Nét đặc sắc trong truyện cổ Châu Phi (Ths Đặng Quốc Minh Dương)

 

NÉT ĐẶC SẮC CỦA KIỂU TRUYỆN CON VẬT TINH RANH

TRONG TRUYỆN KỂ DÂN GIAN CHÂU PHI


      Kho tàng văn học dân gian châu Phi thiếp đi một giấc ngủ dài, suốt mấy ngàn năm. Mãi cho đến giữa thế kỷ 19, cùng với sự có mặt của người phương Tây (nhà buôn, nhà truyền giáo, đội quân viễn chinh...), thế giới bí mật này miễn cưỡng "mở cửa" [4; tr 456]. Nói "miễn cưỡng" bởi châu Phi mở cửa trong thế bị động. Tư bản phương Tây chủ động khai thác những nguồn tài nguyên, những thứ chúng cần còn giá trị của văn học không những không được tôn vinh mà trái lại còn "bị khinh miệt, vùi dập" [4; tr 456].

     Tuy nhiên, như đã biết, văn học - đặc biệt là văn học dân gian luôn có sức sống nội tại. Dầu cho nó có được biết đến, được thừa nhận hay không thì nó vẫn tồn tại. Trước và sau khi thực dân phương Tây kéo đến, văn học dân gian châu Phi đã và đang phát triển mà một trong những thành tựu rực rỡ nhất phải kể đến là sử thi. Thiên sử thi tiêu biểu nhất là Soudjata do Niane ghi và xuất bản lần đầu tiên bằng tiếng Pháp ở Paris năm 1960.

     Ở Việt Nam, văn học dân gian châu Phi cũng chỉ mới được giới thiệu từ sau năm 1986. Đó là mốc thời gian mà bộ Truyện kể dân gian châu Phi - 3 tập (1986) của Kốt - li - a và Giu - xép biện soạn, Trần Nho Thìn và Nguyễn Thị Hảo dịch được xuất bản [5]. Tuyển tập này theo nhà nghiên cứu người Nga Kốt - li - a "có ý nghĩa như là một bộ hợp tuyển văn học dân gian tự sự của châu Phi, mục đích nhằm giúp người đọc làm quen với sự đa dạng của các chủ đề truyện thần thoại và cổ tích lưu hành ở nhiều dân tộc khác nhau cư trú ở lục địa châu Phi, phía Nam sa mạc Xa - ha - ra". [5; tr 11]; Ở quy mô nhỏ hơn - một nước, năm 1992, Thái Bá Tân dịch  Truyện cổ Ăng gô la [7]. Tuyển tập này giới thiệu 30 truyện kể dân gian của đất nước Ăng gô la. Sau đó, trong kế hoạch biên soạn, giới thiệu truyện kể năm châu - truyện kể thế giới, Ngô Văn Doanh đã tuyển dịch và biên soạn tuyển tập truyện kể dân gian của châu lục này. Chúng tôi muốn nhắc đến hai công trình: Kho tàng truyện cổ thế giới - Châu Phi được Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin - Hà Nội xuất bản năm 1995 và công trình Truyện cổ năm châu - Phi của Nhà xuất bản Lao động - Hà Nội ấn bản năm 2005.

      Sau đó (2006), Việt Cường lại biên soạn giới thiệu truyện châu Phi theo khu vực địa lý - khu vực tây Phi và tập hợp thành công trình Truyện dân gian Tây Phi [1].

     Như vậy, đến nay độc giả Việt Nam đã được tiếp cận năm tuyển tập, tập truyện kể dân gian châu Phi. Những bộ sách này là nhịp cầu, vén mở nhiều bí ẩn, nhiều điều bất ngờ về kho tàng truyện kể của châu lục này.

     Khi nghiên cứu, giới thiệu kho tàng truyện kể dân gian châu Phi, các nhà folklore học đều cho rằng: "Truyện kể về loài vật chiếm một vị trí rất lớn"[5], [7]. Thậm chí, "nếu so sánh với truyện cổ tích thần kỳ hay truyện cổ tích thế tục thì loại truyện này tỏ ra là một thể loại đã hoàn toàn phát triển và định hình rõ rệt, với đặc điểm riêng của mình, với một cụm chủ đề, với các kiểu nhân vật chính..." [5; tr 29]. Tiếp cận truyện kể loài vật của châu Phi, chúng tôi thấy có một kiểu truyện mà hình thức cổ điển của nó là một chuỗi truyện kể về nhân vật tinh ranh cùng các cuộc phiêu lưu và thủ đoạn của nhân vật này. Nhờ có sự láu cá và khôn khéo mà nhân vật này đã thắng cuộc trong các tính huống khác nhau. Chúng tôi gọi đây là kiểu truyện con vật tinh ranh - một kiểu truyện đề cao tư duy duy lý.

