Nhân kỷ niệm 400 năm Phú Yên - Nhìn lại trường hợp chủ sự Văn Phong (Hồ Trung Tú)


Ngày 1/4/2011, Phú Yên làm lễ kỷ niệm 400 năm ngày hình thành, nói chính xác hơn, ngày sát nhập vào Đại Việt. Tất cả các tư liệu, bài viết xưa và nay đều ghi công hai người là Lương Văn Chánh và Nguyễn Phước Vinh, riêng người có công chính thức đem Phú Yên về với Đại Việt năm 1611 là Văn Phong thì không ai nhắc đến, thậm chí còn bị tước mất họ. Mời đọc một phần trích trong sách "có 500 năm như thế" về nhân vật xứng đáng được trả lại vai trò của ông trong lịch sử.
Sau khi vua Lê Thánh Tông chiếm thành Trà Bàn, một tướng Chiêm là Bô Trì Trì chạy thoát, đem tàn quân vào Phan Lung (Phan Rang) tự xưng vương, giữ được 1/5 đất đai Chiêm Thành cũ, sai người đến xin xưng thần và nộp cống. Vua Thánh Tông nhân đó chia đất đai còn lại của Chiêm Thành làm 3 nước:

1/ Chiêm Thành là đất từ núi mà sau đó gọi là Thạch Bi (tức đèo Cả ngày nay) trở về Nam, phong cho Bô Trì Trì.

2/ Nam Bàn là đất từ núi này trở về Tây phong cho dòng dõi của vua nước Chiêm còn sót lại.

3/ Hoa Anh, chưa khảo cứu được.

Tương truyền rằng, sau khi lấy được Trà Bàn, vua đã cho người khắc lên một tảng đá trên núi cao ở đèo Cả "Chiêm Thành quá thử, binh bại quốc vong; An Nam quá thử tướng tru binh chiết"; nghĩa là: Chiêm Thành qua đây, quân thua nước mất, An Nam qua đấy, tướng chết quân tan. Điều này gây cảm giác rằng ngay từ năm 1471, Phú Yên đã thuộc về Đại Việt, thế nhưng trên các văn bản phân chia địa giới chính thức thì đất cực Nam của thừa tuyên Quảng Nam chỉ đến huyện Tuy Viễn, thuộc phủ Hoài Nhân, tức huyện Tuy Phước tỉnh Bình Định ngày nay. Phía trong đèo Cù Mông đều chưa biết đến, chưa kê biên vào địa chính. Có thể đó là đất Hoa Anh chăng? Như vậy có nghĩa rằng vùng đất bên kia đèo Cù Mông, tức Phú Yên ngày nay, Đại Việt không hề biết đến cho đến năm 1611.

Tuy vậy, Chúa Nguyễn vẫn cố gắng thể hiện chủ quyền trên vùng đất này bằng cách năm 1597, sai Lương Văn Chánh đang là Tri huyện Tuy Viễn, trấn An Biên, đưa chừng 4.000 lưu dân vào khai khẩn vùng đất phía Nam đèo Cù Mông đến đèo Cả (địa bàn tỉnh Phú Yên ngày nay). Mặc dù vậy, người dân "bản địa" đất này vẫn không ngừng quấy rối và đến 1611 thì Nguyễn Hoàng cử Chủ sự Văn Phong (không rõ họ) vào dẹp yên đất này đặt thành phủ Phú Yên với hai huyện Đồng Xuân và Tuy Viễn thuộc Dinh Quảng Nam.

Mọi chuyện không có gì đáng nói thêm nếu ta không đặt dấu hỏi về trường hợp chủ sự Văn Phong. Tại sao một người có công lớn như khai quốc công thần như vậy sử sách lại không chép họ, không truy phong công trạng rất nhiều lần sau này như Lương Văn Chánh hoặc Nguyễn Phước Vinh ? Tại sao một sự kiện lớn đến vậy, lấy một vùng đất khá quan trọng và khá rộng lớn về cho xứ Đàng Trong, bước Nam tiến đầu tiên của các chúa Nguyễn mở màn cho những bước tiến dài về phương Nam, mà người cầm quân có công lớn nhất lại không được sử sách ghi chép đầy đủ tên họ? Các tư liệu ở Phú Yên cũng không hề biết đến nhân vật như khai quốc công thần này. Tại sao vậy?

