SGK Ngữ văn của Hàn Quốc và kinh nghiệm đối với Việt Nam

1. Chính sách mở đối với SGK của Hàn Quốc

Cùng với quá trình hiện đại hóa nền giáo dục, Hàn Quốc từng bước nới lỏng quản lí trong lĩnh vực biên soạn và xuất bản SGK. Từ năm 1995, quốc gia này bắt đầu xóa bỏ chính sách độc quyền về SGK. Theo đó, SGK chủ yếu gồm 2 loại:

Loại thứ nhất là SGK quốc gia do Bộ Giáo dục và Phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc (MOEHRD) tổ chức biên soạn. Loại thứ hai là SGK do các nhà xuất bản tư nhân tổ chức biên soạn, được MOEHRD thẩm định theo những tiêu chuẩn nghiêm ngặt của cơ quan này.

Loại sách thứ nhất bao gồm tất cả SGK cho bậc Mầm non và Tiểu học (TH) (từ lớp 1 đến lớp 6), sách Quốc ngữ (Tiếng Hàn), Quốc sử (Lịch sử Hàn Quốc), Đạo đức cho các lớp còn lại trong Chương trình giáo dục cơ bản , được dùng bắt buộc đối với tất cả học sinh (HS). Loại sách thứ hai bao gồm SGK dùng cho các môn học khác ở bậc THCS (từ lớp 7 đến lớp 9) và THPT (từ lớp 10 đến lớp 12), được mỗi trường lựa chọn trong số nhiều bộ sách khác nhau cho mỗi môn học (Kim Chae-Chun 2005).

Nhờ chính sách mở, SGK THCS và THPT của Hàn Quốc khá đa dạng, chẳng hạn ở THCS có 32 bộ sách môn Toán, 9 bộ sách môn Khoa học và 10 bộ sách môn Xã hội; ở THPT có 28 bộ sách môn Toán (trong đó có 16 bộ cho lớp 10 và 12 bộ cho lớp 11 và 12), 8 bộ sách môn Hóa, 9 bộ sách môn Vật lí, 6 bộ sách môn Lịch sử Hàn Quốc hiện đại, 8 bộ sách môn Sinh học, 8 bộ sách môn Địa lí Hàn Quốc, 8 bộ sách môn Xã hội, 11 bộ sách môn Khoa học, v.v..

Theo lộ trình thực hiện chính sách mở hơn nữa đối với SGK, ngày 20 tháng 6 năm 2007, MOEHRD thông báo từ năm 2009, các nhà xuất bản tư nhân sẽ được phép tổ chức biên soạn và phát hành SGK THCS và THPT kể cả các môn Quốc ngữ, Quốc sử và Đạo đức. Tất cả SGK TH sẽ do nhà nước tổ chức biên soạn, ngoại trừ SGK môn Thể dục, Âm nhạc, Nữ công gia chánh và Tiếng Anh dành cho các nhà xuất bản tư nhân, nhà nước chỉ kiểm tra và sửa đổi những chỗ cần thiết. Một ủy ban kiểm tra đặc biệt gồm các chuyên gia của từng môn học sẽ được thành lập để giám sát các xu hướng tư tưởng trong SGK môn Quốc sử, sự nhất quán về mặt ngữ pháp của SGK môn Quốc ngữ và định hướng giáo dục về vấn đề thống nhất hai miền Triều Tiên trong SGK môn Đạo đức (xem The Korea Times, số ra ngày 22 tháng 6 năm 2007). Để tăng thêm tính chất linh hoạt, mềm dẻo của chính sách đối với SGK, MOEHRD cho phép các trường học có thể lựa chọn một số sách không qua thẩm định của nhà nước, trừ SGK các môn như Quốc ngữ, Đạo đức, Xã hội, Toán, Khoa học, Kĩ thuật, Âm nhạc, Thể dục. Thậm chí MOEHRD cũng sẽ khuyến khích các trường tự biên soạn SGK để càng ngày càng có thêm nhiều người tham gia vào việc biên soạn những cuốn sách có chất lượng cao cho HS.

Để phản ánh kịp thời những thay đổi của xã hội, nhà nước rút ngắn chu kì rà soát, chỉnh sửa SGK (về nội dung cũng như cấu trúc) từ 9 năm xuống còn 5 năm. MOEHRD sẽ tiếp nhận các góp ý về SGK qua mạng nhằm bảo đảm SGK phản ánh được nhu cầu đa dạng của một xã hội đang biến đổi nhanh chóng. Trước đây, chỉ có giáo viên và các tổ chức giáo dục mới có thể có ý kiến góp ý về những vấn đề như vậy.

Ngoài SGK, các nhà xuất bản tư nhân cũng có thể biên soạn sách bài tập cho HS và tài liệu hỗ trợ học tập. Nhà nước không có một quy định nghiêm ngặt nào đối với việc xuất bản những tài liệu như vậy.

