Ngày phố trở mình (Nguyễn Thị Lâm - SV ĐHSP TP. HCM)

Đạp xe mỏi chân, Thu ghé vào tiệm Internet đầu phố. Tiệm đông khách. Ồn ào. Thu kéo ghế vào một góc, thẫn thờ một lúc, rồi nhanh tay lướt trên bàn phím, như những người bên cạnh. Màn hình hiện ra với vài ba tin nhắn hời hợt của lũ bạn, đọc lại thêm buồn, nghe nhạt thếch nơi đầu lưỡi.

Thu có cảm giác những tin nhắn ấy được tụi bạn gõ vào để Thu đừng trách móc, chứ không phải thực lòng nhớ Thu. Kẻ Hà Nội, đứa Quảng Nam, còn Thu ở Bình Dương, sao mà xa xôi quá! Xa mặt cách lòng, có đúng thế không, Thu cũng không biết nữa. Chỉ biết cứ mỗi lần đọc một dòng tin nhắn nào là lòng Thu lại càng buồn hơn. Hay là vì những con chữ ấy không có dấu, không thể giúp người ta nói lên những điều rất thật của lòng mình?

Thu đóng trang tin nhắn, gõ vào trang web quen thuộc mà mỗi lúc buồn Thu lại hay vào. Những vần thơ, những câu chuyện lôi Thu ra khỏi cái ngột ngạt của cuộc sống thường ngày, để bay bổng và mộng mơ, rồi trả Thu lại với cái nhìn thông cảm hơn. Màn hình mở ra, Thu ngồi ngay ngắn lại để đọc và cảm nhận...

Hơn 8 giờ, phố đông hơn một chút, ánh đèn từ các hàng quán sáng trưng chiếu cả ra đường. Thu đạp xe về, trong đầu, câu chuyện về một con phố của tác giả Trần Thu Hương cứ ám ảnh mãi. Con phố nghèo và buồn lặng vì không có đàn ông. Sự tẻ nhạt của nó được cảm nhận bằng tâm hồn của một cô bé nhạy cảm vừa dọn về ở đó... Thu chợt nghĩ đến con hẻm xóm mình, rất may nó không giống như vậy.

Thu vẫn thấy bếp lửa mỗi gia đình đều nồng ấm vì hạnh phúc, còn những đứa trẻ vẫn vô tư lớn lên trong sự yêu thương. Nhưng hình như nó vẫn còn thiếu một cái gì đó... Một niềm tin ở tương lai chẳng hạn? Câu chuyện của Thu Hương kết thúc có hậu, cuối cùng thì mỗi gia đình ở phố đều tìm thấy hạnh phúc cho mình, phố lại ấm lên vì tiếng những người đàn ông đến đó. Còn con hẻm của mình và chính mình nữa, liệu cuối cùng có tìm được cái điều thiếu vắng ấy hay không?

Thu về đến nhà lúc gần 9 giờ. Ánh đèn trước hiên vẫn sáng. Thu dựng xe, bước vào nhà. Chị Trúc đang nói chuyện cùng một người khách lạ. Thu cúi đầu chào. Anh thanh niên mỉm cười chào lại Thu rồi quay sang chị Trúc:

- Học trò của em đây phải không chị?

Câu hỏi của anh ta làm Thu giật mình. Học trò ư?

Chị Trúc gật đầu:

- Ừ, coi vậy chứ nó bướng bỉnh lắm, em phải dữ dằn lên mới được. Thu mà cứng đầu, em cứ... đánh đòn cho chị, đừng sợ gì cả!

Hai người cười giòn tan trước cái nhìn ngơ ngác của Thu. Thu giận chị Trúc ghê. Điệu này chắc chị mời anh ta đến làm gia sư cho Thu rồi! Vậy cũng được, nhưng chưa chi sao chị lại nói xấu Thu như thế?

