THẾ LỮ, VỊ CHÚA SƠN LÂM MỘT THỜI CỦA THƠ MỚI (Phạm Ngọc Hiền)

Thời sôi động nhất của phong trào Thơ Mới chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn (1932 - 1940) mà người ta đã chứng kiến bao lần thay ngôi chủ soái. Tản Đà, người hùng một thời của thơ ca Việt Nam đành ngậm ngùi ra đi để nhường ngôi cho Thế Lữ. Vừa mới yên vị, chúa mới đã viết bài "Nhớ rừng", không rõ có dụng ý mượn lời cựu chúa sơn lâm để nói lên tâm trạng nuối tiếc thuở "tung hoành hống hách những ngày xưa" của Tản Đà và thơ cũ hay không ? Hay chúa mới cũng cảm thấy địa vị mình đang lung lay và dự báo trong một tương lai không xa sẽ phải nhường ngôi cho một ông hoàng nào đó trong hàng ngũ Thơ Mới ? Khám phá những tầng sâu ngữ nghĩa của "Nhớ rừng", ta sẽ thấy được chân dung Thế Lữ cùng bức tranh toàn cảnh về cuộc đua tài giành ngôi vị giữa các chúa sơn lâm trong rừng thơ Việt Nam lúc bấy giờ.

Thơ cổ điển Á Đông có bề dày gần 2000 năm, còn đối với Việt Nam là gần 1000 năm. Đó là một khu rừng "bóng cả cây già", "ngàn năm cao cả, thâm u". Vị chúa tể của rừng thơ cũ thuở ấy là Tản Đà, nổi tiếng là một tay cự phách, "giang hồ quen thói vẫy vùng" (ND). Bởi vậy cuộc đọ sức giữa thơ mới và thơ cũ rất quyết liệt. Thế Lữ đã so sánh và phóng đại nó như là một bãi chiến trường với "những chiều lai láng máu sau rừng". Và trong đội quân thơ mới trẻ khỏe đó, xuất hiện một vị tướng oai phong lẫm liệt:

"Với khi thét khúc trường ca dữ dội

Ta bước chân lên, dõng dạc, đường hoàng"

Vị tướng ấy chỉ quắc mắt mà đối thủ phải im tiếng:

"Trong hang tối, mắt thần khi đã quắc

Là khiến cho vạn vật đều im hơi"

Trong cuộc bút chiến ấy, Thế Lữ chỉ hậu thuẫn bằng những bài thơ có sức nặng như cú tát ngàn cân. Trong "Thi nhân Việt Nam" (TNVN), Hoài Thanh viết: "Thế Lữ không bàn về thơ mới, không bút chiến, không diễn thuyết, Thế Lữ chỉ lặng lẽ, chỉ điềm nhiên bước những bước vững vàng mà trong khoảng khắc cả hàng ngũ thơ xưa phải tan vỡ" [1, tr 50]. Chờ đến khi "chết mảnh mặt trời gay gắt" của chân lý thơ cổ điển Á Đông thì "những đêm vàng" của thơ ca lãng mạn hiện ra. Từ đấy, bức tranh thơ Việt Nam giai đoạn này chỉ còn trăng - vú - mộng. Thế Lữ thỏa thê với cảnh: "Ta say mồi đứng ngắm ánh trăng tan", "Ta lặng ngắm giang sơn ta đổi mới". Tuy nhiên, khu rừng đầy "lá gai cỏ sắc" đó vẫn "âm thầm" diễn ra cuộc ganh đua giữa các thi nhân ôm mộng bá chủ. Có bước chân vào làng văn nghệ, ta mới thấy cuộc đua tài quyết liệt như thế nào. Khi một ngôi sao này lóe lên thì buộc  ngôi sao khi phải mờ đi. "Lưu Trọng Lư có thơ đăng báo trước Thế Lữ. Nhưng đến khi Thế  Lữ ra đời, người ta tưởng không có Lưu Trọng Lư nữa" (TNVN). Cũng theo Hoài Thanh "Độ ấy, thơ mới vừa ra đời. Thế Lữ như vầng sao đột hiện ánh sáng chói khắp cả trời thơ Việt Nam". Thế Lữ rất tự hào với địa vị đó:

"Ta biết ta chúa tể của muôn loài

 Giữa  đám thảo hoa không tên không tuổi"

"Hỡi oai linh cảnh nước non hùng vĩ

 Là nơi giống hầm thiêng ta ngự trị"

