Nhà văn Trần Thiện Lục đã ra đi... (Phạm Ngọc Hiền)

Phạm Ngọc Hiền và Trần Thiện Lục năm 2011

Hôm qua, tôi đi dạo hiệu sách Thăng Long (quận 1, TP.HCM), chợt thấy bày bán cuốn tiểu thuyết Gió Tuy Hòa của Trần Thiện Lục. Tôi rất vui không chỉ vì thấy quê hương của mình lên giá sách mà còn vì tác giả và tôi là chỗ quen biết. Tôi định điện thoại ra Hà Nội chúc mừng. Hôm nay, vào trang web của Hội nhà văn TP.HCM, thấy có bài Gốc me già bám sâu vào lòng đất Phú Yên của Đào Minh Hiệp báo tin Trần Thiện Lục đã vĩnh viễn ra đi ngày 07 / 3 / 2013 thọ 68 tuổi. Tôi chợt bàng hoàng...

Nhà báo, nhà văn Trần Thiện Lục quê ở Nam Định nhưng trong chiến tranh, ông làm báo ở Phú Yên. Sau 1975, ông ở lại nơi này làm cán bộ ngành văn hóa. Ông lớn tuổi nhưng lại thích chơi với giới trẻ, mỗi lần thấy tôi từ xa, ông chạy lại ôm vai bá cổ tỉ tê những dự án văn chương của mình. Ngày ông về hưu và sắp giã từ Phú Yên ra Hà Nội, ông in tập thơ Về đi (NXB Hội nhà văn 2010). Ông nhờ tôi viết dùm lời bình, tôi đồng ý ngay. Bài "Thơ trẻ của một người già" được đăng báo Phú Yên số 3/8/2010. Sau đó, ông còn gửi đăng trên tạp chí Văn Hiến Việt Nam và lấy báo biếu thay cho nhuận bút. Nhận báo xong, ông tặng cho bạn bè hết trơn. Bởi vậy, đến bây giờ, tôi cũng chưa thấy bài báo ấy có hình dạng như thế nào.

Khi ông ra tiếp tập 2 cuốn tiểu thuyết Bên gốc me già, ông lại nhờ tôi viết lời bình. Nhìn thấy cuốn tiểu thuyết dày quá, tôi đâm ngán, nghĩ rằng phải bỏ mất mấy ngày để đọc, ghi chép, viết, sửa, in... nên tôi nói lập lờ: "Khi nào rảnh, cháu sẽ đọc". Sau đó, từ Hà Nội, ông điện thoại vào Sài Gòn nhắc lại việc nhờ viết dùm lời giới thiệu sách. Tôi bận quá, không viết được, thành ra bây giờ, tôi nợ ông một lời hứa nên phải viết bài này để tạ lỗi. Đến nay, vẫn chưa có ai viết bài giới thiệu tập 2 của cuốn sách nhưng cũng chẳng sao, hữu xạ tự nhiên hương. Nhờ có cuốn Bên gốc me già, Trần Thiện Lục đã được kết nạp vào Hội nhà văn Việt Nam năm 2012.

Bây giờ, tôi lại có dịp nghĩ kỹ hơn nhan đề tập thơ Về đi của ông. Về đi có nghĩa là nghỉ hưu đi, đừng bon chen việc đời nữa. Về đi tức là về quê đi, đừng chờ đợi cái gì ở đất khách quê người nữa. Và bây giờ nó lại có thêm nghĩa thứ 3: về cõi vĩnh hằng đi vì đó chính là bến đỗ cuối cùng của con người...

Thủ Đức, ngày 13 / 3 / 2013

PHẠM NGỌC HIỀN

 


Phamngochien.com - 14:46 - 13/03/2013 - Bài của Phạm Ngọc Hiền          

Gửi bình luận