Người chở đò trên dòng sông quan họ (Đặng Văn Sỹ)

 

NGHỆ SĨ ƯU TÚ QUÝ THĂNG

NGƯỜI CHỞ ĐÒ TRÊN DÒNG SÔNG QUAN HỌ

 

Sinh ra ra ở Hà Nội nhưng nghệ sĩ Qúy ‎Thăng lại lớn lên và trưởng thành tại Bắc Ninh - cái nôi của dân ca quan họ. Dường như miền quê giàu truyền thống văn hóa ấy đã nuôi dưỡng trong anh một niềm đam mê nghệ thuật cháy bỏng từ thuở nhỏ để rồi sau nhiều năm lao động nghệ thuật, giọng hát của người nghệ sĩ tài năng này đã chinh phục hàng triệu trái tim người hâm mộ. Chuyển vào Sài Gòn sống và làm việc gần ba mươi năm, trải qua nhiều thăng trầm của cuộc sống nhưng nghệ sĩ Qúy‎ Thăng vẫn mang trong mình một tình yêu quan họ đặc biệt. Nếu coi dân ca quan họ như một dòng sông thì gần ba mươi năm qua nó đã chảy về phương Nam mang theo con nước mát lành và trên dòng sông ấy, nghệ sĩ Qúy‎ Thăng nguyện làm người đưa đò để những lời ca kia còn mãi.

 

Con đường nghệ thuật

 