2. SGK Ngữ văn của Hàn Quốc

Khác với SGK của nhiều môn học khác của Hàn Quốc, cho đến nay, SGK môn Ngữ văn (Tiếng Hàn và Văn học) ở TH, THCS và lớp 10 (lớp cuối cùng trong Chương trình giáo dục cơ bản của Hàn Quốc) chỉ có một bộ duy nhất.

Ở mỗi bậc học, SGK Quốc ngữ được biên soạn theo một cấu trúc riêng phù hợp với yêu cầu giáo dục của từng bậc học.

Ở bậc TH, mỗi lớp có 2 hoặc 3 cuốn SGK cho mỗi học kì, dùng để giảng dạy 4 kĩ năng sử dụng ngôn ngữ khác nhau: đọc, viết, nói, nghe. Từ lớp 1 đến lớp 3, mỗi học kì có 3 cuốn: 1) sách dạy học kĩ năng đọc, 2) sách dạy học kĩ năng viết, 3) sách dạy học kĩ năng nói và nghe. Còn từ lớp 4 đến lớp 6, mỗi học kì chỉ có 2 cuốn: 1) sách dạy học kĩ năng đọc, 2) sách dạy học kĩ năng viết, nói và nghe. Như vậy, từ lớp 1 đến lớp 3, mỗi lớp có 6 cuốn SGK, trong khi đó từ lớp 4 đến lớp 6, mỗi lớp chỉ có 4 cuốn.

Mỗi cuốn SGK ở TH chỉ có 5 bài học. Như vậy, số lượng bài học cho mỗi lớp rất ít, nhưng dung lượng của mỗi bài thì rất lớn. Tất cả các bài học đều có cấu trúc như nhau, gồm các phần sau đây:

1) Giới thiệu. Bao gồm các tranh vẽ, tư liệu và giới thiệu nội dung được học. Thông thường, các tranh vẽ đi kèm với những đoạn hội thoại ngắn như một đoạn truyện tranh. Mục đích của các đoạn hội thoại là giới thiệu nội dung bài học.

2) Các đơn vị của bài học. Mỗi đơn vị đều có một mục tiêu riêng, những nguyên tắc học tập để đạt được mục tiêu đó và việc ứng dụng các nguyên tắc. Trong quá trình học tập, HS có cơ hội trình bày quan điểm của mình để có thêm kinh nghiệm sử dụng ngôn ngữ một cách sáng tạo.

3) Một bước khác (ôn luyện). Có mục đích kiểm tra xem HS đã đạt được mục tiêu của bài học hay chưa. HS có thể tự mình làm bài tập hoặc làm bài tập theo nhóm để biết được những ưu điểm và hạn chế trong bài làm của mình, từ đó tìm ra cách làm bài tập tốt hơn.

4) Một bước khác (nâng cao). Căn cứ vào phần ôn luyện ở trên, phần này cung cấp những nội dung bổ sung để đào sâu hơn bài học. Trong phần này, các bài tập được thiết kế theo kiểu tự chọn. HS có thể lựa chọn bài tập tùy theo hứng thú và năng khiếu của mình.

5) Giải trí. Đây là phần tài liệu HS tự đọc và có thể phát hiện ra rằng: À, thì ra là thế!. Ngoài ra, phần này còn giúp HS nhận thấy được sự quý giá và vẻ đẹp của ngôn ngữ mẹ đẻ, biết cách giữ gìn và phát triển nó.

Cuối mỗi cuốn sách đều có phần ôn tập học kì, tóm tắt các nội dung cơ bản đã học trong cả học kì. Đối với SGK từ lớp 3 đến lớp 6, cuối mỗi cuốn sách còn có phần giải thích nghĩa của các từ đã được học trong sách.

Trong từng lớp học, các cuốn sách dành cho việc rèn luyện các kĩ năng sử dụng ngôn ngữ khác nhau (đọc, viết, nói, nghe) có mục lục hoàn toàn giống nhau, nói cụ thể hơn, có số lượng bài học giống nhau, có tựa đề và cấu trúc của các bài học cũng giống nhau. Dĩ nhiên, tùy thuộc vào mục tiêu cần đạt, kĩ năng sử dụng ngôn ngữ nào cần dạy học, nội dung chi tiết của mỗi cuốn sách một khác.

Dưới đây, chúng tôi phân tích một dẫn chứng cụ thể để làm rõ cách triển khai nội dung một bài học.

