Mùa xuân, thương lắm bài chòi ơi ! (Cao Hữu Nhạc - Phú Yên)

  

Một buổi sớm đầu xuân, những giọt sương long lanh trên những thảm lúa non tơ, những vườn rau xanh mởn, chút sương mù còn bịn rịn trong nắng nhẹ, cái mùi thơm của lúa, của hành, ngò, cải… quyện vào nhau thật ngọt ngào giữa không gian hư hư thực thực; ven đường làng các loài hoa vạn thọ, cúc, mai và các loài hoa dại phía bờ rào giăng mắc, thi nhau khoe sắc đón xuân. Và tiếng hô bài chòi: "Gió xuân phảng phất nhành tre/ Mời bà con cô bác lắng nghe bài chòi"… từ phía lẫm làng vọng ra….Tất cả, một cái gì vừa thoáng qua trong tôi, tôi chưa kịp định hình, một nét đẹp xưa đậm chất văn hóa làng quê của vùng châu thổ sông Ba, Tuy Hòa đồng bằng trù phú? Tôi miên man! Chính cái câu bài chòi xuân đã đưa tôi chạm miền ký ức.
1. Những năm 60 của thế kỷ trước, có một đêm trăng Xuân, bọn nhỏ chúng tôi đang chơi trò u mọi trong sân nhà, bỗng tôi nghe tiếng hát từ phía nhà bác Năm của tôi vọng tới, bọn tôi dừng chơi ngóng nghe, rõ ràng là giọng hát của bác Năm tôi, điệu hát vọng vang, lôi cuốn… chúng tôi cả bọn đều chạy về phía tiếng hát. Dưới ánh trăng tôi thấy chiếu trải hai hàng trên sân, bác Năm và vài người nữa ngồi ở chiếc chiếu giữa sân, chung quanh người ngồi, kẻ đứng, giọng bác Năm đầy hứng khởi: Vạn cổ trung can huyền nhật nguyệt, Thiên thu nghĩa khí quán càn khôn. Quan Công hầu… Quan Công hầu tiết liệt nhứt môn, lập đoan văn bắt Tào Tháo, chẳng tha hồn Tào mang, chốn chiến trường… nghe cái giọng thổ, rền rền của bác Năm đổ xuống quá ngọt ngào, mọi người vỗ tay tán thưởng. Bác cao hứng hát tiếp trong tiếng gõ nhịp đệm theo cốc cốc cốc…cốc cốc cốc… bằng cái bàn xắc thuốc lá bằng gỗ đen bóng gõ xuống sân gạch. Bọn trẻ nhỏ chúng tôi mê mẩn! Đứa ngồi hai tay chống cằm chăm chú, đứa giỏng tai nghe, đứa đã phê phê đôi mắt vì nghe hát quá mùi! Tôi nghe mấy người lớn nói đó là điệu hô bài chòi…. Thằn lằn đã điểm hết canh một, trăng đã lên cao mà chưa ai chịu về, vẫn nghe bà Hai hô tiếp: "Trước đèn xem truyện Tây Minh/ Gẫm cười hai chữ nhơn tình éo le/ Hỡi ai lẳng lặng mà nghe/ Dữ răn việc trước lành dè thân sau/ Trai thời trung hiếu làm đầu/ Gái thời tiết hạnh là câu trau mình"….rồi đến bác Năm tôi: "Bà Tiều trong dạ héo hon/ cáo lui từ giã nhanh chân lên đàng/ thương con nhớ rể nào an/ nổi lên chết sững giữa đàng mẹ nằm ngay/ Lâm Sanh vừa chạy theo rày…". Đó là lần đầu tiên tôi nghe hô Bài chòi và Bài chòi đã mê hoặc tôi, đến nỗi đêm về trong giấc ngủ tôi còn mớ, hát ú ớ trong cổ, má tôi phải đập tôi mấy lần… Những đêm sau, tôi cứ trốn học bài, lén ra sân Bác Năm để nghe hô, nghe hát, có đêm giọng hát mùi mẫn đã đưa tôi vào giấc ngủ lúc nào không hay, tan cuộc, cha tôi phải bồng tôi về.
Hết mùa trăng ấy tôi đã thuộc một số câu hô Bài chòi, Bài chòi đã nhiễm vào tôi, đi học tôi cũng nghêu ngao hát trên đường làng! Rồi khi giữ em, có lần em khóc tôi đã hát tất cả các câu ru, câu hò mà tôi đã thuộc lòng, có lúc em tôi ngủ mùi, nhưng có lúc em tôi khóc không chịu nín, tôi liền hô mấy câu bài chòi tôi vừa học lóm được: "Lâm Sanh liền chạy theo này/ Tới nơi thấy mẹ hai tay anh đỡ liền/ Nhờ người xin quế xin riềng/ Kỳ nam mài đổ mẹ tôi liền tính ngay/ Ngước lên thấy rể mẹ than dài…". và kỳ thật, em tôi không khóc nữa, mắt đã lim dim chìm dần vào giấc ngủ! tôi sướng lắm!