     Thực ra, đây là kiểu truyện khá phổ bến trên thế giới. Chẳng hạn, ở Việt Nam và các nước Đông Nam Á lục địa xuất hiện chùm truyện kể về con thỏ tinh ranh; ở các nước Đông Nam Á hải đảo lại nổi tiếng chùm truyện về con hươu (hoẵng, mang lửa) tinh ranh; ở Nga và các nước Đông Âu thì nổi tiếng bởi chùm truyện kể về các mưu mẹo của còn cáo tinh ranh hay ở Ấn Độ là chùm truyện kể về con vẹt tinh ranh...Tuy nhiên, chùm truyện kể về con vật tinh ranh trong truyện dân gian châu Phi vẫn có những nét đặc sắc riêng của châu lục này.

Bài viết này sẽ giới thiệu những nét đặc sắc đó.

1.  Câu mở đầu truyện: thông báo về nạn đói

     Trong truyện cổ tích Việt Nam, câu mở đầu của truyện cổ tích là: Ngày xửa ngày xưa, đời xưa, thời xưa, thuở xưa, đã lâu lắm rồi... hoặc đã lâu lắm rồi, người già không nhớ rõ vào thời nào...Câu mở đầu này  kéo người nghe ra khỏi thế giới thực tại, đưa họ về một thế giới khác, xa cách về thời gian. Khi li gián người nghe khỏi thế giới hiện tại, người kể dễ dàng hư cấu cũng như khoác cho cốt truyện những chiếc áo thần kỳ mà không sợ người nghe phản đối.

     Trong lúc đó, truyện kể châu Phi lại thường bắt đầu bằng: vào lúc đói kém, trong lúc nạn đói xảy ra, khi nạn đói đang lan tràn khắp xứ... Đây là một nét đặc sắc của truyện kể châu Phi. Ở đây, nạn đói vừa là một mốc thời gian, nó cũng đồng thời là một sự kiện - một sự kiện có tính bi kịch: nạn đói. Khác với cách mào đầu của truyện cổ tích Việt Nam li gián con người ra khỏi thực tại, ở đây truyện kể châu Phi lại muốn thông báo một sự kiện không hẳn là xa cách về thời gian mà nó vẫn còn hiển hiện đâu đây. Nạn đói là chuyện của hôm qua, là chuyện của hôm nay và cũng là chuyện của ngày mai. Nói cách khác, miếng ăn vẫn còn là một thách đố với con người và xã hội châu Phi mọi thời đại. Như vậy, khác với câu mở đầu trong truyện cổ tích Việt Nam (chỉ là một bước đệm), ở đây, câu mở đầu trong truyện dân gian châu Phi lại là một sự kiện, một thắt nút của kết cấu truyện.

     Quả thế, nhắc đến châu Phi là chúng ta nhớ đến vùng đất khô cằn, nghèo nàn (lượng mưa trung bình năm chỉ khoảng 100 mmm). Nơi đây có sa mạc lớn nhất thế giới - sa mạc Xahara, với diện tích trên 9.000.000 km2 (xấp xỉ diện tích của nước Mỹ, của Trung Quốc). Hiện nay phần lớn vùng này chỉ toàn cát đá mênh mông, không thể canh tác được. Động thực vật nghèo nàn lại thêm hiện tượng sa mạc hóa có nguy cơ làm biến mất những vùng đất còn màu mỡ khác. Nền kinh tế châu Phi chủ yếu phụ thuộc vào săn bắt, hái lượm. Trong sa mạc công việc săn bắn và tìm kiếm thức ăn, nguồn nước sinh hoạt đều trở nên rất khó khăn. Do tình hình trên nên cuộc sống của con người châu Phi luôn phải đối mặt với nạn đói khát. Phải chăng, thực tế cuộc sống này đã ám ảnh, đã khúc xạ người dân châu Phi đến nỗi, họ xem như đây là nguyên nhân, là đầu mối của nhiều vấn đề khác? Và phải chăng chính vì thế mà truyện kể dân gian châu Phi thường bắt đầu bằng các cụm từ vào lúc đói kém, trong lúc nạn đói xảy ra, khi nạn đói đang lan tràn khắp xứ...

