NGƯỜI TRÍ THỨC TRONG "PHẾ ĐÔ" CỦA GIẢ BÌNH AO (Chu Thị Thanh Hiên)

1.  GIẢ BÌNH AO VÀ TÁC PHẨM PHẾ ĐÔ

      Những ai yêu và say mê văn học Trung Quốc không thể không biết đến nhà văn Giả Bình Ao, nhà văn "hương thổ" của nền văn học đương đại Trung Quốc. Bởi lẽ, những trang viết của ông không những thấm đượm hơi thở của làng quê Trung Quốc mà còn chứa đựng hiện thực của thời đại.

      Giả Bình Ao sinh ngày 21 tháng 2 năm 1952, người làng Lệ Hoa, huyện Đan Phượng, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc. Ông sinh ra trong một gia đình có nhiều mối quan hệ phức tạp. Cha ông vốn làm nghề dạy học nhưng bị vu oan là "phần tử phản cách mạng lịch sử" nên bị khai trừ ra khỏi hàng ngũ công chức, bị đưa về quê cũ lao động cải tạo. Mẹ ông, tuy là người mù chữ, nhưng đã kể cho ông nghe rất nhiều chuyện dân gian, về sau trở thành nguồn cảm hứng sáng tác cho nhà văn. Năm 1972, ông trúng tuyển vào hệ Trung văn của trường Đại học Thiểm Bắc. Năm 1977, ông tốt nghiệp Đại học, được phân công về Nxb Nhân dân Thiểm Tây, làm biên tập Văn học và làm việc tai Hội Liên hiệp Văn học của thành phố Tây An. Hiện nay, Gỉa Bình Ao là chủ biên của tạp chí Mỹ văn, là Phó chủ tịch Hội Nhà văn Thiểm Tây, thành viên của Ban Chấp hành Hội nhà văn Trung Quốc, đồng thời là nhà văn lớn của văn học đương đại Trung Quốc.

      Từ nhỏ Giả Bình Ao đã là người say mê văn học. Ông bắt đầu sự nghiệp sáng tác của mình lúc mới 18 tuổi và đến năm 20 tuổi ông đã có tiếng trên văn đàn Trung Quốc. Ông sáng tác ở nhiều thể loại: Tản văn, truyện ngắn, truyện vừa, tiểu thuyết, thơ. Những tác phẩm của ông đã được đông đảo bạn đọc trong nước và trên thế giới đón nhận. Đồng thời, những tác phẩm của ông cũng đã nhận được nhiều giải thưởng có giá trị của hội văn học Trung Quốc và thế giới

     Phế Đô được sáng tác năm 1993. Đây được xem là bước ngoặt thể hiện sự chuyển đổi trong đề tài sáng tác của Gỉa Bình Ao. Trong khi các tác phẩm trước đó Giả Bình Ao đều viết về đề tài nông thôn, trung thành với đề tài con người và cải cách xã hội ở nông thôn thì đến tác phẩm Phế Đô, Giả Bình Ao lại viết về thành thị. 

     Phế Đô được đăng đầu tiên trên tạp chí " Tháng Mười" số tháng 4 năm 1993 với số lượng hơn mười vạn bản. Sau đó được Nhà xuất bản Bắc Kinh ấn hành với số lượng 48 vạn quyển. Kể cả số in lậu, tổng số sách in ra đã vượt con số 1.000.000 cuốn, làm chấn động cả văn đàn Trung Quốc năm 1993 và còn dư âm tới năm sau. Điều đó cho thấy sự đón nhận của độc giả đối với tác phẩm nồng nhiệt như thế nào.

      Phế Đô đã nói lên được những mặt trái của cuộc sống khi xã hội phát triển theo chiều hướng công nghiệp hóa, nói lên được những thói hư, tật xấu của người tri thức trước sự cám dỗ của đồng tiền và danh vọng. Đồng thời Phế Đô cũng đã phơi bày nhiều khía cạnh của cuộc sống nơi thành thị khi những làn gió mới của phương Tây ồ ạt tiến vào Trung Quốc. Chính vì vậy, Phế Đô được xuất hiện nhiều trên các trang bình luận văn học, được xem là tác phẩm viết về thành thị hay nhất sau cuốn Vây thành, được nhận nhiều giải thưởng có giá trị, đưa tên tuổi của Giả Bình Ao lên đỉnh cao trong sự nghiệp sáng tác của ông.

