Phạm Ngọc Hiền trả lời phỏng vấn báo Văn nghệ trẻ về văn học Việt Nam 2010

        Năm 2010 là năm bản lề giữa hai thập kỷ, một năm sôi động trong mọi lĩnh vực, trong đó có văn chương. Điểm qua bức tranh văn chương Việt Nam 2010, ta thấy có những điểm đáng chú ý sau: (...) VNT đã có cuộc trao đổi nhanh với TS văn học Phạm Ngọc Hiền - Đại học Sài Gòn - người đã theo dõi rất sát diễn biến tình hình văn học Việt Nam vừa qua.


      - PV: Năm 2010 là năm được mùa của văn học Việt Nam, là người nghiên cứu và giảng dạy văn học, ông có đồng quan điểm như vậy không, thưa ông ?

        Về tổ chức văn học, sự kiện lớn nhất năm nay đại hội Hội nhà văn Việt Nam lần thứ VIII. Đại hội diễn ra vào ngày 5 và 6 / 8 / 2010 nhưng trước đó nửa năm, báo chí và các trang web / blog đã bắt đầu xôn xao. Hơn 600 hội viên trong cả nước đã về dự, nhộn nhịp, đông vui nhưng cũng phức tạp, muôn vẻ. Đại hội đã bầu ra BCH gồm 15 người, nhà thơ Hữu Thỉnh tái đắc cử ghế Chủ tịch Hội nhà văn khóa VIII (nhiệm kỳ 2010 - 2015). Ba Phó Chủ tịch là nhà văn Nguyễn Trí Huân (kiêm Tổng biên tập Tuần báo Văn nghệ), nhà thơ Nguyễn Quang Thiều và Nhà lý luận phê bình Lê Quang Trang. Trước đó, ngày 22 và 23 / 6 / 2010, diễn ra đại hội Hội nhà văn TP. HCM. Tuy không nhộn nhịp bằng nhưng được dư luận khen là dân chủ, cởi mở. Đại đa số các ủy viên BCH khóa VI (nhiệm kỳ 2010 - 2015) đều không nằm trong danh sách do BCH cũ đề cử mà được đề xuất và bình bầu ngay tại đại hội. Nhà văn Lê Quang Trang từ Hà Nội mới vào TP.HCM sinh sống vài ba năm đã được bầu vào chức Chủ tịch Hội nhà văn TP.HCM.  

       Năm 2010 diễn ra nhiều cuộc Hội thảo văn học nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Tiêu biểu ở phía Bắc có hội thảo "Một ngàn năm văn học Thăng Long - Hà Nội" do Viện Văn học tổ chức ngày 22 / 9. Phía Nam có Hội thảo "Văn học Phật giáo với 1000 năm Thăng Long - Hà Nội" do Hội Nghiên cứu và Giảng dạy văn học TP. HCM phối hợp với Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. HCM tổ chức ngày 28 / 08. Năm nay, cũng có nhiều cuộc Hội thảo lớn về các nhà văn: Lev Tolstoi, Cao Bá Quát, Nam Trân, Tố Hữu, Chế Lan Viên, Lê Anh Xuân, Nguyễn Thi... Ở mảng Lý luận, phê bình, có hai hội thảo đáng chú ý là Hội thảo "Văn học, nghệ thuật phản ánh hiện thực đất nước hôm nay" của Hội đồng Lý luận phê bình VHNT TƯ tổ chức ngày 12 / 7 tại Đà Lạt. Và hội thảo với chủ đề "Phê bình văn học, nghệ thuật trên các phương tiện thông tin truyền thông - Thực trạng và giải pháp" của Hội đồng Lý luận phê bình VHNT TP. HCM tổ chức ngày 28 / 12...

