Năm 2010, Phạm Ngọc Hiền làm được những gì ?

          Năm 2010 vừa qua có khá nhiều sự kiện lớn đối với tôi. Đó là những tin buồn - vui về gia đình, cá nhân... nhưng ở đây, tôi chỉ đề cập tới những hoạt động xã hội nổi bật. Phải nói, chưa có năm nào tôi làm được nhiều việc như năm nay.

          Việc đầu tiên là khai trương trang web phamngochien.com. Đây là trang web cá nhân cũng đồng thời là sân chơi chung của các bạn văn nghệ sĩ và sinh viên. Cần nói thêm là, hiện nay, hiếm có giảng viên nào có trang web riêng, nếu có thì cũng không chăm sóc nó thường xuyên nên có cũng như không. Sở hữu một trang web cũng khá bận rộn, ngày nào cũng chăm sóc giống như người ta chăm sóc chim - cá - cây cảnh. Số lượng bài cộng tác khá nhiều, phải đọc kỹ, biên tập, rồi làm quen với những kỹ thuật vi tính như chỉnh sửa hình ảnh, khắc phục các sự cố kỹ thuật... Thành phần vào xem trang web của tôi đông nhất là sinh viên các trường đại học ở miền Nam. Số lượng khách truy cập cao nhất là vào ngày 22 / 7 / 2010, có 1211 lượt. Số khách truy cập ngày càng tăng, hy vọng phamngochien.com sẽ mãi là địa chỉ tin cậy của các bạn quan tâm tới văn chương và giáo dục. Hiện nay, ngoài trang web này ra, tôi còn chuẩn bị khai trương trang web tapchivan.com với sự cộng tác biên tập của nhiều giảng viên đại học từ Huế trở vào. Đây cũng là trang web phục vụ cho việc dạy và học Văn ở đại học và trung học. Ngoài ra, tôi cũng dự tính xây dựng nhiều trang web khác nữa nhưng đó là việc của tương lai...

          Năm nay, tôi công bố tới ba cuốn sách. Đầu tiên là cuốn Tiểu thuyết Việt Nam 1945 - 1975 (tiểu thuyết cách mạng xuất bản ở miền Bắc) - NXB Văn học 2010, có lẽ đây là công trình lớn nhất của đời tôi. Tôi bắt đầu nghiên cứu đề tài này từ khi làm luận văn thạc sĩ ở Huế năm 2000. Sau đó, tôi phát triển thành luận án tiến sĩ, bảo vệ thành công ở Hà Nội năm 2007. Vào Sài Gòn, tôi tiếp tục viết thành sách. Trong 10 năm trời, tôi đã lui tới 13 thư viện trong cả nước, đọc gần 200 cuốn tiểu thuyết và hơn 100 cuốn sách nghiên cứu và vài trăm bài báo liên quan... Tôi bỏ ra rất nhiều tiền của, công sức cho nó, đến khi in, lại tiếp tục tốn kém... may nhờ có trường ĐH Văn Hiến hỗ trợ một phần và các bạn sinh viên mua ủng hộ. Cuốn sách có nhiều nội dung mới, cách nhìn mới, lối diễn đạt mới và nghiên cứu hầu như toàn diện tiểu thuyết cách mạng Việt Nam trong 30 năm chiến tranh. Vừa mới công bố, đã có ba bài viết giới thiệu trên báo, lớn nhất là bài của Bùi Việt Thắng trên báo Văn nghệ (TW), đăng nguyên trang lớn, ra ngay vào ngày 20 / 11 / 2010. Tôi không ngờ mình lại có vinh dự như thế ! Ngoài ra, tôi còn công bố hai cuốn sách tham khảo luyện thi đại học. Cuốn 100 câu hỏi lý thuyết môn Văn do Nhà sách Thành Nghĩa liên kết với NXB ĐHQG ấn hành. Lần đầu tiên trên thị trường sách tham khảo Việt Nam, xuất hiện cuốn sách chuyên về lý thuyết môn Văn. Cuốn tiếp theo là Luyện thi đại học cấp tốc môn Văn do Công ty Văn hóa Khang Việt phát hành. Cuốn này viết chung với Đào Tấn Trực. Như vậy, năm nay, tôi được mùa... sách.