Đó quả là  "thời oanh liệt" của Thế Lữ. Trong cảnh "Những bình minh xanh cây nắng gội", Thế Lữ mải đắm mình trong "giấc mộng ngàn to lớn" với cảnh bồng lai. Thế Lữ tỏa ra vầng hào quang sáng chói đến nỗi, chàng trai trẻ Nguyên Hồng coi ông "còn hơn cả những thiên thần, những thần tiên, những đấng chúa và thượng đế" (Bước đường viết văn của tôi) [4, tr 261]. Ông sướng lịm người giữa những tiếng ca tụng hết lời của giới hâm mộ "Tiếng chim ca giấc ngủ ta tưng bừng". Trên báo Tràng An có người đã đặt Thế Lữ lên ngang với đại thi hào Nguyễn Du: "Tài nghệ của hai người vị tất đã có hơn kém" [4, tr121]. Hoài Thanh nói: "Cái vinh quang rực rỡ của Thế Lữ có lẽ đã khiến cho nhiều người thèm thuồng". Bởi vậy mà người ta đổ xô vào lĩnh vực văn chương để mơ được kiếm chút vinh quang. Yên vị với ngôi chúa tể của mình, cộng với vai trò trụ cột trong Tự lực văn đoàn và các báo Phong hóa, Ngày nay... Thế Lữ trở thành bậc "đàn anh" mát tay trong việc phát hiện, giúp đỡ những "đàn em" mới vào nghề. "Thế Lữ  chăm chú dạy nghề thơ cho những ai nuôi giấc mộng một ngày kia trở thành thi sĩ" (TNVN). Và ông đã phát hiện ra Xuân Diệu. Trong lúc Thế Lữ đã là chúa sơn lâm "vùng vẫy", "tung hoành" thì Xuân Diệu chỉ là một chú sư tử mới lớn với bờm tóc dày lượn sóng và rung theo những bước chân tập tễnh vào rừng thơ. Thế Lữ đã trân trọng giới thiệu Xuân Diệu trên báo Ngày nay số 46: "thiên tài còn khép nép kia sẽ có lúc nảy nở ra và khi đó sẽ có những màu đậm đà, những ánh xán lạn" [2, tr 568]. Sau này, trong lời tựa cho tập "Thơ thơ", Thế Lữ  viết: "Chàng đi trên đường thơ, hái những bông hoa gặp dưới bước chân, những hương sắc nảy ra bởi ánh sáng của lòng chàng: "Thơ thơ" là cụm đầu mùa chàng tặng cho nhân gian. Và từ đây, chúng ta đã có Xuân Diệu". Chàng trai trẻ Xuân Diệu mới bước vào làng thơ đã nhanh chóng thu hút được niềm ái mộ của đông đảo công chúng bằng những câu thơ tình cháy bỏng thực dụng chứ không xa vời như Thế Lữ. Hoài Thanh nhận xét về Xuân Diệu: "Trong những hình thức nhỏ nhặt thường lại ẩn náu một nguồn sống dồi dào. Không cần phải là con hổ ngự trị trên rừng xanh" (TNVN). Người ta ngầm hiểu "con hổ" ở đây là Thế Lữ. Xuân  Diệu đã không chịu đi theo đường lên tiên cảnh mà đàn anh đã chỉ, ngược lại, ông đủ sức lôi kéo mọi người ở lại thưởng thức cuộc sống thiên đường ngay dưới trần gian. "Với Thế Lữ , thi nhân ta còn nuôi  giấc mộng lên tiên, một giấc mộng rất xưa. Xuân Diệu đốt cảnh Bồng lai và xua ai nấy về hạ giới. Với một nghệ thuật tinh vi đã học được của Baudelaire, Xuân Diệu diễn tả lòng ham sống bồng bột trong thơ de Noailles và văn Gide. Lúc bấy giờ, Thế Lữ  mới tìm đến Baudelaire nhưng nguồn thơ Thế Lữ  đã cạn không sao đi kịp thời đại" (TNVN) [1, tr 30]. Đa số thi sĩ đã từ bỏ chúa cũ và tập hợp theo chúa mới, bầu Xuân Diệu làm "ông hoàng của Thơ Mới", "Nguyên soái của phong trào thơ mới". Lúc bấy giờ, Xuân Diệu mới ngạo nghễ cho  mình cao sừng sững như đỉnh Hy Mã Lạp Sơn: "Ta là Một, là Riêng, là thứ Nhất/ Không có chi bè bạn nổi cùng ta". Thế là Thế Lữ  không còn đủ tư cách đứng ngang hàng với người mà mình đã từng dìu dắt nữa rồi. Hoài Thanh đã rất sắc sảo khi nhận xét tâm trạng của Thế Lữ  lúc này: "Và Thế Lữ  ngồi một mình trong dĩ vãng chừng thấy lẻ loi cũng về đây nốt" (tức là về dưới trướng của Xuân Diệu) [1, tr 31]. Nhưng chúa cũ khó có thể làm bề tôi cho chúa mới, chỉ còn con đường là đi tìm đất khác  để trị vì. Nhưng trong thời trăm hoa đua nở này, đất nào cũng đã có vua. Lĩnh vực thơ đã có ông hoàng Xuân Diệu, còn văn xuôi đã có ông vua phóng sự Bắc Kỳ Vũ Trọng Phụng. Thế Lữ  cũng là một cây văn xuôi lừng lẫy một thời, "về những truyện ghê rợn, ông tỏ ra là một tiểu thuyết gia có biệt tài" (Vũ Ngọc Phan - "Nhà văn Việt Nam hiện đại"). Nhưng từ năm 1936, sự ra đời của Giông tố, Số đỏ... đã làm cho nhiều cây bút phải từ bỏ mộng làm bá chủ làng văn. Một năm sau đó, Thế Lữ chuyển hẳn sang lĩnh vực sân khấu

Từ khi bị soán ngôi, Thế Lữ ôm trong lòng nỗi nhớ tiếc khôn nguôi về thời vàng son của mình:

"Ta sống mãi trong tình thương nỗi nhớ

 Thuở  tung hoành hống hách những ngày xưa

 (...) Nơi thênh thang ta vùng vẫy ngày xưa

Nơi ta không còn được thấy bao giờ !"

"Than ôi ! Thời oanh liệt nay còn đâu ?"

