Nguyễn Du - bậc thầy của nghề biện hộ (Luật sư Nguyễn Văn Nhi)

 Cụ Nguyễn Du sinh năm 1765, mất năm 1820. Cụ sinh ra, lớn lên và làm việc dưới chế độ phong kiến cuối triều đại nhà Lê, đến triều đại nhà Nguyễn, thân phụ, bác ruột, anh ruột đều đỗ đại khoa, làm quan lớn dưới triều Lê, nên cụ quá hiểu rõ về guồng máy hành chánh của chế độ, trong đó có tổ chức về tư pháp Tòa án...

Chúng ta biết rằng ngay từ hồi Trịnh Nguyễn phân tranh, cả Đàng trong lẫn Đàng ngoài đều có những người phương Tây vào Việt Nam, chủ yếu là buôn bán và truyền giáo, sự việc này không ảnh hưởng gì tới chế độ hành chánh của Việt Nam. Tổ chức hành chánh Việt Nam tại trung ương chia làm sáu bộ là bộ hộ, bộ lại, bộ lễ, bộ binh, bộ hình, bộ công, các việc hình án giao cho bộ hình phụ trách, đứng đầu là Thượng thư. Ở địa phương các vị đứng đầu đơn vị hành chánh thường kiêm nhiệm luôn công tác hình án như tri phủ, tri huyện. Dưới thời phong kiến ở Việt Nam chưa phân biệt rạch ròi luật dân sự với hình sự, không phân biệt thường tội với tội chính trị, hình phạt nặng về hành xác, có sáu khung hình phạt là suy (đánh bằng roi), trượng (đánh bằng gậy), đồ (bắt làm công việc nặng nhọc), lưu (đày đi vùng rừng thiêng nước độc), tử (bị giết chết), tòa án cũng là nơi công đường của quan, quan xử sao dân chịu vậy, mọi việc làm của quan tại công đường cũng được ghi vào một cuốn sổ do Thầy nho, Thầy đề ghi, nhưng không có luật sư biện hộ, người dân đi hầu quan thường chỉ được trả lời những câu quan hỏi, nói nhiều có khi bị quan sai lính lệ vả vào miệng.

Tổ chức tư pháp nước ta hiện nay chịu ảnh hưởng của Tây phương, sau khi Pháp đặt chế độ đô hộ lên nước ta thì cũng áp dụng hệ thống hành chánh của Pháp vào Việt Nam trong đó có hệ thống tư pháp, có Tòa án, có phân biệt luật hình sự, luật dân sự, mọi việc kiện thưa phải theo thủ tục tố tụng, quan tòa, luật sư là chuyên nghiệp, luật sư được thay mặt thân chủ tranh luận, biện hộ trước tòa... Một luật sư muốn biện hộ thành công phải nghiên cứu kỹ tâm lý quan tòa, tâm lý đối phương, cách đặt câu hỏi, cách chất vấn và đôi khi phải dẹp tự ái để làm đẹp lòng người xử kiện thì mới hy vọng thành công trong việc biện hộ.

Cụ Nguyễn Du sống và làm việc dưới chế độ phong kiến, chưa hề biết thể thức, thủ tục tại một phiên tòa như hiện nay, nhưng qua vụ án Thúy Kiều xét xử Hoạn Thư, với những lời tự biện hộ của Hoạn Thư đã thể hiện đỉnh cao của nghề biện hộ, nếu nói không ngoa thì phải tôn cụ Nguyễn Du là tổ sư của nghề biện hộ của Việt Nam. Thực vậy, lật lại vụ án Thúy Kiều xử Hoạn Thư qua các diễn biến nội vụ thì Thúc Sinh, chồng Hoạn Thư là một công tử ăn chơi nổi tiếng, trước người đẹp thì tiêu tiền như nước "Thúc Sinh quen thói bốc trời - Trăm ngàn đổ một trận cười như không". Trong những lần lui tới lầu xanh đã gặp Thúy Kiều và bỏ tiền chuộc Kiều ra khỏi lầu xanh, hai người thuê nhà sống công khai như vợ chồng. Thúy Kiều sau nhiều năm bị vùi hoa dập liễu, nay mới được lúc an nhàn nên rất tha thiết với cuộc sống. Thúc Sinh thì được gần gũi, cận kề người đẹp nên quên cả tháng ngày, quên cả vợ con, linh cảm báo cho Thúy Kiều biết nếu sống mãi với Thúc Sinh sẽ rất nguy hiểm khi bị vợ cả khám phá ra, nên chính Thúy Kiều đã chủ động khuyên Thúc Sinh phải về nhà thăm vợ, mặc dù cuộc chia tay đã để cho nàng nhiều day dứt nhớ thương "Vầng trăng ai xẻ làm đôi - Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường"