Tiếp chúng tôi, nghệ sỹ Qúy‎ Thăng vồn vã, hồ hởi như được gặp lại những người bạn thân ở xa mới về. Căn hộ nhỏ của anh rộn tiếng cười vui của khách xen lẫn tiếng đàn hát của những liền anh liền chị trong câu lạc bộ Mười Nhớ đang say sưa luyện tập ở khoảng sân trước nhà. Sau một tuần trà ấm cúng, anh trầm ngâm kể lại cho chúng tôi nghe con đường nghệ thuật vinh quang mà cũng đầy trông gai của mình. Sinh ra ở Hà Nội nhưng nghệ sỹ Qúy Thăng lớn khôn ở Thuận Thành - Bắc Ninh, một vùng quê giàu truyền thống văn hóa. Trong kháng chiến chống Mỹ, anh làm công nhân xây dựng, vốn sẵn năng khiếu ca hát nên anh được chọn vào đoàn ca múa kịch Hà Bắc và được cử đi tập huấn nghiệp vụ tại Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Nhạc Viện Hà Nội). Tưởng như những điều tốt đẹp đã tới với anh nhưng đến cuối thập niên 70 của thế kỷ trước khi chiến tranh biên giới nổ ra, anh phải gác lại chuyện học tập để đi theo đoàn phục vụ bộ đội ở các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn,... Trong khó khăn gian khổ, nhưng nghệ sỹ Qúy Thăng vẫn mang hết khả năng của mình cống hiến trên các trận tuyến. Trong thời gian này, ngoài đi diễn anh còn sáng tác một số bài hát, ca cảnh, kịch hát để phục vụ nhân dân và được nhiều người khen ngợi. Khoảng những năm 1982 - 1983, nghệ sỹ Qúy Thăng chuyển về lại đoàn quan họ Hà Bắc làm diễn viên hát phục vụ cho các đơn vị vũ trang trong và ngoài tỉnh. Không lâu sau, năm 1984 nghệ sỹ Qúy Thăng có một quyết định táo bạo và gây không ít bất ngờ cho đồng nghiệp và người hâm mộ, đó là chuyển vào sinh sống tại Sài Gòn. Bao bỡ ngỡ, xa lạ ở miền đất mới cũng không ngăn nổi quyết tâm gây dựng lại những hoạt động nghệ thuật của riêng mình. Ngay cuối năm đó, nghệ sỹ Qúy Thăng trúng tuyển khóa I  - chuyên ngành thanh nhạc dân tộc tại Viện Nghiên cứu Âm nhạc Việt Nam và Trường Nghệ thuật sân khấu 2 (nay là Trường Sân khấu điện ảnh thành phố Hồ Chí Minh). Sự kiện này đã đánh dấu bước ngoặt trong con đường nghệ thuật chuyên nghiệp của anh. Năm tháng qua đi, gánh nặng về cơm áo ngày một lớn lên nhưng anh đã vượt qua tất cả để dành trọn tình yêu và niềm đam mê cho nghệ thuật. Những làn điệu dân ca quan họ dường như đã ngấm vào trong máu anh để đến hôm nay nó vừa là niềm tự hào, vừa là động lực đưa anh đến những thành công, những niềm vui của một đời nghệ sỹ. Là người thành danh với dân ca quan họ và được xem là một trong những nhân tố tích cực truyền bá rộng rãi môn nghệ thuật độc đáo này, nhưng ẩn sâu trong tâm tưởng của người nghệ sỹ tài năng ấy vẫn còn nung nấu ước vọng lớn hơn là làm sao trên khắp đất nước này nhà nhà hát quan họ, người người hát quan họ. Đáng qúy hơn, không chỉ gắn bó với làn điệu của quê hương mình, nghệ sỹ Qúy Thăng còn sáng tác khá nhiều bài hát dân ca về Bác Hồ và được nhiều người biết đến. Đáng chú ý trong số các sáng tác ấy phải kể đến "Đường cứu nước Bác đi" (Huy Chương vàng), ca cảnh "Miền Nam thương nhớ Bác" (Huy Chương vàng), "Đài hoa dâng Bác, Sông núi vẫn vang lời Bác" được các nghệ sỹ Trung Nghị, Bích Phượng, Vương Hà,... thể hiện rất thành công. Ngoài ra, trong nghiệp ca hát của mình anh còn đoạt được nhiều giải thưởng khác như: Huy chương vàng hội diễn Hà Bắc năm 1976; huy chương vàng hội diễn nghệ thuật của Ban Tài chính quản trị Trung ương Đảng năm 2001; huy chương vàng hội diễn Toàn quân năm 1984,... đó là những thành công mà nghệ sĩ Quý Thăng gặt hái được trên con đường lao động nghệ thuật đầy gian lao thách. Hiện đã ở cái tuổi lục tuần nhưng với dân ca quan họ anh vẫn còn nguyên nhiệt huyết, và chúng tôi tin rằng chính điều nay sẽ giúp anh ghi thêm những "chiến công mới" trên con đường nghệ thuật mà anh vẫn đang đi.

 

Hồn quan họ trên đất phương Nam

 