Thì ra là 18 năm sau, vào năm Kỷ Tị (1629) "Văn Phong ở Phú Yên dùng quân Chiêm Thành để làm phản. Chúa sai phó tướng Nguyễn Phước Vinh đi đánh, dẹp yên và đổi Phú Yên làm dinh Trấn Biên (khi mới mở mang những nơi đầu địa biên giới đều gọi là Trấn Biên như Biên Hòa sau này). Vì có công ấy, đặc biệt cho Nguyễn Phước Vinh dùng ấn son"[1]! Đọc những dòng ghi chép này ta thấy các nhà chép sử đã thật bất công với Văn Phong. Khi Văn Phong cầm quân đi lấy đất ấy thì người họ gì cũng không được chép, còn Phước Vinh chỉ đi dẹp loạn thôi đã được gọi là tướng, cho dùng ấn son. Ngay việc ưu ái với Phúc Vinh như vậy cho thấy chúa Nguyễn đánh giá rất cao vùng đất mới thâu vào là Phú Yên. Lương Văn Chánh vì có công chiêu tập dân xiêu tán, khai khẩn đất Phú Yên mà khi chết được tặng Quận công, phong phúc thần. Riêng Văn Phong vì cấu kết với Chiêm Thành làm phản mà bị xóa họ và mất đi sự kính trọng của lịch sử.

Tại sao Văn Phong lại làm phản có lẽ sẽ mai mãi là một bí mật của lịch sử, tuy vậy là hậu thế, có lẽ chúng ta cũng nên trả lại công trạng cho nhân vật rất có công này với lịch sử nước nhà. Và liệu chúng ta có thể tìm thấy đâu đó chút thông tin về nhân vật bị tước họ này ?

Trong một lần tiếp xúc gia phả tộc Phan làng Đà Sơn-Đà Ly, hiện thuộc phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng, gọi là "Phan tộc phổ chí"; chúng tôi đọc thấy: "Đời thứ bảy, Thứ sử quan Phan Công Hiến cùng vợ là Nguyễn Phước Bình hạ sanh 11 người con trai. Thời chúa Nguyễn đánh Chân Lạp, đến ông hỏi kế, ông hứa cho 5 người con tòng quân (từ người con đầu đến người con thứ năm). Đến khi bình được Chân Lạp, năm người con cùng ở lại dạy dân Chân Lạp văn hoá và canh nông. Nay con cháu phái này đều ở trong Nam[2]".

Vì Phan tộc phổ chí không ghi rõ sự kiện ấy xảy ra năm nào nên chúng ta hãy thử xét xem có thể tìm thấy điều gì trong cái sự kiện khá nhạy cảm này: Tại sao chúa Nguyễn lại đến một tộc họ người Chăm như tộc Phan Đà Sơn để hỏi kế đi đánh Chân Lạp? Phải chăng đã đến đời thứ 8-9 rồi (Con trai đã có thể cầm quân đi đánh Chân Lạp cũng có nghĩa con cháu đã có chí ít là đời thứ 8-9) tộc Phan Đà Sơn vẫn giữ nguyên bản sắc dân tộc Chăm của mình? Và tại sao lại đi đánh Chân Lạp? Các chúa Nguyễn nhiều lần đi đánh Chân Lạp vào những năm 1672, 1685, 1690, 1698, 1756, 1757, 1755... Lần sớm nhất là năm 1672, liệu sự kiện ông Phan Công Hiến thuộc đời thứ 7 có khớp vào với sự kiện này? Và tại sao mà cả 5 người con ấy đều ở lại không về?

