Tháng chạp và hoài niệm (Giang Sơn - Hà Nội)

Đã qua ngày Noel nhưng Hà Nội năm nay hầu như chẳng có mùa đông, nhiệt độ giữa ngày và đêm chênh nhau nhiều khi đến hàng chục độ. Nắng hoang hoải đổ dài trên những hàng cây, nhuộm vàng các ô cửa trên những ngôi nhà mái ngói thâm nâu cùng những cơn gió nồm cuối năm làm cho người ta cảm thấy mệt mỏi, khó chịu. Thế nhưng, cái thời tiết trái chiều, lập dị ấy vẫn cứ làm ta xốn xang, da diết nhớ về những ngày tháng Chạp của một thời đã qua, du hồn trở về với một thuở xa xưa ngọt ngào êm ấm, gợi lên sự khát thèm về một cái lạnh giá của mùa đông đất Bắc, thức dậy bao hoài niệm của một thời thơ ấu.

Ngày ấy, Tháng Chạp trời hay lất phất mưa bay, gió rét tê tái; cái lạnh ngọt ngào kéo dài âm ỉ thấm dần qua từng lớp áo ngấm sâu vào từng làn da thớ thịt khiến người người cứ xuýt xuýt xoa xoa. Tháng chạp hồi đó còn có nhưng cơn gió mùa đông bắc đi kèm. Mỗi khi gió tràn về là vườn cây sau nhà lại rung cành tung lá xào xạc trong những đêm khuya khiến cho ta thao thức không ngủ. Ngọn gió gầm rít liên hồi, cuốn bay mọi rác lá về phía cuối đường. Và cứ mỗi lần gió mùa đông bắc tràn về như thế mẹ ta lại không quên nhắc nhỏm mặc ấm vào nghe con.

Nhắc đến tháng Chạp là người ta lại nghĩ tết đã đến rồi. Tết là ngày đoàn viên sum họp. Cho nên tháng Chạp còn là tháng để chuẩn bị cho sự đoàn tụ gia đình, đón chờ một mùa xuân yêu thương. Và để chuẩn bị cho cái ngày ấy, mọi người ai cũng tất bật, hối hả với bộn bề công việc. Bây giờ không khí chuẩn bị tết cứ nhàn nhạt. Hình như mọi người chỉ tập trung sắm tết vào một vài ngày áp tết. Nhưng cái thời ngày xưa ấy, ngay từ giữa tháng những xe chở lá dong, ống giang làm bánh chưng từ vùng ngược đã về kín chợ. Dân làng ai cũng lo xa, thường mua trước để tìm được lá đẹp. Lá dong mua về được rửa sạch, lau khô và bó tròn vào cột nhà cho tới ngày làm bánh mới cởi ra cho ráo nước, phẳng lá. Ngày ấy, tháng Chạp đến lạ, thời gian vẫn thế nhưng sao cảm giác trôi đi rất nhanh. Loáng cái, chỉ vài phiên chợ là hết tháng. Chợ phiên ngày tết thật thích, đông vui nhộn nhịp. Hình như thời ấy ai cũng thích đi chợ tết. Nổi tiếng nhất thời ấy là phiên chợ Trôi. Người vùng tôi thường nói với nhau rằng "Bỏ con bỏ cháu không ai bỏ hăm sáu chợ Trôi". Hồi đó, mọi người đến chợ đôi khi chỉ là đi xem chợ, ăn vài cái bánh rán hoặc mua vài tờ tranh, đôi câu đối treo tết. Thú vị nhất ở chợ tết ngày ấy phải kể những hàng cá cảnh, mai thế, đào hoa, quất cảnh, cúc vạn thọ... Mọi người đến đây xem và mua rất vui. Hình như ai đến đây cũng phải  cố chọn mua một vài thứ để trang hoàng nhà cửa đón xuân về.

