Những ngộ nhận về thi pháp và phương pháp trong nghiên cứu văn học hiện nay

Phan Trọng Thưởng

Kể từ khi cuốn Những vấn đề thi pháp tiểu thuyết Doxtoisvski của M. Bakhtin được Giáo sư Trần Đình Sử dịch và giới thiệu đến nay, một “trào lưu thi pháp” đã dấy lên ở Việt Nam. Trong nhiều bài viết, đặc biệt là trong phần lớn các luận văn tốt nghiệp đại học, luận văn thạc sĩ và luận văn tiến sĩ, thi pháp học gần như trở thành một “hội chứng”, ám ảnh thường xuyên đối với người viết.

Trước hết phải khẳng định rằng cuốn Những vấn đề thi pháp Doxtoievski của M.Bakhtin là một tài liệu quý và người có công đầu trong việc dịch, phổ biến tài liệu này thuộc về Giáo sư Trần Đình Sử. Trong tình hình khoa học văn học phát triển chậm như ở nước ta vào thời điểm cuốn sách được giới thiệu thì đây là một ánh sáng mới, một tri thức khoa học mới rất bổ ích cho những người học tập, giảng dạy và nghiên cứu văn học. Nhưng rất tiếc, trong khi tiếp xúc với cái mới, nhiều người đã quá choáng ngợp hoặc quá say sưa nên không nhận ra rằng đây là cuốn sách đã được xuất bản lần đầu từ năm 1929 và tác giả của nó cũng không phải là người duy nhất đẻ ra thi pháp học như nhiều người lầm tưởng. Nếu thực sự quan tâm tới thi pháp học thì trước hết cần phải biết đến Arixtot và cuốn Thi học để xem ông có phải là ông tổ của thi pháp học hay không? Và sau đó, cần phải biết thêm các tên tuổi khác trong giới nghiên cứu văn học Nga như: A.N Vexelovski với cuốn Thi pháp học lịch sử xuất bản ở Leningrat từ những năm bốn mươi; v.v. Vinogradov với một loạt công trình liên hoàn về thi pháp và phong cách; D.X. Likhachiev với Thi pháp văn học Nga cổ (xuất bản lần thứ 2, L.1971); G.M. Fridlender với Thi pháp chủ nghĩa hiện thực Nga (1971) và vô số tác giả có tên tuổi khác trong giới nghiên cứu Xô viết trước đây, trong đó có cả M. Khravchenco đã khá quen thuộc với chúng ta.

Sự ngộ nhận đầu tiên này đã dẫn đến rất nhiều những ngộ nhận khác về bản chất của thi pháp, về hệ thống khái niệm, thuật ngữ chuyên dùng và về thao tác nghiên cứu, khiến cho ai cũng có thể tưởng mình là nhà thi pháp học, khái niệm và thao tác nghiên cứu nào cũng thuộc về thi pháp học và cực đoan hơn, nhiều người còn đẩy hướng tiếp cận thi pháp học lên thành hướng tiếp cận gần như duy nhất với bản chất của các tác phẩm văn chương, với những độc đáo nghệ thuật của nó.

Thực ra, đối với tác phẩm văn chương, tiếp cận theo hướng thi pháp học chỉ là một trong số rất nhiều hướng tiếp cận đã được khoa học văn học chỉ ra như hướng tiếp cận lịch sử phát sinh, xem xét sự hình thành của tác phẩm trong quan hệ với tác giả và thời đại ra đời của nó; hướng tiếp cận lịch sử chức năng nghiên cứu mối quan hệ tác phẩm - người đọc - hiện thực qua các giai đoạn lịch sử khác nhau (tiếp nhận); và hướng tiếp cận hệ thống văn bản xem xét tác phẩm như một chỉnh thể bao gồm các khâu, các công đoạn của quá trình tổ chức nghệ thuật theo quan điểm hệ thống (trong đó có những vấn đề như: thi pháp, kết cấu, ngôn ngữ, hình thức, thể loại v.v...)