Hoạn Thư thấy chồng mình đi lâu quá không về đã nghi ngờ chồng mình có phòng nhì, nên âm thầm cho điều tra, kết quả đúng như dự đoán, tuy nhiên ngoài mặt vẫn như thường, còn trách mắng những người đưa tin là Thúc Sinh có nhân tình "Tiểu thư nổi giận đùng đùng - Gớm tay thêu dệt, ra lòng trêu ngươi - Chồng tao nào phải như ai - Điều này hẳn miệng những người thị phi", do đó không ai dám bàn tán gì. Hoạn Thư thì bình thản như không, nhưng đã ngầm sai tay chân bộ hạ, côn đồ, cầm đầu là hai tên Ưng, Khuyển đi bắt cóc Thúy Kiều, phóng hỏa đốt nhà, lấy một xác chết vô thừa nhận quăng vào đám cháy để ngụy trang là Kiều đã chết.

Khi bắt được Thúy Kiều về, đày nàng làm gia nô, hành hạ roi vọt trước mặt Thúc Sinh, khiến cả Thúc Sinh và Thúy Kiều không ai dám mở miệng kêu ca "Cùng trong một tiếng tơ đồng - Kẻ ngoài cười nụ, người trong khóc thầm".

Đã là người thì ai cũng ghen, nhưng ở đây Hoạn Thư có một kiểu ghen cao cấp, siêu đẳng hơn người thường. Bình thường thì khi thấy tình địch là nổi trận lôi đình, xốc tới đánh, xé, chửi bới làm tình địch phải đau đớn thể xác, ê chề danh dự. Hoạn Thư ngược lại, trong lòng tuy uất ức "Nghĩ rằng: ngứa ghẻ hờn ghen - Xấu chàng mà có ai khen chi mình" nên Hoạn Thư đặt mưu kế bắt Kiều về làm nô lệ cho mình, nhưng bên ngoài thì không ai thấy Hoạn Thư ghen, mà thực ra là ghen ghê gớm, dân gian có câu "ghen như Hoạn Thư".

Thúy Kiều trải qua bao phong trần vùi dập, gặp được Thúc Sinh, người đã đem lại cho nàng cuộc sống an nhàn, đầy đủ, một tình yêu đích thực, nên khi bị Hoạn Thư phá bĩnh cuộc tình, hành hạ thể xác lẫn tinh thần, nên Kiều căm hận Hoạn Thư tới tột đỉnh. Kiều thù ghét Tú Bà, Sở Khanh,... nhưng những người này chỉ đày đọa thể xác nàng, trái lại Hoạn Thư đã phá hoại hạnh phúc của nàng, hành hạ thân xác nàng, phá hủy cuộc sống lương thiện, êm đềm mà nàng từng ấp ủ. Nhưng cái thù hận có lẽ ghê gớm nhất là mình bị tình địch của mình hành hạ công khai mà mình cũng như người tình không thể kêu ca phản ứng gì được, mình vẫn phải giữ ở tư thế hầu hạ, tôi đòi, để tình địch ngang nhiên âu yếm người yêu của mình trước mặt mình, đây là sự xúc phạm ghê gớm nhất. Sự xúc phạm khuất mắt, sau lưng thì có thể bỏ qua, nhưng sự xúc phạm trước mặt thì không thể bỏ qua được, mà mình vẫn phải nhẫn nhục chịu đựng. Bất cứ ai ở trường hợp này mà nếu có dịp trả thù thì đòn thù phải vô cùng khốc liệt.

Do đó sau khi Từ Hải đã hùng cứ một vùng lãnh thổ, Thúy Kiều được dịp dựa vào uy quyền của Từ Hải để ơn đền oán trả, cái mối thù sâu đậm nhất mà Kiều chất chứa trong lòng là Hoạn Thư, nên nàng nói với Giác Duyên "Xem cho rõ mặt biết tới báo thù" và "Dưới cờ, gươm tuốt nắp ra - Đích danh thủ phạm tên là Hoạn Thư".

Đây là một trọng án, trước khi xử ai cũng nghĩ rằng Hoạn Thư khó thoát khỏi án tử hình, vậy mà cụ Nguyễn Du với chỉ một bài cãi ngắn gọn có tám câu đã cứu Hoạn Thư thoát một bản án tử hình trông thấy.