2. Chủ đề về miếng ăn - một chủ đề tiêu biểu và cổ xưa

    Cách mở đầu truyện thông báo về nạn đói thường gắn liền với chủ đề tìm kiếm miếng ăn. Theo E. X. Kốt - li - a, trong lời giới thiệu Truyện kể châu Phi (tập 1) thì đây là "một nét cổ sơ nhất của truyện cổ loài vật, nó bộc lộ ở khắp nơi và rất rõ ràng trong văn học dân gian châu Phi" [5, tr 42]. Như vậy, cách mào đầu trên cũng là cách "thắt nút" mà tác giả dân gian ngầm gởi vào cốt truyện. Sau câu mở đầu, diễn tiến, xung đột truyện cũng xoay quanh miếng ăn. Chẳng hạn như truyện Hoẵng, Báo, Sơn dương và Cá sấu (tộc người Lu-ba) kể sau khi cùng nhau dùng mưu lấy hết tất cả số thú vật của Sơn dương, Hoẵng bảo Báo chia đôi số thịt đó nhưng Báo nói: "Cần gì phải chia đôi, cứ để tất cả ở nhà tôi. Khi nào vợ cậu cần thịt thì cứ sang đây mà lấy". Hoẵng đồng ý, nhưng mỗi khi vợ nó qua lấy thịt thì Báo "dọa và không cho". Truyện Cóc và Tắc kè (tộc người Lu-ba) kể rằng: Tắc kè giả vờ hái giúp hồ đào cho cóc để "Nó hái quả hồ đào bỏ vào túi mang theo sẵn". Hoặc như truyện Chiếc mũ biết múa của A-nan-xi (dân tộc A-san-ti), kể rằng Nhện A-nan-xi đã tự thề sẽ không ăn gì để khóc thương mẹ vợ mới qua đời. Nhưng đến ngày thứ tư "A-nan-xi ở nhà một mình. Lúc có một nồi đỗ đang đun. Nó ngửi thấy mùi đỗ và nhìn vào cái nồi. A-nan-xi không tài nào chịu nổi. Nó lấy một cái môi to rồi múc đỗ". Trong truyện Nhện, vị Đ'Cô-Gô-Mu-Gia (tộc người Kô-nô), kể về con Nhện đã hóa trang thành một vị Đ'Cô-Gô-Mu, mặc áo lễ đột nhập vào trong rào thiêng (người điều khiển nghi lễ nhập môn cho phụ nữ) để được ăn uống hay như truyện Con nhện tham ăn (tộc người Kô - nô) kể về mưu kế của nhện giả trang thành một người bị chột mắt hay giả chết để vợ đem chôn cùng thức ăn để được ăn uống (Nhện và bù nhìn - tộc người Ma - lin - kê). Rõ ràng, miếng ăn là nguyên nhân, là đầu mối của mâu thuẫn. Miếng ăn cũng là đích đến, là phần thưởng của những mưu kế của con vật tinh ranh. Hay nói cách khác, miếng ăn là chủ đề thường gặp trong rất nhiều truyện kể dân giam châu Phi.

3. Xuất hiện nhiều yếu tố ma thuật, thần kỳ

     Kiểu truyện con vật tinh ranh đề cao tư duy duy lý, ca ngợi sự thông minh tinh quái của các nhân vật. Do vậy, đặc điểm chung của kiểu truyện này là cốt truyện không có (hoặc rất ít) sự tham gia của yếu tố thần kỳ.

     Đặc điểm trên không là một chân lý trong kiểu truyện con vật tinh ranh của châu Phi. Thực tế khảo sát cho thấy trong diễn biến truyện của kiểu truyện này ở châu Phi yếu tố ma thuật, thần kỳ xuất hiện khá nhiều.

