PHONG TRÀO SÁNG TÁC THƠ VĂN Ở TRƯỜNG THPT TRẦN QUỐC TUẤN

 

Kỷ niệm 30 năm thành lập trường THPT Trần Quốc Tuấn, Phú Yên (1980 - 2010)


Nói đến phong trào sáng tác thơ văn trong các trường học Phú Yên, người ta không thể không nhắc đến trường THPT Trần Quốc Tuấn. Trong suốt 30 năm hình thành và phát triển, trường luôn có phong trào sáng tác thơ văn rất sôi nổi và có nhiều gương mặt văn nghệ sĩ tiêu biểu được cả tỉnh biết đến.

Phải nói, trong các trường phổ thông toàn tỉnh Phú Yên, trường Trần Quốc Tuấn có đội ngũ văn nghệ sĩ hùng hậu nhất. Có rất nhiều nhà giáo kiêm văn nghệ sĩ đã và đang công tác ở đây. Đầu tiên, phải kể đến hiệu trưởng đầu tiên của trường - thầy Phan Long Côn. Thầy Côn không chỉ là một gương mặt nổi tiếng trong ngành giáo dục mà còn cả trong lĩnh vực văn học nghệ thuật. Có thể nói, thầy là người thắp ngọn lửa đầu tiên để khơi dậy cảm hứng sáng tác thơ văn không bao giờ cạn của trường Trần Quốc Tuấn. Các thế hệ hiệu trưởng tiếp theo cũng rất quan tâm tới hoạt động văn học, tiêu biểu như thầy Ngô Minh Hòa. Bầu không khí thơ văn luôn được hâm nóng qua các bài thơ do thầy Hòa đọc trong buổi chào cờ, trong các bản báo cáo thành tích của trường. Đặc biệt, thầy Hòa rất khuyến khích tổ chức các hoạt động thơ văn và được sự trợ giúp, chia sẻ niềm đam mê văn học của vợ thầy là cô Nguyễn Thị Hà, giáo viên Văn. Hiện nay, hiệu trưởng của trường là thầy Lê Văn Học, giáo viên dạy Văn và cũng rất quan tâm sáng tác thơ văn. Thầy Học có nhiều bài thơ đăng báo, phổ nhạc... được nhiều người biết đến. Có thể nói, phong trào sáng tác thơ văn trường Trần Quốc Tuấn vẫn liên tục được duy trì qua các thời hiệu trưởng.

Tiếp theo, ta hãy điểm qua các gương mặt sáng tác trong giáo viên của trường. Một trong những câu bút thuộc thế hệ tiền bối của trường là thầy Nguyễn Đình Chúc, giáo viên Văn trong thời gian 1980 - 1989. Thầy Chúc có làm thơ nhưng mặt mạnh là thể loại khảo cứu và có rất nhiều công trình đoạt giải thưởng của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam. Thời còn đi dạy, thầy rất chăm lo ươm mầm cho những tài năng trẻ, nay về hưu vẫn miệt mài nghiên cứu văn hóa và là một trong nhà "Phú Yên học" của tỉnh. Cây bút tiêu biểu tiếp theo có mặt ở trường Trần Quốc Tuấn suốt 30 năm nay là thầy Đào Tấn Phần, vốn trước đây là học sinh cũ của trường, bây giờ là giáo viên dạy Sử. Thơ của thầy Phần được đăng trên nhiều báo trung ương và địa phương, được chọn giới thiệu trong tập Những gương mặt thơ trẻ Việt Nam và nhiều tuyển tập thơ văn khác. Thơ Đào Tấn Phần có phong cách phóng khoáng, ít theo lối mòn và có nhiều tứ thơ độc đáo. Gương mặt thứ ba rất quen thuộc trong làng văn nghệ Phú Yên là thầy Phạm Ngọc Hiền, dạy Văn tại trường trong thời gian 1994 - 2007. Thầy Hiền có khoảng 200 bài đăng báo thuộc nhiều thể loại: nghiên cứu, phê bình, thơ văn... Có tập phê bình Những nẻo đường văn chương đoạt giải thưởng của Liên hiệp các Hội VHNT toàn quốc năm 2007. Hiện nay, Tiến sĩ Hiền là giảng viên khoa Ngữ văn trường Đại học Văn Hiến và có trang web riêng là phamngochien.com.