Chẳng hạn, đối với lớp 3, như đã nêu ở trên, mỗi học kì có 3 cuốn SGK: 1 cuốn  dạy học kĩ năng đọc, 1 cuốn dạy học kĩ năng viết và 1 cuốn dạy học kĩ năng nói và nghe. Bài đầu tiên trong 3 cuốn SGK ở học kì 2 đều có tựa đề Tìm hiểu và nói cho người khác biết và đều có các phần: Giới thiệu, Phương pháp quan sát, Tôi muốn biết, Một bước nữa, Giải trí. Nội dung bài học tương ứng với một nội dung được thiết kế trong chương trình học kì 2 lớp 3 là sự giống nhau và khác nhau giữa các sự vật.

Bài đầu tiên trong sách dạy học kĩ năng viết bắt đầu bằng phần Giới thiệu với 2 bức tranh ở 2 trang khác nhau. Bức tranh thứ nhất vẽ hai người điều khiển 2 phương tiện giao thông khác nhau, một người lái xe máy và một người lái xe đạp. Phía dưới bức tranh là câu hỏi: Xe máy và xe đạp có những điểm nào giống nhau và khác nhau?. Bức tranh thứ hai vẽ hai đứa trẻ đang sắp xếp và phân loại nhiều đồ vật khác nhau dựa vào những điểm giống nhau và khác nhau về chức năng, hình dáng và chất liệu. Phía trên bức tranh là lời yêu cầu: Hãy nhận xét những điểm giống nhau và khác nhau giữa các đồ vật và viết ngay phía dưới đây.

Tiếp theo là phần Phương pháp quan sát với 4 hoạt động học tập:

Hoạt động 1: Hình hai đứa trẻ với những câu đối thoại, trao đổi với nhau về những điểm giống nhau và khác nhau giữa xe máy và xe đạp.

Hoạt động 2: Bắt đầu bằng lời yêu cầu: Hãy làm như hai bạn HS trên đây để tìm ra những điểm giống nhau và khác nhau giữa xe máy và  xe đạp, sau đó điền thông tin vào bảng dưới đây:

 

 

            Xe máy

 Xe đạp

 

    Giống nhau

     Chức năng

                  phương tiện đi lại

 

                          có bánh xe

 

 

 

    Khác nhau

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Ngay dưới bảng này là lời hướng dẫn: Nếu so sánh dựa vào chức năng, điểm giống nhau giữa xe máy và xe đạp là phương tiện đi lại. Nếu muốn so sánh, trước hết em phải xác định được tiêu chí so sánh.

Hoạt động 3: Bắt đầu bằng lời yêu cầu: Dựa vào nội dung của hoạt động 2, hãy viết một văn bản ngắn trình bày những điểm giống nhau và khác nhau giữa xe máy và xe đạp. Ngay dưới lời yêu cầu có một khung trống để HS viết văn bản .

Hoạt động 4: Hoạt động nhóm, HS trao đổi với nhau để rút ra phương pháp viết một văn bản trình bày những điểm giống nhau và khác nhau giữa các sự vật.

Phần Tôi muốn biết thực hành viết một văn bản trình bày những điểm giống nhau và khác nhau giữa các sự vật. Phần này có 5 hoạt động học tập.

Hoạt động 1: Tìm hiểu xe buýt và xe lửa.

Hoạt động 2: Viết ra những điều mà HS thu nhận được.

Hoạt động 3: Dựa vào nội dung của hoạt động 2, điền thông tin vào bảng dưới đây:

 

            Xe buýt

 Xe lửa

 

    Giống nhau

     Chức năng

 

 

 

 

 

 

    Khác nhau

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Hoạt động 4: Viết một văn bản ngắn trình bày những điểm giống nhau và khác nhau giữa xe buýt và xe lửa.

Hoạt động 5: Trao đổi bài viết với bạn cùng lớp. Tìm ra những ưu điểm và hạn chế trong bài viết của bạn, đưa lại bài viết cho bạn và nhận lại bài viết của mình. Tham khảo nhận xét của bạn để sửa chữa, hoàn thiện bài viết của mình.

Phần Một bước nữa (ôn luyện) bắt đầu với lời đề nghị: Em đã viết bài trình bày những điểm giống nhau và khác nhau giữa các sự vật. Hãy kiểm tra xem em đã làm tốt hay chưa. Sau đó HS được đề nghị tìm ra những điểm giống nhau và khác nhau giữa quả bóng đá và quả bóng chuyền, điền nội dung vào bảng, viết văn bản về những điểm giống nhau và khác nhau đó và trao đổi bài viết với bạn cùng lớp.

Phần Một bước nữa (nâng cao): Xem lại phần Một bước nữa ở trên và chọn một trong hai bài tập để viết một văn bản về những điểm giống nhau và khác nhau giữa các sự vật.

