Quê hương và cuộc đời trên trang viết (Nguyễn Văn Hưng)

 
     Tiểu thuyết là bức tranh chữ để chúng ta tìm thấy sắc màu nhân sinh một cách rõ ràng hơn, cũng đang xích lại gần nhau hơn những thể nghiệm, những tranh đấu, khổ đau, nhục nhằn trong đời sống con người, và kể luôn những thăng hoa của nó. Không một thể tài văn học nào khác để có thể vẽ, có thể phơi bày và tô màu sáng tối trước người đọc, hình ảnh hiện thực sinh động, bằng với tất cả tâm tư tình cảm trong họ một cách sáng trong, bóng bẩy...nổi bật lên từ cái tốt, cái xấu, vừa hư, vừa thực như một tiểu thuyết...
      Giá trị văn chương là sự mô tả đời sống bằng nghệ thuật văn học, không chỉ trong lĩnh vực đời sống quen thuộc...mà còn mô tả những điều chưa từng bao giờ thấy hoặc đã xảy ra trong đời sống, trong một không gian, thời gian này hay nơi nào khác...trong nhiều tầng lớp môi trường xã hội, trong cộng đồng xã hội, thậm chí còn mô tả cuộc sống, đấu tranh đã trôi qua hoặc không tồn tại nữa từ lâu...hoặc đã lùi dần xa vào lịch sử. 
    Đây còn là ý nghĩa lớn trong việc khắc hoạ, tái hiện lại thời đại đã đi qua. Từng mỗi một con người đã hoà nhập vào dòng văn học, văn chương Việt Nam trên từng bình diện sắc thái, sắc màu khác nhau...và họ đã đi theo từng cách riêng của mình, những tư duy, suy tưởng, cảm giác thể hiện trên từng con chữ, cấu trúc văn phong chuyên biệt của riêng họ. Nhưng có lẽ: "Không có thứ nghệ thuật nào hơn được lòng yêu quí con người" (VAN GOGH)
    Nhà văn - Nhà giáo - Nhà thơ Võ Hồng là cây bút thân thiết đất Phú Yên quen thuộc của bạn đọc từ trước và sau năm 1975 ở phía Nam, và trong xuyên suốt chiều dài hơn nửa thế kỷ đỉnh cao của văn học của hai miền. Ông còn là tác giả của nhiều giáo khoa văn trong chương trình giảng dạy văn học cấp trung học của Miền Nam từ những năm 1968 về sau, và cả những đề tài, luận văn tiến sĩ, thạc sĩ văn chương nữa. 
     Trước khi viết văn ông đã là nhà giáo, nhà quản lý giáo dục...Với ngòi bút chân phương tài hoa, ông đã trở thành nhà văn, nhà thơ tài giỏi và đáng kính. Ông đã để lại nhiều tác phẩm, nhiều dấu ấn sắc son, giá trị trong nền văn học hiện đại. 
      Lối viết dung dị, diễn tả đơn giản chân thành, mộc mạc mà gần gũi như nơi cửa miệng, tính cách văn phong thâm trầm, súc tích đã tiếp sức cho một mạch sống lâu bền, đây còn là một sự tiếp nhiệt làm lan toả sự bùng cháy trên từng con chữ và trên cấu trúc của thể tài văn học.
   Văn chương, chẳng những như một nghề chơi thanh nhã, di tình, dưỡng tính...
mà còn làm rung động tâm can, lòng người, mà còn di dịch được phong tục, chuyển biến cuộc đời, còn là một sự giáo hoá nhiên thành trường lưu văn học.
     Từ khi bắt đầu viết văn, tất cả đều chảy trên ngòi bút, nét chữ...câu văn, thơ ông là mạch nguồn quê hương đậm màu bản quán, là thiên nhiên sông núi, cỏ cây hoa lá...là tất cả những con người thân thương nhiên hậu, mộc mạc dân dã, chân thành, mà đôi khi nhân vật cũng nhỏ nhoi, ích kỷ...tự ti, chen lấn chầm chậm như "Mùa Gặt" rồi đến được với " Thiên Đường ở Trên Cao"..."Như Cánh Chim Bay", "Hoa Bươm Bướm" viết về nông thôn Việt Nam như "Lương Mai" ..."Trong Vùng Rêu Im Lặng", những nét đẹp cổ kính về Hà Nội và những năm tháng không yên bình trước cách mạng tháng 8. Thơ văn trong ông cũng tái dựng lại một diện mạo đời sống kháng chiến, và cùng tham gia kháng chiến như một "Hoài Cố Nhân", "Trầm Mặc Cây Rừng"... 
