Người lọc "sạn chữ" đang ở đâu? (Lê Xuân Chiến - Quảng Nam)

 

Chúng ta đang ở trong thời kỳ bùng nổ của truyền thông, báo chí, mạng xã hội nhưng rất tiếc vẫn gặp không ít hiện tượng sử dụng tiếng Việt cẩu thả, tuỳ tiện, phá hỏng tiếng Việt. Người viết bài này xin đơn cử một số trường hợp sau:

"Bạn sinh năm nào?" hay "Bạn sinh năm bao nhiêu?"

Cái câu "Bạn sinh năm bao nhiêu?" không phải bây giờ mới xuất hiện, nhưng càng ngày tôi thấy người ta dùng câu này rất nhiều, cái sai càng nhân lên, nhất là từ những người nổi tiếng trong lĩnh vực báo chí, truyền thông, giải trí…

Có lẽ câu hỏi "quen thuộc" này hoàn toàn không có vấn đề gì với người nghe và không hề làm bận tâm với bất kỳ người dẫn chương trình, biên tập viên nào. Nhưng với tôi, khi nghe câu hỏi đó, tôi rất khó chịu, nói theo trào lưu các bạn trẻ bây giờ, là thấy "cái gì đó sai sai !", thậm chí rất sai.

Có lẽ với nhiều người, hai câu hỏi "bạn sinh năm nào?"  "bạn sinh năm bao nhiêu?" chẳng có gì khác nhau, hỏi sao chẳng được, người nghe đều hiểu và câu trả lời giống nhau. Thực ra, sai lầm là ở chỗ đấy.

Năm sinh mà hỏi "bao nhiêu" là cách dùng từ rất kỳ cục, sai cơ bản về ngữ nghĩa tiếng Việt. "Bao nhiêu" là từ là chỉ số lượng, mức độ. Ví dụ: "Bạn bao nhiêu tuổi?", "Chiếc điện thoại này giá bao nhiêu?", "Tuổi trẻ bạn đáng giá bao nhiêu?". Năm sinh chỉ một mốc thời gian nào đó (trong dòng chảy không tận của thời gian). Hỏi năm sinh của ai đó là hỏi người đó sinh ra ở mốc thời gian nào, chứ không phải nhằm hỏi người đó có số lượng thời gian là bao nhiêu. Vậy nên, cần phải hỏi "Bạn sinh năm nào?" hoặc "Bạn sinh năm mấy?" chứ không thể hỏi "Bạn sinh năm bao nhiêu?" được. Hỏi "sinh năm bao nhiêu?" là sai lô-gic, chứng tỏ người hỏi hiểu rất mơ hồ về tiếng Việt.

"Bốn" hay "tư"

Tháng tư vừa rồi tôi gặp không ít bản tin trên mạng xã hội, người ta không đọc "tháng tư" mà đọc "tháng bốn", kiểu như "ngày bốn, tháng bốn" (ngày 04-4), "ngày mười bốn, tháng bốn" (14-4). Nghe mà trối tai ! Ai cũng thừa hiểu các tháng trong năm theo thứ tự. Vì theo thứ tự nên "tháng 4" phải đọc là "tháng tư", đọc "tháng bốn" nghe rất kỳ cục. Vậy mà rất nhiều kênh báo mạng đọc "tháng bốn" một cách… tỉnh bơ.

"Video" - đọc như thế nào?

Hầu hết các bạn trẻ bây giờ đọc sai từ "video", thậm chí có bạn xưng học vị "tiến sỹ" nhưng đọc từ này là "vi-deo", "vi-déo" nghe rất buồn cười. Có người thì đọc là "vi-đeo", "vi-đéo", "vi-đô" một cách "rất tự nhiên" trên diễn đàn. Người lớn tuổi trước đây dù không được học ngoại ngữ nhiều nhưng đọc chuẩn từ này. Từ này thuộc từ vay mượn, cần đọc theo phiên âm tiếng Pháp là "vi-đê-ô" mới đúng. Bây giờ các bạn trẻ học ngoại ngữ nhiều nhưng hầu hết đọc sai từ này. Nguyên nhân không chỉ do thói quen của người nói, người dẫn chương trình mà còn do sự chủ quan, dễ dãi của những người làm công tác biên tập, đạo diễn.

Vài trường hợp đơn cử trên đây chỉ là "phần nổi của tảng băng trôi", song đủ cho thấy ngày nay xuất hiện ngày càng nhiều hiện tượng sử dụng tiếng Việt rất kỳ cục, tuỳ tiện. Dùng tiếng Việt kiểu như thế khác gì phá hỏng tiếng Việt !

Nhiều chương trình truyền hình, giải trí được đầu tư rất công phu, nhiều game-show rất hoành tráng, hấp dẫn, thu hút hàng triệu người theo dõi, nhưng tiếc thay, khi nghe các từ dùng sai như vậy chẳng khác gì ăn một miếng cơm ngon gặp phải hạt sạn! Sạn ấy là "sạn chữ". Xin hỏi, người lọc "sạn chữ" đang ở đâu?

Lê Xuân Chiến

 


Phamngochien.com - 11:58 - 27/09/2022 - Bài của văn nghệ sĩ          

Gửi bình luận