Những năm gần đây, giáo viên trường Trần Quốc Tuấn xuất hiện thêm hai cây bút gây sự chú ý của giới văn nghệ tỉnh nhà là thầy Nguyễn Văn Giác - bút danh Ma Joan và thầy Nguyễn Phi Hùng - bút danh Phùng Hi. Cả hai đều có lối viết rất ấn tượng, có nhiều tác phẩm đăng trên các báo trung ương và địa phương và đều được kết nạp vào Hội VHNT Phú Yên cùng một đợt. Thầy Giác là giáo viên Sử, thường viết hai thể loại thơ và phê bình, có tác phẩm đoạt giải Nhì cuộc thi thơ Phú Yên năm 2009. Hiện nay, thầy Giác đang học Cao học và vẫn sáng tác rất sung sức. Thầy Nguyễn Phi Hùng là giáo viên Toán, chuyên viết truyện ngắn và ký sự, thường viết về đề tài giáo dục và có nhiều bài gây sự chú ý của dư luận.  

Trường Trần Quốc Tuấn còn có rất nhiều giáo viên khác tham gia sáng tác văn học, viết báo. Như thầy Hoàng Nam Bằng, giáo viên dạy Văn tại trường trong thời gian 1984 - 1991, hiện nay công tác tại báo Quảng Trị. Cô Hoàng Thị Sơn, giáo viên Văn trong thời gian 1986 - 1996 có nhiều bài thơ, truyện ngắn đăng trên các báo tỉnh. Thầy Đào Văn Chánh, giáo viên Toán, thường viết các bài báo về đề tài giáo dục. Thầy Phạm Huy Văn, giáo viên tiếng Anh, có nhiều bài báo về phong trào thanh niên trường học... Và ngoài ra còn có nhiều thầy cô giáo khác cũng tham gia sáng tác văn học như: Phạm Hồng Thái, Công Văn Vinh, Nguyễn Khiêm, Lê Hoàng Hoa, Lê Xuân Ngọc, Lã Thị Bích Thủy, Nguyễn Lý, Lê Quang Tuyền, Trần Văn Sung, Nguyễn Hữu Tú...

Cựu học sinh của trường Trần Quốc Tuấn có rất nhiều người sáng tác văn chương nhưng hiện nay sống và công tác ở nhiều vùng miền khác nhau nên khó thống kê đầy đủ được. Gương mặt được mọi người biết đến nhiều nhất là nhà thơ Huỳnh Văn Quốc, hiện là biên tập viên tạp chí Văn nghệ Phú Yên. Anh có tác phẩm đoạt giải thưởng báo Tiền Phong, NXB Kim Đồng... và là một trong những gương mặt văn học tiêu biểu của tỉnh. Thạc sĩ Đào Nhật Kim chuyên viết khảo cứu lịch sử và cũng có làm thơ. Luật sư Nguyễn Thái Học, từng là học sinh giỏi Văn cấp Quốc gia, nay bận rộn với vai trò Bí thư huyện ủy Sông Hinh nhưng cũng rất quan tâm tới các hoạt động văn nghệ. Thế hệ trẻ hơn có Cao Vĩ Nhánh, đang là chủ nhiệm CLB sáng tác trẻ Phú Yên. Đặc biệt, phải kể đến các nhà báo chuyên nghiệp như: Tấn Lộc, Hoàng Thư, Ngọc Cẩm, Nguyên Khang, Nguyễn Văn Hiếu... ở Phú Yên và Lê Minh Cường, Nguyễn Đức Tính, Bùi Văn Tuấn, Lê Quyết Thắng... ở TP. Hồ Chí Minh... Thế hệ cựu học sinh gần đây có thêm nhiều cây bút trẻ thường xuyên xuất hiện trên các báo trong và ngoài tỉnh như: Phạm Thị Tưởng, Bùi Thị Diện, Tô Thị Ngọc Hân, Nguyễn Kim Tuyền, Châu Thị Phương Diệu, Nguyễn Thị Thanh Lý, Đặng Tường Vi, Nguyễn Thị Hoài Yên...Và còn có rất nhiều cây bút khác trưởng thành từ trường Trần Quốc Tuấn, hiện đang làm nhiều nghề khác nhau nhưng vẫn giữ được nguồn cảm hứng sáng tác thơ văn.