Kỷ niệm đầu tiên của tôi với Bài chòi là vậy. Sau này khi lớn lên tôi mới biết, cách hát bài chòi trên sân Bác Năm tôi trong những mùa trăng đó là một kiểu của bài chòi chiếu, bài chòi lớp. Một đặc sản của nghệ thuật dân gian Bài chòi.
2. Trong ký ức của tôi, hồi đó, cứ sáng mùng một tết, sau khi cúng gia tiên đầu năm xong là cha tôi đưa tôi đi hội Bài chòi để lấy may, cha thường đưa tôi đi hội Bài chòi làng Lạc Nghiệp (có lẽ đây là quê bà nội tôi, nơi có nhiều kỷ niệm gắn bó với thời thơ ấu của ông chăng? Nên cha không đi hội làng tôi mà đi hội làng Lạc Nghiệp). Vì lần đầu tiên tôi đi theo chơi hội Bài chòi nên rất bỡ ngỡ, cái gì cũng mới, cũng lạ. Tôi háo hức, tò mò quan sát: Đó là một cái gò đất rộng giữa làng, người ta dựng 9 cái chòi theo hình chữ nhật, mỗi bên 4 chòi nhỏ đối mặt nhau. Chính giữa đầu bên này là chòi cái, phía đối diện là một cái rạp nhỏ, có kê một bộ phản, có 2 trống chầu, trước bộ phản là cái bàn lớn, trên đặt khay tiền và nhiều lá cờ hiệu, đuôi nheo làm bằng giấy màu đỏ. Trung tâm chính giữa các chòi, người ta trồng một cây tre được trảy nhánh sạch sẽ, trên ngọn còn để một chòm lá, nhiều ống tre như ống so đũa được treo lên đó để đựng những thẻ bài. Nơi đó cũng là nơi anh hiệu đứng hô bài, bên cạnh là chỗ ngồi của anh đàn cò, anh đánh trống chiến và anh thổi kèn.
Chòi được làm bằng tre, lợp tranh, phần gác ngồi đánh bài cao phả đầu của tôi (hơn 1m), ba mặt che kín, mặt trước có gắn mấy bậc thang tre để leo lên gác chòi, mỗi chòi đều có treo chiếc mõ tre lớn dùng để đánh báo hiệu khi “ăn” bài, một phía để một đoạn cây chuối dùng để cắm những thẻ bài đã “ăn” khi chơi, mỗi chòi rộng vừa 3-4 người chơi. Chòi cái có chiếc trống con có tay nắm. Các chòi được trang trí đẹp tạo nên khung cảnh sắc màu, hấp dẫn.
Cuộc chơi chuẩn bị bắt đầu, Cha tôi nhanh chân dẫn tôi dành 1 chòi. Tôi nhìn quanh các chòi đều đã có chủ, Ban tổ chức của Làng cũng đã ngồi trên bộ phản sau cái bàn có để bộ khay cắm đầy cờ xí. Một người mặc khăn đóng áo dài mang 2 ống tre có đựng các con bài ra giơ cao trình làng và xóc mạnh hai ống, tiếp đến đưa 1 ống cho anh Hiệu, một ống mang về chòi cái để làm bài tì. Một hồi trống chầu vang lên khai Hội, như mở đầu đêm hát Bộ. Anh Hiệu xuất hiện, mặc bộ đồ “quân sĩ xưa”, đầu chít khăn chéo, thắt dây lưng đỏ, mặt vẽ như kép hát, nhận ống bài xong lần lượt đi chia mỗi chòi 3 thẻ bài và thu tiền các chòi góp vào Hội, mang về để trên chiếc khay để trên bàn tại rạp. Lúc đó trống chầu thúc liên hồi.
