Nỗi lòng người xa Bắc (Phạm Ngọc Hiền)

 (Đọc tập thơ Nhớ Hà Nội của Dương Ngọc Khánh - NXB Văn học 2010)

 

          Nhà thơ Dương Ngọc Khánh vốn không phải là người Kinh kỳ chính gốc. Ông quê ở Quảng Ngãi, tập kết ra Bắc và nhận Hà Nội làm quê hương thứ hai. Sau 1976 vào Sài Gòn sinh sống nhưng vẫn luôn da diết nhớ về thủ đô. Nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, ông đã kịp ra mắt tập thơ Nhớ Hà Nội như một món quà tinh thần đầy ý nghĩa của người con Hà Nội xa nhà.

          Tập thơ đã tái hiện gương mặt Hà Nội gần nửa thế kỷ qua. Đó là những năm tháng chiến tranh vất vả, hào hùng. Nổi bật là tình cảm con người và những sinh hoạt đời thường giản dị, nồng ấm. Dưới góc nhìn của tác giả, hình ảnh thủ đô ngàn năm văn hiến không chỉ có những nét văn xuôi trần trụi của hiện thực đời thường mà còn lung linh chất thi ca của những mối tình lãng mạn.

Một góc Hồ Tây, một góc trăng

Đời anh như để tặng riêng em

Lung linh trăng nước đêm huyền ảo

Liễu động bờ vai xõa tóc mềm

                                                     (Một góc trăng)

Kỹ sư Dương Ngọc Khánh cũng có những lúc thoát mình ra khỏi không gian công trình xây dựng ngổn ngang để mơ màng tới một góc đời tư tĩnh tại. Những lúc đó, ông thoát khỏi sức ép tiến độ thời gian thi công để chiêm ngưỡng một khoảnh khắc tuyệt vời của đóa quỳnh nở giữa đêm khuya vắng lặng:

Đêm qua hẹn với hoa quỳnh

Trăng lên ta sẽ tự tình với hoa

Sương đêm tỏa lạnh vườn nhà

Ta say giấc ngủ quên hoa đợi chờ

                                                     (Quỳnh hoa)

          Hà Nội đẹp người, đẹp cảnh nhưng vẫn không níu giữ đôi chân của chàng trai trẻ năng động, ham xông xáo bốn phương. Giã từ trường Kiến trúc Hà Đông ven dòng sông Nhuệ, Dương Ngọc Khánh đi khắp nơi: "Giã từ sách vở bước ra trường / Đời vui lăn lộn gió ngàn phương / Tôi đi trên khắp đường tranh đấu / Gửi lại trường xưa vạn nhớ thương" (Thu gọi). Có lúc, người ta thấy chàng có mặt ở Sa Pa, say núi, say người Tây Bắc: "Ruộng bậc thang sóng ôm triền núi / Sơn nữ về ẩn hiện giữa đèo mây / Váy thổ cẩm chùng chân phố thị / Khách lữ hành chếnh choáng men say" (Sa Pa). Cũng có khi, chàng "Về thăm Vỹ Dạ" mộng mơ, vướng chiếc áo lụa, mái tóc dài và vướng cả câu hò man mác trên sông Hương:

Người đã đi rồi, em có hay

Nắng lùa không có nón nghiêng che

Để buồn cho gió thôi bay áo

Cho bến sông khuya nhớ giọng hò

          Thơ Dương Ngọc Khánh cũng có nhiều khám khá về hình thức ngôn từ. Thể hiện ở cách ngắt nhịp bất thường, cách sử dụng từ ngữ giàu hình ảnh, gợi liên tưởng bất ngờ thú vị: "Những trái mướp / Treo / Lủng lẳng trên giàn / Mảnh trăng khuya / Treo / Lủng lẳng giữa trời đêm / Còn trái tim em / Treo ở đâu / Trong niềm khát vọng ?" (Lủng lẳng). Bởi vậy, Nhớ Hà Nội không chỉ là một dòng hoài niệm theo lối diễn nôm mà là một công trình thơ ca dệt bằng những từ ngữ đẹp và mềm mại như áo lụa Hà Đông.

PHẠM NGỌC HIỀN


Phamngochien.com - 18:40 - 20/09/2010 - Bài của Phạm Ngọc Hiền          

Gửi bình luận