Nguyễn Tường Thuật trên những nẻo đường đất nước

 

 

Nguyễn Tường Thuật đến với công việc sáng tác văn học hơi muộn màng. Sau khi thôi giữ chức Chủ tịch tỉnh Phú Yên để về hưu, ông mới bắt đầu cầm bút viết hồi ký, sáng tác thơ, truyện. Và cũng từ đây, ông mới có điều kiện đi và chiêm nghiệm nhiều hơn về vẻ đẹp muôn màu của cuộc sống. Những trải nghiệm đó được ông ghi chép rất chân thực trong tập truyện và ký Dọc đường đất nước (NXB Văn học - 2011).

Tập sách gồm 140 trang, chia làm hai phần, 5 truyện ngắn và 5 bút ký. Mở đầu là lời giới thiệu của nhà văn Huỳnh Thạch Thảo, có đoạn: "Bao giờ, khi đọc xong truyện ngắn của ông, tôi luôn cảm thấy ấm áp trong lòng và có một cái gì đấy như đánh thức tâm hồn mình với cuộc sống cần phải trân trọng tình người, chính nó sẽ tạo cho cuộc đời mãi mãi xanh tươi".

Ta có thể thấy điều đó trong Giọt sữa ân tình của một thiếu phụ dành cho thương binh: "Cô giựt mạnh khuy áo mình, kéo áo ngực, nặn sữa vào miệng người lính. Sữa chảy theo kẽ răng, người lính từ từ đưa lưỡi liếm một cách yếu ớt (...). Cô ấn mạnh núm vú, nặn liên tiếp. Như một phản xạ tự nhiên, người lính cắn chặt hàm răng làm cô điếng người la lên một tiếng thất thanh". Đây là chi tiết mới mẻ, độc đáo, mặc dù cốt truyện này thực ra không mới, nó cùng mô típ với truyện Dòng sữa của Trần Thanh Giao từng đoạt giải thưởng ở miền Bắc.

Tác phẩm Thả hổ về rừng có cốt truyện mới mẻ hơn. Lê Tài - cán bộ quản giáo cùng tù binh bẫy được con cọp. Nhưng anh không bắn chết mà để cọp sổng về rừng trước con mắt ngạc nhiên của mọi người. Sự việc khó hiểu này được "bật mí" khi Lê Tài tâm sự với cấp trên: phát súng đầu run tay nên bắn trượt (chỉ làm đứt bẫy vậy mà tù binh vỗ tay khen !). Súng chỉ còn một viên đạn nên không dám bắn cọp mà để phòng thân và quản tù. Nếu truyện này mang không khí hài hước thì truyện Hai con trâu thần của ngoại gây xúc động sâu xa bởi chi tiết con trâu đấu nhau chí tử với cọp để cứu em bé. Truyện mang không khí huyền thoại mà vẫn chân thực bởi gắn với cuộc kháng chiến chống Pháp trên quê hương tác giả.

Có những truyện lãng mạn, bàng bạc như một bài thơ như "Chuyện của cu Công". Trong truyện Tình người xa xứ, tình yêu trai gái, tình đồng hương vượt lên trên mọi thành kiến chính trị. Thành - sĩ quan cách mạng, đã không có cái nhìn thù hận mà còn tạo điều kiện cho phép Yến, Hương chạy qua Mỹ, Úc sau biến cố 1975. Nụ cười thân thiện và phong cách bình dân của vị Chủ tịch tỉnh này đã làm ấm lòng những Kiều bào mỗi lần quay về đóng góp xây dựng quê hương.

Ở phần ký, tác giả ghi chép tản mạn những chuyến tham quan các di tích lịch sử khắp mọi nẻo đường đất nước. Tác giả "Hành hương về Pắc Bó", "Về ATK thủ đô gió ngàn". Đi "Dọc đường Tây Nguyên", "Dọc đường Nam Bộ" thả hồn suy tư, mơ màng cùng nắng gió. Mặc dù đã về hưu nhưng Nguyễn Tường Thuật vẫn còn nặng mối nợ với đời. Trong chuyến đi Lào 1998, mối quan tâm hàng đầu của ông là làm thế nào để tăng cường mối quan hệ hợp tác phát triển kinh tế giữa hai tỉnh Savanakhet và Phú Yên. Bởi vậy, đừng nói vị cán bộ lão thành này đang đi về quá khứ, thực ra, ông đang hướng tới tương lai.

PHẠM NGỌC HIỀN

 


Phamngochien.com - 17:05 - 30/08/2011 - Bài của Phạm Ngọc Hiền          

Gửi bình luận