Do có sự giao thoa giữa thi pháp và phong cách nên để hiểu được bản chất của thi pháp học, một điều kiện khá quan trọng đặt ra là phải đồng thời hiểu được bản chất của phong cách học. Bởi vì giữa hai lĩnh vực này ranh giới không phải khi nào cũng được nhận thức một cách rạch ròi. Trong các giới thuyết của D. Likhachiev, A. Grigolan, V. Turbin, V. Jirmunski, V. Kovalev, L. Novichenco, Y. Elsberg, A. Xokolov. v.v..., nói chung là của giới phong cách học Nga, ta thấy phạm vi, đối tượng của thi pháp và phong cách cũng như của phương pháp và phong cách, trong nhiều trường hợp khó phân biệt nhưng không phải khi nào cũng trùng khít lẫn nhau. Khi nào tác phẩm văn học cụ thể trở thành đối tượng khảo sát của thi pháp học và khi nào trở thành đối tượng khảo sát của phong cách học quả là một công việc khó xác định.

Trong nghiên cứu Xô Viết trước đây từng hình thành hai khuynh hướng. Một khuynh hướng đồng nhất thi pháp và phong cách, còn khuynh hướng kia lại biệt lập thi pháp và phong cách. Theo M. Khravchenco thì cả hai khuynh hướng đều tỏ ra thiếu căn cứ vì sự phát triển của phong cách gắn liền với quá trình vận động của các kiểu sáng tác, các nguyên tắc chiếm lĩnh và tái hiện nghệ thuật đối với cuộc sống. Ông đề nghị coi phong cách học là một bộ phận của thi pháp học. Trái lại, V.V Vinogradov đề nghị loại bỏ một số nội dung của phong cách học ra khỏi thi pháp học. Ông chỉ chấp nhận đưa vào thi pháp học những lĩnh vực nghiên cứu phong cách văn học, còn nghiên cứu phong cách ngôn ngữ theo kiểu R. Jakovson đều bị ông coi là nằm ngoài phạm vi của thi pháp học.

Như vậy, vấn đề nhận diện thi pháp và phong cách trong tác phẩm văn chương hoặc trong toàn bộ sáng tác của một tác giả nào đó đâu phải là câu chuyện đơn giản, dễ dãi đến mức ai cũng có thể nhân danh thi pháp học được ? Trong thực tế nghiên cứu và làm các luận văn khoa học văn học ở ta diễn ra những hiện tượng không bình thường. Từ chỗ không ai biết gì đến thi pháp, không ai có một ý niệm sơ giản nào về thời gian, không gian nghệ thuật về điểm nhìn nghệ thuật, quan niệm nghệ thuật về con người v.v... chỗ nào cũng thấy các ý tưởng thi pháp học được trình diễn đến chóng mặt. Người ta xem đó là một “mốt” nghiên cứu văn học thời thượng. Dựa trên những biện giải khá toàn diện của M. Bakhtin xung quanh cái mà ông gọi là “cảm quan Cacnavan về thế giới” và quá trình “Cacnavan hóa” diễn ra trong sáng tác của Doxtoievski, không ít các phương diện khác nhau của thi pháp học đã được triển khai như: không gian, thời gian, hoàn cảnh, ngôn ngữ, nhân vật, quan niệm về sống – chết, về miếng ăn, về cái đói v.v... Tôi không phủ nhận vai trò của các yếu tố trên trong tác phẩm nghệ thuật nhưng trong số những tiết mục trình diễn thi pháp vừa kể, không phải tiết mục nào cũng mang bản chất thi pháp học. Hơn nữa việc áp dụng các ý tưởng cacnavan vào văn học các nước phương Đông và Việt Nam không phải lúc nào cũng hoàn toàn phù hợp vì văn học các nước này hình thành và phát triển theo một truyền thống văn hóa khác. Điều quan trọng là người vận dụng phải biết chọn lựa một cách sáng tạo những yếu tố thích hợp, nếu không thì mọi nỗ lực chỉ là một sự mô phỏng, nhại lại vụng về những gì M. Bakhtin đã làm mà thôi. Cần nhớ rằng các yếu tố không gian, thời gian trong tác phẩm chỉ mang ý nghĩa thi pháp học và được coi là đối tượng của thi pháp học khi nó trở thành “các phương thức và phương tiện thể hiện cuộc sống bằng nghệ thuật, khám phá cuộc sống bằng hình tượng”.