      Trong bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập đến vấn đề trọng tâm của tác phẩm: hình tượng người trí thức trong xã hội thời mở cửa.

2. NGƯỜI TRÍ THỨC TRONG TÁC PHẨM PHẾ ĐÔ

2.1. Trí thức và giấc mộng danh vọng, vật chất

      Trí thức có vai trò rất quan trọng trong sự biến động của xã hội, là tầng lớp nhạy bén với thời cuộc. Trước tình hình đổi mới của đất nước, họ luôn là người đi tiên phong trong việc tiếp thu những đổi mới của thời đại. Đồng thời, họ cũng chính là người phản ánh lại quá trình đổi mới đó một cách chi tiết nhất, góp phần thúc đẩy xã hội tiến bộ, văn minh. Tuy nhiên, chính vì sự phản ứng nhanh nhạy đó, họ lại là tầng lớp chứa đựng nhiều mâu thuẫn phức tạp. Họ đứng giữa cái mới và cái cũ, giữa truyền thống và hiện đại. Vì vậy, người trí thức trở nên mất phương hướng trong việc tìm cho mình một lối đi đúng đắn.

       Nếu như trong thời kì cách mạng, Lỗ Tấn miêu tả người trí thức nhằm kiếm tìm những tư chất và đạo đức của người cách mạng trong họ. Thì đến nay, khi Trung Quốc đang ở thời kì đổi mới, Giả Bình Ao viết về người trí thức từ nhiều khía cạnh trong cuộc sống của, để qua đó, người đọc có thể thấy được nền kinh tế thị trường đã ảnh hưởng đến họ theo chiều hướng nào.

       Phế Đô là một bức tranh toàn cảnh về người trí thức ở đô thị. Đây là nơi mà người trí thức tập trung đông đảo nhất, và cũng chính nơi đây họ thể hiện đầy đủ các mặt trong đời sống của mình. Người trí thức trong Phế Đô được Giả Bình Ao khắc họa ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Họ, có người là nhà văn, là họa sĩ, là biên tập nhà xuất bản, là nghệ sĩ... Nhưng, tất cả đều được Giả Bình Ao xếp vào loại "ăn không ngồi rồi"[2, 30] bên cạnh "bốn cậu ác lớn"[2, 30]. Họ là "người ăn không ngồi rồi văn hóa"[2,30] mà tiêu biểu là "tứ đại danh nhân"[2, 30]. Họ là những người có danh tiếng trong xã hội, có chức, có quyền và có tiền. Nhưng mỗi người lại đạt được danh vọng theo những cách khác nhau. Giả Bình Ao đã nêu lên những người có danh vọng trong xã hội:

      Người có danh vọng nhờ sự phấn đấu của bản thân, đi lên bằng chính tài năng và sự khổ luyện của mình. Tiêu biểu là nhà văn Trang Chi Điệp.  Ngay từ khi bước chân lên thành phố này cách đây mười năm, "vừa nhìn thấy cái lầu chuông xanh vàng rực rỡ, anh đã thề rằng, phải sống nổi đình, nổi đám ở đây phấn đấu gian khổ trầy trật"[2, 249]. Trang Chi Điệp đi lên bằng chính khả năng và sự cố gắng của mình. Và anh đã thành công, trở thành danh nhân được nhiều người biết đến, được tôn sùng không chỉ ở thành Tây Kinh mà còn ở nhiều nơi khác.

      Loại người trí thức thứ hai có danh vọng cũng nhờ tài năng, nhưng một phần họ dựa vào người khác. Đó là họa sĩ Uông Hy Miên, người viết chữ thi pháp Cung Tịnh Nguyên và nghệ sĩ Nguyễn Tri Phi. Nhờ tài năng của mình, họ đã trở thành danh nhân của thành Tây Kinh. Nhưng để được nổi danh hơn họ chuyên đi lại với những người vô công rồi nghề khác trong xã hội. "Bên trong thì dựa vào bọn quan lại, bên ngoài thì dựa vào người nước ngoài"[2, 32].