Phần Giải trí có tựa đề Ngôn ngữ của chúng ta rất giàu đẹp. Trong phần này có một bức tranh lớn vẽ một trò chơi dân gian của trẻ em. SGK đưa ra một số từ có liên quan đến trò chơi đó và đề nghị HS tìm những từ đồng nghĩa. Mục đích của phần này là khuyến khích HS chú ý đến vẻ đẹp của ngôn ngữ dân tộc.

Qua bài học trên, có thể nhận thấy mấy điểm nổi bật:

- Việc dạy học kĩ năng sử dụng ngôn ngữ (kĩ năng viết) kết hợp chặt chẽ với rèn luyện năng lực tư duy logic. Qua bài học, HS hiểu được nguyên tắc cơ bản của so sánh để xác định những điểm giống nhau và khác nhau giữa các sự vật là phải dựa trên một tiêu chí nhất quán.

- Dùng rất nhiều hình vẽ và bảng được chia ô để điền thông tin. Các hình vẽ gắn với các hoạt động học tập giúp HS phát triển kĩ năng quan sát. Các bảng được chia ô giúp HS phát triển năng lực khát quát hóa vấn đề và trình bày các ý tưởng một cách ngắn gọn, chặt chẽ và sáng rõ.

- Chú ý đến hình thức làm việc theo đôi (HS trao đổi bài viết và nhận xét bài viết của nhau). Hình thức học tập theo đôi này giúp HS biết chia sẻ kinh nghiệm và tiếp thu ý kiến của người khác, đó một kĩ năng sống quan trọng.

- Chú trọng giáo dục tình cảm đối với tiếng mẹ đẻ.

Bài đầu tiêu của cuốn SGK dạy học kĩ năng nghe và nói cũng bao gồm các phần nội dung và hoạt động học tập như những phần nội dung và hoạt động học tập trong SGK dạy học kĩ năng viết. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có nhiều nội dung khác biệt. Thứ nhất là các bài tập tập trung vào việc rèn luyện kĩ năng nghe và nói, chứ không phải kĩ năng viết. Thứ hai là đối tượng so sánh có sự thay đổi. Điều thú vị là việc thực hành rèn luyện kĩ năng nghe cũng được chú ý như việc thực hành rèn luyện kĩ năng nói.

Bài tương ứng trong cuốn SGK rèn luyện kĩ năng đọc cũng có cấu trúc giống như hai cuốn SGK trên đây, nghĩa là cũng có các phần: Giới thiệu, Các đơn vị nhỏ của bài học, Một bước nữa (ôn luyện), Một bước nữa (nâng cao), Giải trí. Tuy nhiên, nội dung không liên quan đến sự so sánh như kiểu đã trình bày ở trên, mà tập trung thảo luận sự khác nhau giữa trường hợp đọc một văn bản có những nội dung mà ta đã biết và trường hợp đọc một văn bản có những nội dung mà ta chưa biết bao giờ. Mục đích của bài học là giúp HS biết được cách áp dụng những tri thức và kinh nghiệm đã có vào việc đọc hiểu văn bản. Tương ứng với một nội dung được thiết kế trong chương trình là: giúp HS biết được tầm quan trọng của tri thức và kinh nghiệm đối với việc đọc hiểu văn bản.

Đến THCS, mỗi lớp có 2 cuốn SGK cho mỗi học kì, một cuốn Quốc ngữ và một cuốn Quốc ngữ trong sinh hoạt.

Nội dung cuốn SGK Quốc ngữ gồm các phần: văn học và thực hành kĩ năng đọc. Nội dung cuốn SGK Quốc ngữ trong sinh hoạt gồm các phần thực hành các kĩ năng giao tiếp khác (nói, viết, nghe) và kiến thức về tiếng Hàn như ngữ pháp (hình vị, từ, từ loại, câu, thành phần câu), từ vựng (thành ngữ).

Trong SGK Quốc ngữ, phần văn học có những chủ đề chính như: niềm hứng thú đối với văn học, văn học và hoạt động giao tiếp, văn học và xã hội, vẻ đẹp của văn học, thế giới thi ca, văn học và độc giả, vẻ đẹp của truyền thống, văn học và cuộc sống, người nói trong tác phẩm văn học, nhà văn và tác phẩm văn học, cấu trúc của truyện, hình thức thể hiện của văn học, niềm hứng thú đối với hoạt động sáng tác văn học, hình thức thể hiện của thơ ca,  tìm hiểu văn học hiện đại Hàn Quốc, cá tính của tác giả, thưởng thức văn học truyền thống, văn học và các những cách thức thể hiện, v.v.. Các tác phẩm thuộc nhiều thể loại khác nhau như thơ, đồng dao, truyện ngắn, tiểu thuyết, tự truyện, kịch, v.v. được sử dụng trong SGK để phục vụ cho mỗi chủ đề của bài học.