     Yếu tố ma thuật, thần kỳ thường xuất hiện dưới những dạng sau:

   Các vật dụng thần kỳ như "thanh kiếm thần" (Tại sao cây Ti-Ni làm chảy máu người nào chạm vào nó - dân tộc A-san-ti), "cái sừng, ngọn roi" (Mồ Côi, Cái Sừng, Nhện và Ngọn Roi - tộc người Ma-lin-kê). Mỗi vật có một công dụng riêng. "Cái sừng" thì cho nhiều thức ăn, còn "Ngọn roi" thì cho nhiều roi vọt. Còn kiếm thần thì "giết chết tất cả bọn sứ giả của trời", chém chết tất cả quân giặc. 

     Đôi khi thần tính không nằm ở vật dụng mà phụ thuộc vào mưu kế của con vật tinh ranh. Truyện Tại sao Rắn chết lại nằm ngửa (dân tộc A-san-ti) kể rằng: Muốn quỵt tiền của rắn nên con Nhện A-nan-xi phao tin là nó có một con "dao thần"có thể tìm ra thủ phạm ăn trộm củ mài. Nhện "chạm dao vào từng người ở đây, nếu ai không có lỗi thì nó không cắt. Vì dao chỉ cắt vào ai có lỗi thôi". Thế là nó thử dao vào từng người một nhưng nó chỉ đụng nhẹ vào da của các con vật. Riêng Rắn thì nó dùng lưỡi dao sắc để giết chết.

    Ngoài ra, có thể xếp các "chất bột kết dính" vào nhóm vật dụng thần kỳ. Khi các con vật đụng vào chất bột này thì "tất cả những bông lúa đều dính chặt vào tay, vào đầu, vào thân hắn, đến nỗi một chốc thôi mà hắn đã gục xuống dưới sức nặng gãy cả lưng" (Nhện cùng vợ làm đồng - tộc người Ma-lin-kê) hay nhện chồng"bị ám vì chất bột" nên khi "vào vòng đua đã chạy xiêu chân vẹo". (Nhện và chị vợ mang thai - tộc người Kô-nô).  Có khi chất bột này là của các con vật tự làm ra, có khi được các thầy phù thủy cho.  Chất bột kết dính này còn có trong các truyện Nhện và bù nhìn  (tộc người Ma-lin-kê), Ngài Rùa vô ơn (truyện cổ tây Phi)...

     Các nhân vật thần kỳ như phù thủy (Nhện và bù nhìn - tộc người Ma - lin - kê, Nhện và chị vợ mang thai - tộc người Kô - nô, Nhện cùng vợ làm đồng - tộc người Ma - lin - kê), thầy bói (Nhện cùng vợ làm đồng - tộc người Ma-lin-kê), bà phù thủy (Nhện và bù nhìn - tộc người Ma - lin - kê), "một vị chuyên nói những điều bí ẩn" (Nhện và Sóc -tộc người Lô-bi), các vị thần (Nhện, mồ côi và các vị thần trong hang - tộc người Ma - lin - kê)...hay đôi khi đó là sự giả trang "phủ lên người nó các ngôi sao, đính vào trán nó mặt trăng", nhờ thế mà khi trở về báo trông thấy nó thì rất "sợ hãi"( Tiểu sơn dương và báo - dân tộc Lu-ba).

     Cùng với việc xuất hiện nhận vật thần kỳ, vật dụng thần kỳ là việc xuất hiện các nơi chốn thần kỳ như hang động thần kỳ (Con Rùa tham ăn - truyện cổ Tây Phi), "túp lều thần kỳ" (Nhện và sóc - tộc người Lô - bi), "túp lều của các vị thần" (Nhện, mồ côi và các vị thần trong hang - tộc người Ma - lin - kê) . Nhìn chung, đây là một nơi bí ẩn, nơi có nhiều thức ăn đến nỗi các con vật nhìn mà "choáng người, muốn mang ngay một lần tất cả đống chiến lợi phẩm ấy về".

     Để vào và ra được nơi chốn thần kỳ, để sử dụng các vật thần kỳ đòi hỏi các nhân vật phải biết những mật lệnh - lời chú thần kỳ. Các lời chú thần kỳ thường gặp là "giết đi", "bình tâm đi" (Truyên Tại sao cây Ti - Ni làm chảy máu người nào chạm vào nó - tộc người A - san - ti) hay là "một câu thần chú" nói chung - bản kể không nói rõ (Con rùa tham ăn -truyện cổ Tây Phi) hoặc là "Kông - pa pha -gia" - nghĩa là "đá ơi, hãy đến (Nhện, mồ côi và các vị thần trong hang - tộc người Ma - lin - kê).... Truyện Tại sao cây Ti-Ni làm chảy máu người nào chạm vào nó (dân tộc A-san-ti) kể rằng để thanh kiếm thần kỳ giết kẻ thù, nhện cần phải ra lệnh "Giết đi", muốn thanh kiếm dừng lại thì phải hô "bình tâm đi". Nhưng do nó quên câu thần chú nên sau khi giết hết kẻ thù thanh kiếm cũng giết luôn cả nhện.