Vị chúa sơn lâm năm nào giờ "gặm một khối căm hờn", "mang niềm uất hận ngàn thâu" với những nỗi buồn mang tính cá nhân và thời đại. Ông ghét những kẻ xu thời trong văn học và những kẻ hạ bệ thơ ông. Trên Hà Nội báo số ra ngày 17 - 6 -1936, có một bài viết về tập "Mấy vần thơ" mà ông vừa xuất bản (1935), trong đó có những câu đã giáng cho ông những đòn chí mạng: "hơn phân nửa là những bài thơ thật dở (...) ta thấy vần điệu "lủng củng, lủng ca", ý tứ ngớ ngẩn trẻ con, nhiều khi lại rờm rà, tình cảm giả dối hết sức, và câu kéo lôi thôi quá (...) họ có thể xé cả quyển sách đi mà không ân hận" [4,  tr 129 -130]. Thế Lữ không chỉ gặp những cái "bĩu môi" của các "nhà thơ cổ" mà ông cũng gặp cái nhìn "ngạo mạn" của nhiều nhà thơ trẻ.

"Khinh lũ người kia ngạo mạn ngẩn ngơ

 Gương mắt bé giễu oai linh rừng thẳm"

Thế lữ cũng coi khinh những kẻ "học đòi bắt chước" phương Tây nhưng chỉ tạo ra những câu thơ "tầm thường giả dối": "Giải nước đen giả suối chẳng thông dòng/ Len dưới nách những mô gò thấp kém/ Dăm vừng lá hiền lành không bí hiểm/ Cũng học đòi bắt chước vẻ hoang vu". Xã hội Việt Nam lúc ấy giống như một "cũi sắt" với những "giải nước đen" ứ đọng "chẳng thông dòng". Thi nhân Việt Nam lúc ấy quá "hiền lành", "vô tư lự", "ngẩn ngơ", "dở hơi" ... không có nỗi buồn cao cả và khát vọng cao xa. Họ chỉ lo "sửa sang" câu chữ "Hoa chăm, cỏ xén, lối phẳng" để "làm trò lạ mắt, thứ đồ chơi". Tác phẩm của họ "không đời nào thay đổi" được thời cuộc, cũng không bồi dưỡng cho công chúng một tư tưởng nhân văn hay lý tưởng sống cao cả nào. Nói tóm lại, họ chỉ bằng lòng với thân phận con công, con thỏ, con nai vàng ngơ ngác chứ không có khát khao được làm con hổ để "vùng vẫy", "tung hoành", để "gào ngàn", "hét núi", "thét khúc trường ca dữ dội" cho xứng với "cảnh nước non hùng vĩ" và "chốn ngàn  năm cao cả" của giang sơn Việt Nam. Giờ đây, trong cảnh "sa cơ, bị nhục nhằn tù hãm", vị chúa sơn lâm năm nào cũng đành phải sống cảnh vô vị cùng với những kẻ "tầm thường" đó: "Chịu ngang bầy cùng bọn gấu dở hơi/ Với cặp báo chuồng bên vô tư lự". Tuy vậy, có ai biết rằng, trong lòng cựu chúa sơn lâm vẫn còn đang sôi sục dòng máu nóng, muốn trở lại cuộc sống hào hùng năm xưa của mình:

"Có biết chăng trong những ngày ngao ngán

 Ta đương theo giấc mộng ngàn to lớn

 Để hồn  ta phảng  phất được gần ngươi

- Hỡi cảnh rừng ghê gớm của ta ơi !

Có lẽ Thế Lữ vẫn còn nuôi giấc mộng trở lại làm bá chủ rừng thơ. Bằng chứng là, sau mấy năm rút lui khỏi thi trường, ông cho in lại "Mấy vần thơ - tập mới (1941) (bản "Nhớ rừng" trong TNVN và các SGK là lấy từ lần in này). Vẫn là giấc mộng cũ, tên gọi cũ nhưng thêm chữ "mới" để chứng tỏ mình đã nâng cao, đổi mới. Nhưng đã muộn, phong trào Thơ Mới đã chấm dứt thời vàng son của nó, cũng giống như  Thế Lữ vậy. Cũng năm đó, Hoài Thanh tổng kết thời vang dội của Thơ Mới và nhận định: "Dẫu sau này, danh vọng Thế Lữ có mờ đi ít nhiều, nhưng người ta không thể không nhìn nhận cái công Thế Lữ đã dựng lên nền thơ mới ở xứ này".

Bài thơ "Nhớ rừng" của Thế Lữ có sức hấp dẫn mạnh mẽ với tất cả mọi người. Bởi lẽ nó đã nói hộ cho mọi người cái khát vọng tự do tung hoành để leo lên những bước thang quyền lực. Rồi đến khi cái thời hoàng kim đó qua thì người ta lại đắm mình trong hoài niệm với lời nuối tiếc "Than ôi ! Thời oanh liệt nay còn đâu ?". Thế  Lữ đã biết đi sâu vào miêu tả cõi lòng thầm kín của cá nhân mình và nhờ đó bắt gặp tiếng lòng của nhân loại. Bởi vậy, "khúc trường ca dữ dội" trong "Nhớ rừng" sẽ còn đủ sức vang vọng đến ngàn năm.

 

PHẠM NGỌC HIỀN

 

* Tài liệu tham khảo chính:

1. Thi nhân Việt Nam -  Hoài Thanh - NXB Văn học. 1999

2. Việt Nam văn học sử giản ước tân biên, tập 3 - Phạm Thế Ngũ - Quốc học

    tùng thư. 1965.