          Năm nay, tôi viết báo cũng khá sung sức, có khoảng 40 bài đăng trên các báo viết và vô số bài phát trên đài phát thanh, đăng trên các trang web văn chương được nhiều người biết như: vanchuongviet.org, trannhuong.com, phongdiep.net, nhavantphcm, các báo điện tử... Nếu như trước đây, tôi thường viết phê bình văn học thì nay chuyển hướng sang lĩnh vực giáo dục vì nó thiết thực và được nhiều người quan tâm hơn. Tôi có ưu thế là đã từng có kinh nghiệm dạy phổ thông lẫn đại học, cả trường công lẫn trường tư, cả trường đồng bằng lẫn thành phố, cả miền Trung lẫn miền Nam... Ngoài việc dạy còn có khả năng viết báo, bởi vậy, biên tập viên mảng giáo dục của nhiều báo biết và đặt hàng. Đầu tiên là phóng viên Phúc Điền ở báo Tuổi trẻ đặt tôi giải đề thi đại học khối D. Tôi rất hồi hộp đón nhận vinh dự này, trong buổi sáng thi môn Văn, tôi căng thẳng hết mức...Thí sinh vừa thi xong, trên mạng đã xuất hiện đề thi, tôi chộp lấy và giải ngay. Ở các Trung tâm luyện thi, người ta phải huy động nhiều giáo viên, mỗi người giải một câu, có thư ký đánh máy... Trong khi đó, một mình tôi ngồi ở nhà làm hết tất cả. Làm tới đâu, gửi email cho một giáo viên Văn nhờ góp ý dùm. Trong vòng 2 giờ, tôi hoàn tất, gửi ngay tới báo Tuổi trẻ để kịp lên khuôn ra vào ngày mai. Tới đợt giải đề thi Cao đẳng thì thời gian còn ngắn hơn nhưng sức ép ít hơn. Ngoài giải đề thi, tôi còn nhận xét đề thi trên báo Tuổi trẻ, tôi cho rằng năm nay đề thi môn Văn hay nhất từ trước đến nay, và câu này được lấy làm tiêu đề của bài báo. Sau khi báo Tuổi trẻ đăng bài giải và nhận xét, vài chục trang web khác đăng lại... Ngoài ra, tôi còn cộng tác với nhiều báo khác như mục giáo dục của anh Lương Duy Cường ở báo Người lao động, sau khi có bài đăng trên báo này, hàng loạt trang web khác đăng lại, lây lan nhanh dễ sợ ! Tôi cũng cộng tác chuyên mục giáo dục của báo Văn nghệ trẻ do cô Thu Hà phụ trách. Đáng chú ý nhất là bài "Việt Nam đứng ở đâu trên bảng đồ giáo dục thế giới ?" đăng nguyên trang trên Văn nghệ trẻ số tết Dương lịch. Mới đây, báo Văn nghệ trẻ lại đăng bài phỏng vấn tôi về văn học Việt Nam 2010, cũng đăng nguyên trang khổ lớn. Ngoài ra, tôi còn cộng tác thường xuyên với các báo như: Phú Yên, Đồng Nai, Non Nước (Đà Nẵng), Văn nghệ Bình Dương... Chắc hẳn nhiều bạn tò mò hỏi, viết nhiều như vậy thì nhuận bút bao nhiêu, xin thưa là nhuận bút cao nhất của năm nay là bài giải đề thi ĐH khối D của báo Tuổi  trẻ: 3.900.000 đồng. Mỗi bài ngăn ngắn (một gang tay) trên Người lao động khoảng 500.000 đồng. Rất cao phải không ? Nhưng thôi, đừng bàn tới chuyện đó làm gì vì văn chương giáo dục thường "kỵ" với tiền bạc, tôi viết bài không phải vì tiền.

          Về giảng dạy, năm nay, tôi dạy thêm ở trường Cao đẳng Nguyễn Tất Thành với số tiết rất nhiều và dạy suốt các tháng. Tôi được ký hợp đồng dài hạn và làm giảng viên bán cơ hữu của Trường. Tiếp theo là dạy ở Trung tâm luyện thi Vĩnh Viễn là trung tâm luyện thi đại học lớn nhất ở Sài Gòn hiện nay. Dạy ở Trung tâm này, tôi mới cảm thấy mình đi vào quỹ đạo giáo dục tiên tiến của các nước tư bản. Nghĩa là lấy học sinh làm trung tâm, và sức cạnh tranh lớn, giáo viên phải phát huy hết mình... Tôi còn dạy môn Văn học Việt Nam 1945 - 1975 ở ĐH Bình Dương. Còn ở trường chính ĐH Văn Hiến, ngoài việc dạy, tôi còn tham gia các công việc như: chủ nhiệm hai lớp Ngữ văn 08. Chủ nhiệm CLB Văn học. Đưa sinh viên lớp 07 Ngữ văn đi thực tập sư phạm ở Bình Phước. Tổ chức hội nghị nghiên cứu khoa học và ra Nội san khoa học của Khoa. Năm nay, tôi hướng dẫn ba luận văn của sinh viên lớp 06 Ngữ văn, ĐH Văn Hiến: 1. Tìm hiểu sự nghiệp văn học của nhà văn Hoài Anh (Đặng Văn Sỹ). Đây là công trình đầu tiên nghiên cứu về nhà văn Hoài Anh. Luận văn đã gây ngạc nhiên cho các giám khảo bởi không ai ngờ nhà văn này lại có sự nghiệp văn học đồ sộ như vậy (tính số lượng tác phẩm chỉ đứng sau Tô Hoài)... 2. Những thành tựu văn xuôi Phú Yên qua các tác phẩm đoạt giải cấp quốc gia (Phan Thị Bích Nữ). Luận văn khảo sát 10 nhà văn Phú Yên có tác phẩm đoạt giải cấp trung ương. Qua đó, cho thấy phần nào đội ngũ nhà văn hùng hậu của Phú Yên hiện nay. 3. Nghệ thuật tiểu thuyết Đống rác cũ của Nguyễn Công Hoan (Nguyễn Thị Thúy). Lâu nay, người ta không tiếc lời phê phán tiểu thuyết này, nhưng luận văn chứng minh theo hướng ngược lại: đây là một trong những đỉnh cao nghệ thuật của tiểu thuyết Việt Nam 1945 - 1975. Ngoài ra, tôi còn hướng dẫn cho hai sinh viên lớp 09 Ngữ văn ĐH Bình Dương: 4. Khảo sát các môtíp trong truyện ngắn Việt Nam 1945 - 1975 (Nguyễn Thị Thanh Nhàn). Sinh viên đã khảo sát trên 100 truyện ngắn trong ba tập sách "Truyện ngắn Việt Nam thế kỷ XX" (giai đoạn 1946 - 1975) (NXB Kim Đồng, 2002). Qua đó, mới phát hiện ra cách làm thiếu khoa học của Ban biên tập: hơn một nửa số truyện thuộc giai đoạn sau 1975 nhưng vẫn được xếp vào giai đoạn 1946 - 1975 (!) Thứ sáu là luận văn: Tìm hiểu sự ảnh hưởng tiểu thuyết Đất vỡ hoang của Sôlôkhốp đến Bão biển của Chu Văn (Lê Thị Hạnh). Đề tài này rất thú vị khi sinh viên chỉ ra được rất nhiều nét tương đồng của hai tác phẩm, góp phần cho thấy sự ảnh hưởng của văn học Xôviết đến văn học Việt Nam thời chiến tranh.