     Câu hỏi đặt ra là tại sao truyện kể châu Phi có nét đặc thù này? Xét về nguồn gốc, các nhà nghiên cứu đều thống nhất ý kiến cho rằng kiểu nhân vật tinh ranh này có nguồn gốc từ nhân vật văn hóa - nhân vật trung tâm của thần thoại mang tính nguyên hợp nguyên thủy. Trong quá trình phát triển, nhân vật này "tách ra hai khuynh hướng chính của sự phát triển hình tượng - khuynh hướng hài kịch (nhân vật - người láu cá) và khuynh hướng anh hùng (nhân vật - người chiến thắng quái vật). Người láu cá, nhân vật thần thoại ranh mãnh trở thành trung tâm của chùm truyện cổ về loài vật [5; tr 29]. Để hiểu rõ hơn điều này, một lần nữa chúng ta cần quay trở lại với lý thuyết huyền thoại học. Khi nghiên cứu về huyền thoại của các dân tộc, Mêlêtinxki cũng cho rằng: "Các nhân vật trong huyền thoại thường hành động nhờ mánh lới và sự thâm hiểm, do đó mà "trí tuệ" trong nhận thức nguyên thủy không tách bạch khỏi mành lới và pháp thuật (...) Đó là sự nhái lại những hành vi thích hợp nghiêm túc của các anh hùng văn hóa hoặc các thầy phù thủy, nhại lại các nghi lễ thánh thể theo cách khôi hài của họ. Trong hình tượng nhân vật kẻ lừa bịp, những bản năng hèn hạ nổi bật như sự phàm ăn, tính dâm đãng đã dẫn dắt y tới những hành động phi xã hội như loạn luân, chiếm đoạt thức ăn dự trữ trong gia đình,..." [6; tr 247]. Quả thế,  khi tiếp cận truyện kể châu Phi chúng ta thấy rằng rất nhiều mánh khóe của nhân vật tinh ranh có tính chất ma thuật siêu nhiên. Nhiều khi, các mưu kế của nhân vật tinh ranh không hẳn là trí tuệ hay sự khéo léo của nhân vật mà chủ yếu là những khả năng siêu nhiên của ông ta.    

4.  Cách đặt tên truyện và kết thúc truyện

     Thắt nút của truyện là sự kiện nạn đói. Chủ đề về miếng ăn xuất hiện "rất rõ ràng trong văn học dân gian châu Phi" [4, tr 42]. Về thi pháp cốt truyện, thi pháp xây dựng nhân vật còn chịu ảnh hưởng nhiều của thi pháp huyền thoại. Những điều này cũng ảnh hưởng đến cách đặt tên và kết thúc truyện.

   Cách gọi tên truyện khá phổ biến trong kiểu truyện này là gọi tên theo kiểu nguyên nhân học - một nguyên tắc của thần thoại. Tên truyện dạng này là những câu hỏi về một đặc điểm ngoại hình hay một tập tính nào đó của nhân vật tinh ranh. Có thể kể ra hàng loạt trường hợp gọi tên theo kiểu này như: Vì sao thân Voi lại to bè ở phía trước và thu lại ở phía sau. Tại sao nó lại sống ở xứ có cỏ mọc cao (tộc người A-san-ti), Tại sao bụng A-nan-xi thắt lại như thế (tộc người A-san-ti), Vì sao A-nan-xi ẩn mình trong các xó tối (tộc người A-san-ti), Vì sao thằn lằn gật đầu, còn Nhện thì chăng lưới bắt Ruồi (tộc người A-san-ti), Tại sao Rắn chết lại nằm ngửa (dân tộc A-san-ti), Tại sao cây Ti-Ni làm chảy máu người nào chạm vào nó (tộc người A-san-ti), Tại sao Báo không tấn công Cự đà (tộc người Lu-bu), Tại sao nơi nào cũng có Voi (tộc người A-san-ti)...