3. Thế Lữ - Cuộc đời trong tiếng nói nghệ thuật - Nhiều tác giả - NXB Hội Nhà

    văn. 1991.

4. Thế Lữ - Cây đàn muôn điệu - Nhiều tác giả - NXB Văn hóa thông tin. 2000.

 

 

Phạm Đức Nhì - (vào lúc: 09:07 - 07-07-2015)

Không sợ thừa, chỉ sợ quá muộn (Trao đổi với nhà văn Lê Xuân Quang về bài thơ Nhớ Rừng)

Được người bạn cho biết là có “lời bình” liên quan đến bài viết Hai Cái Bẫy Nguy Hiểm Của Nhớ Rừng, tôi, theo lời chỉ dẫn vào trang web của nhà văn Lê Xuân Quang (lexuanquang.org). Ở đây tôi thấy nguyên văn bài viết của mình với một đoạn lời bình của nhà văn LXQ như sau:

 LXQ: Cách suy nghĩ phân tích Thơ của ông Phạm Đức Nhì trong cảm thụ Thi ca có những’’phát kiến…mới’’ thiên về thực dụng chỉ nên dành cho nhà khoa học, sinh học, văn sĩ , nhà báo… Theo đó, con Hổ vốn dĩ là kẻ ác, cứ để nó chết trong cũi, cho nó ra là sẽ tiếp tục ăn thịt  kẻ khác và thành’’ kẻ độc tài… (toàn trị)’’, gây tai họa cho người …

  Ca dao, Thơ vốn dĩ kiệm lời lại đòi hỏi người thưởng thức phải cảm thụ bằng sự rung động của nhịp tim để kích thích trí tưởng tượng phong phú trong mỗi bộ não. ’’Dù trong dù đục’’ chỉ là ẩn dụ không phải trong đục cụ thể ở nước để…tắm. Con hổ bị giam nhốt chi là vật hình tượng nói về TỰ DO, KHÔNG PHẢI CON HỔ CHÚA SƠN LÂM NGOÀI ĐỜI… Thiết nghĩ’’cảnh báo’’ của nhà phê bình Phạm Đức Nhì trở nên thừa, thậm chí lạc ra ngoài biên của tư tưởng của Thi sĩ trứ danh Thế Lữ khi ông gửi gắm nỗi niềm trong bài thơ NHỚ RỪNG !

 

Đọc xong đoạn lời bình dẫn nhập của nhà văn LXQ tôi có mấy nhận xét sau đây:

 1/ Ông đăng kèm cả bài viết của tôi với lời bình. Đó là cách đối xử rất công bằng với người được (bị) phê bình. Một số nơi khác có khi người ta chỉ trích dẫn một vài đoạn để phân tích rồi bình phẩm.

2/ Ông đặt đoạn lời bình ở phía trước nên người đọc đã bị ông “đầu độc” trước khi đọc bài viết của tôi. Đó là thủ thuật hơi “ác” nhưng theo tôi, vẫn chấp nhận được, vì xét về lý, không phạm luật tranh biện.

3/ Những điểm cần phê bình ông chỉ ra rất cụ thể, rõ ràng, và nhận định của ông thẳng thắn, dứt khoát.

4/ Lời lẽ, giọng điệu của lời bình rất lịch sự, hòa nhã.

Lời bình của ông có thể tóm tắt thành 3 điểm chính:

1/ “Dù trong dù đục” chỉ là ẩn dụ, không phải trong đục cụ thể ở nước để … tắm.

2/Con hổ giam nhốt chỉ là vật hình tượng nói về Tự Do, Không Phải Con Hổ Chúa Sơn Lâm Ngoài Đời.

3/ Thiết nghĩ “cảnh báo” của nhà phê bình Phạm Đức Nhì trở nên thừa, thậm chí lạc ra ngoài biên của tư tưởng của thi sĩ trứ danh Thế Lữ khi ông gởi gắm nỗi niềm trong bài thơ Nhớ Rừng.

Và bây giờ tôi xin trao đổi với ông Lê Xuân Quang từng điểm một:

1/ “Dù trong dù đục” chỉ là ẩn dụ, không phải trong đục cụ thể ở nước để … tắm.

Nói nôm na cho dễ hiểu thì ẩn dụ - ở đây là ẩn dụ toàn bài - là “nói cái này mà ngụ ý cái kia”.

     Thí dụ 1:

                    Bầu ơi thương lấy bí cùng

                    Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn

Cái được nói đến (cái này): bầu và bí chung một giàn, nương nhau mà sống.

Cái được ngụ ý (cái kia): người trong một cộng đồng, một nước phải nương nhau, yêu thương nhau để cùng chung sống trong hòa bình,

Phép ẩn dụ ở đây kín kẽ vì:

  • Hiểu theo nghĩa đen (cái này: bầu bí chung một giàn, nương nhau mà sống) cũng đúng, cũng hợp lý.

  • Hiểu theo nghĩa bóng (cái kia: người trong một cộng đồng, một nước phải nương nhau, yêu thương nhau để cùng chung sống trong hòa bình, đùm bọc) cũng hợp tình, hợp lý.

  • Cái này hoàn toàn ăn khớp, tương xứng với cái kia

     Thí dụ 2:

                    Thân em như quả mít trên cây

                    Da nó xù xì múi nó dầy

                    Quân tử có thương thì đóng cọc

                    Xin đừng mân mó nhựa ra tay.