      Loại người trí thức muốn có danh tiếng nhưng lại đi lên nhờ lợi dụng danh tiếng của người khác. Tiêu biểu cho kiểu người này là Chu Mẫn. Vốn là một kẻ nhàn rỗi, nhưng có tham vọng rất lớn. "Thấy bên cạnh kẻ muốn làm quan đã tìm được nấc thang thăng tiến, người muốn phát tài đã có mười mấy vạn đồng gửi vào ngân hàng. Riêng mình vẫn chưa tìm được cái mình cần tìm"[2, 24]. Và Chu Mẫn đã lợi dụng danh tiếng của Trang Chi Điệp để được vào làm việc ở tòa soạn tạp chí Tây Kinh.

      Ngoài ra còn nhiều loại trí thức khác cũng được Giả Bình Ao khắc họa một cách rõ nét. Họ tìm kiếm danh vọng, vật chất bằng nhiều hình thức khác nhau. Và rồi, khi đã có được danh vọng, đã có được cái họ mong muốn thì họ làm gì? Họ đã lợi dụng chính danh tiếng đó để kiếm lợi nhuận. Họa sĩ Uông Hy Miên chuyên bán tranh giả, Cung Tịnh Nguyên bán tranh chữ của mình với giá cắt cổ, Nguyễn Tri Phi cũng thu được rất nhiều tiền từ những buổi biểu diễn kì lạ của mình. Theo họ "tiền cũng cần mà chức danh cũng cần. Chức danh cũng là danh phận mà! Xã hội bây giờ, quyền có thể chuyển đổi thành tiền, danh phận cũng có thể chuyển đổi thành tiền. Cũng giống như Trang Chi Điệp ấy, có đại danh rồi, thì bài dễ được đăng trên báo chí, được đăng rồi, chẳng phải sẽ có nhuận bút đó sao?"[2, 370]

      Tuy nhiên, trong tứ đại danh nhân, có một vị danh nhân được nhiều người biết đến nhất và sống thanh tịnh nhất. Đó là nhà văn Trang Chi Điệp, nhân vật trung tâm của tác phẩm. Trang Chi Điệp là một nhà văn nổi tiếng nhưng vẫn sống rất giản dị. Sự giản dị đó được thể hiện ngay trong vẻ bề ngoài của anh: "một người vừa gầy, vừa lùn", "phần trên người mặc chiếc áo sơ mi cộc tay vải ráp màu đỏ sẫm, phần dưới mặc quần dài màu trắng xám, không đi tất, đi một đôi dép rọ màu tro", "đi chiếc xe máy "Mộc Lan" kiểu đàn bà", "bước xuống xe không móc lược chải đầu, ngược lại đã cố ý làm rối bung mái tóc"[2, 54]. Nhưng Trang Chi Điệp cũng đã bị cuộc sống cuốn theo, đã không thể nào chống lại được những sự lôi kéo xung quanh anh. Thậm chí, chính anh cũng ngạc nhiên vì điều đó. "Mình cũng từng ngạc nhiên chính mình, không hiểu là thuận theo xã hội hay là trụy lạc?"[2, 63]. Anh để cho Chu Mẫn lấy danh tiếng của anh để được vào làm ở tòa soạn, để cho giám đốc Hoàng sử dụng tên tuổi của mình để tuyên truyền cho loại thuốc trừ sâu giả, để cho Hồng Giang sử dụng tên danh tiếng của mình để bán sách lậu,...Thậm chí chính Trang Chi Điệp đã viết quảng cáo cho loại thuốc trừ sâu giả của giám đốc Hoàng.

       Danh tiếng đã đem đến cho người trí thức nhiều quyền lợi, nhưng cũng đã lấy đi của họ nhiều thứ do chính họ đánh mất. Và nguyên nhân chủ yếu là do họ đã không giữ được bản chất của mình, để bị ảnh hưởng bởi nền kinh tế thị trường, bị danh lợi làm cho trở nên tham lam, mù quáng và chỉ mải miết chạy theo cái lợi trước mắt. "Khi con người thay đổi nghề nghiệp, địa vị, thì suy nghĩ, cảm giác cũng đổi thay."[3, 308]

2.2.   Trí thức và nghệ thuật chân chính

      Thế nào là nghệ thuật chân chính? Có lẽ khó có thể định nghĩa được một cách cụ thể và đầy đủ. Nhưng, nghệ thuật chân chính trước hết phải lấy nhiệm vụ phục vụ con người làm chủ yếu. Nghệ thuật phải đáp ứng được nhu cầu chính đáng của con người, phục vụ cho đời sống tinh thần của con người, đem lại niềm vui và lợi ích cho con người. Muốn làm được điều đó, người làm nghệ thuật phải là người thực sự hoạt động vì nghệ thuật chân chính. 