Nếu Phan Công Thiên mất năm 1405, ta tạm lấy năm 1400 để tính cho đời thứ nhất. Sự kiện các con ông Phan Công Hiến (đời thứ 7) đã đến tuổi tòng quân, như vậy thế hệ ta tính là đời thứ 8, xấp xỉ 200 năm (có thể tính là đời thứ 9 vì năm người con tòng quân thì tuổi của người con cả và người con út có khi xấp xỉ một thế hệ). Trung bình 25 năm một thế hệ, ta có năm xảy ra sự kiện "Chúa đến hỏi kế đi đánh Chân Lạp" ấy là vào khoảng sau 1600 và trước 1625. Vào các năm này thì vấn đề đi đánh Chân Lạp hoàn toàn chưa đặt ra, đơn giản là vì năm 1611 chúa Nguyễn mới thu phục đất Phú Yên. Và hoàn toàn chẳng có lý do gì để chúa Nguyễn đến tộc Phan Đà Sơn để hỏi chuyện đi đánh Chân Lạp, tộc Phan có kinh nghiệm hiểu biết gì về Chân Lạp ư? Không, chúng tôi nghĩ rằng đó chính là Chiêm Thành chứ không phải Chân Lạp, chỉ vì một sự "nhạy cảm nào đó" (trong bối cảnh lịch sử nhà Nguyễn cầm quyền liên tục sau đó thì điều này thực sự nhạy cảm) mà Phan tộc phổ chí chép lệch đi như vậy chăng?

Trong Phan tộc phổ chí, vào đời thứ 5 ông Phan Công Giáo, có xảy ra sự kiện: "Thời vua Lê phong Tiên chúa họ Nguyễn vào trấn thủ hai xứ Ô Châu, Tiên chúa hành hạt đi qua Điện Bàn, hỏi chuyện xưa, ông (Phan Công Giáo) đem sự tích, giấy tờ của liệt vị tiên công (tộc Phan ta) ra trình bày. Chúa Tiên họ Nguyễn tâu về vua Lê, (vua Lê) phong cho Tiên Công ta là Hữu Dực Thánh Thành Hoàng[3]". Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa (chưa có Quảng Nam nhưng cũng đã vào đến sông Thu Bồn nay) từ năm 1558, đặt dinh tại Ái Tử, Quảng Trị nay. Sau khi Bùi Tá Hán chết, rồi sau đó Tổng trấn Nguyễn Bá Quýnh được rút về Bắc, Nguyễn Hoàng được kiêm lãnh hai xứ Thuận Hóa -Quảng Nam (tức đến hết Bình Định nay). Mãi đến năm 1602 ông mới lần đầu bước qua đèo Hải Vân để vào Điện Bàn, trên đường chắc đã ghé vào Đà Sơn nên mới có những dòng ghi chép trên. Vậy, nếu đời thứ 5 (đã khá lớn tuổi, con cháu có thể đã có đời 6-7) rơi vào sự kiện năm 1602 thì đời thứ 7 với sự kiện chúa Nguyễn đến hỏi kế đi đánh "Chân Lạp" chắc chắn phải sau năm 1602, nhưng chắc chắn không thể là năm 1672 (lần đi đánh Chân Lạp đầu tiên) được.

Và sự kiện quan trọng nhất có nhiều khả năng đã khiến chúa Tiên Nguyễn Hoàng phải thân chinh đến nhà phủ tộc Phan Đà Sơn để "hỏi kế đi đánh Chân Lạp" đó chính là sự kiện vào năm Tân Hợi (1611), Chúa sai chủ sự là Văn Phong (không rõ họ) đem quân đi đánh lấy đất Phú Yên. do nhiều lần quấy phá biên giới, các ghi chép trong "Phủ tập Quảng Nam ký sự" cho thấy Bùi Tá Hán rất quan tâm đến đời sống dân cư vùng biên giới này. Nhân chuyện quân Chiêm Thành xâm lấn biên giới, chúa Tiên Nguyễn Hoàng mới quyết định lấy đất này.

Liệu có thể nối các dòng thuộc đời thứ 8 trong gia phả tộc Phan làng Đà Sơn ấy vào với sự kiện Văn Phong trong Đại Nam Thực lục? Phải chăng người chép gia phả tộc Phan biết rõ là chúa Nguyễn đến hỏi kế đi đánh Chiêm Thành nhưng phải "buộc lòng" mà ghi thành đi đánh Chân Lạp? Phải chăng "Kim tử tôn đồng phái viễn vu Nam trung" (nguyên văn trong Phan tộc phổ chí, nghĩa là: Hiện nay con cháu 5 người này đều ở trong Nam) chính là chỉ sự kiện Văn Phong ở lại đất Phú Yên? Phan Công Hiến có đến 11 con trai nhưng chỉ có 1 con trai được ghi vào gia phả là Phan Văn Sử.

