Phan Hoàng- từ "Bước gió truyền kỳ" đến 'Ngọn gió vô danh'

Bên cạnh đa số  các nhà thơ trẻ sa đà vào "cái tôi" lằng nhằng tình yêu, tình dục thì cũng có những nhà thơ biết tự khám phá tâm hồn mình, dân tộc mình bằng lối đi riêng vừa quen thuộc vừa lạ lẫm.

Nhân kỷ niệm 35 năm ngày đất nước thống nhất, một đoàn văn nghệ sĩ gần 30 người của TP.HCM đã lên đường tham gia trại sáng tác xuyên Việt "Tiếp bước truyền thống- xây dựng tương lai", từ ngày 15.4 đến 25.4, do Thành Đoàn lần đầu tiên tổ chức, với sự bảo trợ của Saigontourist. Đông đảo nhất là lực lượng nhạc sĩ, ca sĩ như Nguyễn Ngọc Thiện, Phan Long, Nguyễn Văn Hiên, Phạm Đăng Khương, Nguyễn Thập Nhất, Lê Quốc Dũng, Phan Thị Thanh Bình, Xuân Nghĩa, Viết Duy,... kế đến là nhà văn, nhà báo và nghệ sĩ nhiếp ảnh. Trong số đó có hai nhà thơ tiêu biểu trưởng thành sau năm 1975 là Phạm Sĩ Sáu và Phan Hoàng.

Nếu như Phạm Sĩ Sáu xuất thân từ người lính tình nguyện ở chiến trường Campuchia và trở thành nhà thơ quân đội tiêu biểu nhất của thế hệ mình, thì Phan Hoàng lại bước ra từ phong trào thơ sinh viên và đã sớm khẳng định một giọng điệu thơ riêng trẻ trung trí tuệ. Trên bước đường thơ của mình, Phan Hoàng luôn hướng về chiều thẳm sâu của nguồn cội, của văn hoá Việt, đặc biệt là hành trình mở cõi và giữ nước của cha ông. Từ năm 2004, bài thơ "Bước gió truyền kỳ" của Phan Hoàng thể hiện hình ảnh sống động khẩn hoang mở đất bằng mồ hôi, máu và danh dự của tổ tiên, đã được trao giải thưởng của tạp chí Văn nghệ Quân Đội:

"bước gió dịu dàng kiệu hoa Huyền Trân

tay gạt nước mắt tay cầm nhan sắc

không tướng không quân

xông pha đắp bồi hình hài đất nước

 

bước gió vó ngựa uy phong Lê Thánh Tôn

lưng kiếm túi thơ

rừng nghinh biển đón

phất cờ mở rộng biên cương tổ quốc"

"Bước gió truyền kỳ" đầy hào sảng cũng đã nhanh chóng chiếm được cảm tình của nhiều người yêu thơ, được chọn mở đầu cho chương trình Thơ trẻ "Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long" trong Ngày Thơ Việt Nam tại TP.HCM lần thứ 8 năm 2010.

Và lần này, trong chuyến xuyên Việt đến với những vùng đất lịch sử một thời hào hùng và bi thương với những cái tên nổi tiếng như căn cứ Chu Lai, sông Bến Hải, thành cổ Quảng Trị, Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn, cầu Hàm Rồng,... anh cũng đã xúc động ghi lại bằng những câu thơ sâu lắng trong bài "Những ngọn gió vô danh" thật ám ảnh: "người từ ngàn năm người không tên tuổi/ bỗng gió theo về bỗng gió bay đi".

Xin giới thiệu đến bạn đọc hai bài thơ ở hai thời điểm khác nhau của Phan Hoàng. Qua đó cũng để thấy rằng, bên cạnh đa số  các nhà thơ trẻ sa đà vào "cái tôi" lằng nhằng tình yêu, tình dục thì cũng có những nhà thơ biết tự khám phá tâm hồn mình, dân tộc mình bằng lối đi riêng vừa quen thuộc vừa lạ lẫm.

 

Bước gió truyền kỳ

 

thức dậy trong ta bước chân huyền thoại

thức dậy trong ta ngọn gió trăng rằm

thức dậy trong ta nỗi buồn cổ tích

thức dậy trong ta ước mơ in bóng cha ông

 

ước mơ bao dung tình sông

ước mơ hiên ngang dáng núi

ước mơ ủ mầm khí thiêng

bật từ đất đai ngàn xưa trấn biên

âm vang bước gió truyền kỳ

lớp lớp người người

tay kiếm tay cờ

lớp lớp người người

mắt chớp lửa mặt trời phương nam

lẹ hơn sóc

mạnh hơn hổ báo

nhanh hơn tiếng hú rừng hoang

lẫm liệt lao mình

                              máu

                              máu

                              máu

                            mở cõi

                              máu

                              máu

                              máu

                         giữ...... nước

 

ước mơ ủ mầm hạt lúa ca dao

bật từ đất đai ngàn xưa trấn biên

âm vang bước gió truyền kỳ

lớp lớp người người

tay cuốc tay cày

lớp lớp người người

mắt xua mây xám biển Đông

lưng bóng nắng

mồ hôi lạnh

ngực dằn từng cơn ho cơn sốt gió bấc gió nam cồ

chân ngăn từng dòng nước khách nước lũ

                   vật vã

                  kiên trì

                   tự lực

               khẩn hoang

ơi lớp lớp người người

hiên ngang đôi cánh ước mơ chim Việt

đôi cánh Lạc Long Quân

đôi cánh Âu Cơ

bay từ đất thiêng trung thành voi phục Phong Châu

bay từ khí thiêng oai hùng rồng lượn Thăng Long

 

ơi lớp lớp người người

hiên ngang đôi cánh ước mơ chim Việt

đôi cánh ngàn năm

ước mơ ngàn năm

âm vang bước gió truyền kỳ

 

bước gió dịu dàng kiệu hoa Huyền Trân

tay gạt nước mắt tay cầm nhan sắc

không tướng không quân

xông pha đắp bồi hình hài đất nước

 

bước gió vó ngựa uy phong Lê Thánh Tôn

lưng kiếm túi thơ

rừng nghinh biển đón

phất cờ mở rộng biên cương tổ quốc

 

bước gió Nguyễn Hoàng

bước gió Lương Văn Chánh

bước gió Nguyễn Hữu Cảnh

bước gió những đoàn quân vô danh

bước gió những lưu dân vô danh

bước gió những thi sĩ vô danh

bước gió những mỹ nữ vô danh

nhập hồn xóm làng

nhập hồn sông suối

nhập hồn núi rừng

nhập hồn đại dương

nhập hồn lịch sử

 

ơi lớp lớp người

hiên ngang đôi cánh ước mơ chim Việt

 

 

Những ngọn gió vô danh

 

người ơi từ đâu theo gió bay đi

hồn thiêng từ đâu bay về cùng gió

 

đêm đêm bỗng nghe bóng cây ngọn cỏ

tiếng ai trong gió lạnh rơi thì thầm

 

đêm đêm bỗng nghe rừng xanh thành cổ

bước ai trong gió đi về bềnh bồng

 

người mới con trai người vừa con gái

mơ ước căng tràn ngực gió thanh xuân

 

người lên đầu non người đi cuối bể

xác bỗng mây bay hồn về đất mẹ

 

người từ ngàn năm người không tên tuổi

bỗng gió theo về bỗng gió bay đi

 

Bình Thanh

Theo Vietnam.net, cập nhật lúc 21:21, Thứ Năm, 22/04/2010


Phamngochien.com - 13:07 - 23/04/2010 - Bài của văn nghệ sĩ          

Gửi bình luận