     Trong hơn hai nửa thế kỷ đi qua, văn chương trong ông vẫn chăm chút từng con chữ chọn lọc, tinh tế và chân thực trên từng ngôn lời nhân vật, cách viết đơn giản nhưng giàu hình ảnh. Văn của ông thiên về lối kể chuyện, nghệ thuật miêu tả bằng trình tự trần thuật khảm chặt vào tự truyện, mang tính tự sự trong tính cách người dẫn chuyện.Trong ông vẫn luôn cô đặc tình yêu quê hương xứ sở, tình yêu dân tộc nhiệt thành như máu thịt son lòng đầy trách nhiệm. Có thể đánh giá sức vóc của con người qua dáng đi, cách đứng nhằm định dạng sức khoẻ...Ông đã hoà nhập vào thời đại của mình vào trang viết đầy trách nhiệm như một sĩ phu, một trí thức yêu nước, yêu quốc gia dân tộc, bằng thể nghiệm bản thân hoà nhập thời đại với tư cách người kể chuyện...
     Những nhân vật trong nhiều câu chuyện được xây dựng trên trang viết của tác giả, từ truyện ngắn, truyện vừa đến truyện dài hầu hết là những con người thân thiện gần gũi, tiểu nông dân dã, là trí thức...đây còn là cách lưu giữ ký ức, kỷ niệm của tác giả như đang kể chuyện cho người nghe, cho bạn đọc bằng cả tâm thân của mình, bằng sự chọn lọc con chữ cho riêng mình, trên từng nét bút, những quan sát chân thực đến tự nhiên. Và có lẽ vì vậy, ông không tạo, không cần tạo ra một ranh giới, một biên độ về vấn đề chính trị, môi trường, quan điểm chính trị trong tự truyện của mình...cho dầu, giai đoạn này Miền Nam cũng xảy ra nhiều biến cố lịch sử, mà người trí thức cần có sự quan sát và quan điểm chính kiến của mình đối với thời cuộc.
       Văn chương trong ông, thể hiện, phản ánh chủ yếu đời sống quê mùa, thanh cảnh mà chơn chất, những gian lao khổ cực vốn như đã có...cho đến lớp người tri thức tiểu tư sản lỡ vận thất thời, mà trong họ, cộng đồng của họ vẫn còn có và còn muốn có niềm vui, niềm tin tự tạo yên ổn nếp nhà trong lao động, gia đình, xóm giềng chung cùng đấu cật trong khắc phục thiên nhiên khắc nghiệt, chung vai trong việc xây dựng, bảo vệ quê hương đất nước đã cố kết trong máu thịt.
      Khi tâm tưởng về ông, chợt lòng nhớ hai câu thơ của Nhà thơ Nguyễn Bính người cùng thời với ông, xin được sẻ chia cùng bài viết:
"Quê người đứng ngóng mây lưu lạc
Bến cũ nằm nghe sóng lỡ làng".
     Bóng mây, và con sóng lỡ làng trên con sông quê trong ông cũng dợn nắng lên trên nong tằm, trên sóng lúa đồng đất quê nhà...trên cánh diều no gió. 
    Ông đã lìa xa quê từ khi những năm còn bé, để theo học lớp ba trường phủ Sông Cầu (1934). Xa quê, mang theo tư duy học tập tự lập của cậu trò nhỏ (12-13 tuổi) rồi Bình Định, Huế, Hà Nội...nên quê quán, gia đình luôn là nỗi khắc khoải cồn cào của hình sắc quê kiểng bột lòng sợi nhớ, câu thương sầu non trẻ. Tính nhân văn, nghĩa tình trong từng màu thơ con chữ, tiếng quê đã luôn sóng dậy từ tâm khảm sắc son của ông theo năm tháng với "Mùa Gặt" đầu tiên (1939), và đã chính thức tham gia Nhà văn Việt Nam với "Hoài Cố Nhân"(1959).