Chuyện gì đã xảy ra khiến 10 người con trai không được ghi vào gia phả của tộc họ? Họ đã phạm một tội gì chăng? Chính tên lót của Văn Sử cũng cho phép ta hiểu Phan Công Hiến đã lấy chữ Văn làm tên lót cho các con của mình chứ không chỉ là Phan Công như các thế hệ trước. Và Văn Phong có phải đích thực là con trai của Phan Công Hiến ! Và vì là dòng họ còn giữ nguyên bản sắc văn hóa người Chiêm Thành nên Chủ Sự Văn Phong mới cấu kết với người Chiêm Thành ở Phú Yên để làm phản ?

Trở lại với chức danh Chủ Sự của Văn Phong. Theo sách "Ô châu cận lục", trong mục Quan Chế thì Chủ Sự là một chức quan thuộc Hiến Ty[4]. Theo SKTT, năm 1471, sau khi lập thừa tuyên Quảng Nam và vệ Thăng Hoa, Lê Thánh Tông cho đặt 3 ty ở Quảng Nam đó là Đô ty, Thừa ty và Hiến ty. Chức năng nhiệm vụ của Hiến ty được quy định rõ trong SKTT: "Hiến sát sứ và Hiến sát phó sứ (hai chức quan phụ trách Hiến ty, theo Ô châu cận lục) chuyên giữ chức vụ tâu bày, xét hỏi, tâu hặc, khám xét, xét kiện hội đồng, đối chiếu, soát lại, xét công tội, đi tuần hành...cả thảy 32 điều"[5]. Theo "Lịch triều Hiến chương loại chí" của Phan Huy Chú thì Chủ Sự là thuộc quan của bộ Lại, tòng hàng Bát phẩm[6]. Như vậy chức Chủ Sự là một thuộc quan phụ trách một phần việc chuyên ngành có thể công tác ở nhiều ngành khác nhau. Riêng trong trường hợp Văn Phong, qua Ô Châu cận Lục và SKTT thì ông làm ở Hiến ty và lo các việc gần giống như là cảnh sát, nội vụ... ngày nay.

Tại sao việc đi đánh Chiêm Thành, mở mang đất đai quan trọng đến vậy mà chúa Tiên lại giao cho một người không thuộc trong hàng quan tướng biên chế chính thức của quân đội triều đình mà lại giao cho một viên quan chuyên lo các việc như xét hỏi, tâu hặc, khám xét, xét công tội? Liệu đó có phải là một Chủ Sự chuyên trách về vấn đề người Chiêm Thành vốn luôn ẩn chứa nhiều bất ổn trong đời sống xã hội? Phải chăng những dòng trong Phan Tộc Phổ Chí ấy là chính xác có quan hệ với sự kiện này?

Có thể tất cả chỉ là những suy đoán, chúng ta không có đủ cứ liệu chắc chắn nào để khẳng định bất cứ điều gì, tuy vậy, cả hai sự kiện, một trong "Phan tộc phổ chí", một trong "Đại Nam Thực lục" đều cho ta biết rằng người Chăm trên đất Đà Nẵng nay, vào đầu Thế kỷ 17, vẫn còn lưu giữ hầu như nguyên vẹn bản sắc văn hóa, lối sống cũng như ý thức dân tộc mình.

 

Hồ Trung Tú

 

[1] Đại Nam Thực lục tiền biên. NXB Sử học 1962, trang 56.

[2] Phan tộc phổ chí. Bản dịch và chú giải của Võ Văn Thắng, phần chưa công bố, trang 33.

[3] Phan tộc phổ chí. Bản dịch và chú giải của Võ Văn Thắng, phần chưa công bố, trang 31.

[4] Dương Văn An, Ô Châu Cận Lục, NXB KHXH 1997, trang 88.

[5] SKTT, tập 2, trang 463.

[6] Phan Huy Chú, Lịch Triều Hiến chương Loại chí, NXB KHXH 1992, tập 1, trang 448 và 558.

 

Nguồn: blog TS. Nguyễn Xuân Diện


Phamngochien.com - 09:32 - 03/04/2011 - Bài của văn nghệ sĩ          

Gửi bình luận