Chị Trúc quay sang Thu:

- Thu nè, đây là anh Minh làm cùng công ty với chị. Chị nhờ anh ấy đến kèm thêm cho em buổi tối. Anh Minh giỏi hóa lắm, lúc trước anh ấy là dân Bách khoa đó! Em phải cố gắng lên nghe! Ráng đi, thi đậu đại học, chị sẽ có quà cho hai anh em đó. Bây giờ "hai thầy trò" làm quen với nhau đi, chị xuống bếp xem nồi chè được chưa rồi lát nữa ba chị em cùng ăn cho vui.

Chị Trúc đi xuống bếp. Thu ngập ngừng một lát rồi ngồi xuống ghế nhưng chẳng biết nói gì. Tự dưng lại trói Thu vào một vị gia sư bốn mắt thế này!

Anh Minh chợt hỏi, giọng anh nghe thật hiền:

- Anh vừa xem bảng điểm của em, điểm cũng cao lắm. Em học đâu có tệ mà sao anh nghe chị Trúc lo dữ vậy?

Thu ngước lên nhìn vị gia sư của mình. Bây giờ Thu mới để ý kỹ. Anh mảnh khảnh, tóc xoăn, khuôn mặt không đẹp nhưng lại rất có duyên, trông anh thật hiền. Rồi Thu buồn buồn:

- Vì chị Trúc muốn em thi khối A, trong khi em lại không thích!

- Em thích khối C phải không?

Mắt Thu bỗng sáng lên:

- Sao anh biết?

- Nhìn em, anh đoán vậy. Hồi trước anh cũng thích môn văn lắm, mong ước của anh là trở thành một nhà thơ nổi tiếng! Nhưng không sao, anh sẽ làm cho em "mắc duyên mắc nợ" với khối A, trong khi vẫn có thể "chung tình" với khối C của em được. Em có tin không?

Thu bật cười, lời hứa của anh nghe thật hấp dẫn. Nhưng Thu vẫn còn trù trừ:

- Để xem đã, biết đâu anh và chị Trúc đang dụ dỗ em thì sao?

Anh Minh lắc đầu:

- Em đúng là bướng bỉnh!

Vừa lúc đó thì chị Trúc bê nồi chè lên và hòa chung vào câu chuyện bướng bỉnh của Thu. Thu cảm thấy sẽ gắn bó với vị gia sư này, mặc dù chẳng biết mình có thể "chung tình" được như anh nói hay không.

Những ngày sau đó, anh Minh đến dạy kèm cho Thu, một tuần ba buổi, chia đều cho ba môn toán, lý, hóa. Kiến thức của anh rất rộng và sâu, học đến đâu nắm chắc đến đó, làm Thu rất nể phục. Nhờ anh, những con số đã ít khô khan hơn, giải một phương trình với Thu bây giờ cũng... nhẹ nhàng như đọc một bài thơ vậy.

Nhưng có lẽ điều làm cho Thu thích nhiều hơn cả là những câu chuyện giữa giờ giải lao của anh. Những lúc ấy, đề tài của anh và Thu bao giờ cũng là văn học. Anh thích thơ Hàn Mặc Tử, giống Thu! Anh hay đọc chất văn trong sáng, lãng mạn của Thạch Lam, giống Thu! Chỉ khác một điều là anh thích thơ nhiều hơn, còn Thu thì ngược lại.

Có lần, Thu chợt hỏi:

- Anh thích thơ như vậy sao không theo đuổi nghiệp thơ văn mà lại thi vào Bách khoa?

Đáp lại anh chỉ cười:

- Có những chuyện không theo ý mình được Thu à. Và cũng có những trường hợp người ta vẫn có thể đi theo một con đường khác để đến được nơi mình chọn. Anh cũng vậy thôi!

- Vậy là sao?

Lần này anh cũng mỉm cười, nhưng không trả lời. Thu cho rằng có thể đó là một điều bí mật anh không muốn nói, hoặc cũng có thể chưa đúng lúc nói. Như vậy Thu lại càng có thêm cơ hội để... khám phá vị gia sư của mình.

oOo

Một buổi tối, chị Trúc đi làm về, xòe ra trước mặt Thu tờ báo Văn Nghệ, trên đó có một bài thơ được khoanh tròn bằng mực đỏ.

