Phạm Ngọc Hiền nhận xét đề thi Văn vào lớp 10 ở Sài Gòn năm 2012

KÌ THI TUYỂN SINH LỚP 10 TRUNG HỌC PHỔ THÔNG

Khóa ngày 21 tháng 06 năm 2012 tại TPHCM

Môn thi : VĂN Thời gian: 120 phút 

Câu 1: Truyện Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê được trần thuật từ nhân vật nào ? Nêu tác dụng của việc chọn ngôi kể đó (1 điểm)

Câu 2: (1 điểm)

                                    Chưa chữ viết đã vẹn tròn tiếng nói

                                    Vầng trăng cao đêm cá lặn sao mờ

                                    Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa

                                    Óng tre ngà và mềm mại như tơ

                                                                        (Tiếng Việt - Lưu Quang Vũ)

     Tìm và gọi tên thành phần biệt lập trong đoạn thơ trên. Cho biết thành phần ấy được dùng để làm gì trong đoạn thơ?

Câu 3: (3 điểm)

     Trong loạt bài trên báo Tuổi trẻ chủ nhật bàn về thế hệ gấu bông có đề cập hai hiện tượng:

     1. Một cô bé mười lăm tuổi, được mẹ chở đi đánh cầu lông. Xe hai mẹ con bị va quẹt, đồ đạc trên xe văng tung tóe. Người mẹ vội vàng gom nhặt, vài người đi đường cũng dừng lại phụ giúp còn cô bé thờ ơ đứng nhìn. Đợi mẹ nhặt xong mọi thứ, cô bé leo lên xe và thản nhiên dặn: "Lát về mẹ nhớ mua cho con li chè!".
     2. Một cậu học sinh khi được hỏi về ca sĩ nổi tiếng mà cậu hâm mộ, cậu đã trả lời rất rành mạch về cách ăn mặc, sở thích của ca sĩ đó. Nhưng khi được hỏi về nghề nghiệp, sở thích của cha mẹ cậu, cậu ta ấp úng, không trả lời được.

    Là người con trong gia đình, em hãy trình bày suy nghĩ về hai hiện tượng trên qua một bài văn ngắn (khoảng 01 trang giấy thi).

Câu 4: (5 điểm)

     Hãy chọn và phân tích một hoặc hai khổ thơ trong các bài thơ của chương trình văn học Việt Nam hiện đại lớp 9 để nêu bật vẻ đẹp con người Việt Nam.

 

TẢN MẠN VỀ ĐỀ THI VÀO LỚP 10 MÔN VĂN

CỦA SÀI GÒN NĂM 2012

Trong đề thi Văn vào lớp 10 ở Sài Gòn năm nay, dư luận chú ý nhiều đến câu nghị luận xã hội. Cách ra đề này hơi bất ngờ, hay, thiết thực và mang tính nhân bản. Nó nói lên thực trạng đáng suy ngẫm về căn bệnh vô cảm và vô trách nhiệm của nhiều người trong xã hội ngày nay. Tại sao tôi nói là "nhiều người" mà không nói là "nhiều bạn trẻ". Bởi lẽ, bệnh này không chỉ có ở thế hệ "gấu bông" mà có cả thế hệ "gấu sắt", "gấu bo bo"... Nói chung, đó là một căn bệnh đang phổ biến ở Việt Nam, Trung Quốc và một vài quốc gia khác.

Tôi đã từng tiếp xúc với nhiều học sinh phổ thông ở Sài Gòn và thường hỏi "Ba má em làm nghề gì ?". Nhiều học sinh trả lời : "Em không biết !". Tôi hơi ngạc nhiên nhưng tự nhủ, có lẽ ba má em ấy làm những "nghề không muốn nói" nên mình cũng không nên tò mò làm gì. Nhưng cũng có trường hợp học sinh là con viên chức nhà nước, có địa vị xã hội đàng hoàng nhưng cũng trả lời "Em không biết". Tôi nghĩ, hay là ba má em làm những "nhiệm vụ đặc biệt" nên mình cũng chớ tò mò làm gì. Nhưng bây giờ, đọc đề thi này, tôi mới phát hiện ra, đây là hiện tượng phổ biến trong thế hệ 9X ở các đô thị.