                    (Quả Mít, Hồ Xuân Hương)

Nữ sĩ Hồ Xuân Hương kiêm diễn viên xiếc trổ tài đi dây; một sợi dây bên Quả Mít và sợi dây bên kia là cái chuyện “ấy” của trai gái mà bà muốn bóng gió nói đến. Ngoài câu mở đầu có tính chất giới thiệu, 3 câu còn lại đều diễn tả những bộ phận và hành động rất tương xứng của hai bên. Quả mít thì da xù xì, múi dầy; bộ phận quý giá nhất của phụ nữ cũng thế. Với quả mít “quân tử có thương thì đóng cọc”; chuyện “ấy” của trai gái cũng y chang. Quả mít khuyên “xin đừng mân mó nhựa ra tay” thì khi trai gái yêu nhau “nếu mân mó ắt hẳn nhựa cũng sẽ ra tay”, nghĩa là rất tương hợp. Bà Hồ Xuân Hương đã thành công mỹ mãn trong màn xiếc đi dây của mình. Phép ẩn dụ của bài thơ rất tuyệt.

Trong hai thí dụ trên, tác giả đã chọn được cái này cân xứng, tương hợp với cái kia. Hiểu theo nghĩa đen cũng hợp nghĩa, hợp lý, hợp tình. Mà suy tưởng qua nghĩa bóng cũng rất hợp tình, hợp lý. Không có chỗ hở để vặn vẹo, bắt bẻ. Đây là những phép ẩn dụ hoàn hảo.

Bây giờ trở lại câu ca dao:

                    Ta về ta tắm ao ta

                    Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn

Nghĩa đen: dù trong dù đục về tắm ao nhà vẫn hơn.

Nghĩa bóng: dù tốt, dù xấu cũng nên dùng hàng nội hóa (không dùng hàng ngoại) để giúp kinh tế nước nhà phát triển.

Nghĩa đen và nghĩa bóng (cái này và cái kia) rất tương xứng nhưng trong đời sống thực tế thì lại không hợp tình. Ao nhà bẩn quá thì cũng phải muối mặt đi tắm nhờ chứ cứ lao bừa xuống tắm, có ngày mắc bệnh … ghẻ. Hàng nội mà xấu quá, tệ quá thì cũng đành - bỏ chuyện kinh tế nước nhà qua một bên - đi mua hàng ngoại chứ ai dại gì bỏ tiền ra mua thứ vừa xấu mã vừa kém phẩm chất, chưa dùng đã hỏng.

Phép ẩn dụ này không kín kẽ, dễ bị bắt bẻ, vặn vẹo.

Như vậy “dù trong dù đục” là ẩn dụ (thật ra phải nói là nghĩa bóng mới đúng) nhưng cũng là trong đục cụ thể ở nước để … tắm (nghĩa đen)

     2/ Con hổ giam nhốt chỉ là vật hình tượng nói về Tự Do, Không Phải Con Hổ Chúa Sơn Lâm Ngoài Đời.

Nhà thơ Thế Lữ mượn lời con hổ (bị giam nhốt) trong vườn bách thú để “gửi gắm nỗi niềm” nên chúng ta có phép ẩn dụ:

     Cái được nói đến: lời con hổ trong vườn bách thú.

     Cái được ngụ ý: nỗi niềm của tác giả.

Như vậy con hổ ở đây là con hổ thật nhưng không phải con hổ Chúa Sơn Lâm ngoài đời mà là con hổ trong vườn bách thú và tác giả đã mượn nó làm hình tượng nói về Tự Do.

     3/ Thiết nghĩ “cảnh báo” của nhà phê bình Phạm Đức Nhì trở nên thừa, thậm chí lạc ra ngoài biên của tư tưởng của thi sĩ trứ danh Thế Lữ khi ông gởi gắm nỗi niềm trong bài thơ Nhớ Rừng.

Bài thơ Nhớ Rừng có ngôn ngữ cao sang. Cả 47 câu thơ, câu nào cũng đúng, cũng hợp với khẩu khí của con hổ. Từ tâm trạng bực bội vì bị xếp ngang hàng với những loài hèn kém trong khung cảnh gò bó, tù túng của cũi sắt vườn bách thú đến nỗi nhớ thương tiếc nuối những ngày còn là Chúa Sơn Lâm trong rừng sâu núi thẳm. Từ niềm uất hận phải sống giữa cảnh trí tầm thường giả dối do con người sắp đặt đến thái độ bó tay cam chịu nhưng vẫn khao khát tự do trong “giấc mộng ngàn to lớn”. Nhất nhất cứ như con hổ thật, biết nói tiếng người, đang tâm sự với độc giả. Cảm xúc dạt dào, hơi thơ rất mạnh khiến dòng thơ cứ băng băng tuôn chảy.

Nếu là bài bình thơ thì tôi sẽ phân tích kỹ hơn, nhưng ở đây tôi chỉ xin nói đến hai điểm “xấu”, hai thái độ tiêu cực của con hổ.

     1/ Con hổ hoàn toàn buông tay, tuyệt vọng.

       Đây là lời con hổ:

Hỡi oai linh, cảnh nước non hùng vĩ!