Rằng tôi chút phận đàn bà

Ghen tuông thì cũng người ta thường tình

Nghĩ cho khi các viết kinh

Với khi khỏi cửa dứt tình chẳng theo.

Lòng riêng, riêng cũng kính yêu

Chồng chung hồ dễ ai chiều cho ai

Trót lòng gây việc chông gai

Còn nhờ lượng bể thương bài nào chăng.

Trong bài cãi này mỗi câu, mỗi chữ là cả một nghệ thuật đặt vấn đề, biến từ sự nghiêm trọng thành bình thường

"Rằng tôi chút phận đàn bà"

Dưới chế độ phong kiến thì thân phận người đàn bà là quá nhỏ nhoi, nếu đàn bà có làm điều gì sai quấy thì người ta trách cứ người chồng, người cha, chứ không ai trách cứ đàn bà vì đàn bà là "vô tri vô trách", đàn bà không được dự vào việc dân, việc nước, nên không được đi thi. Ở đây Hoạn Thư chỉ là chút phận đàn bà, nên tội gì cũng không đáng trách phạt, mặc dù thực tế Hoạn Thư là con một bậc đại thần, danh gia vọng tộc chứ không phải đàn bà bình thường.

"Ghen tuông thì cũng người ta thường tình"

Cụ Nguyễn Du đã đồng hóa việc Hoạn Thư đốt nhà, bắt cóc Thúy Kiều về làm nô lệ, hủy bỏ hộ tịch của Thúy Kiều (chết cháy), biến một người tự do thành nô lệ, ngoài ra còn đánh đập, hành hạ Thúy Kiều trước mặt Thúc Sinh. Tất cả những hành động độc ác, phạm pháp nghiêm trọng đó cụ Nguyễn Du đồng hóa bằng hai chữ ghen tuông, mà ghen tuông là việc quá bình thường (chuyện thường ngày bên Huyện), không có gì phải ầm ĩ, ai bị chia sẻ tình yêu thì cũng ghen mà thôi.

"Nghĩ cho khi các viết kinh"

Ở đây Hoạn Thư muốn nói với Thúy Kiều rằng: mặc dù tôi có ghen tuông, bắt cô làm nô lệ (Hoa nô) nhưng rồi tôi cũng mở cho cô một lối thoát danh dự với cuộc đời nửa đời hương phấn của cô, cho cô ra Quan âm các để tu hành, ngày ngày tụng kinh niệm Phật, để nguôi ngoai đi quãng đời nhơ nhuốc ở lầu xanh, để quên đi cuộc tình không minh bạch với chồng tôi, và thoát khỏi kiếp tôi đòi nhọc nhằn nhục nhã.

"Với khi khỏi cửa dứt tình chẳng theo"

Mặc dù tôi đã cho cô ra Quan âm các để tu hành, vậy mà cô và chồng tôi vẫn lén lút gặp nhau, khóc lóc, than thở, tôi thấy rõ và nghe thấy hết, nhưng tôi cũng bỏ qua cho cô, nếu tôi bắt tại trận thì liệu cô có thoát khỏi một trận roi vọt tan tành, thịt rơi máu đổ hay không?

Khi cô trốn đi, cô còn lấy trộm chuông vàng khánh ngọc của tôi để làm lộ phí trên đường đào tẩu, đây là của gia bảo của nhà tôi, tôi biết cô trốn và lấy trộm đồ, nhưng tôi muốn giải thoát cho cô, giúp phương tiện cho cô, nếu tôi truy đuổi bắt lại thì cô làm sao thoát được tội trộm, tội trốn chúa lộn chồng, và như vậy thì cô làm gì có ngày hôm nay để ngồi xử tội tôi.

"Lòng riêng riêng những kính yêu"

Trong thâm tâm tôi rất quý mến cô, thương cô vì sắc, trọng cô vì tài, nên tôi mới đối xử nhân hậu với cô, cho cô sao chép kinh kệ vì cô có học vấn, có tài hoa, chứ không đối xử với cô như những hạng nô tì trong nhà, mặc dù cô là người có tội với tôi.

"Chồng chung hồ dễ ai chiều cho ai"

Trời sinh ra theo lẽ tự nhiên mỗi người đều có một chồng, một vợ, đây là lãnh vực tình cảm cá nhân, không ai có thể chia sẻ cho ai, ai cũng muốn chồng mình hay vợ mình là thuộc quyền sở hữu duy nhất của mình, cơm áo gạo tiền có thể chia sẻ, nhưng chồng thì dứt khoát là không, bởi vậy chồng tôi, tôi không thể chia sẻ cho cô được, giả dụ cô ở trường hợp tôi thì cô có thể chia sẻ tình yêu của chồng cô cho tôi không?