Đã từ lâu, dân ca quan họ không còn là "đặc sản" riêng của đất và người Kinh Bắc, nhất là từ năm 2009 khi Unessco công nhận môn nghệ thuật này là di sản phi vật thể của thế giới. Là một nghệ sỹ chuyên nghiệp - một người gắn bó cả sự nghiệp của mình với quan họ, hơn ai hết nghệ sỹ Qúy Thăng ‎ý thức được rằng quảng bá, giới thiệu rộng rãi nghệ thuật quan họ là một việc làm vô cùng ý nghĩa và anh như cánh chim không mỏi bay đến khắp các nẻo đường cất mãi những lời ca. Gần 30 năm trước, anh đặt chân đến Sài Gòn mang theo nhiều dự định và ấp ủ về một cuộc sống mới nhưng chẳng ngờ hát quan họ vẫn có duyên với anh để rồi nó trở thành một cái nghiệp. Nói về những ngày đầu gian nan ấy, anh chia sẻ: "Mọi thứ đều lạ lẫm, chưa biết sẽ làm gì để sống cả. Được sự động viên của vợ, mình lại đi hát, đi diễn để sống qua ngày. Ban đầu bà con trong này kì thị, chưa chấp nhận nhưng mãi rồi cũng quen và mình sống được bằng nghề". Có lẽ những lời anh tâm sự chưa nói hết khó khăn của những tháng ngày ấy, nhưng dù thế nào thì mấy chục năm qua anh là người có công đầu đưa dân ca quan họ vào thành phố phương Nam này. Tiếng lành đồn xa, nhiều người yêu quan họ đã tìm tới anh để theo học, tính đến nay đã có hàng chục câu lạc bộ đàn và hát quan họ được thành lập ở thành phố Hồ Chí Minh cũng như các tỉnh lân cần như Đồng Nai, Bình Dương. Trong đó điểm sáng nhât phải kể đến câu lạc bộ "Mười nhớ" do chính nghệ sỹ Qúy Thăng thành lập. Về việc ra đời câu lạc bộ này, anh tâm sự: "Cái tên Mười nhớ xuất phát từ một bài hát cùng tên của Bắc Ninh quê tôi, nó gợi lên trong mỗi người nỗi nhớ và lòng mong muốn phải làm được điều gì đó để không hổ thẹn với quê hương. Từ câu lạc bộ này, tôi thực lòng muốn truyền một môn nghệ thuật truyền thống của quê nhà trong cộng đồng những người Kinh Bắc xa xứ và ươm trồng những giọng hát quan họ trong tương lai". Không chỉ thường xuyên tham gia các hội diễn lớn của thành phố, nghệ sỹ Qúy Thăng còn nhiệt tình trực tiếp giảng dạy, hướng dẫn miễn phí cho những tầng lớp nhân dân yêu quan họ từ các tỉnh Tây Nam Bộ đến sinh viên của nhiều trường Đại học. Vẫn biết rằng giữa thành phố phồn hoa, sôi động này nghệ thuật truyền thống nói chung và dân ca quan họ nói riêng chỉ là một nốt trầm trong thế giới giải trí hiện đại. Tuy vậy, với cái tâm của người nghệ sỹ chân chính, nghệ sỹ ưu tú Qúy Thăng vẫn âm thầm miệt mài mang theo lời ca tiếng hát đến với mỗi miền quê, khu phố để hồn quan họ được giữ mãi trên đất phương Nam. Nói về những hành trình này anh chia sẻ: "Tôi làm bằng tất cả tấm lòng và tình yêu quan họ, trong thâm tâm tôi dù khó khăn đến mấy vẫn muốn loại hình nghệ thuật này mỗi ngày được phổ biến rộng rãi trong nhân gian. Cả thế giới đã biết, có lẽ nào người Việt mình lại không hay?". Đến hôm nay, có thể nói nghệ sỹ Qúy Thăng đã phần nào làm được cái điều mà bấy lâu mình mong ước. Nhiều làn điệu dân ca quan họ đã được đem vào sinh hoạt ở nhiều Trung tâm văn hóa, nhiều trường đào tạo nghệ thuật và dần trở thành món ăn tinh thần lí thú của đông đảo nhân dân. Với nghệ thuật dân tộc, bây giờ người Việt Nam không chỉ chọn riêng những điệu lí, những bản cải lương tài tử mà đâu đó ngoài kia họ còn gửi về nhau những giai điệu ý nhị, thân thương của dân ca quan họ.

Khoảng sân trước nhà vẫn dập dìu những điệu múa, lời ca còn chúng tôi chia tay nghệ sỹ Qúy Thăng bằng bài quan họ chưa thuộc hết. Anh cười hiền và rằng "người ơi người ở đừng về" như để muốn tâm tình thêm cho chúng tôi nghe về những dự định trong thời gian tới. Tạm biệt anh - người giữ hồn quan họ, dù chưa nói thành lời nhưng chúng tôi thầm cảm ơn anh đã mang đến nơi này những câu hát tình quê.

 

Đặng Văn Sỹ


Phamngochien.com - 10:24 - 01/12/2011 - Bài của văn nghệ sĩ          

Gửi bình luận