        Bên cạnh đó, còn có nhiều hội thảo giao lưu văn học nước ngoài, lớn nhất là Hội nghị Quốc tế Giới thiệu văn học Việt Nam lần thứ II khai mạc tại Hà Nội ngày 5 / 1. Cuộc hội thảo thu hút được sự tham gia của khoảng 300 đại biểu, trong đó có 108 đại biểu đến từ 31 quốc gia, cho thấy sự quan tâm của thế giới đối với văn học Việt Nam. Tuy nhiên, phía Việt Nam vẫn chưa tìm ra một cơ chế thích hợp quảng bá ra nước ngoài. Để thức đẩy mối quan hệ Việt - Mỹ, đầu tháng 6 tại Hà Nội diễn ra nhiều hoạt động giao lưu giữa các nhà văn Mỹ và Việt Nam. Chương trình do khoa Sáng tác - Lý luận - Phê bình văn học (ĐH Văn Hóa Hà Nội) và Trung tâm William Joiner (ĐH Massachusetts, Mỹ) tổ chức. Ngày 5 / 11, tại Đại học Hà Nội, diễn ra Hội thảo khoa học về tiếng Đức và Văn hóa - Văn học Đức. Ở miền Trung, có cuộc Hội thảo Văn học Lào nhân dịp kỷ niệm 35 năm Quốc khánh Lào, diễn ra ngày 27 / 11 tại ĐHSP Đà Nẵng. Ở phía Nam, đáng chú ý có cuộc hội thảo "Quá trình hiện đại hóa văn học Nhật Bản và các nước khu vực văn hóa chữ Hán: Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc (từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX)" được tổ chức ngày 18 và 19 / 3 tại trường ĐH KHXH & NV TP. HCM. Cuộc hội thảo có quy mô lớn, quy tụ được rất nhiều nhà nghiên cứu, giảng viên trong và ngoài nước. Nhìn chung, trong năm 2010, Việt Nam được mùa Hội thảo văn học.

       - Vậy còn những giải thưởng, năm 2010 tôi nghĩ Hội nhà văn Việt Nam cũng gặt hái được không ít thành tựu văn học được thế giới và người yêu văn học trong nước ghi nhận ?

        Một trong những giải thưởng văn học lớn được mọi người trông đợi từ bốn năm nay là Giải thưởng cuộc thi tiểu thuyết lần thứ III của Hội nhà văn Việt Nam. Tháng 12 / 2010, Ban Giám khảo công bố 14 tác phẩm đoạt giải, tiểu thuyết Hội thề của Nguyễn Quang Thân đoạt giải Nhất. Giải Nhì thuộc về Hữu Phương, Nguyễn Quang Hà, Nguyễn Văn Thọ. Không có nhà văn trẻ nào đoạt giải cuộc thi. Giải thưởng thường niên của Hội nhà văn Việt Nam năm nay trao cho tập truyện ngắn Dị Hương của Sương Nguyệt Minh,  Chiếc vé vào cổng thiên đường xanh (tập truyện ngắn dành cho thiếu nhi) của Quế Hương, tiểu thuyết dịch Triệu phú ổ chuột của dịch giả Nguyễn Bích Lan... Giải thưởng Hội nhà văn Hà Nội năm nay trao cho một nhà soạn kịch đã mất: Lưu Quang Vũ với Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi. Ngoài ra, còn có tập thơ Cởi gió của Nguyễn Phan Quế Mai và tiểu thuyết Nhân gian của Thùy Dương. Ở phía Nam, đáng chú ý nhất là Cuộc thi Văn học tuổi 20 lần IV. Lần đầu tiên, một cây bút nam đoạt giải Nhất cuộc thi là Trương Anh Quốc với tiểu thuyết "Biển", lấy chất liệu từ những chuyến viễn du của chàng thủy thủ này. Giải Nhì: Võ Diệu Thanh, giải Ba: Hải Miên, Mai Anh Tuấn và năm giải Tư. Người ta hồi hộp trông đợi trong chín cây bút trẻ này ai sẽ vươn xa hơn trong tương lai. Ngoài ra, trong năm 2010 còn có nhiều cuộc thi và giải thưởng văn học khác như: Giải thưởng VHNT năm 2010 của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Giải thưởng thơ lục bát Ngàn năm thương nhớ của Hội Nhà văn Việt Nam, Cuộc thi viết tiểu thuyết và ký (2007 - 2010) của Bộ Công an và Hội nhà văn Việt Nam, Cuộc thi "Thơ về Hà Nội 2008 - 2010" của Tuần báo Văn nghệ phối hợp với Đài PTTH Hà Nội, Giải văn chương Bách Việt và nhiều giải thưởng khác...