Phần rèn luyện kĩ năng đọc có những chủ đề chính như: đọc và viết, ghi chép khi đọc, thế giới ngôn ngữ, đọc tích cực, suy đoán trong khi đọc, cấu trúc của một bài luận, thưởng thức việc đọc sách, đọc như thế nào, niềm vui đọc sách và tìm kiếm trong từ điển, học SGK như thế nào, tìm ra nội dung chính khi đọc, đọc và tranh luận, đọc bài phê bình, v.v.. Mỗi bài học sẽ tập trung vào một chủ đề nào đó thuộc về hoạt động đọc, chẳng hạn, một bài học ở lớp 8 có mục tiêu cơ bản là giúp HS hiểu được bản chất của hoạt động đọc và làm thế nào để đọc một văn bản có hiệu quả, phù hợp với nội dung và phong cách của văn bản. Các hoạt động học tập trong bài này chú ý đến các phương pháp đọc khác nhau tương ứng với các phong cách văn bản khác nhau. Cuối bài học có nhiều tục ngữ nói về việc đọc sách.

SGK Quốc ngữ trong sinh hoạt có mục tiêu đa dạng hơn. Bài viết này phân tích nội dung của bài 5 trong SGK lớp 8 làm ví dụ. Trong bài này, HS học cách nghe, nói và viết về chủ đề: cho lời khuyên và tự giới thiệu về mình. Mục tiêu của bài học là giúp HS:

1) Hiểu được nghe, nói và viết là một quá trình giải quyết vấn đề;

2) Quan tâm đến quan điểm của người nghe và có thái độ thích hợp khi nói;

3) Viết và nói để tự giới thiệu phù hợp với một mục đích cụ thể.

Nội dung của bài học gồm 2 phần:

Trong phần thứ nhất, HS học cách đưa ra lời khuyên và tiếp nhận lời khuyên. Phần này có 4 hoạt động:

Hoạt động 1: Cho một văn bản do một HS tên là Eun Hi viết. Các em HS được yêu cầu đọc văn bản này và kể về những tình huống mà các em cần một lời khuyên.

Hoạt động 2: Yêu cầu HS suy nghĩ về thái độ của các em khi đưa ra lời khuyên và tiếp nhận lời khuyên. Chia vai và thực hành cho lời khuyên.

Hoạt động 3: Yêu cầu HS đọc một văn bản. Dựa vào nội dung câu chuyện để đưa ra một lời khuyên thích hợp (cho người bạn hay bị trêu chọc, cho người bạn xem TV quá nhiều, cho người bạn hay soi gương trong giờ học, v.v.)

Hoạt động 4: Yêu cầu HS thử lắng nghe lời khuyên của bạn bè về một vấn đề nào đó của mình. Lớp chuẩn bị một cái hộp. HS viết vấn đề của mình vào một mảnh giấy chẳng hạn mình muốn làm quen với một bạn khác giới, nhưng... và bỏ vào hộp. Một HS lên bốc "phiếu" và đọc to vấn đề được ghi trong phiếu và cho lời khuyên. Người nhận lời khuyên được yêu cầu nói xem những lời khuyên đó có giúp ích gì cho bản thân người đó không.

Trong phần thứ hai, HS học cách viết và nói để giới thiệu về bản thân. Phần này có 4 hoạt động:

Hoạt động 1: Yêu cầu HS cho biết những điều cần lưu ý khi viết để giới thiệu về bản thân; nêu lí do vì sao cần viết để giới thiệu về bản thân; thảo luận xem cần phải làm như thế nào để viết tự giới thiệu có hiệu quả.

Hoạt động 2: Đưa ra một bài viết của một HS giới thiệu về bản thân. Yêu cầu HS tham khảo ví dụ này và viết giới thiệu về lớp học.

Hoạt động 3: Yêu cầu HS so sánh 2 bài viết giới thiệu của hai bạn HS; tìm những điểm khác nhau giữa hai bài viết; cho biết bài viết nào tốt hơn và vì sao.

Hoạt động 4: Yêu cầu HS đọc một đoạn quảng cáo viết về hoạt động tình nguyện và thử viết một bài giới thiệu về bản thân gởi cho ban tổ chức. Trước hết, tổng hợp các nội dung cần viết vào một bảng như sau:

 

Các hạng mục sẽ đưa vào giới thiệu

 

Nội dung cụ thể

 

 

 

 

 

 

 

Dựa vào nội dung đã tổng kết trong bảng trên, viết một bản tự giới thiệu.

Sau đó là phần nâng cao nhằm ôn tập và đào sâu những vấn đề cơ bản đã học, gồm các hoạt động như:

- Tự kiểm điểm lại kết quả đã học: Đã biết nghĩ đến quan điểm của người nghe và cho lời khuyên hay chưa; Đã biết nghe lời khuyên bằng một thái độ nghiêm túc hay chưa; Đã biết tổng hợp các nội dung cần đưa vào bài tự giới thiệu hay chưa; Đã biết tự giới thiệu đúng với mục đích sử dụng hay chưa.