Chia bài cho các chòi xong, anh hiệu đến trước rạp trình với Làng (Ban tổ chức), bằng điệu bộ và kiểu nói của hát bội: Hiệu phát bài đã đủ/ Cho hiệu thủ bài tì. Ban tổ chức đánh một tiếng trống chầu đồng ý. Rồi anh hiệu bước đến chòi cái, xóc cỗ bài trong ống, mang ra chỗ cây nêu rút từng con bài tì, hô lên cho các chòi con nghe, chòi nào “ăn” bài là gõ mõ 3 tiếng để anh hiệu mang bài “ ăn” tới. Cứ như vậy, mỗi con bài là một bài hô. Anh hiệu hôm đó hô rất hay từ nói vè, hò khoan, hát bộ, ngâm thơ, nhưng thích nhất là hô bài chòi kèm với bộ tịch diễn xướng. Tôi sướng đã đời khi nghe những câu hô pha hài hước của anh hiệu trước cửa chòi của cha con tôi: "Chồng nằm chính giữa/ Hai vợ hai bên/ Lấy chiếu đắp lên/ Hô là ba bụng". Rồi anh hiệu hô lớn: "Ba bụng quơ là ba bụng", hoặc: "Tiếc công bỏ mẳn nuôi cu/ Cu ăn cu lớn cu gù cu bay/ Cu say mũ cả áo dài/ Cu chê nhà khó phụ hoài duyên anh". Hô lớn: Chín cu quơ là chín cu…, còn đến câu hô này:…"Phất phơ cụm liễu cửa đào/ Ong qua muốn đậu, bướm vào muốn bu/ Bốn mùa Đông Hạ Xuân Thu/ Khi búp, khi nở, khi xù, khi tươi/ Chúa xuân ngó thấy mỉm cười/ Sắc hay vương vấn mấy người tài danh/ Có bông, có cuống, không cành/ Ở trong có nụ, bốn vành có tua/ Từ dân cho chí nhà vua/ Ai ai có của cũng mua để dành/ Tử tôn, tôn tử chi sanh/ Bạch huê mỹ hiệu xin phành ra coi", rồi anh hiệu hô lớn: Bạch huê quơ là Bạch huê, (Có khi ông còn hô Lá L… quơ là lá L…) khi nghe anh hiệu hô vừa xong thì chòi nào cũng cười ầm lên, và hứng khởi cùng gõ mõ, khiến anh hiệu phải mất công tìm chòi trúng thiệt để giao thẻ bài, còn mấy chị em đang ngồi ở chòi nghe hô vậy, chị nào cũng đỏ mặt, lầm bầm: Đồ quỷ sứ!
Chòi của cha con may mắn, gõ mõ 3 lần, anh hiệu cũng 3 lần đem bài và cờ đuôi nheo cắm trên đoạn cây chuối đặt trước chòi, riêng lần thứ 3 cha gõ mõ một hồi dài. Anh hiệu đến xem và xướng rất to: Quơ mà quơ quơ! / Chín chòi lẳng lặng, lẳng lặng mà nghe: Chòi này ăn một đôi Ba bụng, một đôi Chín cu và tới một đôi Bạch huê! Thiệt đó, quớ là cửu trại, quơ là cửu trại!
Làng xổ một hồi trống chầu xác nhận có chòi tới, các chòi khác cũng nổi mõ lên chúc mừng chòi của cha con tôi thắng cuộc, cha tôi có mang theo cuộn pháo tép, hứng chí ông đốt tạch tạch tạch tạch…Tôi nhìn bộ dạng anh hiệu rất oai phong, một tay bưng khay tiền, có đặt bình rượu và ly rượu; trên cổ áo (phía sau lưng) cắm chéo 2 lá cờ đuôi nheo, một chân đá lên làm ngựa, một tay ra bộ quất roi ngựa, miệng xướng to: Vâng lệnh làng đỡ lấy cơi tiền/ Lên tráng mã cấp cờ đệ nhứt, rồi anh hiệu cắm cờ trước mái chòi; trong khi tay rót rượu mời, thì miệng và chân diễn xướng một điệu hát Bộ. Cha tôi nhận lấy rượu và khay tiền, không quên lì xì anh hiệu chút lộc đầu năm. Rồi anh hiệu thu bài, chuẩn bị cho cuộc chơi tiếp…
Thắng cuộc, cha không chơi nữa để nhường chòi cho người khác, tôi chần chừ, tiếc không muốn về, cha phải gọi mấy lần. Tội nghiệp tôi vừa đi vừa ngoái đầu nhìn, giọng anh hiệu: "Gió xuân phảng phất nhành tre/ Mời bà con cô bác tới nghe bài chòi…". như níu chân tôi ở lại. Còn cha tôi khỏi phải nói, mặt mày rạng rỡ như mùa xuân, vừa đi vừa hát: "Ham mê cái nghệ bài chòi/ Bỏ con nó khóc cho lòi rún ra…". khi tới nhà là đã nói từ đầu ngõ chia vui với má tôi: Nhà mình phát lộc đầu năm rồi má thằng Nhạc ơi.
Một dấu ấn nữa in đậm trong tôi về Bài chòi.