        Năm nay, Việt Nam cũng có nhiều tác phẩm đoạt giải nước ngoài. Đầu tiên phải kể đến giải thưởng văn học Asean 2010 được trao cho tác phẩm Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ của Nguyễn Nhật Ánh. Đây là một bằng chứng cho thấy sự lên ngôi của dòng văn học dành cho tuổi mới lớn. Giải thưởng văn học sông Mê Kông thường niên của Hội nhà văn ba nước Việt Nam, Lào và Cam-pu-chia trao cho tiểu thuyết "Một ngày là mười năm" của Phạm Quang Đẩu. Nhà thơ Nguyễn Duy, một trong những gương mặt tiêu biểu của nền thơ hiện đại Việt Nam được Viện Hàn lâm Rumania chọn trao giải. Ông là nhà thơ nước ngoài duy nhất được chọn trao giải thưởng thường niên của Viện năm nay. Dự án Hỗ trợ văn học thiếu nhi Việt Nam - Đan Mạch do Hội Nhà văn Đan Mạch, Hội Nhà văn Hà Nội và NXB Kim Đồng phối hợp tổ chức đã khép lại với lễ trao giải Cuộc vận động sáng tác văn học dành cho thiếu nhi mang chủ đề "Đối thoại với thiên nhiên". Một trong những sự kiện lớn gây sự chú ý của đông đảo công chúng là nữ sinh Hồ Thị Hiếu Hiền (Đà Nẵng) đã giành giải Nhất cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 39. Đây là lần đầu tiên Việt Nam có tác phẩm đoạt giải Nhất cuộc thi này.

       Phong trào văn chương trẻ vẫn giữ được không khí sôi động, hào hứng và có phần khởi sắc bởi sự nhập cuộc của hàng loạt cây bút sinh năm 1985 - 1989. Một hiện tượng thơ trẻ gây chú ý dư luận là Nguyễn Phan Quế Mai giành một lúc hai giải thưởng thơ của Hội Nhà văn Hà Nội và của báo Văn nghệ phối hợp với Đài PTTH Hà Nội. Một số cây bút thơ gây chú ý dư luận là: Lê Anh Hoài, Tuệ Nguyên, Đồng Chuông Tử, Lê Vĩnh Tài, Lưu Mêlan... Có người cho rằng trong văn học trẻ 2010, văn xuôi có vẻ lấn át thơ. Hàng loạt cây bút văn xuôi xông xáo trên văn đàn như Lê Anh Hoài, Nguyễn Ngọc Tư, Dương Thuỵ, Nguyễn Đình Tú, Dương Bình Nguyên, Trương Anh Quốc, Thủy Ana, Di Li... Theo ghi nhận của các NXB, sách bán chạy nhất là tác phẩm của các tác giả trẻ hoặc viết cho giới trẻ. Giải thưởng sách hay Việt Nam 2010 trao bảy giải vàng, trong đó có hai sách văn học thì cả hai đều dành cho trẻ: Tuyển tập truyện ngắn hay Việt Nam dành cho thiếu nhi (5 tập), Nhà văn của em (5 cuốn). Theo thống kê của Vinabook.com, những cuốn sách ăn khách nhất là: Nhật ký son môi, Cho em gần anh thêm chút nữa (của Gào - Vũ Phương Thanh), Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, Chuyện cổ tích dành cho người lớn (Nguyễn Nhật Ánh), Nhắm mắt thấy Paris (Dương Thụy)... Nhìn chung, văn học tuổi teen lên ngôi, không những hấp dẫn với tuổi "trăng non" mà cũng chinh phục cả tuổi "chạng vạng". Các tổ chức văn học cũng quan tâm chú ý phát hiện bồi dưỡng tài năng trẻ. Báo Tuổi trẻ và NXB Trẻ tổ chức cuộc thi Văn học tuổi 20, Hội Nhà văn TP. HCM đã lập thêm Giải thưởng Nhà văn trẻ. Hội Nhà văn Đan Mạch lập dự án Hỗ trợ văn học thiếu nhi Việt Nam. Tạp chí Sông Hương tổ chức cuộc thi truyện ngắn dành cho sinh viên....