    Theo logic của kết cấu truyện, một khi tên truyện được đặt theo kiểu này thì kết thúc truyện cũng hướng đến sự giải thích nguyên nhân về các đặc điểm, tập tính của các nhân vật. Chẳng hạn truyện Vì sao thân Voi lại to bè ở phía trước và thu lại ở phía sau. Tại sao nó lại sống ở xứ có cỏ mọc cao (tộc người A-san-ti) giải thích về hình dáng và tập tính sống của loài voi, truyện Tại sao bụng A-nan-xi thắt lại như thế (tộc người A-san-ti) lại giải thích về hình dáng của con nhện, hay truyện Tại sao Rắn chết lại nằm ngửa (tộc người A-san-ti) lị giải thích về tư thế của loài rắn khi chết hoặc truyện Vì sao A-nan-xi ẩn mình trong các xó tối  (tộc người A-san-ti) lại giải thích tập tính về địa bàn sinh sống của nhện... Chính vì thực tế này mà E. X. Kốt - li - a đã đúc kết rằng: "Kết thúc giải thích nguyên nhân vốn là đặc trưng của rất nhiều, nếu không muốn nói là của tuyệt đại đa số truyện cổ châu Phi" [tr 36]. Rõ ràng, ở  đây thuyết nguyên nhân như là yếu tố thi pháp chi phối cách đặt tên, cách xây dựng nhân vật, kết cấu truyện.

     Bên cạnh cách gọi tên trên, chúng ta còn thấy rất nhiều tên truyện định danh rõ ràng tính ham ăn của nhân vật tinh ranh hay những hành động liên quan đến nạn đói, đến miếng ăn. Đó là tên gọi của các truyện Con Nhện tham ăn (tộc người Kô-nô), Con Rùa tham ăn (truyện cổ Tây Phi), Nhện cùng vợ làm đồng (tộc người Ma-lin-kê), Xi-gi giã các vợ hắn đến chết (tộc người Ma-lin-kê), G'Bô-Kô-Ba canh đồng lạc (tộc người Ma-lin-kê) Thỏ, báo và trận đói lớn (tộc người Kô - nô), Nhện và mô côi đi bắt cá (tộc người Ma - lin - kê), Nhện, mồ côi và buồng chuối (tộc người Ma - lin - kê), Linh cẩu, rùa và sơn dương chia mồi như thế nào (truyên cố Tây Phi) ...

***

Như vậy, qua sự phân tích trên, chúng ta thấy rằng kiểu truyện con vật tinh ranh trong truyện kể châu Phi con chịu ảnh hưởng khá nhiều thi pháp huyền thoại. Điều này thể hiện cả trong cách đặt tên truyện, cách mở đầu, cách kết thúc truyện cũng như cách xây dựng nhân vật, kết cấu truyện. Mặt khác, nội dung truyện, các yếu tố thi pháp trong truyện cũng phản ánh cuộc sống của người dân châu Phi bao đời nay. Chính những điều này đã góp phần làm nên nét đặc sắc của kiểu truyện con vật tinh ranh trong truyện dân gian châu Phi.

 

ThS. Đặng Quốc Minh Dương

(khoa Ngữ Văn - ĐH Văn Hiến)


 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.      Việt Cường (2006), Truyện dân gian Tây Phi, Nxb Lao động - Xã hội, Hà Nội

2.      Ngô Văn Doanh (1994), Kho tàng truyện cổ thế giới - Châu Phi, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.

3.      Ngô Văn Doanh (2005), Truyện cổ năm châu - Phi, Nxb Lao động, Hà Nội.

4.      Nguyễn Tấn Đắc (2009), Vài nét tinh hoa văn học, Nxb KHXH, Hà Nội

5.      E.X. Kốt - li - a (Trần Nho Thìn, Nguyễn Thị Hảo dịch ) (1986), Truyện kể dân gian châu Phi, ba tập, Nxb KHXH, Hà Nội.

6.      Mêlêtinxki (Trần Nho Thìn và Song Mộc dịch) (2004), Thi pháp của huyền thoại, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội.

7.      Thái Bá Tân dịch (1992), Truyện cổ Ăng gô la, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội.

 


Phamngochien.com - 07:49 - 20/06/2012 - Bài của văn nghệ sĩ          

Gửi bình luận