3. Nghe hô, nghe hát Bài chòi là một phần quan trọng trong sinh hoạt đời sống văn hóa, tinh thần của quê tôi ngày ấy. Thời đó, các gánh hát hô cũng ăn nên làm ra lắm. Cứ vào tết đến tháng 3 âm lịch, thời tiết tốt, mùa màng rảnh rang, gặp lúc nông nhàn là các gánh hát ra quân. Làng nào cũng có gánh (đoàn) hát về hát, có khi Làng mời, trả tiền bồi dưỡng và bao hết ăn ở, còn phần nhiều là gánh hát tự lo, ban ngày nghỉ, ban đêm chong đèn Măng-xông hát đến tận khuya. Sân khấu được làm bằng ván, dựng nơi sân trường, hay có khi là một khoảng đất trước đình làng, lẫm xóm. Tối diễn thì ngày đó có người đi rao hát, ông đi rao mang một cái trống “bum” (trống chiến) trước bụng, vừa đi vừa đánh lum tum, lum tum…đến những nơi có nhiều người tụ tập như chợ xổm, cổng trường…ông dừng lại vừa đánh trống vừa hô một vài câu bài chòi trong vở tuồng đêm đó diễn để mọi người chú ý, bọn trẻ con chúng tôi chạy bu theo, ông phát mỗi đứa một tờ rơi nhỏ, nội dung quảng cáo đêm diễn, được in li-tô trên giấy màu vàng, đỏ, xanh, và bọn trẻ con chúng tôi rủ rê, nói chuyền nhau, chẳng mấy chốc làng trên, xóm dưới đều biết tối có hát.
Có một câu nói đã thành một thành ngữ “Đông như đám hát”. Thật vậy, vừa xẩm tối, đèn măng-xông chưa kịp bật sáng sân khấu, mà người xem đã đến ngồi xí chỗ trước rồi. Đêm đó gánh hát, hát tích truyện Lang Châu - Lý Ân. Đến bây giờ ngồi viết bài này, cảm giác của tôi vẫn còn rung động đầy đặn với các làn điệu bài chòi mà các vai diễn Lang Châu và Lý Ân hát, những câu hát làm say đắm người xem, đến lúc tan hát rồi mà nhiều người không muốn về! Cứ thế những đêm tiếp theo các tuồng Tam Hạ Nam đường rồi các tích truyện thơ dân gian: Thoại Khanh Châu Tuấn, Lâm Sanh Xuân Nương, rồi Phạm Công Cúc Hoa… đã lấy nước mắt bao nhiêu người, trong đó có các thành viên nhà của tôi. Rồi mãn đợt hát, gánh hát nhổ rạp lưu diễn nơi khác, cả làng tôi gần như ủ-ê mấy ngày mới trở lại trạng thái bình thường!
Cái cách hát hô thật hấp dẫn, sau này khi lớn lên theo nghề ca hát tôi mới biết là cách hát đó quá độc đáo, các nghệ nhân hô bài chòi luôn biến hóa tiết tấu sinh động, cái cách hô bài chòi lúc đó -mà giờ gọi là bài chòi cổ - luôn hát đảo phách, ngược nhịp, các trọng âm trong câu hát thường rơi ngoại nhịp, phần lời thì thường hát đệm thêm từ và nhắc lại nghe lạ tai với các điệp ngữ (hát lặp lại câu hát trước), từ đệm (mà, thời mà này, quơ quơ, ư ư…), cái cách hát ngẫu hứng tài tình của các nghệ nhân là một thành tố đặc biệt trong hát hô Bài chòi, chưa kể trong lời hô cũng phá niêm luật của thơ lục bát, tạo hiệu ứng mới: "Nước ngược, ta bỏ sào ngược/ Ta chống chẳng được ta bỏ sào xuôi/ Núi cao chi lắm núi ơi/ Núi che mặt trời chẳng thấy người thương", hoặc rất thường hô dãn ra theo lục bát biến thể: "Khuya rồi, ông hãy trở về/ Kẻo không thiên hạ kẻ chê, lắm người cười/ Bỡi nhứt thân ông đáng bực nên người/ Không tiện đột nhập hà từ giai nhân/ Thiếm đội ơi, bỡi tôi đây cũng muốn phân trần", hoặc: "Vô phúc, múc phải anh chồng già/ Ra đường người ta hỏi rằng cha hay chồng/ Nói ra nó cực cả tấm lòng/ Cái nợ truyền kiếp đó, có phải chồng tôi đâu". Phải nói thể thơ lục bát, lục bát biến thể, song thất lục bát đã được các nghệ nhân hô Bài chòi sử dụng một cách nhuần nhuyễn, uyển chuyển trong các làn điệu: Xuân nữ (hơi oán), Xàng xê lụy (hơi lụy), Nam xuân (hơi xuân) và xàng xê dựng (hơi dựng), cùng hát pha với một số làn điệu của Hát bộ, đã làm cho đêm hát giàu sắc màu âm điệu, phong phú về cách