Những kỷ niệm với thầy Trần Chút (Phạm Ngọc Hiền)

 

Nhà giáo ưu tú Trần Chút còn có tên gọi khác là Hồng Dân. Trong SGK Tiếng Việt trung học, thầy lấy tên là Hồng Dân. Còn ở cơ quan, thầy vẫn dùng tên khai sinh là Trần Chút. Nhiều người lần đầu nghe tên thầy, thường hỏi thêm cho rõ: “Chút ít hay Chúc mừng ?”. Thầy trả lời hóm hỉnh: “Gọi sao cũng được !”.

Thầy sinh năm 1937 ở Gio Linh, bờ Nam sông Bến Hải. Nhưng học tập ở miền Bắc và làm việc ở Viện Ngôn ngữ học. Sau 1975, thầy mới vào Sài Gòn và dung hợp cách sống của ba miền. Tôi quen thầy Chút từ tháng 11 / 2007. Tôi đến trường ĐH Văn Hiến để xin việc nhưng không gặp Trưởng khoa, đành gửi lại hồ sơ rồi quay về Phú Yên. Khoảng 10 ngày sau, Trường điện thoại nói rằng tôi đã được nhận về trường Văn Hiến. Lúc tôi chính thức thành giảng viên của Trường thì thầy Trần Chút cũng vừa rời chức vụ Trưởng khoa để lên làm Hiệu phó. Trước đó, tôi và thầy chưa gặp nhau lần nào. Cho nên, tôi nghĩ việc thầy nhận tôi về Khoa là rất kỳ lạ.

Theo lối suy nghĩ phổ biến của các công chức tỉnh lẻ, người ta chỉ nhận việc trong hai trường hợp: Một là có quen biết: nhờ tiếng nói của người thân có chức quyền hoặc dựa vào quan hệ họ hàng, bạn bè… Hai là phải có khả năng chạy chọt, lo lót… Khi đi xin việc, tôi chẳng có lợi thế nào. Tôi từng học ở Quy Nhơn, Huế, Hà Nội nhưng không học ở Sài Gòn nên chẳng quen thầy cô nào ở đây. Tôi cũng không có bà con họ hàng ở Sài Gòn. Bởi vậy, tôi phải tự thân vận động là chính. Sài Gòn là mảnh đất dễ sống. Nếu bạn không xin việc được ở chỗ này thì còn có nhiều chỗ khác. Ở Sài Gòn, có những công ty săn tìm bạn nếu thấy bạn giúp ích cho họ. Có những trường tư sẵn sàng nhận bạn dù không có ai gửi gắm. Sau này, tôi có hỏi thầy Chút tại sao không quen biết nhau mà thầy nhận tôi. Thầy nói rằng có tìm hiểu tôi thông qua những người khác: “Nhưng điều quan trọng là trong hồ sơ, tôi thấy anh có rất nhiều bài báo. Nếu nhận anh về, sẽ rất có lợi cho Khoa trong công việc nghiên cứu khoa học”. Dưới con mắt của thầy Chút, đẳng cấp của một văn nghệ sĩ hay nhà khoa học được thể hiện ở tác phẩm, công trình. Còn nếu xét theo các tiêu chí: ăn mặc, tóc tai, tửu tượng, ngoại giao… thì có lẽ tôi chẳng ghi được điểm nào.

Thầy Chút rất cởi mở, vui tính nên phòng làm việc lúc nào cũng đông người. Phần lớn là các giảng viên lớn tuổi tới uống trà đàm đạo. Những lúc muốn bàn chuyện giáo dục hay Ngữ văn, thầy thường gọi tôi đến và bảo: anh nên viết một bài đi. Thỉnh thoảng, thầy cũng viết bài đưa tôi đăng web. Thầy thường rủ tôi đi dự các hoạt động khoa học nghệ thuật. Năm 2010, một số bạn thân của Hữu Loan tổ chức lễ tưởng niệm nhà thơ trong một quán cà phê ở Gò Vấp. Tôi chở thầy Chút tới đó dự, được nghe kể nhiều chuyện hay. Như chuyện Hữu Loan bỏ Hà Nội về Nga Sơn làm nghề đẽo đá. Mỗi lần ông gánh đá đi bán, có một phó công an huyện bám theo sau. Khi về hưu, người công an ấy vào Sài Gòn sống với con cháu. Nhân dịp Hữu Loan vào Nam, các đồng hương Thanh Hóa tạo điều kiện cho hai người gặp nhau. Họ trò chuyện thân tình, hòa giải chuyện xưa trên đất Sài Gòn. Mỗi lần có khách văn nhân từ Hà Nội vào, thầy Chút cũng gọi tôi tiếp đón. Nhờ vậy, tôi quen biết thêm nhiều vị nổi tiếng.