Là nơi giống hùm thiêng ta ngự trị,
Nơi thênh thang ta vùng vẫy ngày xưa
Nơi ta không còn được thấy bao giờ!
Là nơi giống hùm thiêng ta ngự trị,
Nơi thênh thang ta vùng vẫy ngày xưa
Nơi ta không còn được thấy bao giờ!
Là khiến cho mọi vật đều im hơi.
Ta biết ta chúa tể muôn của loài

Nỗi niềm khao khát tự do của con hổ rất kỳ lạ. Thích tự do nhưng không tìm, không có kế hoạch để xin, để đòi tự do, để vượt ngục. Cứ lặng lẽ ngồi mơ, mong một phép mầu nào đó xảy ra. Nếu Thế Lữ viết: “Nơi ta chắc không còn thấy bao giờ” thì còn có chút hy vọng, dù rất mong manh. Đàng này lại là “Nơi ta không còn được thấy bao giờ” – nghĩa là khẳng định 100% ; con hổ đã hoàn toàn tuyệt vọng, xuôi tay cam chịu. Đây rõ ràng là lời thơ Thế Lữ, nỗi niềm của Thế Lữ cho nên ông LXQ gán cho tôi cái tội “lạc ra ngoài biên tư tưởng…” là ông đã đổ oan cho tôi rồi đấy.

     2/ Con hổ lúc nào cũng mơ “giấc mộng ngàn to lớn”

Cái tính ham hố địa vị, quyền hành, lúc nào cũng mơ tưởng đến cái thời còn là Chúa Sơn Lâm, cai quản cả một vương quốc núi rừng rộng lớn đã nằm trong máu thịt, xương cốt của con hổ. Chính Thế Lữ cũng đã cho con hổ nói lên tâm sự của nó:

               Trong hang núi mắt thần khi đã quắc

               là khiến cho mọi vật đều im hơi

               ta biết ta chúa tể của muôn loài

Đó là cái tính lúc nào cũng muốn ra oai, sẵn sàng lấn lướt, hiếp đáp người khác. Và đó cũng rõ ràng là những câu thơ trong Nhớ Rừng, là nỗi niềm của Thế Lữ. (Ông LXQ thấy đấy! Tôi vẫn dựa vào văn bản để nói, phân tích chứ không hề đi “lạc ra ngoài biên tư tưởng …”)

Tóm lại, Nhớ Rừng là bài thơ hay; hay về ngôn ngữ, kỹ thuật, về cảm xúc. Riêng về ý tưởng thì lại là chuyện khác. Nếu bảo Thế Lữ đã gởi gắm nỗi niềm vào con hổ trong vườn bách thú thì ông đã “trao duyên lầm kẻ xấu”. Con hổ này chí khí thì không có gì ghê gớm. Chỉ được cái giọng điệu, thái độ cao ngạo vì đã có một thời làm vương, làm tướng – không phải do tài năng mà là nhờ “con ông cháu cha”, nhờ huyết thống, nòi giống của mình. Bị giam hãm thì lúc nào cũng tiếc nuối quá khứ, mơ “giấc mộng ngàn to lớn”, được trở lại làm Chúa Sơn Lâm hét ra lửa, mửa ra khói nơi núi rừng nhưng lại hèn nhát buông tay cam chịu, không hề có ý định chứ đừng nói gì đến quyết tâm đào thoát tìm tự do.

Mấy tuần qua nước Mỹ rúng động vì cuộc vượt ngục của hai tù nhân giết người trong một trại giam an ninh cực cao ở New York. Sau hơn 3 tuần lễ truy đuổi, một bị bắn chết và một bị bắt lại. Chi phí cho việc truy đuổi được ước tính lên đến trên 1 triệu đô la mỗi ngày (1). Tôi hoàn toàn lên án tội ác của hai tù nhân này và muốn họ phải tiếp tục chịu hình phạt như công lý đã xét xử. Nhưng nếu nói về niềm khao khát tự do thì họ đã hơn hẳn con hổ, cái hình tượng tự do (chữ của ông LXQ) của Thế Lữ; họ đã tìm tay trong giúp đỡ, thu góp dụng cụ cần thiết, chuẩn bị kế hoạch và cuối cùng đã dám đem sinh mạng của mình để đổi lấy tự do.

Giai đoạn còn đi làm chế biến hải sản (seafood), những lúc không có hàng nằm nghỉ dài dài ở nhà tôi thường làm thơ, đọc sách và xem phim. Cuốn phim tôi thích nhất, xem đi, xem lại nhiều lần nhất là Bố Già (The Godfather). Khi phát hành (năm 1972) Bố già đã trở thành bộ phim ăn khách nhất tính cho đến thời điểm đó với doanh thu hơn 5 triệu USD trong tuần đầu và hơn 81 triệu USD cho lần phát hành đầu tiên, 134 triệu USD cho lần phát hành tiếp theo. Bố G đã giành được 3 giải Oscar, 5 giải Quả Cầu Vàng, 1 giải Grammy và nhiều giải khác. Sau này bộ phim được coi là một trong những tác phẩm hay nhất của lịch sử điện ảnh. (2)

Khoảng 7, 8 năm trước và rồi đầu năm nay (2015), khi phim Bố Già được chiếu đi chiếu lại liên tục, có khi suốt ngày (marathon) ở giữa có cả phần phát biểu của các diễn viên chính và những người liên quan đến việc sản xuất bộ phim, tôi ghi nhận được một chi tiết lý thú. Đó là sau khi Bố Già được trình chiếu một thời gian, báo chí đã tiết lộ những số liệu của chính phủ cho biết “tệ nạn băng đảng đã gia tăng ở mức độ đáng lo ngại.” Số lượng băng đảng nhiều hơn trước. Các băng đảng lớn mạnh hơn, tổ chức chặt chẽ hơn. Thành viên của mỗi băng đảng đông hơn, trong đó con số thành viên mới đã tăng trưởng mạnh mẽ hơn rất nhiều.  