diễn xướng. Cái thời ấy ở Tuy Hòa, ai cũng mê cái giọng hát hô như chuông của nghệ nhân Ba Niêm, hay giọng ngọt ngào của Ngọc Ơi, giọng thanh tao của Ngọc Xanh, giọng thổ của Văn Sửu… Ở một nơi nhiều người mê hát hô Bài chòi như vậy, nên miền quê ấy cũng sinh ra nhiều nghệ nhân hát hô bài chòi là việc đương nhiên. Như cái làng nhỏ Phú Nông lúc đó ngoài Ba Niêm còn có Thanh Sang, Văn Hơn, Tám Nhất và cả gia đình bà Thìn, trong đó có Kim Tỵ, Kim Phụng hát hô rất hay, xa hơn ở Hòa Mỹ có gánh bà Ơi mà đến giờ tôi vẫn còn nhớ câu rao của ông già bịt khăn đỏ trên đầu, đánh trống bum quảng cáo “ … Mời bà con, nam, phụ, lão, ấu đi xem hát đêm nay với: Minh Cặn, Lệ Ơi, Bảy Bời, Tám Nhạc…” ra Phú Thứ có gánh ông Nhưng Hai, chưa kể gánh hát của Ngọc Xanh –Văn Sửu nổi tiếng với cách hát hô Bài chòi pha với Hát bội mê đắm! Nhưng họ cũng chỉ là những nghệ nhân bán chuyên, họ chỉ trở thành nghệ sĩ mỗi khi tết đến xuân về, các dịp hội hè, đình đám, hoặc những khi rảnh rỗi việc đồng áng, biển dã.
4. Những năm 1964, 1965 sau Đồng khởi Hòa Thịnh, phong trào Cách mạng miền Nam lớn mạnh, vùng nông thôn quê tôi trở thành vùng tranh chấp, sáng Quốc gia, chiều Cách mạng, người dân ai cũng mang tâm trạng hoang mang lo lắng trong thời buổi chiến tranh, đêm đêm nghe tiếng đạn cà-nông xé gió roẹc rọec nổ ầm ầm, xóm làng không yên giấc ngủ, những đốm hỏa châu rạch ngang dọc màn đêm, tiếng súng lúc xa lúc gẩn, có lúc rộ lên như bắp rang…rồi vùng giải phóng ngày càng mở rộng. Tôi nghĩ trong thời chiến không ai nghĩ tới hát hò nữa, nhưng có một buổi chiều Xuân năm 1965 - má tôi thầm thì với cha tôi điều gì đó, rồi xâm xẩm tối má tôi dẫn tôi đi, tôi hỏi má đi đâu, má bảo đi coi văn công hát, lần đầu tiên tôi nghe hai tiếng văn công, nhưng không hiểu gì. Trên đường đi gặp nhiều dân quân, du kích, mũ tai bèo, súng ống ngang vai, nhiều người ở xóm tôi cũng đi coi hát như má con tôi, tôi đi mỏi chân… tới nơi thì sân khấu đã sáng đèn măng-xông, có người đón và hướng dẫn chỗ ngồi xem, tôi chú ý: người xem đã ngồi chật kín đám ruộng vừa gặt xong, người dẫn chương trình xuất hiện giới thiệu nội dung đại loại: đây là đoàn văn công của tỉnh Phú Yên, về phục vụ nhân dân vùng giải phóng mừng mùa Xuân giải phóng… Trong các tiết mục biểu diễn tôi nhớ có hát, múa, kịch, tấu hài. Khi xem có lúc phải dừng loa, tắt đèn vì có tiếng cà-nông nổ ở đâu đó vọng lại, có lúc mọi người nhốn nháo, nhưng rồi tiếng hô bài chòi mùi quá, tự nó đã ổn định mọi người. Những câu hát cho đến nay tôi vẫn còn nhớ: "Nhà hiu quạnh gió luồn qua khe bếp/ Ngoài trời khuya con bìm bịp nó tan canh/ Anh ơi em viết thư này gởi đến anh/ Mong anh tỏ tấm lòng thành chung thủy/ Muốn cùng anh, em cạn tỏ ơ đôi… lời! Anh ơi ơ ngọt mật mà chết ruồi/ Anh nghe chi bọn chúng là loài sát nhân"…. hay: "Quê anh Tiến Thọ Lâm Hòa Hiệp/ Gia đình anh mẹ mất sơm còn cha/ Chị bốn anh đã có tư gia/ Còn đàn em dại sống qua ngày tháng/ Anh biết làm trai trong thời ly loạn/ Không thể ngồi yên nhìn bầy quạ đen xâu xé nước non ơ…nhà/ Thế rồi anh từ bỏ quê nhà/ Nhập vào lực lượng giải phóng ta cho trọn tình"… Những câu hô bài chòi đó và tiếng đàn cò, tiếng gõ song loan, tiếng đàn Măng-đô-lin trong các bài hát, điệu múa đã theo tôi trên đường về, lòng vui rộn ràng nên tôi không thấy mỏi như lúc đi, đến sáng ngủ dậy đôi chân tôi rã rời. Tôi nghe cha tôi nói đêm hôm qua má con tôi đi coi hát tận trên Phú Thứ, từ nhà tôi đi và về trên 10 cây số, hèn chi mà chân cẳng mỏi nhừ!