     Từ buổi đầu tuổi thơ, buổi đầu của lòng quê chờ đón ngày lên thơm nắng, len trong tiếng mưa xào xạc reo trên mái rạ hiên nhà, từng lời võng ru kẽo kẹt trưa hè, và bếp chiều buông lơi sợi khói lên trời...của những sớm trưa vạt gió là lượt qua sông quê, của những chiếc đò ngang chờ người về muộn....để càng đi xa, càng thêm nhớ đến thao thức lòng. Nghĩa là quá khứ, là tình quê đang thức dậy và đang sống lại những ngày xưa cũ...mà, chính quê củ* cũng nhớ rạt lòng cùng mình. 
    Sự nhớ nhau giữa người và cảnh vật cũng chung cùng một bản thể...cùng hoà vào nhau như máu thịt cuộc đời, trên chính bản thân mình. Võ Hồng đã quyện chặt vào thiên đường tuổi nhỏ trông ông, và "Thiên Đường ở Trên Cao" đang trở lại, đang cùng ông dặm dặt tất lòng...theo nhau trên từng con chữ, lời quê của Nhà văn - Nhà giáo Võ Hồng.
      Ông đã mang quê đi suốt dặm trường thiên lý, từ Nam ra Bắc, từ đồng sâu đến non cao xa thẳm...trong sự nhiên thành trên từng con chữ trong "Gió Cuốn"(1968), "Người Về Đầu Non" đến "Nhánh Rong Phiêu Bạt"(1970).
      Niềm thao thức với quê hương trong ông, sắc mầu, tâm cảm đã thơm lên trên từng trang chữ trong hầu hết cấu trúc văn chương, nghệ thuật, văn thơ của Nhà giáo - Nhà thơ - Nhà văn  Phú Yên...thầy Võ Hồng trong giáo khoa thư, trong tất cả học trò, trong lòng bạn đọc và trong quê lòng quán chỉ của năm tháng giữa, cuối thế kỷ XX. Kể cả lúc đất nước bị chia hai...thì tiếng quê, lời quê càng đau đáu sự phân ly cách biệt, càng khắc khoải  nỗi hoài hương cô đặc trong kẻ ly hương với bao niềm thương nhớ. Cái tôi trôi dạt, cái trú xứ dịch chuyển từ không gian địa lý này đến một chỗ khác lòng nào đó...để có thể như một lãng du, một câu chuyện áo cơm, một sự lưu đày trong đẩy đưa cảnh đời, công việc...trong run rủi của số phận, của từng số phận đã đan kết với ao nhà, giếng làng, sân đình, làng quê...rồi lạc non xanh thủy tú của đêm xuân, ngày hạ trong khách trú "vườn nhà" trên quê người.
     Người quê, trong bao nỗi đợi chờ, khát khao sự nhớ mong se thắt chịu đựng, lầm lũi se lòng. Đây không chỉ là sự quặn lòng, nhục nhằn của tác giả, mà còn là sự chung cùng khổ đau bất hạnh của bao kiếp con người, của đàn bà, đàn ông, trẻ thơ lam lũ, của phận người trên nỗi buồn xé lòng thân phận...như vạt đất rìa làng, như triền đồi dăm mù đá sỏi.
     Từng hình thái, âm vực, ngữ điệu văn thể, cấu trúc đã đeo mang cảnh ngộ, cảnh đời nông nỗi, cám cảnh cùng thông để mà sâu lắng, để mà sẻ chia, giải bày cho người nghe, người đọc thâm trầm với cánh võng, tao nôi cuộc đời dân dã phiêu linh...nông thôn làng quê Việt Nam dạo đó. Thầy cũng đã tâm sự: "Trong suốt cuộc đời tôi, chỉ có một tâm niệm duy nhất là trả được Hiếu cho quê hương qua trang viết. Tôi còn nợ quá nhiều, tôi sẽ cố gắng"...từ bối cảnh đến con người ông đều mang lòng quán chỉ bằng cả tâm tư, chơn chất đặc sệt chất quê đến từng cành cây, ngọn cỏ, đến bến nước, con đò...đến cả khói lửa chiến tranh, và rồi lại trong trẻo như tuổi thơ với nhiều tâm trạng, cảm xúc khác nhau trong không gian quê quán ngày cũ trong ông...