Nói tóm lại dù về lý hay về tình thì Hoạn Thư hoàn toàn không có lỗi gì cả, nhưng nếu bài cãi dừng lại ở đây thì sinh mạng của Hoạn Thư không có gì bảo đảm, Thúy Kiều ngồi ghế quan tòa, nàng luôn hậm hực vì danh dự, tự ái bị xúc phạm, nàng chỉ muốn chặt đầu Hoạn Thư cho hả giận, mà Hoạn Thư lại biện bạch chạy tội, có thể Thúy Kiều nghĩ rằng: Ngươi lý sự để chạy tội à? Ta cứ chặt đầu ngươi xem ngươi còn lý sự được không?

Vì biết rõ tâm trạng của quan tòa như vậy, nên cụ Nguyễn Du phải ve vuốt tự ái của Thúy Kiều bằng hai câu kết:

"Trót lòng gây việc chông gai

Còn nhờ lượng bể thương bài nào chăng"

Ở đây Hoạn Thư vẫn không nhận lỗi, nếu Hoạn Thư nói: "dầu sao thì tôi cũng có lỗi với cô, tôi xin lỗi cô và xin cô tha cho tôi", có thể Thúy Kiều cũng tha, nhưng như vậy là mình nhận lỗi, trong khi phần trên mình không nhận lỗi, và như vậy bài cãi trở nên tiền hậu bất nhất và làm nhẹ thế của mình. Hoạn Thư chỉ nói là đã trót gây việc khó khăn đầy chông gai nguy hiểm chứ không nói lỗi về ai, đây là việc chông gai chứ không phải việc to lớn, ghen tuông là việc bình thường, không phải việc lớn lao hệ trọng, chữ chông gai ở đây cụ Nguyễn Du dùng rất tài tình không ai bắt bẻ được. Dù sao thì Hoạn Thư cũng đã gây việc chông gai, bây giờ chỉ còn biết trông vào lòng bao dung, lượng hải hà của Thúy Kiều, tha cho thì được, mà không tha cũng đành chịu.

Khi Thúy Kiều nghe hai câu chót của bài cãi, tự nhiên thấy hả dạ, lòng tự ái, sự xúc phạm đã được xoa dịu. Đúng như Hoạn Thư nói đây chỉ là việc ghen tuông của đàn bà và Hoạn Thư cũng biết điều, cho mình ra Quan âm các tu hành và làm ngơ cho mình trốn đi, bây giờ lại tỏ ra ăn năn hối hận, nói năng biết điều, nếu mình xuống tay thì hóa ra mình là người bề trên mà hẹp lượng hay sao?

Trước khi tuyên án Thúy Kiều cũng dẫn lý như sau: "Khen cho: thật đã nên rằng - Khôn ngoan đến mực, nói năng phải lời - Tha cho thì cũng may đời - Làm ra thì cũng ra người nhỏ nhen".

Và bản án được tuyên như sau:

"Truyền quân lệnh xuống trướng tiền tha ngay"

Cái tài tình của cụ Nguyễn Du là cách đặt tình huống biến từ nghiêm trọng thành bình thường, rồi vận dụng những phong tục, lề thói bình thường lồng vào vụ án làm vụ án từ nghiêm trọng trở thành bình thường để đi đến kết luận là không có tội. Tuy nhiên cái hay của cụ Nguyễn Du còn ở chỗ hiểu thấu đáo tâm lý của người ngồi xử, Thúy Kiều đương uất ức, tự ái bị xúc phạm nên phải xoa dịu tự ái, nhân phẩm của nàng, phải nâng nàng lên địa vị tối cao có quyền ban phát ân huệ cho mọi người, hai câu chót của bài cãi đã cứu mạng sống của Hoạn Thư.

Trong bao năm hành nghề tôi chưa thấy bài cãi nào hay như vậy. Những năm khoác áo luật sư đi cãi trước tòa đôi khi mình cũng phải dẹp bớt tự ái, hoặc đồng quan điểm với quan tòa thì thân chủ của mình mới có thể được tha hay chỉ bị một bản án nhẹ hơn so với tội vi phạm.

Gần đây chúng ta cũng thấy có một vụ án về đưa tin không chính xác, hai ký giả của hai tờ báo cùng đưa một tin giống nhau về một vụ tham nhũng, tin này lấy từ cơ quan điều tra của Nhà nước, tức là tin chính xác, nhưng vẫn bị truy tố ra tòa, quan điểm của tòa là hai bị cáo có tội, trước tòa một bị cáo nhận tội xin tòa khoan hồng thì được tòa tha bổng, còn một bị cáo nói "tôi không có tội gì cả" thì bị tòa tuyên hai năm tù.