Tháng Chạp còn là tháng giỗ chạp của họ. Quê tôi có lệ đến ngày Chạp họ, con trai dù làm ăn ở đâu cũng phải thu xếp về quê để đi thăm mồ mả tổ tiên, ông bà (dọn cỏ trên mồ, thắp hương mời tổ tiên ông bà về ăn tết cùng gia đình). Nhớ lại những ngày Chạp họ thuở xưa được đi theo ông đến giờ vẫn chẳng thể nào quên. Ông dẫn cả đoàn người đi hết cánh đồng trên xuống cánh đồng dưới chỉ dẫn cho mọi người từng ngôi mộ. Đi một vòng xong về nhà mọi người bắt đầu hạ lễ và liên hoan. Cỗ Chạp đơn giản nhưng rất vui. Cỗ chẳng có gì ngoài xôi trắng, thịt gà, thịt lợn luộc cùng cơm canh thường ngày nhưng sao ai cũng thích. Mọi người vừa ăn vừa ôn lại chuyện ngày xưa của mình một cách thích thú, râm ran như thể bất tận. Cứ thế lịch sử gia đình và lịch sử dòng họ được khắc ghi trong tâm thức các thế hệ bằng cách truyền miệng cho nhau từ thế hệ trước sang thế hệ sau một cách vừa ý thức vừa vô thức như thế nhưng ăn sâu vào tâm thức từng thành viên. Trẻ con thích nhất ăn cỗ xong còn được một bọc phần nho nhỏ mang về. Bởi thế giỗ Chạp chẳng bao giờ vắng trẻ con.

Tháng Chạp cũng là tháng "củ mật". Tôi cũng chẳng biết tên gọi này có từ bao giờ chỉ biết rằng lúc bé đã được ông bảo là như vậy. Ông tôi rất giỏi chữ Hán ông giảng giải cho tôi rằng "củ mật" có nghĩa là kiểm tra, kiểm soát mọi thứ cẩn thận, không được để lộ bí mật về của cải, tài sản của gia đình ra ngoài nhằm phòng trộm cắp. Ông bảo ngày tết mọi người trong khi tất bật, hối hả với công việc làm ăn cuối năm thì hay sơ ý trong việc phòng gian bảo mật nên kẻ gian thường hay lợi dụng sự sơ ý này để ra tay trộm cắp. Tôi nhớ có năm ông cậu đi bộ đội được nghỉ phép về ăn tết cùng gia đình. Ngày ấy tiền lương đâu có như bây giờ, cậu mang về được mảnh vỏ chăn con công. Để có tiền tiêu cậu phải đem ra chợ bán. Chẳng hiểu đem ra chợ bán mua thế nào mà lại bị kẻ gian lấy trộm mất. Đến trưa cậu đi về mặt buồn buồn cả nhà đều buồn cười. Mọi người bảo sĩ quan đi trận chỉ biết cầm súng không biết cầm tiền nên về đi chợ bị kẻ gian lấy trộm mất cũng phải thôi. Cậu chỉ biết cười trừ một cách hiền lành như cái bản tính chân thật vốn có.

Với tôi, tháng Chạp còn có những kỉ niệm khó quên về bà. Chẳng hiểu sao trong số các cháu bà luôn yêu chiều tôi nhất. Mọi việc của tôi được mẹ phân công đều được bà để ý và làm hộ, nhất là thổi cơm. Ngày ấy thổi cơm chủ yếu bằng rơm rạ, lá, cành nên khói bụi hum nhèm cả mắt. Mỗi khi cơm sôi phải mở vung để lấy đũa cả xóc gạo cho đều và không bị trào nước. Nếu đun không khéo thì tro bụi bay đầy nồi. Khi cơm cạn đậy vung không cẩn thận và để bếp khói nhiều thì nồi cơm dễ bị ai khói, nếu quá lửa thì bị cơm khê ... Cơm ấy rất khó ăn. Nghĩ lại thổi cơm bếp rơm ở cái độ tuổi lên sáu lên bảy giờ hãy còn sợ! Không những thế, mọi tội lỗi của tôi ngày ấy đều được bà bao che. Mỗi khi có quà bánh bà cũng đều dành cho phần hơn. Tháng Chạp năm nào cũng vậy bà đều giành dụm tiền mua cho các cháu không cái quần thì chiếc áo mới. Quần áo ngày xưa cũng đơn giản lắm, có khi chỉ là miếng vải mộc của dì dệt bằng khung cửi rồi đem nhuộm màu hoặc tấm quần bằng vải xanh chéo, chiếc áo phanilon ... Đơn giản thế thôi nhưng bà cũng phải bán bớt vài con gà trong đàn mới có tiền mua cho các cháu đấy. Các cháu ngày ấy cứ thấy có quần áo mới là sung sướng, thích thú nào có ai hiểu được sự yêu thương chăm chút của bà khi ấy.

