Ngành ngữ văn thích nghi với xã hội (Phạm Ngọc Hiền)

Ngành ngữ văn đã từng có một thời thịnh hành ở tất cả các trường ĐH tổng hợp, ĐH sư phạm và các trường CĐ sư phạm địa phương. Nhiều người cũng đã quen với suy nghĩ học văn là để đi dạy hoặc nghiên cứu.

Tuy nhiên hiện nay, xin được chỗ dạy văn là không dễ, hướng nghiên cứu thì rất ít người muốn theo. Đa số học sinh chọn các ngành kinh tế kỹ thuật, dễ kiếm việc làm lại có thu nhập cao. Học ngữ văn cũng như các ngành xã hội nói chung khó xin việc làm, thu nhập thấp nên dễ hiểu là vì sao nhiều thí sinh ít đăng ký thi vào ngành văn.   Hiện nay, khoa ngữ văn của nhiều trường ĐH, CĐ đang đứng trước thách thức lớn không tuyển sinh được. Các trường cũng than phiền chất lượng đầu vào của ngành ngữ văn ngày càng kém. Khoa ngữ văn của nhiều trường đứng trước sự lựa chọn hoặc nhập các ngành xã hội lại thành một khoa gọi là khoa xã hội hoặc điều chỉnh chương trình đào tạo, giảm bớt kiến thức hàn lâm để nhường chỗ cho các bộ môn mang tính thực dụng hơn.  

Chẳng hạn như khoa ngữ văn của Trường ĐH Văn Hiến vốn đào tạo theo mô hình ĐH tổng hợp cũ, nay định hướng cho sinh viên năm cuối đi theo các phân ngành: báo chí, truyền thông, sư phạm và văn phòng. Sinh viên ra trường, nhờ thế sẽ nhiều cơ hội có việc làm hơn. Đây cũng là một hướng mở cho ngành văn.

Mục tiêu cơ bản của Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn là đào tạo các nhà nghiên cứu khoa học.   Tuy nhiên, đa số sinh viên xác định đây không phải là hướng đi chính của mình trong tương lai nên từ lúc còn ngồi trên ghế nhà trường, họ đã chuẩn bị hành trang thực tiễn hơn. Đó là việc học thêm các chứng chỉ, như sư phạm, báo chí, tin học, văn phòng, kế toán, luật, ngoại ngữ... Nhờ thế, ngoài nghiên cứu và giảng dạy, cử nhân ngữ văn có thêm nhiều hướng để xin việc: viết báo, biên tập, truyền thông, văn phòng, quản lý hành chính, du lịch, kinh doanh... Nói chung, cơ quan hoặc doanh nghiệp  nào có văn phòng và bộ phận tuyên truyền quảng cáo thì đều có tuyển cử nhân ngữ văn.   Nếu trước kia, sinh viên tốt nghiệp ĐH sư phạm chỉ chịu đi dạy THPT, tốt nghiệp CĐ dạy THCS thì ngày nay không còn sự phân biệt như vậy nữa. Nhiều người tốt nghiệp CĐ đã học tiếp lấy bằng ĐH để dạy THPT, trong khi người tốt nghiệp ĐH nếu không xin được một chỗ dạy THPT thì vẫn về dạy THCS, thậm chí tiểu học. Nếu không dạy trường công thì dạy trường tư hoặc các trung tâm bồi dưỡng văn hóa. Nhiều sinh viên ra trường không có nhiệm sở nên làm gia sư, nhờ dạy giỏi, thu nhập cao mà vẫn gắn bó suốt đời với nghề nghiệp.  

Nhiều người quan niệm kiến thức học được ở trường ĐH chỉ là nền tảng để ra đời làm nhiều việc khác nhau. Bởi vậy, không có gì ngạc nhiên khi có nhiều sinh viên Trường Viết văn Nguyễn Du ra trường lại rất thành công trong kinh doanh. Ngành văn xem ra không hẳn là ế ẩm như nhiều người vẫn nghĩ.

 

Phạm Ngọc Hiền

 

Bài đã đăng trên:

Người lao động

Báo Bắc Giang

Báo An Giang

News.go.vn

V.v...

 


Phamngochien.com - 19:47 - 08/04/2011 - Bài của Phạm Ngọc Hiền          

Gửi bình luận