Lần đầu tiên tôi coi hát của Đoàn Văn công Giải phóng tỉnh Phú Yên là vậy, Bài chòi đã làm lay động người lầm đường lạc lối về với cách mạng; Bài chòi ca ngợi sự hi sinh của một người con quên thân mình, hiến dâng cả cuộc đời cho quê hương đất nước... Những làn điệu bài chòi đó, sau này, cả làng tôi gần như ai cũng thuộc, không trọn bài thì cũng vài câu. Sự lan tỏa mạnh mẽ của Bài chòi là vũ khí sắc bén của Cách mạng và Cách mạng đã đưa Bài chòi theo kháng chiến!
Chiến tranh ngày càng ác liệt hơn, thời gian từ năm 1966 đến tháng tư năm 1975, nhà tôi tản cư xuống Đông Tác để tránh bom đạn, gần 10 năm tôi không còn nghe hát, nghe hô Bài chòi nữa, chỉ thỉnh thoảng gặp một vài người hát rong ngửa nón hát bên đường với các trích đoạn của truyện thơ Lâm Sanh-Xuân Nương, Thoại Khanh-Châu Tuấn… kiếm tiền sống qua ngày. Nghệ thuật dân gian bài chòi cũng chìm nổi trong cuộc chiến.
5. Sau ngày Phú Yên giải phóng, tôi tham gia đội văn nghệ xã Hòa Bình, lúc ấy Bài chòi sống lại mạnh mẽ, Bài chòi luôn là các tiết mục chính trong chương trình biểu diễn của các đội văn nghệ Thôn, Xã… Các sinh hoạt Văn hóa, Văn nghệ của cơ quan, đoàn thể đều có tiết mục Bài chòi, Bài chòi cổ động mọi người tham gia phong trào khai hoang phục hóa, bài chòi có mặt trong các buổi họp của dân chuẩn bị vào hợp tác xã, bài chòi động viên mọi người tham gia lao động sản xuất và ca ngợi cuộc sống mới… Đoàn văn công của tỉnh từ chiến khu về có điều kiện hơn để đưa các tiết mục Bài chòi với các điệu Xuân nữ, Xàng xê, Cổ bản, Hò Quảng của tác giả Vũ Trung Uyên, Thế Kỷ, Đồng Thụ, Lê Hữu Phước, Cao Cường, Bùi Văn Thông, Thế Linh…viết trong những năm lửa đạn để phục vụ rộng rãi nhân dân với các giọng hát của đoàn như Ngọc Thủy, Công Phường, Ngọc Thừa, Vũ Hoài, Nguyễn Phụng Kỳ… Lúc đó đoàn Văn công diễn ở đâu tôi đều có mặt để xem học tập và tìm kiếm các sáng tác Bài chòi về tập cho đội văn nghệ xã tôi.
Rồi Phú Yên, Khánh Hòa nhập lại thành tỉnh Phú Khánh. Đoàn văn công Phú Yên chia làm 3, ai hát bộ về Đoàn tuồng Phú Khánh, ai ca múa nhạc về Đoàn ca múa nhạc tổng hợp Phú Khánh, ai hát Bài chòi nhập vào đoàn Dân ca Liên khu 5 ở miền Bắc mới về. Từ đó bà con có dịp thưởng thức các vở kịch dân ca Bài chòi trên sân khấu lớn, với đầy đủ cảnh trí, âm thanh, ánh sáng hoành tráng, như các vở: Đội kịch chim chèo bẻo (Nguyễn Văn Niêm và Hoàng Lê), Tiếng sấm Tây Nguyên (Thanh Nha, Thế Lữ) Thoại Khanh - Châu Tuấn (Nguyễn Tường Nhẫn), Nghìn Thu vọng mãi (Lưu Trọng Lư), Tấm vóc đại hồng (Trúc Đường), Chuyện tình qua tết Li boong của Kim Anh và Nguyễn Thế Khoa… Tôi nói hoành tráng là ngoài lực lượng diễn viên ca hát, có đội múa minh họa, đội nhạc đầy đủ nhạc cụ, cảnh trí đẹp hỗ trợ cho diễn xuất, còn có cả một tập thể sáng tạo chính mà trước nay bà con chưa nghe bao giờ: Tác giả, Đạo diễn, Nhạc sĩ, Biên đạo múa, Họa sĩ…(Ví dụ, vở Tiếng sấm Tây Nguyên, Tác giả:Thanh Nha,Thế Lữ; đạo diễn Nguyễn Đình Nghi; Nhạc sĩ Trương Đình Quang; họa sĩ Đỗ Hữu Soạn, biên đạo múa Đoàn Long…). Bài chòi thật sự đã lên sân khấu chuyên nghiệp bề thế, hấp dẫn, không thua kém các loại hình sân khấu khác, thật là quá sức tưởng tượng của bà con. Tôi cũng nhớ, có một vở Dân ca kịch mà bối cảnh câu chuyện ở đồng bằng Tuy Hòa trong những năm xây dựng Hợp tác xã nông nghiệp là: Chuyện tình dưới chân núi Đá Bia (kịch bản Nguyễn Tường Nhẫn, đạo diễn Nguyễn Khánh, trợ lý đạo diễn NSND Lệ Thi, họa sĩ Văn Na, âm nhạc: Hoàng Lê) mà bà con ở Tuy Hòa ai xem cũng thích, thích vì câu chuyện làng quê gần gũi, thích vì có 2 diễn viên của đoàn là Bùi Thành và Lê Hạ là người Tuy Hòa chính gốc, mới tuyển sau lúc nhập tỉnh mà đã vào vai diễn rất tốt.