Tháng Chạp trong kí ức còn là tháng gắn với nồi bánh chưng. Những ngày áp tết, cả nhà làm bánh và quây quần bên bếp lửa đun bánh thật vui. Ngày ấy ông tôi gói bánh rất đẹp, bánh tám góc, gói tay vuông chành chạnh, đều tăm tắp. Gói xong của nhà ông còn đi gói hộ các nhà khác. Mỗi khi gói bánh ở nhà ông đều gói cho mỗi cháu một cái bánh cua (bánh gói nhỏ hơn) để có thể ăn trước. Nhà tôi thường đun bánh vào chập tối. Khi mới nổi lửa cả nhà quây quanh bếp lửa để sưởi ấm, nói chuyện nhưng đến khuya thì đi ngủ hết chỉ còn lại hai ông cháu. Cháu háo hức chờ bánh chưng cua, ông vừa đun vừa cho thêm nước để nồi bánh không bị khê. Đến sáng khi bánh chín thì vớt bánh ra, hai ông cháu hì hục tháo cánh cửa để đè bánh cho rích nước và phẳng mặt bánh. Khí ấy, nhìn những tệp bánh chưng dều đặn, tăm tắp thật thích mắt. Bây giờ tết đến mọi nhà thường mua bánh cho tiện, ít nhà còn giữ được nếp làm bánh chưng. Trẻ em bây giờ như thế âu cũng có phần thiệt thòi hơn ngày xưa thì phải?

Tháng Chạp hồi xưa rét lắm, đêm ba mươi năm nào ông cũng cho tôi ra đình xem tế Thánh. Hồi ấy còn bé nên tôi cũng chẳng hiểu tế lễ là gì chỉ thấy trống, chiêng, sáo, nhị thổi ầm ĩ liên hồi và các cụ đội mũ đi hài xúng xa xúng xính, đứng lên xụp xuống, đi lại vào ra lên lên xuống xuống trong bộ đồ xanh xanh đỏ đỏ ... rất vui nhộn, thế là thích. Tế xong lại được các cụ chia lộc. Lộc chỉ là phẩm oản xôi trắng xinh xinh như cốc nước. Chẳng hiểu sao đến bây giờ ăn oản nhà Thánh vẫn thấy dẻo và ngon đến kì lạ. Tế đình xong hai ông cháu về nhà và cũng là thời khắc giao thừa với pháo nổ rền vang mọi ngõ xóm, thuốc pháo thơm nồng bay khắp chốn không gian. Khi ấy, ông tôi sửa soạn khăn xếp áo the một cách chỉnh tề và làm lễ thiên địa ngoài sân, rồi vào nhà khấn lạy mời tết gia tiên. Giao thừa xong có nghĩa là tháng Chạp đã đi qua, kết thúc một năm cũ chuyển sang tháng Giêng của một mùa xuân mới. Những tháng Chạp ấy đã khép lại và trở thành xưa cũ chỉ trở về trong hoài niệm như một miền cổ tích xa xôi.

Tháng chạp năm nay biết có còn cái lạnh của mùa đông nữa hay không? Nhưng thôi, chỉ cần có cái nắng vàng hanh hao hoà trong tiếng lá cựa mình cũng đủ gợi cho ta tìm về với những hoài niệm của thời xưa cũ cùng bao buồn vui của tuổi thơ êm đềm trong vòng tay yêu thương của gia đình. Ta lớn lên cùng với tháng Chạp. Tháng Chạp, đoản khúc của thời gian nhưng cũng để lại nhiều sâu lắng trong mỗi cuộc đời. Cuộc đời đi qua những thăng trầm dâu bể có lúc ta vô tình quên đi những kỉ niệm trong mát như suối nguồn ấy để rồi bỗng một hôm nào đó ta mới chợt nhận và thốt lên rằng sao mình lại vô tình đến thế! Lúc ấy ta mới thấy tháng Chạp sao yêu thương và nhung nhớ đến vậy! Cũng giống như tuổi thơ, tháng Chạp đi qua và chẳng bao giờ quay trở lại được!


Phamngochien.com - 20:16 - 16/01/2017 - Bài của văn nghệ sĩ          

Gửi bình luận