Ở Sài Gòn nhớ ốc gạo miền Trung (Thu Thảo - sinh viên)

 

Có một mảnh kí ức tuổi thơ đã rất lâu rồi dường như bị rơi vào quên lãng. Đó là kí ức về mùa tháng ba, nắng gắt cả một khoảng trời, ve kêu âm ỉ những trưa inh ỏi,  vẫn thấy có ai đó như quen thân lắm, ngồi dưới gốc xoài, gốc mận, tụm năm tụ bảy, vừa vui vẻ chuyện trò vừa lấy tay mân mê những con Ốc Gạo. Từng đôi bàn tay nhanh nhẹn như những nghệ sĩ điêu luyện.

Những đứa trẻ nào sinh ra ở miền Trung mà nhất là ở các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi khắt sẽ chẳng còn xa lạ gì với món Ốc Gạo. Không biết có phải vì thân hình của nó quá bẻ bỏng so với các loại ốc khác mà người ta ưu ái gọi nó là “Ốc Gạo” hay không (bé như hạt gạo), nhưng khi nói về Ốc Gạo, người ta thường nghĩ đến những buổi trưa hè, có dăm ba người hàng xóm rủ nhau ngồi lại lễ cho kì hết rổ ốc vừa mua ngoài chợ. Ốc Gạo bán theo lon, chừng năm, bảy ngàn một lon gì đó, ăn đủ chán vị chi cũng chừng trên dưới năm chục ngàn. Đó là nói số lượng người ăn nhiều, ngồi nói chuyện trên trời dưới đất, tay thoăn thoắt lễ, đưa ruột ốc vào miệng. Có vậy, chỗ ốc kia mới có cơ hội vơi đi ít nhiều.

Ốc Gạo có rất nhiều màu sắc hoa văn. Không biết mẹ thiên nhiên đã ưu ái cho loài ốc nhiều như thế nào, nhưng trong tất cả các loại hải sản ở biển, có lẽ loài ốc chính là loài có ngoại hình bắt mắt nhất. Đối với ốc Gạo, thân hình chúng bé tí ti là thế nhưng những hoa văn trên vỏ  khiến cho chúng trở nên thật đặt biệt và thu hút đôi mắt con người. Đi chợ mùa tháng ba, thấy người bán ốc mời mọc, bên cạnh rổ ốc đầy đặn lấp lánh sắc màu của những hoa văn, cộng thêm mùi của ớt, của sả thơm nức mũi, quay đi không mua sao cho đành. Thế là thể nào chẳng rút trong túi ra dăm đồng, ăn ít thì mua một hai lon, ăn nhiều thì mua năm bảy lon. Trưa trưa có gia đình đông con, xúm tụm nhau vừa lễ ốc vừa cười giòn như cái nắng đầu hạ. Nghe tiếng cười vang xa mà sao bình yên quá đỗi buổi quê nhà.

Ốc Gạo còn đi vào tuổi thơ của những đứa trẻ miền Trung dung dị và ngây ngô đến thương lòng. Vì vỏ ốc có bề mặt rất đẹp nên khi ăn xong chúng được tận dụng để làm những món đồ trang sức của bọn con nít. Khi những con ốc bé li ti được xếp lại với nhau thành chuỗi, thật tình chẳng khác nào một thứ trang sức óng ánh và sang chảnh. Thế là hết đứa con gái này đến đứa con gái kia lại xúm tụm với nhau làm chuỗi đeo tay, chuỗi đeo cổ, thậm chí có đứa sang chảnh hơn còn làm cả chuổi đeo chân. Bọn con trai trong đám có đứa nào để ý cái Mai, cái Mận cũng nhanh nhảu chọn những vỏ ốc thật đẹp, xiên thật nhanh để còn đem tặng lấy lòng. Đứa con gái nào được tặng một sợi trang sức ốc thì y như rằng sẽ vui lắm trong lòng mà ngoài mặt thì ngượng đến tía tai. Có đứa còn giả vờ không nhận nhưng thật ra hằng mong ý bạn hiểu rằng “Cậu hãy kiên nhẫn tặng cho đến khi nào tớ nhận”.

Những kỉ niệm về tuổi thơ đó đã lặng lẽ theo ta hết trọn một kíêp người. Khi mà ta đã lớn, khi mà ta phải vội vã theo dòng người ngoài kia và kí ức chỉ còn là một chấm nhỏ vì bụi thời gian đã vô tình làm mờ bạc đi mọi thứ, thì ta mới ngỡ, hóa ra kỉ niệm về cô bé, cậu bé hì hục ngồi hàng giờ để xiên những vỏ ốc vẫn còn mồng một trong tâm tưởng ta lạ thường, xao xuyến tâm hồn ta lạ thường. Hóa ra kí ức năm ấy vẫn thật trinh nguyên đến bao nhiêu và những câu chuyện bé nhỏ năm nào đã mang tâm hồn ta trẻ lại không ngờ, chúng đã lặng thầm ngự trị trong lòng đất mẹ, để rồi khi có dịp nhớ về chúng lại âm ỉ khôn nguôi vẹn nguyên như ngày đó.

Có thể những cô bé, cậu bé ngồi xiên vỏ ốc làm trang sức ngày đó bây giờ đã dư dả để mua cho mình một loại trang sức óng ánh hơn, sang chảnh hơn. Mặc dù vậy nếu nghĩ về món trang sức có đủ sức mạnh níu giữ kí ức thì hẳn nhiên chỉ có loài trang sức  dung dị và ngọt ngào từ vỏ ốc.  Trang sức đó chính là nguồn tài sản vô giá mà tinh khôi có đủ khả năng nắm giữ những miền nhớ ngọt lịm như bầu sữa mẹ.

Hôm nay đứng giữa lòng Sài Gòn nghe hàng me gọi gió, nghe bầy ve sầu lì lợm gọi nắng và xa xa có nhành phượng vĩ e ấp đỏ, tự nhiên nhớ món ốc Gạo thân thương.

Sài Gòn. Tháng tư

Thu Thảo


Phamngochien.com - 14:08 - 12/04/2018 - Bài của văn nghệ sĩ          

Gửi bình luận