Ở đây cũng xin nói thêm là trong vụ án Thúy Kiều xử Hoạn Thư thì Hoạn Thư là đích danh thủ phạm lại được tha bổng, còn đồng phạm, đồng lõa... như Tú Bà, Sở Khanh, Ưng Khuyển... lại bị tử hình. Cụ Nguyễn Du viết truyện Kiều dưới triều Nguyễn, vụ án lại xảy ra dưới triều nhà Minh, nhưng ngày nay chính phạm nhiều khi được tha mà đồng phạm vẫn bị xử phạt. Thí dụ bố mẹ lấy trộm đồ của con cháu, nhưng vì sự hiếu thảo, lòng tôn kính bề trên nên chính phạm vẫn không bị truy cứu còn đồng phạm hay người cất giữ đồ gian vẫn bị truy tố. Hoặc trong một vụ phạm gian, người chồng nhiều khi vì thương con, hoặc muốn hàn gắn hạnh phúc gia đình, xin bãi nại không truy tố dâm phụ, nhưng không phải vì vậy mà tên dâm phu kia được miễn tố.

Trong vụ án ơn đền oán trả này, đáng lẽ Thúy Kiều phải truy cứu thằng bán tơ (vu cáo Vương viên ngoại) làm gia đình nàng tan nát, có thể lúc đó tên này nằm ngoài "vùng phủ sóng" của Từ Hải chăng? Nếu không thì Thúy Kiều đã để lọt người lọt tội.

 

Luật sư Nguyễn Văn Nhi

Tran Anh Tuan - (vào lúc: 16:01 - 01-04-2011)

Tác giả Nguyễn Văn Nhi đã có phát hiện rất hay trong bài tự bào chữa của Hoạn Thư  thông qua ngòi bút Nguyễn Du. Tài năng của Nguyễn Du đã khiến cho lời nói của Hoạn Thư rất hay, rất có tình lý và đánh động thành công vào tình cảm cũng như tâm lý thỏa mãn uy quyền của người “cầm cân nảy mực” là Thúy Kiều.

Trong cái hay của kẻ bị chiếm đoạt chồng còn có cái may là người chiếm đoạt Thúc Sinh ấy “Thông minh vốn sẵn tính trời” nữa. Cho nên, với sự thông minh ấy, một mặt Kiều hiểu ngay và thông cảm cho cách ứng xử đặc trưng tâm lý đàn bà của Hoạn Thư, mặt khác, Kiều cũng thành công trong việc “Thủ tiêu nhân chứng” để trước mặt Từ Hải sẽ dấu được phần nào cái quá khứ từng âm mưu cướp chồng người khác, từng thậm thụt hẹn hò, khuyến khích thói ngoại tình của Thúc Sinh (khi Hoạn Thư đã cho ra một cái am nhỏ để tu hành), từng giở thói lưu manh ăn trộm đồ quý trước khi trốn đi,… Vì giả sử nếu không tha cho người đàn bà bị xâm phạm hạnh phúc(Hoạn Thư) ấy, biết đâu trước khi bị hành quyết, cô con gái của quan  thượng đẳng đại thần lại không xới tung lên trước mặt Từ Hải về cái sự không mấy đẹp đẽ lắm của “Quan tòa”?

Cho nên mới nói, thông qua bài tự bào chữa không thể hay hơn của Hoạn Thư, cụ Tiên Điền đã thể hiện mình vừa là một nhà biện hộ hàng đầu, vừa là một chuyên gia tâm lý siêu việt, lại vừa là một người biết khai thác thành công những lá bài quan trọng ẩn đằng sau vụ án… Mà cứ theo ngôn ngữ luật bây giờ, đó là một hình thức ngụy biện cao cường, đánh tráo vấn đề, từ việc đáng lẽ phải bị trừng phạt về tội hành hạ thân xác, xúc phạm nhân phẩm thì lại cao tay lái sang chuyện ghen tuông thông thường. “…Rằng tôi chút phận đàn bà – Ghen tuông thì cũng người ta thường tình…”

Cảm ơn luật sư Nguyễn Văn Nhi có bài viết gợi mở được nhiều vấn đề.

Trần Anh Tuấn


Phamngochien.com - 06:57 - 04/01/2011 - Bài của văn nghệ sĩ          

Gửi bình luận