      Nhưng dưới ngòi bút của Giả Bình Ao, người trí thức trong Phế Đô bị đả kích một cách chua chát. Họ đã quên đi mình là người làm nghệ thuật. Họ coi nghệ thuật là cái cần câu cơm, là công cụ để kiếm tìm lợi nhuận. Họ đã đánh mất bản chất nghệ sĩ của mình, trở thành những thương nhân, biến những tác phẩm nghệ thuật của mình thành hàng hóa buôn bán. Và nghiêm trọng hơn là họ lợi dụng nghệ thuật, lợi dụng lòng đam mê nghệ thuật của con người để buôn bán những tác phẩm nghệ thuật giả mạo.

      Họa sĩ Uông Hy Miên lợi dụng tài vẽ tranh của mình để "ngấm ngầm làm những thứ phỏng chế của Thạch Lỗ để đánh lừa bọn nước ngoài đến du lịch ở Tây Kinh" [2, 312]. Đồng thời anh ta còn móc nối với bọn chuyên bán tranh giả trên thị trường. Nghệ sĩ Nguyễn Tri Phi lợi dụng những kỹ xảo của mình để bán vé vào cổng với giá cắt cổ. "Vé vào lên tới ba mươi đồng, mà người xem cứ lao vào như điên"[2, 32]. Cung Tịnh Nguyên tuy nổi danh nhưng lại ham mê cờ bạc và tiêu xài một cách phung phí. Nói chung, họ đều xem nhẹ loại hình nghệ thuật mà họ đang đeo đuổi, xem nhẹ giá trị của nghệ thuật. Họ đã không phục vụ cho nghệ thuật chân chính. Không xem đó là một hoạt động nghệ thuật mà xem đó như một nghề, một công cụ để kiếm tiền.

      Nhà văn giống như một nhân chứng của thời đại, ghi chép lại lịch sử theo cách nhìn nhận của riêng mình.  Đồng thời, nhà văn cũng chính là những nhà tuyên truyền về đạo đức của con người. Trong tác phẩm của mình, họ thể hiện đủ các loại người với những tâm tư, tình cảm chủ quan và khách quan nhằm đem đến cho con người những nhận thức đúng đắn, sâu rộng về cuộc sống. Đối với nhà văn Trang Chi Điệp thì sao? Anh là một nhà văn, một nhà văn lúc đầu phục vụ cho nghệ thuật chân chính, phấn đấu vì nghệ thuật chân chính. Anh quan niệm rằng: "Nhà văn dựa vào tác phẩm"[2, 247]. Trước sự cám dỗ của danh vọng, của cải vật chất, anh không tham nhưng anh đã dần bị mất đi bản chất tốt đẹp của mình, bị chính những người bạn thân thiết của anh lợi dụng. Chu Mẫn lợi dụng danh tiếng của Trang Chi Điệp để viết một bài báo hoàn toàn bịa đặt, Hồng Giang lợi dụng danh tiếng của Chi Điệp để có thể dễ dàng bán sách lậu, sách giả,...

      Đáng buồn hơn, văn chương đã bị xem rẻ. Người ta lợi dụng chức quyền để đưa lên báo những bài viết của những kẻ không biết thế nào là viết văn, không hiểu thế nào là nghệ thuật, không hiểu rằng, một tác phẩm hay phải là một tác phẩm có người đọc. Nhưng, chính nhà văn lại là những người làm mất đi giá trị tác phẩm của mình. Họ viết nên những tác phẩm hời hợt để kiếm tiền. Trang Chi Điệp đã viết bài quảng cáo cho thuốc trừ sâu giả của nhà máy thuốc Bảo vệ thực vật 101 Hoàng Hồng Bảo chỉ với giá năm ngàn đồng. Và cũng chính Chi Điệp vì muốn thắng kiện đã chấp nhận đăng bài trên báo cho con trai của Bạch Ngọc Châu, mặc dù "văn chương viết dở òm, riêng sai chữ đã khiến anh đọc mà đau đầu"[2, 30]. Nhưng Chi Điệp cũng phải cắn răng cho đăng, thậm chí phải lấy bài của mình để cho đăng thế. Rõ ràng, nghệ thuật đã bị đem ra đổi chác, làm công cụ để con người lợi dụng lẫn nhau. Và Trang Chi Điệp cũng phải chấp nhận điều đó một cách cay đắng, gần như anh cũng đã "thuận theo xã hội". Anh đã không thể viết được những tác phẩm có giá trị. Anh hoàn toàn rơi vào bế tắc, không lối thoát. "Anh biết anh đã thành danh song không thành công. Anh cần viết những áng văn anh hài lòng, nhưng anh lại chưa viết được ngay, cho nên anh cảm thấy hổ thẹn, đã hổ thẹn rồi mà người ta còn cứ tưởng anh khiêm tốn. Anh khiêm tốn cái nỗi gì. Nỗi đau ấy dằn vặt anh."[2, 250]