- Yêu cầu HS: quan sát hình vẽ và đưa ra lời khuyên phù hợp với tình huống; đọc một đoạn văn giới thiệu về một người bạn và tổng hợp các đặc điểm của người được giới thiệu; đọc một bài thơ nói về một nhân vật rơi vào hoàn cảnh cần có lời khuyên và cho lời khuyên thích hợp; viết tự truyện đúng với tình huống đã cho (độ dài 205 từ).

Trong bài học này, có thể nhận thấy mấy điểm đáng chú ý:

- Trong một bài học, HS được rèn luyện đến 3 kĩ năng sử dụng ngôn ngữ, trong đó có cả kĩ năng nghe (kể cả lắng nghe để hiểu hoàn cảnh của người khác).

- Chú ý rèn luyện cho HS một số kĩ năng giao tiếp cơ bản như đưa ra một lời khuyên, tự giới thiệu về bản thân, v.v..

- Gắn các hoạt động giao tiếp ngôn ngữ với tình huống (các tình huống cần lời khuyên, các tình huống cần tự giới thiệu, v.v.).

- Tổ chức các hoạt động để HS thực hành như hình thức đóng vai để cho và nhận lời khuyên, nêu tình huống cần lời khuyên qua hình thức viết phiếu thả vào hộp, v.v..

- Tạo điều kiện cho HS nhận xét, đánh giá về sản phẩm của bạn mình.

- Sử dụng bảng được chia ô để điền những thông tin cần thiết.

Ở lớp 10 có 2 cuốn SGK Quốc ngữ, mỗi học kì một cuốn. Nội dung của mỗi cuốn đều được tổ chức theo hệ thống các chủ đề. Cuốn thứ nhất (học kì 1) có những chủ đề sau: niềm vui và sự bổ ích của việc đọc sách, lời nói có tổ chức, các hình thức thể hiện đa dạng và cách hiểu, từ đúng lời hay (chữa lỗi dùng từ, đặt câu và viết văn bản), giao tiếp sinh động, vẻ đẹp của thi ca, sức mạnh của tư duy, ngôn ngữ và thế giới. Cuốn thứ hai (học kì 2) có những chủ đề sau: sự phát triển của Quốc ngữ, tổ chức và sử dụng thông tin (hoạt động ngôn ngữ trong thời đại đa phương tiện), đời sống ngôn ngữ, di sản văn hóa dân tộc và truyền thống, ngôn ngữ gây cảm động, thái độ và sự phê bình, truyền thống và sự sáng tạo, kiến trúc Phương Đông và đặc trưng.

Ở lớp 11 và 12, liên quan đến Tiếng Hàn và Văn học, có 6 môn tự chọn: Văn học, Quốc ngữ trong sinh hoạt, Đọc, Viết luận, Nói, Ngữ pháp. Mỗi môn tự chọn như vậy có rất nhiều bộ SGK khác nhau, cụ thể như sau: Văn học: 18, Quốc ngữ trong sinh hoạt: 11, Đọc: 9, Viết luận: 13, Nói: 4 . Riêng Ngữ pháp chỉ có một bộ SGK duy nhất vì HS ít chọn môn học này. Cũng do ít HS chọn học nên không một nhà xuất bản tư nhân nào chịu tổ chức biên soạn SGK Ngữ pháp, tuy tất cả SGK phần tự chọn thuộc vào loại SGK thứ hai. Vì vậy, nhà nước phải tổ chức biên soạn cuốn này.

Con số 18 bộ SGK Văn học cho thấy có nhiều nhóm tác giả và nhà xuất bản quan tâm đến SGK môn học này, vì đây là môn rất nhiều HS chọn học. Mỗi bộ như vậy có 2 cuốn dành cho 2 lớp (11 và 12). Dựa vào các yêu cầu của Chương trình được thiết kế theo hướng tính đến đầu ra (Cho Jae Hyun & Bùi Mạnh Hùng 2008), tác giả của 18 bộ SGK đó có thể lựa chọn bất cứ tác phẩm văn học nào để sử dụng trong sách của mình. Mặc dù quyền tự do lựa chọn của các tác giả SGK là rất lớn, nhưng các tác phẩm văn học của 18 bộ SGK khác nhau không có sự khác nhau đáng kể, đến khoảng 70 - 80% số tác phẩm giống nhau, vì các nhóm tác giả SGK có xu hướng lựa chọn những tác phẩm văn học nổi tiếng và được nhiều người yêu thích.