- Có chuyện gì vậy chị? - Thu hỏi.

- Thì em đọc đi cái đã!

Thu cúi xuống tờ báo, chăm chú vào bài thơ có tựa đề "Gửi tình yêu vào nắng" của một tác giả tên Hà Vũ nào đó.

- Em thấy hay lắm, ý thơ mới lạ, câu chữ lại rất có hồn. Mà sao vậy chị?

Chị Trúc ra vẻ nghiêm trọng:

- Vậy chứ em biết tác giả của nó là ai không?

Thu nhìn xuống tờ báo một lần nữa:

- Đây nè, tác giả tên là Hà Vũ.

- Hà Vũ chỉ là bút danh thôi, còn tên thật của anh ta là... Lê Trần Nhật Minh!

Thu sững sờ vì ngạc nhiên. Thật không thể tin nổi!

- Là anh Minh cận sao?

Chị Trúc lên giọng:

- Chứ còn ai vào đây nữa! Ban đầu chị cũng ngạc nhiên như em vậy, nhưng sự thật thì... đúng một trăm phần trăm. Gia sư bốn mắt của em nổi tiếng từ lâu rồi, vậy mà chị em mình đâu có biết!

- Vậy các anh chị ở công ty chị có biết không?

- Hình như có nhưng không chắc chắn. Hôm nay anh Minh vô ý để rơi lá thư mời nhận tiền nhuận bút của tòa soạn mọi người mới chắc chắn. Thế là cậu ta lộ bí mật! Lúc tan sở, cả bọn bắt nhà thơ đi khao nên mới về trễ thế này đây. Thôi em cứ ngồi đó mà nghĩ cách bắt tội "ông thầy" của em đi, chị đi tắm rửa đây!

Còn lại một mình, Thu đọc lại bài thơ một lần nữa. Đúng là giọng điệu thường ngày của anh Minh! Thu chợt nhớ tới nụ cười bí ẩn và cái im lặng của anh trước câu hỏi của Thu. Thì ra là vậy...! Người ta vẫn có thể đi theo con đường khác để đến được nơi mình chọn, không nhất thiết phải đi trên một con đường.

Buổi tối cuối cùng trước ngày lên thành phố chuẩn bị thi đại học, Thu và anh Minh đi dạo phố. Con phố lạnh hơn mọi ngày nhưng có vẻ đông vui hơn. Hai anh em đi bộ trên lề đường, vừa đi vừa nhấm nháp ly kem vừa mua đầu ngõ.

- Hồi đó, trước ngày đi thi, anh cảm thấy thế nào?

- Anh thấy cũng bình thường, thậm chí còn có tâm trạng làm thơ nữa chứ!

Thu cho một muỗng kem vào miệng, nghe vị ngọt tan nơi đầu lưỡi.

- Em cũng vừa viết xong một truyện ngắn. Truyện kể về một con phố buồn. Nhưng một ngày kia có một người đã làm cho nó nhộn nhịp trở lại. Em đặt cho nó cái tên là "Ngày phố trở mình".

- Chà, nghe hấp dẫn quá ta! Xem ra cô học trò của tôi sắp trở thành nhà văn đến nơi rồi.

Thu làm điệu bộ gật đầu, ra vẻ thật thà:

- Chắc đúng như vậy quá!

Rồi cả hai anh em bật cười, tiếng cười giòn tan phả vào lòng phố một cái gì thật ngọt ngào và ấm áp. Không biết anh Minh có nhận thấy điều gì không, nhưng hình như cái xóm nhỏ của Thu đã có cái gì đó đổi thay từ khi anh đến. Và hình như con phố lạnh trong lòng Thu cũng ấm hơn lên thì phải. Thu tự hỏi: con phố của mình và chính mình nữa, cuối cùng đã tìm được cái điều thiếu vắng ấy rồi chăng?   

NGUYỄN THỊ LÂM

(ĐHSP TP.HCM)

 


Phamngochien.com - 21:03 - 27/03/2010 - Bài của văn nghệ sĩ          

Gửi bình luận