Phạm Ngọc Hiền trả lời phỏng vấn báo chí về hoạt động nhà văn trẻ TP.HCM

Nhà văn trẻ thành phố nghĩ gì, nói gì?

NVTPHCM- Vào hai ngày 28 và 29.5.2011, Hội nghị Những người viết văn trẻ TP Hồ Chí Minh lần thứ 3 sẽ được tổ chức tại Bến Nhà Rồng và Cần Giờ. Nhân dịp này, trang Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh mở cuộc thăm dò ý kiến và đối thoại trực tiếp với các nhà văn trẻ về những vấn đề mà bản thân họ và dư luận quan tâm đối với đời sống văn học hiện nay...

Có nên tổ chức hội nghị nhà văn trẻ?

Đây là vấn đề mà gần đây báo chí đặt ra khi các Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh, Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Nhà văn Hà Nội đang tiến hành chuẩn bị cho hội nghị những người viết văn trẻ trong phạm vi của Hội mình. Thái độ của các nhà văn trẻ TP Hồ Chí Minh trước vấn đề này ra sao?

- Nhà văn Nguyễn Thu Phương: Tôi nghĩ những hội nghị như thế này mang tính chất "nhắc nhở", nhắc rằng giữa bộn bề công việc của các nghề tay trái để kiếm sống, những nhà văn trẻ đang trong lứa tuổi sung sức tìm tòi và thể hiện rất cần có được cơ hội để gặp gỡ, trao đổi với nhau về công việc viết lách cũng như những bức xúc, những tâm nguyện gởi gắm trong tác phẩm của mình. Tôi cũng thường không kỳ vọng sẽ có đổi mới gì nhiều cho chính mình sau hội nghị, nhưng sự gần gũi, kết nối liên hệ với bạn bè cùng nghề viết đồng trang lứa, đồng thế hệ, được thấy mình không đơn độc trong hành trình dài dằng dặc khiến tôi yên tâm, vững vàng bước tiếp. Chính vì vậy tôi thích kiểu gặp gỡ nghiêng về phần hội hơn là phần lễ, bên cạnh những phần chương trình nghiêm túc, bàn luận các vấn đề thời sự nóng hổi trong nghề... nên dành nhiều thời gian để các nhà văn trẻ giao lưu, tìm hiểu thêm về tác phẩm của nhau. 

- Nhà thơ Phan Trung Thành: Cách nay 10 năm, hội nghị lần thứ nhất tập hợp khoảng 40 cây bút trẻ của thành phố, bao gồm thơ và văn, mỗi người chỉ in được một vài đầu sách, đa số là làm việc trong các toà soạn báo chí hoặc các nhà xuất bản. Dạo đó phương tiện liên lạc còn khó khăn, lại sinh sống trong một thành phố lớn nên có dịp gặp nhau như thế chúng tôi rất vui. Rất nhiều tham luận được gửi đến hội nghị, chứng tỏ anh em cầm bút trẻ cũng mong muốn xây dựng, đóng góp và sức mình vào dòng chảy văn chương thành phố và cả nước, nhiều gương mặt nổi lên sau đó không lâu như Nguyễn Ngọc Thuần, Nguyễn Danh Lam, Trần Nhã Thuỵ, Tiến Đạt... Đến nay, lực lượng ấy vẫn sung sức và có tác phẩm để lại dấu ấn, họ vừa lao động mưu sinh hằng ngày vừa cặm cụi viết lách như là niềm đam mê không ngừng không nghỉ. Có người trong khoảng thời gian mười năm ấy đã in đến 5-7 đầu sách. Công việc sáng tác là âm thầm lặng lẽ, hội nghị là dịp để gặp gỡ, trao đổi thêm nên cũng rất cần.

- Nhà thơ Đinh Thu Hiền: Rất nên tổ chức hội nghị nhà văn trẻ, nhưng tổ chức như thế nào để mang đủ cả chất hội và chất nghị, thì cần nhiều tâm sức của những người tổ chức và thực hiện. Tâm thế của tôi nếu được mời khi đến dự chỉ gói gọn một từ: "hào hứng". Để tổ chức bất cứ sự kiện nào cho thành công theo đúng nghĩa, tươi vui, rất cần những người làm event chuyên nghiệp. Nhiều cây viết trẻ hiện nay đang làm những công việc đó, nên để họ thể hiện. Nếu có kinh phí, có thể thuê một công ty tổ chức sự kiện. Có khi họ lấy giá rất rẻ, để ủng hộ là chính, và cũng là cách làm PR cho thương hiệu của họ.

