Những mảnh đời thường (Nguyễn Thị Thu Thủy - SV ĐH Sài Gòn)

 

     Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, trên đường đời tấp nập hối hả trôi với nhịp sống hiện đại của một thành phố hoa lệ, chúng ta sẽ thấy quanh đây trên những con đường rực ánh đèn, bao quanh bởi những ngôi nhà cao tầng là một sự xa hoa, giàu có của những đại gia, của những người thành phố. Nhưng có mấy người để ý thấy dưới lòng đường, hè phố đang có những con người tàn tật - họ vất vả, nặng nhọc trong tùng bước đi để bán vé số, để mưu sinh với cuộc sống này.

      Con người ta sinh ra và lớn lên thì ai lại không mơ ước, dù ước mơ đó thật bình thường, thật giản đơn. Đó là ước mơ được làm một con người bình thường có thể tự bước đi trên đường đời bằng chính đôi chân của mình của những người tàn tật. Sẽ có người cho rằng ước mơ đó thật hão huyền. Thế nhưng chúng ta thử một lần nhìn lại xem, chúng ta - những con người hoàn toàn bình thường, lành lặn và đầy đủ như những người bình thường khác, đã làm được gì cho đời hay cho chính bản thân mình?

     Tôi thật sự cảm thấy khâm phục và kính trọng những con người tàn tật khi họ rong ruổi, lê lết mình trên từng con đường, ngõ hẻm để bán vé số. Ở họ, tôi thấy một nghị lực sống phi thường, một niềm tin, một ý chí cho cuộc sống mai đây của họ bớt khổ hơn. Hay đơn giản chỉ là để sống cho qua ngày hôm nay bằng chính những đồng tiền mình kiếm được, chứ không phải là ngửa tay ra xin tiền người khác.

     Và có một lần, tôi đã được chứng kiến một câu chuyện có thật bên quán nhậu ven đường 3/2 quận 10. Đó là một ông cụ bán vé số đang phải oằn mình, dùng hai khuỷu tay của mình để lê lết trên đường phố, bỗng nhiên có một thanh niên từ quán nhậu bước ra, không mua vé số nhưng lại đưa cho ông cụ tờ 100 ngàn đồng. Ông cụ nhất định không nhận, mà cầm số tiền đó trả lại cho chàng thanh niên kia và nói "Tôi đi bán vé số để kiếm tiền lo cho cuộc sống của chính mình, chứ tôi không đi xin tiền người khác". Câu nói ấy làm cho tôi và chàng thanh niên kia lặng người. Lặng người đi vì lòng tự trọng của một con người bất hạnh, thấy mình thật xấu hổ khi nghĩ cứ cho tiền là tốt đẹp mà đâu biết rằng hành động đó giống như chúng ta đang không tôn trọng họ.

     Một câu chuyện đơn giản vậy thôi nhưng nó làm tôi suy nghĩ mãi, tôi thấy được ở người tàn tật - họ có nhân cách thật cao quý, không ỷ lại và cũng không dựa dẫm vào ai. Họ vươn lên và sống bằng chính khả năng của mình. Ở người tàn tật, họ không có khái niệm rằng mình sống là vô ích, họ đem tất cả niềm tin và nghị lực để có thể tồn tại trong cuộc đời này, họ tự khẳng định chính mình.

     Trong cuộc sống xô bồ này, người bình thường đi làm kiếm tiền để nuôi sống bản thân mình đã khó, thế thì người tàn tật còn khó hơn khi sức khỏe họ không cho phép, khi cơ thể họ không được lành lặn để có thể hoạt động bình thường. Dưới cái nắng chang chang, gay gắt 37 độ C của đường phố Sài Gòn thì cậu bé Điệp quê ở Phú Yên, bị liệt cả hai chân nhưng vẫn miệt mài, lết mình trên đường phố để kiếm sống bằng cách bán vé số. Hay những cơn mưa rào chợt đến bất ngờ làm em không kịp tìm nơi trú ẩn, ướt sũng nhưng vẫn cố gắng che cho những tờ vé số khỏi bị ướt, vì đó là cả cuộc sống của em.

     Nếu những ai đã chứng kiến những hoàn cảnh bất hạnh ấy sẽ không khỏi chạnh lòng. Thiết nghĩ xã hội chúng ta cần có những ngôi nhà, những trung tâm bảo trợ người tàn tật để cuộc sống của họ bớt khổ hơn. Đó cũng là để thể hiện tình thương của con người với con người. Và chúng ta phải biết phê  phán thái độ kì thị, xa lánh phân biệt đối với người tàn tật, cùng nhau tuyên truyền, chung tay góp sức giúp đỡ họ.

    Hãy cùng chung tay, góp sức xây dựng một cuộc sống hạnh phúc hơn, ấm cúng hơn cho người tàn tật bằng tất cả tấm lòng của chúng ta. Để xua tan cái mặc cảm về số phận bất hạnh của họ, và chúng ta phải luôn học hỏi những con người tàn mà không tật ấy.

Nguyễn Thị Thu Thủy

Lớp: CSU 1111 - ĐH Sài Gòn

Emial: nguyenthuthuy.sgu@gmail.com.


Phamngochien.com - 20:59 - 21/12/2012 - Bài của văn nghệ sĩ          

Gửi bình luận