Sự nhận lầm các yếu tố không gian, thời gian và các yếu tố khác không có ý nghĩa thi pháp học đã khiến cho tác phẩm nghệ thuật bị mổ xẻ, phân tích theo sự áp đặt thô thiển của những ý tưởng phi khoa học, biến tác phẩm thành một sơ đồ máy móc thiếu tính nghệ thuật.

Không thể phủ nhận được rằng hướng tiếp cận thi pháp học đối với tác phẩm nghệ thuật riêng biệt cũng như đối với sự nghiệp sáng tác của một nhà văn là hướng tiếp cận đúng đắn, có khả năng mang lại hiệu quả nghiên cứu. Thực tế cho thấy, do nắm vững bản chất của thi pháp học, nắm vững nội dung các khái niệm, các thuật ngữ chuyên dùng và vận hành tốt các thao tác nghiên cứu, tiếp cận thi pháp học nên giáo sư Trần Đình Sử có những công trình nghiên cứu ứng dụng mang tính sáng tạo và khá thành công về Truyện Kiều, về thơ Tố Hữu v.v... Trong khi đó, nhiều học trò và nhiều người muốn noi gương ông, do chưa tiếp cận được tới bản chất của thi pháp và bản chất của hệ thống khái niệm nên thi pháp học đã bị vận dụng một cách sống sượng, không có hiệu quả. Không ít người cũng do vậy mà không dám phản bác, phê phán.

Trong mục phương pháp nghiên cứu ở phần mở đầu các luận án, dường như học viên cao học và nghiên cứu sinh nào cũng giới thiệu là mình sử dụng các phương pháp như: phương pháp loại hình, phương pháp so sánh, phương pháp hệ thống v.v... Ít ai chịu dừng ở những phương pháp quen thuộc như phương pháp phân tích, phương pháp mô tả, phương pháp quy nạp v.v... trong khi về thực chất thì lại là như vậy. Thực tế cho thấy sai sót kiến thức về phương pháp và phương pháp luận diễn ra rất nhiều và khá cơ bản.

Ở phạm vi của phương pháp so sánh, sai sót đáng kể đầu tiên là sự lẫn lộn giữa so sánh như một thao tác phổ biến, cơ bản của tư duy khoa học với so sánh như một thủ pháp nghiên cứu và so sánh như một bộ môn của khoa học văn học (văn học so sánh). Đó là chưa kể đến những biến thể của nó như so sánh lịch sử và so sánh loại hình. Trong số các khái niệm trên, thao tác so sánh và thủ pháp so sánh được sử dụng thường xuyên, phổ biến, diễn ra ở mọi lúc, mọi nơi và kết quả mang lại là cũng hết sức cụ thể, chính xác. Học giả Phan Ngọc tự cho mình là nhà thao tác vì bất kỳ sự vật, hiện tượng nào ông cũng đưa ra so sánh để tìm ra các mối liên hệ, trên cơ sở đó mà định vị và nhận diện chúng. Khoa học đối với ông chỉ có thao tác, thao tác và thao tác. Do vậy, tuy so sánh có đưa ông trở thành nhà thao tác và nhờ sự am hiểu nó mà ông xây dựng được cả một hệ thống thao tác luận, nhưng ông không thể trở thành nhà so sánh, lại càng không thể trở thành nhà nghiên cứu văn học so sánh vì ông không làm việc đó.

Vấn đề đặt ra là phải phân biệt rõ đâu là thao tác so sánh? Thủ pháp so sánh? Đâu là phương pháp so sánh với ý nghĩa phương pháp luận, là lý thuyết về phương pháp? Và đâu là văn học so sánh với ý nghĩa như một bộ môn của khoa học văn học? Muốn làm được điều đó, ngoài việc am hiểu bản chất các khái niệm còn phải ý thức rõ về đối tượng, phạm vi, cấp độ, mục tiêu và điều kiện của sự so sánh. Tất cả những so sánh trong khuôn khổ một tác giả, một tác phẩm cụ thể thường ít khi trở thành mục tiêu, đối tượng của văn học so sánh trong khi sự so sánh giữa các nền văn học khác nhau để tìm những mối liên hệ giữa chúng và tìm ra đặc trưng của mỗi nền văn học lại luôn luôn là đối tượng và mục tiêu của nó. Cũng như ở các lĩnh vực khác, ở đây bộc lộ không ít ngộ nhận tưởng lầm, quy cái nọ thành cái kia lẫn lộn thao tác, thủ pháp với phương pháp và với môn học về nó.