Thầy Chút có mối quan hệ rất rộng. Và hình như ở ban ngành nào thầy cũng có người quen. Nhiều lúc ngồi chơi ở quán, tôi thường thấy nhiều người mang ly tới chào thầy. Họ có thể là một đại tá, một người buôn bán nhỏ, hay một nhà báo từng học ở trường Tổng hợp. Giới văn nghệ sĩ cũng quen biết thầy khá nhiều. Mỗi lần hỏi tôi công tác ở đâu, họ… “À, trường của thầy Chút”. Trong trường Văn Hiến, thầy cũng được nhiều giảng viên và sinh viên mến mộ. Người ta khen thầy thân tình, cởi mở, có tầm nhìn chiến lược… Tuy nhiên, dù sống tốt thế nào cũng không thể làm vừa lòng tất cả mọi người. Nhiều lúc có chuyện bực mình trong công tác quản lý, thầy tâm sự với tôi. Nhưng tôi chỉ ngồi nghe một cách lơ đãng và hỏi lại những câu rất ngây thơ làm thầy bực bội nói: “Anh chẳng quan tâm tới thứ gì cả !”.

Tôi không quan tâm lắm tới những chuyện xích mích nội bộ vì đó là một lĩnh vực phức tạp. Cái mà tôi quan tâm là làm sao viết xong cuốn Tiểu thuyết Việt Nam 1945 - 1975. Và hơn nữa là kiếm việc làm thêm để có tiền mua đất cắm dùi, thoát cuộc sống ở nhà trọ. Thầy Chút thường nói ý định sẽ “quy hoạch” tôi. Xét trong thời điểm đó, số người có bằng tiến sĩ còn rất ít. Tôi lại có chút kinh nghiệm quản lý ở cơ quan cũ và tuổi tác chưa tới 40, còn cống hiến lâu dài. Tôi hiểu và cảm ơn thầy nhưng theo kinh nghiệm ở đời, tôi thấy con đường quan chức cũng lắm chông gai. Tôi cứ lơ đãng mãi. Cuối cùng, Trường cũng cho tôi làm một chức Phó bên đoàn thể. Nhưng mới nhận công việc vài tháng thì tôi đã chuyển sang cơ quan mới và làm lại từ đầu.

Từ khi chuyển sang ĐH Sài Gòn, thỉnh thoảng, những dịp tết, tôi vẫn tới nhà thầy Chút chơi như một hình thức bày tỏ lòng biết ơn người đã giúp mình trong những ngày đầu khó khăn. Những lúc nhậu cao hứng, thầy cũng gọi tôi tới quán chơi. Tôi thường nhậu với thầy Chút và thầy Lệ. Món “ruột” của thầy Chút là cá bốp nướng và bia Ken. Nhiều lúc thầy cũng nhiệt tình chơi tới bến rồi thanh minh: “Hồi trẻ, tôi sống mẫu mực lắm, nhưng bây giờ bớt rồi”. Tôi hiểu, cả tuổi thanh xuân của thầy sống trong cơ chế bao cấp ở miền Bắc. Cuộc sống khó khăn, lại bị sự ràng buộc của các hệ tư tưởng cũ và mới. Bây giờ, vào thành phố phồn hoa, con người cũng đổi mới. Khi về hưu, người ta cũng có nhiều thời gian rảnh rỗi, tha hồ rong chơi để bù lại những năm tháng khó khăn. Ngoài 70 tuổi, thầy Chút vẫn đi đứng nhanh nhẹn, ăn nói hoạt bát. Mấy anh xe ôm đầu hẻm 429 Nguyễn Kiệm đã nắm quy luật đi lại của thầy. Mỗi lần thấy thầy từ hẻm đi ra, nở nụ cười là họ biết ngay cần chở tới Trường. Còn nếu hôm nào đi nơi khác thì họ hỏi xã giao: “Hôm nay, giáo sư không đi dạy à ?”.

Thầy Trần Chút còn gây ngạc nhiên cho nhiều người ở chỗ thầy không có học hàm, học vị cao mà chỉ có bằng đại học. Nhưng thầy vẫn giữ các chức vụ quan trọng như: Trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Tổng hợp TP.HCM, Trưởng khoa, Hiệu phó ĐH Văn Hiến, Phó chủ tịch Hội Ngôn ngữ học Việt Nam. Nhiều người gọi thầy là giáo sư, có thể do họ không biết. Hoặc có người biết nhưng vẫn gọi như vậy do quan niệm: ai dạy đại học và có uy tín đều là… giáo sư. Trong các cuộc hội thảo, người ta thường giới thiệu thầy là “nhà nghiên cứu”, “nhà giáo ưu tú”. Theo kinh nghiệm của tôi, những ai được gọi “nhà nghiên cứu” đều là những nhà khoa học thứ thiệt cả.

Ngày 1/10/2020, đúng vào ngày rằm trung thu, thầy từ giã cõi tạm. Ngay trong đêm đó, nhiều tờ báo đã đăng tin. Và tiếp theo, xuất hiện hàng loạt những tin, ảnh chia buồn trên facebook. Từ lâu, tôi đã có ý định viết về thầy nhưng đến bây giờ mới viết được. Viết về thầy, không thể dùng giọng văn sướt mướt vì thầy lúc nào cũng tươi cười. Ở thế giới bên này, thầy đã sống một cuộc sống có chất lượng. Vậy thì khi về thế giới bên kia, chắc thầy cũng sẽ cưỡi mây gió rong chơi bất tận. Và người bên ấy cũng sẽ truyền tụng những chuyện hay về một ông già có đôi mắt sáng quắc, trông rất thần thái và luôn nở nụ cười đôn hậu…

PHẠM NGỌC HIỀN


Phamngochien.com - 19:54 - 02/10/2020 - Bài của Phạm Ngọc Hiền          

Gửi bình luận