- Nhà thơ Trần Hoàng Nhân: Dùng hai từ "hội nghị" hơi to. Vì phần hội thì đã rõ, nếu "hội" hứa hẹn vui thì tổ chức, không vui thì thôi. Còn "nghị" sẽ "nghị" cái gì? Có vấn đề gì để "nói với nhau" trong phần "nghị" không? Theo như ban tổ chức đặt câu hỏi với người viết trẻ: "Bạn nghĩ gì về nghề văn trong đời sống kinh tế thị trường hiện nay? Bạn thấy tư duy kinh tế thị trường có ảnh hưởng đến sáng tác văn học?" - cũng có thể dùng để bàn luận trong hội nghị sắp tới.

Theo tôi, văn chương ngoài trang viết mang tính cá nhân thì người viết cũng nên biết mặt, bắt tay nhau vì "chữ tình". Người viết cùng thế hệ mà không biết mặt nhau hoặc không "nhìn mặt nhau", có vẻ không ổn lắm.

- Nhà thơ Nguyệt Phạm: Tôi nghĩ hội nghị nhà văn trẻ là dịp để những người viết trẻ có cơ hội để tiếp xúc làm quen với nhau. Với tôi đó là khởi đầu của những bạn văn, là dịp để người ta có cơ hội biết và hiểu thêm về những tác giả lâu nay chỉ biết qua tác phẩm. Việc gặp gỡ này rất quan trọng vì nó sẽ cho người ta một không khí văn chương, và hâm nóng nhiệt huyết. Bởi vì đôi khi cuộc sống thường nhật với những mối quan hệ quá thực tế khiến người viết trở nên lười sáng tạo.

Nếu được mời tham dự tôi sẽ đến với tư cách là một người đi để lắng nghe và hiểu hơn về những suy nghĩ và xu hướng của những người viết cùng thời.

Để hội nghị tươi trẻ và sôi động tôi nghĩ đừng nên để cho các tác giả đọc tham luận dài lê thê, tôi và những người viết trẻ khác "sợ hãi" nhất những "tiết mục" này. Tôi nghĩ, ban tổ chức sau khi tiếp nhận các tham luận nên lựa chọn những bài viết ngắn gọn về những vấn đề mới lạ để cho tác giả trình bày và khuyến khích tác giả trình bày theo lối bàn luận đối thoại, không nên lên đọc một lèo rồi đi xuống. sau khi tác giả trình bày tham luận của mình thì người dẫn chương trình có thể linh động đặt câu hỏi cho những người có xu hướng trái ngược hoặc đồng quan điểm của tham luận để họ có cơ hội đối thoại với nhau.

Nên mời một vài nhà văn nhà thơ nổi tiếng và năng động tham gia những hoạt động của hội nghị.

- Nhà phê bình văn học Phạm Ngọc Hiền: Để hội nghị thu hút sự tham gia của các bạn trẻ, nên có những chương trình riêng dành cho trẻ. Nghĩa là không chỉ đọc thơ, ngâm thơ... mà còn có nhạc trẻ với những ca sĩ nổi tiếng, thời trang trẻ gây ấn tượng. Nên để cho các thi sĩ trẻ tạo ấn tượng trước công chúng theo những cách mà họ muốn. Đến với sân thơ trẻ không chỉ để nghe thơ mà còn để xem trình diễn nghệ thuật, giao lưu với những người nổi tiếng mà mình thích, để đối thoại về những vấn đề mà giới trẻ quan tâm. Để học hỏi, nâng cao trình độ và có dịp để thể hiện mình trước công chúng. Thành phần của thơ trẻ không chỉ là các nhà báo, viên chức mà cần đặc biệt chú trọng lực lượng sinh viên...

 

Nguồn: Nhà văn TP. HCM

 


Phamngochien.com - 08:02 - 17/05/2011 - Bài của Phạm Ngọc Hiền          

Gửi bình luận