Ở phạm vi rộng hơn, nhìn lại nghệ thuật dân gian Bài chòi, ta thấy sự phát triển từ câu thai, Bài chòi chiếu, đến hội Bài chòi, rồi hô diễn Bài chòi (bài chòi lớp, bài chòi truyện tích), tới bài chòi từ đất lên dàn, phát triển lên thành một bộ môn ca kịch hẳn hoi. Ca kịch bài chòi không còn ở 4 làn điệu cơ bản là Xuân nữ, Xàng xê, Hò Quảng, Cổ bản nữa, mà Ca kịch Bài chòi còn mở rộng, tiếp thu những làn điệu dân ca khu 5 như Lý tang tít, Lý vãi chài, Lý con ngựa, Lý thượng, Hò giã vôi, Lý vọng phu…và phát triển một số làn điệu mới: Lía phôn (Nhạc: Cung Nghinh, Lời: Liên Nguyễn), Lía phấu (Hoàng Lê), Vọng kim lang (Nhạc: Hoàng Lê, Lời: Lưu Trọng Lư) và một số làn điệu khác, đã làm phong phú thêm cho sân khấu Ca kịch Bài chòi. Các làn điệu đó, âm nhạc và lời hát luôn phù hợp với các tình huống trong kịch bản. Tôi có đọc một tài liệu cũ: tại đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ III, nói về thể loại sân khấu này, nhà thơ, nhà viết kịch Thế Lữ, chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu đã nhận xét: “Bài chòi biến đổi mau lẹ, trót lọt, có khả năng thích ứng với bất kỳ hoàn cảnh mới nào. Bài chòi đã tiếp thụ và phát triển chất liệu dân ca tại địa phương mình…tức là thu hút một nguồn sinh lực âm nhạc trong lành, khỏe khoắn, mà các loại sân khấu kịch hát đi trước (tuồng, chèo, cải lương…) cũng bắt nguồn như vậy”.
Sau khi tái lập lại tỉnh Phú Yên, tôi về làm ở Đoàn ca múa nhạc Sao Biển, một đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp trực thuộc Sở Văn hóa-Thông tin Phú Yên. Ở đó tôi có dịp hiểu thêm về nghệ thuật dân gian Bài chòi, với những việc làm cụ thể của ngành Văn hóa như quan tâm điền dã sưu tầm, tổ chức nhiều buổi Hội thảo, rồi in sách, làm phim, phục dựng để lưu giữ, bảo tồn và có hướng phát triển bộ môn nghệ thuật này. Sở Văn hóa-Thông tin, sau này là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã tổ chức định kỳ các Hội diễn, Liên hoan hát Dân ca và Bài chòi, nâng cao mặt bằng sáng tác, biểu diễn, hưởng thụ Bài chòi rộng khắp trong phong trào Nghệ thuật quần chúng của tỉnh. Tôi có một cái may mắn là được giao làm lãnh đạo Đoàn ca múa nhạc dân gian Sao Biển từ Phó đoàn, đến Trưởng đoàn, rồi làm Giám đốc khi Đoàn lên Nhà hát. Trong suốt 27 năm đó, với trách nhiệm, tôi đã cùng với Ban lãnh đạo và anh chị em nghệ sĩ nghiên cứu đưa Bài chòi vào các chương trình biểu diễn của đơn vị, cái mừng là được người xem yêu thích! Bài chòi không hề lạc lõng, khiêng cưỡng trong chương trình ca múa nhạc, mà cùng với các tiết mục ca, múa, nhạc tung hứng, tỏa hương sắc, đem đến sự thích thú cho người xem là khách du lịch, là nhân dân trong tỉnh. Các sự kiện văn hóa, văn nghệ lớn trong nước hoặc giao lưu quốc tế có mời Sao Biển tham gia đều có yêu cầu tiết mục Bài chòi. Năm 2009, đơn vị đã mạnh dạn đưa Bài chòi tham gia Hội diễn Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc, và