       - Theo đà phát triển của công nghệ thông tin, năm 2010, văn chương mạng cũng phát triển hơn năm trước. Nhiều web / blog văn chương ra đời, trong đó có trang web Nhavantphcm.com.vn do Phan Hoàng phụ trách được đánh giá như một nỗ lực khẳng định quyết tâm hiện đại hóa tổ chức Hội Nhà văn TP.HCM ?

         Theo đà phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin, năm 2010, văn chương mạng cũng phát triển hơn năm trước. Nhiều web / blog  văn chương ra đời, trong đó có trang web Nhavantphcm.com.vn do Phan Hoàng phụ trách như một nỗ lực khẳng định quyết tâm hiện đại hóa tổ chức Hội Nhà văn TP. HCM. Văn chương mạng là một sân chơi bình đẳng, tự do, là mảnh đất tốt cho tất cả mọi tài năng văn chương bộc lộ. Giới báo chí sục sạo trong các web / blog để tìm kiếm các thông tin nóng hổi. Giới kinh doanh sách cũng tìm kiếm trong các web / blog những gương mặt văn chương sáng giá và theo dõi dư luận xã hội về các ấn phẩm của mình. Nói chung, đó là một thị trường ảo nhưng đầy sôi động.  

         Năm nay, cũng có vài sự kiện văn học gây xôn xao dư luận. Như cuốn Thơ đến từ đâu ? do NXB Lao động in cuối năm 2009, phát hành đầu năm 2010. Sách ghi lại cuộc phỏng vấn của Nguyễn Đức Tùng với 25 nhà thơ trong nước lẫn hải ngoại, gây nhiều bàn cãi. Vụ tiểu thuyết A Toujours Ma Concubine (NXB L'Harmatan - Pháp) của Trần Thị Hảo có quá nhiều nội dung giống với Chuyện tình viên phó sứ (NXB Phụ nữ) của Nguyễn Thị Mỹ Dung. Người ta nghi rằng cuốn Chuyện tình viên phó sứ đã được dịch sang tiếng Pháp mà không có sự đồng ý của tác giả. Thứ ba là cuộc cãi cọ xung quanh việc trao giải Nhất cho tác phẩm Trăng nghẹn của Hoài Tường Phong (Cần Thơ) trong Cuộc thi thơ Đồng bằng sông Cửu Long... Ngoài ra, cũng có nhiều cuốn sách không gây tranh cãi nhưng gây tò mò. Như việc Vi Thùy Linh ra tập thơ thứ 5 "Phim đôi - Tình tự chậm" (NXB Thanh niên) với nhiều cái mới lạ: khổ 20x28cm, có tám họa sĩ minh họa, trình bày ấn tượng và giá bìa cũng đắt khủng khiếp: 300.000 đồng / tập. Nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, nhà văn lão thành Hoàng Quốc Hải cho mắt bộ tiểu thuyết lịch sử Tám triều vua Lý và Bão táp triều Trần. Nét đáng chú ý là, ông viết bộ sách đồ sộ 6442 trang này trong suốt 30 năm, nghĩa là bắt đầu viết lúc trung niên và ra mắt khi về già (9 / 2010)...

       Năm 2010, mặc dù không khí văn chương có sôi động nhưng không có những hiện tượng lớn gây chú ý của toàn xã hội như Nhật ký Đặng Thùy Trâm hoặc Cánh đồng bất tận... Trong các sự kiện văn hóa nghệ thuật lớn, không có mặt lĩnh vực văn chương. Dân yêu văn chương bằng lòng với sân chơi yên ả, không có những hình ảnh lớn, cá tính bất thường, những tiếng la to khiến người đi đường chú ý. Nhưng trong nội bộ của nó vẫn chứa đựng sự vận động lớn lao, sự ganh đua gay gắt để bừng nở vào những mùa sau.

      - Xin cám ơn ông về những ý kiến trao đổi thẳn thắn ngày hôm nay. Hy vọng rằng bước sang một năm mới 2011, văn học Việt Nam sẽ có thêm những thành tựu mới.




Phamngochien.com - 15:41 - 30/01/2011 - Bài của Phạm Ngọc Hiền          

Gửi bình luận