lên".

 

Thỉnh thoảng, ta bắt gặp trong rừng già tiếng cười bông đùa của các chàng lính trẻ. Tiếng cười vui nhộn đã phá tan cái vỏ bọc đạo mạo, làm cho con người trở nên gần gũi, tự nhiên hơn: "Hiện đại là mốt tắm truồng / Một bầy lính tráng coi thường thế gian / Giữa rừng ma nó tới thăm / Ơ kìa con gái... xách quần chạy bay !..." (Nhật ký hành quân).

Bên cạnh đề tài chiến tranh cách mạng, Trần Thiện Lục vẫn dành một dung lượng đáng kể cho đề tài tình yêu. Tác giả có cảm xúc rất lãng mạn, trẻ trung, bộc bạch tâm tình rất tự nhiên:

 

"Cảm ơn mái tóc em thơm

Để làn hương cứ chờn vờn mãi thôi

Trăng chơi vơi, gió chơi vơi

Sương buông lành lạnh tiếng người gọi nhau

Lạy trời cứ vậy đêm thâu

Để em cứ mãi gục đầu vào tôi"

                                                       (Lại về với Nhất Tự Sơn).

Chợ tình Sa Pa vốn nổi tiếng về sự tự do cởi mở trong tình yêu. Nó không chỉ là ngày hội của những người đang yêu mà cả những người từng yêu nhau nhưng không lấy được nhau, hoặc thậm chí nhiều người đã có vợ chồng cũng mơ tưởng tới. Ta có thể thấy phần nào cái cảm giác ngất ngây trong phiên chợ tình ấy trong bài Mây trắng chợ tình:

 

"Mây bay trắng đất, trắng trời

Nhà trong mây lẫn tiếng cười trong mây

Chợ tình chưa họp đã say

Tiếng khèn ai gọi ngất ngây ai chờ

(...) Mây vờn chín bậc cầu thang

Bậc thương nhớ, bậc mơ màng em ơi".

 

Thơ Trần Thiện Lục không chỉ trẻ trung ở nội dung mà còn có phần mới mẻ cả về hình thức. Tác giả có cái nhìn độc đáo, tươi xanh về sự vật hiện tượng:

 

"Buổi sớm gùi mặt trời lên rẫy

Chiều cõng mặt trăng về bếp lửa nhà rông

Trăng thức trong giọt rượu cần bỏng cháy

Trong mắt em cười sóng sánh mênh mông"

                                                                         (Đêm nhà rông).

Hai câu đầu của đoạn thơ có cái mới lạ do sử dụng cách diễn đạt hình tượng của đồng bào dân tộc miền núi. Câu ba có tứ thơ hay: trăng tượng trưng cho tình yêu nhưng để nồng cháy thì phải nhờ đến chất xúc tác là rượu cần, men rượu bừng cháy trong đôi mắt sóng sánh lửa tình của cô sơn nữ... Ta còn thấy nhiều hình tượng sinh động như thế trong Đêm Đá Bia, Đêm đọc sách chợt nhớ... Hoặc như trong bài Về đi:

 

"Về đi trải chiếu ta nằm

Vắt chân chữ ngũ ngắm trăng hiên nhà

Trăng khuya vẫn đậu cành đa

Hương mình cùng với hương ta mặn nồng". 

 

Tập thơ mang tên Về đi nghe rất ấn tượng, như một lời khuyên nhủ đừng bon chen nữa khi đã hoàn thành sứ mệnh. Biết tiến đúng nơi và biết lui đúng lúc là người thức thời. Về vườn hay về quê không có nghĩa là kết thúc mà bắt đầu cho cuộc trải nghiệm mới. Ở đó, ta bắt gặp ta thời trẻ, nghĩa là mọi thứ vẫn tươi đẹp như ngày đầu mới ra đi...

                                                                                         PHẠM NGỌC HIỀN


Phamngochien.com - 14:39 - 31/07/2010 - Bài của Phạm Ngọc Hiền          

Gửi bình luận