    Không chỉ có Trang Chi Điệp mà còn có rất nhiều những nhà văn khác trong xã hội chạy đua theo những giá trị vật chất mà quên đi những giá trị nghệ thuật chân chính. Và Giả Bình Ao đã kể một loạt các loại nhà văn thông qua bài thơ ngắn:

Nhà văn loại một dựa vào chính giời

Bám theo công chức làm công sai

Nhà văn loại hai chơi vượt rào,

Giúp nhà doanh nghiệp soạn quảng cáo

Nhà văn loại ba in ấn lậu.

Đổi sách dâm ô lấy tiền tiêu." [2, 321]                      

3. KẾT LUẬN

       Phế Đô là tác phẩm đánh dấu bước ngoặt chuyển đổi trong sáng tác của Giả Bình Ao. Từ một nhà văn chuyên viết về đề tài nông thôn, ông đã chuyển sang viết về đề tài thành thị. Phế Đô viết về thành phố Tây Kinh vào những năm Trung Quốc bước sang thời kì mới. Kinh tế hàng hóa, công nghiệp thay thế cho nền kinh tế nông nghiệp. Các khái niệm về tiền, vàng và hàng hóa đã dần dần chiếm lĩnh tư tưởng của con người trong thời đại này. Điều đặc biệt nhất là tác phẩm đã cho người đọc một cái nhìn khác về người trí thức, những người luôn được xem là những nhà đạo đức, nhà tuyên truyền đạo đức. Nhưng chính họ lại là những người bị sa ngã trong xã hội này.


Chu Thị Thanh Hiên

                                                  (Báo Doanh nhân đất Việt)

THƯ MỤC THAM KHẢO

1.  Cao Nhĩ Thái (1990), Vấn đề chủ nghĩa hiện thực trong xã hội Trung Quốc đương đại, Văn học, (số 6), tr. 71.

2.  Gỉa Bình Ao (2005), Phế Đô (tập 1), Vũ Công Hoan dịch, Văn học.

3.  Giả Bình Ao (2005), Phế Đô (tập 2), Vũ Công Hoan dịch, Văn học.

4.  Lê Huy Tiêu (2006), Tiểu thuyết Trung Quốc thời kì đổi mới (1976-2000), Đại học Quốc gia Hà Nội.

5.  Nhan Bảo (1998), Ảnh hưởng của tiểu thuyết Trung Quốc đối với văn học Việt Nam, Văn học (số 9), tr. 37.

6.  Nhiều tác giả (1996), Khảo về tiểu thuyết, Vương Trí Nhàn sưu tầm và biên soạn, Hội nhà văn.

7.  PGS.TS Hồ Sĩ Hiệp (2007), Một số vấn đề văn học Trung Quốc đương đại (tiểu luận), Tổng hợp Đồng Nai.

8.  PGS.TS Hồ Sĩ Hiệp (2003), Một số vấn đề văn học Trung Quốc thời kì mới, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh.

9.  Phạm Xuân Nguyên (1991), Phân tích tâm lí trong tiểu thuyết, Văn học (số 2).

10. Phạm Tú Châu (2003), "Tiểu thuyết tiên phong" Trung Quốc: Ra đời,nở rộ và trầm lắng, Tạp chí  Văn học (số 12).

11. Phương Lựu (chủ biên), (2006), Lí luận Văn học, Nxb Giáo dục.

12. Phương Lựu (2005), Phương pháp luận nghiên cứu văn học, Đại học Sư phạm.

 

 


Phamngochien.com - 11:30 - 28/01/2010 - Bài của văn nghệ sĩ          

Gửi bình luận