Sai sót đáng kể thứ hai thường gặp ở lĩnh vực loại hình và sự nhập nhằng, lẫn lộn giữa sự phân chia, phân loại đơn thuần thường diễn ra trong nghiên cứu với phương pháp phân chia, phân loại mang tính loại hình và loại hình học. Không ít người cứ tưởng rằng đạt đến mục tiêu phân chia, phân loại nào đó là đã đồng thời đạt được mục tiêu của loại hình học. Ví dụ một số NCS dựa vào những điểm khác nhau trong sáng tác của một hoặc hai nhà văn để phân loại và cho đó là sơ đồ phân định loại hình, thực ra đối tượng của loại hình học là những hiện tượng giống nhau không kể nó có những liên hệ nguồn gốc hay không. Cho nên, bảng phân loại dựa trên những điểm khác biệt không phải là bảng phân loại loại hình học. Chỉ có thể coi là phân loại loại hình khi trên cơ sở của những cái giống nhau, tìm ra những mối liên hệ nội tại có tính quy luật chế định và làm nảy sinh những hiện tượng giống nhau đó.

Yêu cầu thứ hai để một sự phân loại trờ thành phân loại loại hình là nó phải dựa trên một tiêu chí nhất quán. Những phân loại không đáp ứng yêu cầu này không phải là phân loại loại hình. Trên thực tế, có những người dựa vào những tiêu chí khác nhau để quy thành những kiểu loại khác nhau, vì vậy kết quả đó chỉ mang ý nghĩa là một sự phân loại thông thường để phục vụ cho việc lựa chọn và đánh giá, không mang ý nghĩa loại hình học.

Sở dĩ có các hiện tượng trên vì phần lớn kiến thức về phương pháp luận chủ yếu mới chỉ là kết quả của quá trình tự học tập, tự nghiên cứu, tự mò mẫm, thiếu hẳn tính chính quy bài bản của nó. Đến bây giờ, hình như trong chương trình ở bậc đại học vẫn chưa có môn phương pháp luận. Ngay cả ở bậc đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ, chuyên đề phương pháp nghiên cứu vẫn chưa được chú trọng đúng mức. Trong khi đó, yêu cầu hàng đầu đối với một người học tập ở bậc sau đại học là phải nắm vững phương pháp, biết sử dụng phương pháp và biết vận hành các thao tác nghiên cứu.

Thực tế cho thấy ở những học sinh tốt nghiệp đại học, sự hơn kém nhau về kiến thức văn học sử thường không tạo ra được khoảng cách rõ rệt, nhưng sự hơn kém nhau về phương pháp và phương pháp luận lại là cơ sở để tạo ra giữa họ những khoảng cách khá lớn. Trên cái nền kiến thức văn học sử và kiến thức lý luận văn học được trang bị như nhau, ai sớm chiếm lĩnh được phương pháp, biết sử dụng phương pháp, người đó sẽ đi xa hơn, sẽ đạt được những kết quả khả quan hơn trong một thời gian ngắn hơn.

 

Tuần báo Văn Nghệ Số 23 (8-6-2002)

Các bài viết liên quan:

Không gian thời gian trong sáng tác văn học (Lê Xuân Mậu)

Trở lại chuyện hình thức mang tính quan niệm (Lê Xuân Mậu)

Thẩm định tự sướng (Năm Châu Đốc) (phần 1)

Thẩm định tự sướng (Năm Châu Đốc) (phần 2)

Thẩm định tự sướng (Năm Châu Đốc) (phần 3)

"Thi pháp truyện Kiều" mang lại đều gì mới mẻ ? (Trần Mạnh Hảo)

Những ngộ nhận về thi pháp và phương pháp trong nghiên cứu văn học hiện nay (Phan Trọng Thưởng)

Trao đổi với Chu Mộng Long về bài "Thi pháp học đồ đểu" (Phạm Ngọc Hiền)

Từ Thi pháp đến ký hiệu (Chu Giang)


Phamngochien.com - 08:24 - 28/08/2019 - Bài của văn nghệ sĩ          

Gửi bình luận