Ai cũng biết băng đảng là xấu xa, tội lỗi. Bước vào là tay dính chàm, phạm đủ loại tôi ác. Từ tống tiền, kinh doanh khách sạn, sòng bài, cá độ, đĩ điếm … đến giết người, có khi hàng loạt, kể cả anh em ruột thịt (Gia đình Ông Trùm Corleon không dính đến ma tuý). Rồi còn tù tội chết chóc lúc nào cũng rình rập, đợi chờ, mặc cảm tội lỗi lúc nào cũng ám ảnh lương tâm. Như vậy tại sao đám thanh niên trẻ - sau khi xem Bố Già - lại hăng hái gia nhập các băng đảng Mafia? Sức hấp dẫn của Bố Già ở chỗ nào? Một số nhà báo đã đưa ra mười mấy lý do. Tôi chỉ xin ghi ở đây vài lý do chính:  

  • Giúp đỡ người cô thế, yếu đuối.

  • Đãi ngộ tốt những người làm việc cho mình.

  • Đã hứa là giữ lời.

  • Coi gia đình là quan trọng nhất.

  • Thiết lập tình bằng hữu bằng sự tôn trọng, công việc và lòng tin.

  • Không hành động theo cảm tính.

  • Vũ lực là lựa chọn sau cùng.

  • ………………………

Trong phim đạo diễn đã khéo léo phô diễn những tính tốt, tính anh hùng mã thượng của Ông Trùm. Mặt trái của Mafia xuất hiện ít hơn.

Là một nước mà Tự Do Ngôn Luận được tôn trọng và bảo vệ tối đa, chính phủ Mỹ đã không có quyền thu hồi hoặc cấm chiếu phim Bố Già (dù rất muốn) với lý do là nó đã tác hại đến vấn đề tội phạm của quốc gia. Nhà chức trách đã phải tìm một giải pháp khác. Đó là gợi ý (hoặc ngầm yểm trợ) để giới phim ảnh làm những bộ phim khác lột trần bộ mặt thật của Mafia để giải độc. Những bộ phim GoodFellas (3). The Making of the Mob (Sự Hình Thành Của Mob) (4) … được sản xuất đã có  hiệu quả này.

Nhớ Rừng của Thế Lữ cũng gần giống như vậy. Cái tốt, cái xấu lẫn lộn. Cái tốt được tài thơ của tác giả hết sức phô trương. Cái xấu khá mờ nhạt, phải để ý kỹ mới thấy. Nhưng được dòng cảm xúc thơ chuyển tải, nó có khả năng thấm dần vào tim óc người đọc. Tôi không biết là có thực sự có không, cái quan hệ nhân quả giữa “nọc độc của Nhớ Rừng” với cách ứng xử của con người Việt Nam, bởi chưa có ai quan tâm nghiên cứu về vấn đề này. Nhưng qua việc theo dõi tin tức về quê hương Việt Nam hàng ngày, có khi hàng giờ, qua mấy lần về Việt Nam, mỗi lần hàng mấy tháng, đi từ nam ra bắc, tiếp xúc với đủ hạng người - từ nghèo khổ, thất học đến những người giầu có, bằng cấp cao, có chức tước trong chính quyền - tôi đã cảm thấy một điều đáng sợ. Nhiều người Việt Nam không phải chỉ mới nhiễm HIV mà chứng bệnh SIDA Nhớ Rừng - cả loại 1 lẫn loại 2 - đã phát tác, đã tàn phá, không phải thể xác mà là tâm hồn họ và có thể đã lây lan đến cả thế hệ trẻ sau này.

Để kết luận tôi muốn nói với ông Lê Xuân Quang một câu chân tình. Tôi không sợ lời cảnh báo của tôi thừa. Tôi chỉ sợ nó quá muộn.

Galveston, Texas 07/2015

Phạm Đức Nhì

nhidpham@gmail.com

 

Chú thích và (hoặc) tham khảo:

1/  http://www.vox.com/2015/6/9/8751483/prison-escape-manhunt

2/  Wikipedia Tiếng Việt https://vi.wikipedia.org/wiki/B%E1%BB%91_gi%C3%A0_(phim)

3/  https://en.wikipedia.org/wiki/Goodfellas

4/  https://en.wikipedia.org/wiki/The_Making_of_the_Mob:_New_York

 

Phụ Chú:

HAI CÁI BẪY NGUY HIỂM CỦA “NHỚ RỪNG”

(Nhân đọc mấy bài bình Nhớ Rừng trên vài trang web tiếng Việt)

Muốn khuyên người dân xài hàng nội hoá một cô khá đẹp, giữ chức vụ cao trong chính phủ, khi trả lời phỏng vấn đã viện dẫn hai câu ca dao:

      “Ta về ta tắm ao ta

        Dù trong, dù đục ao nhà vẫn hơn”

Cô này liền bị một đấng mày râu chơi xỏ: “Xin nghiêng mình kính phục cái tinh thần tự lực cánh sinh, độc lập tự chủ của cô. Chỉ tiếc rằng một người đẹp như cô lại chấp nhận… ở dơ.” (Dù trong dù đục ao nhà vẫn … tắm) Phép ẩn dụ của câu ca dao trên không kín kẽ, không che chắn được hết mọi bề nên nàng yểu điệu thục nữ kia đành phải ngậm bồ hòn làm ngọt.