Trên đây, ta đã điểm qua một số gương mặt sáng tác thơ văn tiêu biểu. Ngoài ra, không thể không nói đến các hoạt động phong trào mang tính văn chương đã diễn ra tại trường Trần Quốc Tuấn. Các thế hệ lãnh đạo của Trường rất quan tâm tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ như: hội diễn văn nghệ, thi học sinh thanh lịch, thi tìm hiểu truyền thống, thi hùng biện, thi báo tường, viết tập san... Các cuộc thi sáng tác văn học được tổ chức thường xuyên, qua đó phát hiện nhiều tài năng trẻ. Câu lạc bộ Văn học cùng với câu lạc bộ Mỹ thuật ra đời năm 1995 và tổ chức được nhiều buổi sinh hoạt thu hút được nhiều học sinh tham gia. Các bài viết của giáo viên và học sinh cùng với các thông tin hoạt động của trường được giới thiệu thường xuyên trên các báo: Phú Yên, tạp chí Văn nghệ Phú Yên, đài phát thanh - truyền hình tỉnh, bản tin Nhịp sống học đường và trên rất nhiều tờ báo trung ương như Văn nghệ, Thanh niên, Tuổi trẻ, Áo trắng, Giáo dục và thời đại, Văn học và tuổi trẻ, tạp chí Giáo dục, tạp chí Văn học v.v... Một trong những hoạt động quan trọng là tổ chức thành công đêm thơ nhạc Hương xuân năm 2002, có lãnh đạo Hội VHNT tỉnh, sở Giáo dục đào tạo về dự và được đưa tin trên đài phát thanh, truyền hình... Có thể xem đây là đêm thơ đầu tiên của huyện Phú Hòa. Trường Trần Quốc Tuấn cho ra nhiều loại tập san nhưng đáng chú nhất là tập san Ước mơ xanh, ra số đầu tiên năm 1997 và duy trì đều đặn từ đó đến nay, mỗi năm ra từ một đến hai số... Một trong những người có nhiều công lao trong việc tổ chức các hoạt động trên là thầy Phạm Ngọc Hiền, nguyên Bí thư đoàn trường, Tổ trưởng tổ Văn. Và sau này là thầy Phạm Huy Văn, nguyên Bí thư đoàn trường, nay là Hiệu phó nhà trường và cô Lê Thị Phi Loan, tổ trưởng tổ Văn... Ngoài ra, còn phải kể đến công lao của nhiều thầy cô là cán bộ quản lý của trường các thế hệ đã có công thúc đẩy phong trào văn nghệ như: thầy Lê Nhị, Lê Thanh Hần, Nguyễn Hữu Phước, Nguyễn Văn Hợp, Hoàng Ngọc Sơn, Trương Thanh Long, Lâm Thị Hương, Trương Hải Tâm, Lê Văn Nho, Nguyễn Thị Thanh Tuyền...

Bài viết này chắc hẳn chưa đề cập đầy đủ những gương mặt văn chương và các hoạt động phong trào thơ văn của trường Trần Quốc Tuấn suốt 30 năm qua. Nhưng cũng cho thấy được phần nào những thành tựu đáng tự hào của một ngôi trường phổ thông nông thôn. Có thể nói, hoạt động sáng tác thơ văn đã trở thành một truyền thống bền vững và là một "đặc sản" của trường Trần Quốc Tuấn.

       NGỌC HÒA

 

 

Nhà văn Đào Minh Hiệp - Chủ tịch Hội VHNT Phú Yên trao phần thưởng

cho các HS đoạt giải thơ văn

 

Tập san Ước mơ xanh, số đầu tiên, 1997,

bìa sách do Phạm Ngọc Hiền vẽ

 

 

 


Phamngochien.com - 21:45 - 25/03/2010 - Bài của Phạm Ngọc Hiền          

Gửi bình luận