     Và, "Tôi nghĩ rằng, nếu tôi dâng trọn cả một đời của tôi để dựng lại cái dĩ vãng cũng vẫn còn chưa đủ...vậy, viết về những kỉ niệm dĩ vãng trên nhằm lấp lại một cái hố trống. Tôi muốn các thế hệ đàn em có dịp gắn bó với quê hương hơn"(Tạp chí Văn số 299 ngày 1.09.1972)
đây cũng là một mất mát quá lâu trong cuộc đời, và ông đang cố tạo dựng lại thăng bằng cho chính ông và con cháu và bạn bè, học trò của mình sau nữa.
      Nhà văn Võ Hồng, như một người kể chuyện, người trần thuật làng quê Phú Yên quê mình cho chính ông, gia đình con cháu, và học trò, bạn đọc của mình... bằng tâm tư, tâm sự đời người của thủa đó hôm qua, trong hôm nay và còn cho mai sau nữa. 
      Quê hương Phú Yên, là bản quán...là tất cả của cảm xúc, là sự sẻ chia bản thể, là tất yếu quyết định đến cái hồn tác phẩm...trên mọi tác phẩm của ông, trong mỗi dặm dài năm tháng cọng nỗi nhớ quê hương...Một A Man - Ngân Sơn - An Thạch - Tuy An - Phú Yên, từng cành cây ngọn cỏ, đồng đất quê hương, con sông Tam Giang nơi hội tụ xanh dâu trên từng nong kén sợi tơ, nơi trong ngần tiếng chuông ngân chiều và vang lên lễ sớm theo từng ngày mưa tháng nắng, đã cùng ông trên từng dặm dài thiên lý...đã di dịch trên từng tao đoạn trên chính cuộc đời ông và gia đình, đọng trên từng con chữ, lời quê thẫm chặt lên trang viết.
    Trên từng bước chân đi qua thời gian,  sự vật, cảnh quan thiên nhiên, quê kiểng hoà trộn, nhào nắn ra từng mảng đời lam lũ một nắng hai sương...lầy lội phận người, đã cột chặt không gian vào tâm tưởng của người viết lẫn người đọc.
      Và, tiếng quê đã hiển hiện lên "Quê Hương & Cuộc Đời trên Trang Viết" của ông. Con chữ đang nhảy múa, đang khắc hoạ đậm sâu trong ký ức nhiên thành cho từng mỗi một con người, mỗi một học trò cả nước và người Phú Yên của chúng ta, đọc và suy ngẫm nét thâm trầm trong cấu trúc tự truyện trên từng con chữ.
     Tất cả sự trải lòng bằng nghệ thuật trần thuật bằng tự truyện của ông. Người viết văn chưa từng biết mỏi trong gần một thế kỷ chăm chút gầy dựng tình yêu trên con người và đất quê, bàng bạc trên từng con chữ thời gian, với mạch văn xao động hồn người.  
      Thầy Võ Hồng: Nhà Văn - Nhà Giáo - Nhà thơ của đất Phú Yên là niềm trân quí mến yêu, luyến lưu thương nhớ...kính trọng như chính quê hương bản quán trên cánh đồng văn thơ, như trên từng gié lúa, bông cỏ được rèn dũa, nhào nặn trên cánh đồng văn học Phú Yên đang xanh màu ngọc lục. 
     Vẫn câu: "Văn thơ là tinh hoa của dân tộc", là người thầy thuốc chữa bệnh tâm hồn...là sự tìm biết về cội nguồn văn học nghệ thuật... Để lựa chọn một tác giả, tôi xin chọn Thầy Võ Hồng - Nhà Văn - Nhà thơ Phú Yên...và Thầy, như đang vẫn cày xới trên trang viết cuộc đời trong nhiên hậu Quê hương, bản quán của riêng mình.
Nguyễn Văn Hưng
 
 

Phamngochien.com - 08:50 - 09/07/2022 - Bài của văn nghệ sĩ          

Gửi bình luận