Tôi được nghe một câu chuyện thế này: một học sinh nam điện thoại tới cô giáo nói rằng vừa mất cuốn vở ôn thi nên xin cô gửi email giáo án của cô. Cô giáo nói sao em không mượn vở của bạn photo lại. Em nói, không biết mượn ai, em đã nói điều này với má và bị má la mắng làm em khóc tới ba ngày luôn. Nghe câu chuyện này, tôi buồn cười quá. Tại sao học chung lớp với nhau tới 3 - 4 năm mà không chơi thân với ai để mượn vở photo lại. Tại sao cái chuyện cỏn con này mà phải "mét" má. Và tại sao má la mắng chuyện lặt vặt mà lại phải khóc tới ba ngày ? Nếu học sinh này là con gái thì còn có thể lý giải rằng con gái có nhiều nước mắt, nhưng con trai đến tuổi trưởng thành mà sao khóc dai như thế. Sau này ra đời, làm nhân viên tiếp thị sản phẩm, bị khách hàng mắng mà cũng về nhà mét má và khóc ba ngày ba đêm à ? Vả lại, nếu em đó ra đường gặp một người bị xe cán chết thì có khóc được như vậy không ? Hay là thản nhiên bỏ đi giống như nhìn thấy một con cua chết ?

So sánh với đề thi chuyển cấp của Sài Gòn và Hà Nội năm nay, tôi thấy có nhiều nét khác nhau. Đề thi ở Hà Nội có hai phần và cả hai đều xoay quanh nghị luận văn học chứ không có nghị luận xã hội. Nghĩa là học văn ra đời chỉ để ngâm nga thơ phú chơi vui và vùi đầu vào quá khứ chứ không biết gì đến công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Cả hai phần đều xoay quanh hai tác phẩm: Bài thơ về tiểu đội xe không kính (nói về núi rừng Trường Sơn) và Lặng lẽ Sa Pa (nói về núi rừng Tây Bắc). Không có bài nào nói về thành phố hoặc đồng bằng làm cho người ta có cảm giác hình như đại đa số học sinh Hà Nội là người... miền núi (!). Đề thi còn yêu cầu học sinh viết một đoạn văn "làm rõ cảm giác của người chiến sĩ lái xe trên chiếc xe không kính". Cái này hơi xa lạ với các học sinh sống trong thời hòa bình. Nhưng học sinh rành cái cảm giác phóng xe máy trên đường phố nhiều hơn.

Trong khi đó, đề thi của Sài Gòn thì hiện đại hơn. Có cảnh mẹ chở con đi đánh cầu lông, cảnh ăn mặc mô đen của các ca sĩ... Ngay cả câu nghị luận văn học cũng khá thoáng, học sinh thích bài thơ nào thì bình bài thơ ấy, không có chuyện thầy thích ăn món nào bắt trò phải nhai món ấy. Nhìn chung, đề thi Văn của Sài Gòn năm nay có tính giáo dục và tính thực tiễn cao. Mong rằng kiểu ra đề thi này sẽ được nhân bản để đào tạo ra những con người nhân bản.

PHẠM NGỌC HIỀN

Thanh Huyền - (vào lúc: 20:07 - 07-08-2012)
 Hiện nay cha mẹ có điều kiện để chăm sóc con cái nhiều hơn. Chính vì lẽ đó đã vô tình tạo cho con trẻ lối sống ích kỉ, và lâu dần trở thành vô cảm . Đây không chỉ là lỗi của con trẻ mà các bậc cha mẹ,  xã hội  cũng cần nhìn nhận lại việc giáo dục kĩ năng sống cho giới trẻ !
thotho - (vào lúc: 22:06 - 06-26-2012)
tại sao không đề cập đến vai trò của người mẹ trong hoàn cảnh này ? không 1 lời nhắc nhở hay dạy dỗ con ?

Phamngochien.com - 11:03 - 23/06/2012 - Bài của Phạm Ngọc Hiền          

Gửi bình luận