Về hình thức, SGK ở cả 3 cấp học, nhất là ở TH và THCS, có rất nhiều tranh vẽ và sơ đồ, ít có trang sách nào chỉ có riêng kênh chữ. Hình thức trình bày như vậy không chỉ gây hứng thú đối với HS mà còn giúp HS hình dung tốt hơn các vấn đề được học. Nội dung của các bức tranh đều gắn với nội dung bài học. Trong nhiều bài học, HS phải quan sát kĩ tranh vẽ mới làm được bài tập. Nghĩa là tranh vẽ không thuần túy có chức năng trang trí mà là một phần không tách rời của nội dung SGK.

Bìa sách được trình bày sinh động và khá nhất quán. Chẳng hạn, tất cả các cuốn SGK TH môn Quốc ngữ đều có bìa một là những bức tranh vẽ HS đang học như cầm sách, vở, bút hay ngồi trước máy tính; thu hoạch trái cây hay chơi một trò chơi nào đó. Chỉ một số ít bìa một có tranh vẽ động vật và dường như những con vật này là những nhân vật trong một câu chuyện ngụ ngôn. Bìa hai là những bức tranh về văn hóa truyền thống như tranh vẽ vua Triều Tiên hay các học giả đang đàm đạo. Một số bìa hai có hình của một vản bản cổ viết bằng chữ Hàn. Bìa ba là những thông tin về tác giả SGK và nhà xuất bản. Bìa bốn chủ yếu được trang trí bằng tranh vẽ động vật hoặc phong cảnh.

3. Những gợi ý đổi mới SGK Việt Nam từ kinh nghiệm của Hàn Quốc

3.1. Cần thực hiện một chính sách mở đối với SGK, trong đó có SGK Ngữ văn. Trên cơ sở một chương trình quốc gia thống nhất, có thể có nhiều các nhóm tác giả khác nhau biên soạn nhiều bộ SGK khác nhau. Tổ chức biên soạn SGK như vậy có nhiều ưu điểm: tăng tính cạnh tranh giữa các nhóm tác giả, giúp nâng cao hơn nữa chất lượng SGK; giáo viên và HS có điều kiện lựa chọn bộ SGK mà mình yêu thích; huy động được nhiều nhà giáo và nhà khoa học tham gia biên soạn SGK, việc đó vừa giúp tận dụng nguồn lực vào một lĩnh vực giáo dục quan trọng, vừa hạn chế được tình trạng nhiều người nghĩ biên soạn SGK là một đặc quyền và đặc ân nên phê phán SGK với một thái độ thiếu khách quan và đúng đắn. Thực hiện một chính sách mở đối với SGK chính là góp phần dân chủ hóa nền giáo dục.

3.2. Trong quan niệm của nhiều người, Ngữ văn bị đồng nhất với Văn học. Khi bàn về các môn học ở phổ thông, họ chỉ nói Văn, Toán, Ngoại ngữ, v.v.. và coi Văn là môn giáo dục đạo đức, nhân cách. Quan niệm này đã làm giảm đáng kể sứ mệnh của môn Ngữ văn ở trường phổ thông, đặc biệt là gạt nội dung rèn luyện các kĩ năng giao tiếp cho HS của môn Ngữ văn, một nội dung được coi là cốt lõi trong chương trình giáo dục của nhiều quốc gia, vì thế cho đến lớp 10 ở Hàn Quốc chỉ có môn Quốc ngữ. Singapore, Australia và nhiều quốc gia khác cũng tương tự như vậy. Phải đến những lớp cuối của chương trình phổ thông mới có môn Văn học riêng.

Ở Việt Nam, các nội dung phần Văn học từng được sắp xếp theo tiến trình văn học. Hiện nay, trong SGK Ngữ văn, chủ yếu sắp xếp theo thể loại. Có thể có một cách sắp xếp khác là theo chủ đề. Hình thức sắp xếp này giúp tránh được tình trạng đặt nặng mục tiêu trang bị kiến thức văn học cho HS. Cách tổ chức các nội dung văn học theo tiến trình văn học sử hay theo thể loại còn dễ dẫn đến tình trạng vì theo trình tự chương trình mà HS phải học những tác phẩm không thích hợp với tâm lí lứa tuổi và trình độ cảm thụ.