 

Bài thơ Ngọn Cỏ cũng thế. Chọn cái tư thế đứng đái của phụ nữ để ngụ ý rằng phụ nữ có thể sánh vai cùng nam giới, bình đẳng với nam giới, là một phép ẩn dụ rất hay, rất ý nhị nhưng không kín kẽ, giống như thuốc chữa được bệnh nhưng lại có phản ứng phụ.

 

Phép ẩn dụ biến thể của Nhớ Rừng cũng có 2 phản ứng phụ. Đó là 2 cái bẫy đối với những ai yêu thích nó. Những ai mê cái chí lớn, cái khẩu khí Chúa Sơn Lâm của con hổ rất dễ sập 2 cái bẫy này.

1/ Con hổ trong vườn bách thú tuy vẫn khao khát tự do, vẫn mơ “giấc mộng ngàn to lớn” nhưng đã mất hết ý chí chiến đấu, đã đành bó tay cam chịu, chấp nhận thực tại phũ phàng.

Hỡi oai linh, cảnh nước non hùng vĩ!

Đó là thái độ tuyệt vọng, cam chịu, rất thực tế, biết mình biết người, rất đúng với hoàn cảnh của con hổ trong vườn bách thú.

2/ Con hổ khao khát tự do. Nhưng nếu được tự do nó sẽ trở thành một bạo chúa, áp dụng chế độ độc tài với “thần dân” của nó.

Trong hang tối, mắt thần khi đã quắc

Cái tính muốn làm bạo chúa đã là máu thịt, đã là bản chất của loài hổ. Đó là một thực tế không thể chối cãi.

Cái khe hở của câu ca dao và Ngọn Cỏ nằm ở vế thứ nhất (tứ). Khe hở của Nhớ Rừng nằm ở vế thứ hai (ý), thông điệp kín mà tác giả muốn gởi đến, muốn nó thấm vào tâm hồn độc giả. Trong hoàn cảnh khắc nghiệt của cuộc sống - đặc biệt là của người dân Việt Nam, luôn luôn phải chịu cách đối xử áp bức, trịch thượng, bất công của ngoại bang – thái độ tuyệt vọng, cam chịu, không còn muốn chiến đấu rất dễ thuyết phục người dân, rất dễ thấm vào đầu họ bởi không đòi hỏi phải nỗ lực, nhấc tay nhấc chân, không phải đối diện với nguy hiểm, mất mát, tù tội, chết choc, hy sinh, cứ lặng lẽ sống cam chịu ngày này qua ngày khác.

Đối với tinh thần vương tướng, độc tài thì khỏi nói. Ý niệm dân chủ tự do chỉ mới xuất hiện trên bình diện chữ nghĩa. Người dân Việt chưa được sống trong một xã hội, một chính quyền thực sự dân chủ tự do. Khi thời cơ đến, người ta khó tránh khỏi sức cám dỗ của chức vị Chúa Sơn Lâm, thâu tóm quyền hành tuyệt đối về phe nhóm mình. 

Là con người, liệu “Ta có chấp nhận thái độ cam chịu, buông xuôi, tuyệt vọng như con hổ không?” Khi được thoát cũi xổ lồng ta có giống con hổ trở thành ông vua độc tài chà đạp tự do của người khác không? Nếu câu trả lời là Không thì hãy đọc Nhớ Rừng như một bài thơ hay, diễn tả hùng khí và tâm trạng tuyệt vọng của con hổ trong vườn bách thú. Đừng “ghé” vào, hoặc xúi bảo con cháu “ghé” vào bài thơ để “dây máu ăn phần”, để được “ké” tý hùng khí của nó. Cái giá phải trả để có tý hùng khí đó - đặc biệt với lớp trẻ - là rất đắt. Không thể nói ta chỉ “thưởng thức” cái chí lớn của con hổ, còn những tính xấu của nó thì ta lờ đi. Những tính xấu đó đã là máu thịt của con hổ (đặc biệt là con hổ trong vườn bách thú), đã thấm đẫm vào bài thơ, làm sao có thể tách rời ra được.

Nhớ Rừng giống như cô gái nhảy xinh đẹp, thân hình sexy, hấp dẫn nhưng mắc chứng bịnh SIDA nguy hiểm. Chứng bệnh này không có những biểu hiện rõ rệt ở bên ngoài nên rất khó nhận biết bằng mắt thường. Ai ham hố “dính vào” để được hưởng lạc thú ái ân với cô thì sẽ nhiễm HIV. Vi khuẩn HIV sẽ tiềm ẩn trong máu, đến một lúc nào đó sẽ bộc phát và hậu quả sẽ khó lường.

Không biết từ lúc xuất hiện và được ngợi ca đến nay Nhớ Rừng đã khiến bao nhiêu người sập bẫy. “Cẩn tắc vô áy náy”. Hãy coi đoạn văn ngắn này như một lời cảnh báo … muộn màng.

Phạm Đức Nhì


Phamngochien.com - 21:00 - 14/01/2010 - Bài của Phạm Ngọc Hiền          

Gửi bình luận