          Năm 2010 là năm thứ ba tôi công tác ở trường ĐH Văn Hiến, nói chung đã có "chỗ đứng" trong trường. Có nhận một chức vụ bên đoàn thể nhưng không thích nói ra làm gì. Ở trường Nguyễn Tất Thành cũng vậy. Viện Nghiên cứu phát triển ngôn ngữ quốc tế cũng mời tôi làm Viện phó phụ trách nghiên cứu khoa học nhưng thú thật là chỉ mang danh nghĩa thôi. Tôi nghĩ trong cơ chế nước ta hiện nay, chỗ nào có chức vụ, chỗ đó là đấu trường. Xưa nay, tôi không thích "đấu đá" với ai nên thấy chỗ nào có nguy cơ nổ ra cuộc chiến tranh giành chức vụ thì tôi bỏ chạy trước. Trừ khi người ta rượt theo tóm lại ấn vào cái ghế nào đó thì đành phải ngồi. Tôi tính là trong 16 năm dạy học đã từng ngồi 6 cái ghế nhưng lâu nhất chỉ được ba năm là tôi bỏ ghế chạy lấy người. Nhờ vậy, mà đến nửa đời, tôi vẫn lành lặn, không bị sứt mẻ gì, trở lại cơ quan cũ luôn được anh em tiếp đón vui vẻ, như vậy cũng là mừng. Ngày 1 / 1 / 2011, tôi chính thức về dạy trường Đại học Sài Gòn. Ngày tiễn tôi về trường mới, khoa Ngữ văn trường Văn Hiến cũng có buổi liên hoan chia tay vui vẻ, nhân tiện bàn bạc về đường hướng phát triển của Trường và Khoa khi vào VTC. Tôi cũng được hỏi ý kiến tham khảo, mọi người vẫn xem tôi như người của trường Văn Hiến, và tôi cũng có cảm giác như vậy. Trong tháng 11 và 12 năm 2010, có năm sự kiện lớn trong đời tôi, ba việc gia đình và hai việc xã hội. Về xã hội, đó là việc chuyển sang trường ĐH Sài Gòn, một trường công lập lâu đời và có cơ sở vật chất tốt. Thứ hai là việc được kết nạp vào Hội nhà văn TP.HCM. Từ đây, người ta có thể gọi là "nhà văn Phạm Ngọc Hiền", hoặc: "Nhà văn, Tiến sĩ Phạm Ngọc Hiền (Đại học Sài Gòn)". Dĩ nhiên, đó chỉ là cái cái mác, là cái danh nhưng biết đâu đằng sau cái danh lại là những chuyện khác...

        Chưa có lúc nào tôi làm được nhiều việc (về mặt xã hội) như năm nay. Đó là quá trình phấn đấu lâu dài, cộng với một chút may mắn và nhờ có thời cơ tốt, có nhiều bạn tốt giúp đỡ. Tuy nhiên, tôi không dám mừng ra mặt vì kinh nghiệm đời tôi cho thấy, nếu quá tự hào thì tai họa sẽ ập đến ngay. Năm 2011 đang vẫy gọi trước mặt, tôi vẫn mạnh dạn tiến bước nhưng cái gì đợi tôi phía trước thì chưa biết. Ước chi ta có thể đoán biết được tương lai !!!

 

PHẠM NGỌC HIỀN

A. Tram - (vào lúc: 16:02 - 02-03-2011)
Chuc mung nhung thanh cong cua Pham Ngoc Hien. Hoi nao gap nhau chu ?

Phamngochien.com - 19:41 - 01/02/2011 - Bài của Phạm Ngọc Hiền          

Gửi bình luận