SGK Ngữ văn trước hết phải tập trung vào việc rèn luyện các kĩ năng sử dụng ngôn ngữ và năng lực cảm thụ văn học cho HS, sau đó mới là cung cấp kiến thức tiếng mẹ đẻ và văn học. Riêng phần Văn học, mục tiêu chủ yếu là làm cho HS yêu thích và có khả năng cảm nhận vẻ đẹp của văn học và biết cách thể hiện cảm nhận của mình. Những thông tin về tiến trình văn học và tiểu sử tác giả vẫn còn chiếm quá nhiều dung lượng trong SGK Ngữ văn Việt Nam hiện nay. Tuy được biên soạn theo định hướng tích hợp, nhưng các nội dung Văn học được triển khai theo logic riêng của nó, còn Tiếng ViệtTập làm văn tích hợp với Văn học ở mức có thể. Nếu SGK Ngữ văn lấy việc rèn luyện các kĩ năng giao tiếp (lưu ý: không phải kiến thức tiếng Việt) làm "xương sống", chứ không phải tiến trình văn học hay thể loại văn học thì vấn đề lại khác. Khi đó, các nội dung Văn học sắp xếp theo chủ đề sẽ thích hợp hơn. Như vậy, chương trình sẽ không thể quy định cứng nhắc những tác phẩm văn học cần dạy và học mà trao cho các tác giả SGK quyền lựa chọn tác phẩm thích hợp theo từng chủ đề. Điều đó sẽ giúp cho bài học dễ lôi cuốn HS hơn.

Ngoài ra, SGK Ngữ văn cũng cần chú ý đến cả việc phát triển năng lực tư duy và kĩ năng làm việc theo nhóm cho HS. Tất cả những mục tiêu này cần được tích hợp trong các bài học. Mục tiêu phát triển năng lực tư duy cho HS đã được đặt ra trong SGK Ngữ văn hiện nay, nhưng việc thực hiện mục tiêu này còn chưa rõ nét.

3.3. Các hoạt động học tập cần được tổ chức dưới nhiều hình thức đa dạng, trong đó cần chú ý sử dụng hình thức trò chơi, đóng vai và hoạt động theo nhóm. Những hình thức này giúp cho giờ học trở nên sinh động hơn, gây hứng thú đối với HS nhiều hơn. Qua những hoạt động này, HS cũng có điều kiện rèn luyện để trở nên năng động hơn, có tinh thần đoàn kết, hợp tác cao hơn.

3.4. Kênh hình và sơ đồ trong SGK Ngữ văn THCS và THPT của Việt Nam hiện nay quá yếu. Đối với SGK Tiếng Việt ở TH, tình hình có khá hơn, nhưng chưa thể gọi là tốt. Cần thay đổi quan niệm về chức năng của hai kênh này và có sự đầu tư thích đáng. Nếu được thể hiện tốt, nó sẽ là một phần quan trọng trong nội dung bài học, chứ không thuần túy là một hình thức trang trí.

Cho Jae Hyun

Bùi Mạnh Hùng

 

Bài viết này được trích từ một Tiểu luận được chúng tôi hoàn thành tại Hàn Quốc, do Quỹ Nghiên cứu Cao cấp Hàn Quốc (The Korea Foundation for Advanced Studies) tài trợ.

 

Tài liệu tham khảo

1. Bộ Giáo dục và Đào tạo 2006. Chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn. Hà Nội: Giáo dục.

2. Bộ Giáo dục và Đào tạo 2006. Sách giáo khoa Tiếng Việt bậc TH (từ lớp 1 đến lớp 5). Hà Nội: Giáo dục.

3. Bộ Giáo dục và Đào tạo 2006. Sách giáo khoa Ngữ văn bậc THCS (từ lớp 6 đến lớp 9). Hà Nội: Giáo dục.

4. Bộ Giáo dục và Đào tạo 2005 - 2007. Sách giáo khoa Ngữ văn bậc THPT (từ lớp 10 đến lớp 12). Hà Nội: Giáo dục.

5. Bộ Giáo dục và Phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc 1997. Chương trình Quốc gia lần thứ 7 môn Quốc ngữ (tiếng Hàn).

6. Bộ Giáo dục và Phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc 2006 - 2007. Sách giáo khoa Quốc ngữ từ lớp 1 đến lớp 10 (tiếng Hàn). Seoul: Gyo wyuk win jeok ja wueon bu.

7. Bộ Giáo dục và Phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc 2006 - 2007. Sách giáo khoa Quốc ngữ trong sinh hoạt từ lớp 1 đến lớp 10 (tiếng Hàn). Seoul: Gyo wyuk win jeok ja wueon bu.

8. Cho Jae Hyun & Bùi Mạnh Hùng 2008. Chương trình Ngữ văn của Hàn Quốc và kinh nghiệm đối với Việt Nam. Ngôn ngữ, số 3 / 2008.

9. Choi Ung, Yung Thae Su, Kim Yong Gu & Lee Thae Beom 2002. Sách giáo khoa Văn học (lớp 11 và 12) (tiếng Hàn).

10. Kim Chae-Chun 2005. A Critical Review of Textbook Authorization System in the Republic of Korea. http://www.caen.iufm.fr.

 


Phamngochien.com - 19:51 - 23/07/2012 - Bài của văn nghệ sĩ          

Gửi bình luận