mới đây trong Liên hoan ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc đợt 2, năm 2018, tổ chức tại Đà Nẵng, tiết mục bài chòi Bồng bềnh câu thai cưỡi sóng của NS Tấn Phát đã đạt huy chương vàng, tiết mục này đã góp phần đưa chương trình thi diễn của Sao Biển đạt huy chương toàn quốc. Các Nghệ sĩ Quang Thơm, NSƯT Khánh Trang, Thanh Huệ, Thanh Vân, Quốc Dũng, Minh Khương, Quỳnh Như, Tất Đạt và các nhạc công Ngọc Thanh (bầu, nhị), Quốc Huy (sáo), Thanh Tuấn (trống), Xuân Huy (sến), Thảo Vi (tranh) và NSƯT Thanh Hải đã nâng hồn Bài chòi bay xa. Đặc biệt mỗi năm Nhà hát ca múa nhạc Dân gian Sao Biển phối hợp với các cộng tác viên là nghệ nhân bài chòi có tiếng, tổ chức biểu diễn chuyên hát Bài chòi đến các địa phương trong tỉnh. Mang hai chữ dân gian trong cái tên của mình, Nhà hát Ca múa nhạc Dân gian Sao Biển được xác định là một trong những đơn vị kế thừa, gìn giữ, phát huy môn nghệ thuật dân gian này.
Từ khi Bộ Văn hóa Thể thao và du lịch công nhận Bài chòi là văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia, miền quê đến thành phố, hội Bài chòi đã phục hồi và tố chức thường xuyên hơn trong những ngày Tết Nguyên đán, vào dịp hội hè. Các Câu lạc bộ Bài chòi được củng cố lại và hoạt động đều hơn, các nghệ nhân bài chòi kỳ cựu: Thu Hồng (Sông Cầu), Thanh Hằng (TP Tuy Hòa), Vũ Hoài, Trọng Tích (TP Tuy Hòa), Bình Thảng (Đông Hòa), Minh Uông (Phú Hòa)…cùng với các nghệ nhân lớp sau: Tấn Minh, Hoàng Long (Tuy An), Trình Thị Liên (Phú Hòa), Ngọc Ánh, Thanh Gởi (TP Tuy Hòa), Ái Phi, Thu Sa (Đông Hòa), Thùy Trang, Thanh Hằng (Tây Hòa)… cùng các nhạc công: Mai Hoàng (sến), Bảy Cảnh, Ngọc Dũng, Đình Thám, Ngọc Danh (ghi ta phím lõm), Duy Nhiên (hạ cầm), Trọng Thống, Hữu Lợi (nhị), Khắc Huynh, Mười Ký (trống)… ngày đêm khổ luyện ngón đàn để cùng đồng hành với diễn viên nâng hồn lời hô, giọng hát, đưa nghệ thuật dân gian bài chòi vang xa. Các tác giả chuyên viết bài chòi: Nguyễn Phụng Kỳ, Bình Thảng, Trần Đông, Nguyễn Ngọc Thừa, Huỳnh Trọng Thống… cũng góp phần cho Bài chòi bay bổng.
Ở Phú Yên có nhiều nhà nghiên cứu về nghệ thuật dân gian Bài chòi, nhưng có một người rất tâm huyết đó là tác giả Đoàn Việt Hùng. Những năm còn Phú Khánh anh đã gây sự chú ý cho giới nghiên cứu nghệ thuật, với loạt bài nghiên cứu Bài chòi in trong tập Cánh Én và Trầm Hương của Hội Văn nghệ Phú Khánh, với bút danh Nguyễn Lệ Uyên. Sau khi tách tỉnh Phú Yên anh tiếp tục có những công trình nghiên cứu chuyên sâu, công phu về Bài chòi được in thành sách (Ca dao và Dân ca trên vùng đất Phú Yên - In chung nhiều tác giả, do Hội Văn nghệ dân gian và Văn hóa các dân tộc Phú Yên xuất bản 1996; Bài chòi - Nhà xuất bản VHTT- 2014; Hình vẽ những lá bài chòi Nam Ngãi Bình Phú - Xưa và Nay - 2003; Triết lý nhân sinh trong Lễ hội đánh Bài chòi - Nguồn sáng dân gian - 2002)…
Bài chòi là một bộ môn nghệ thuật tổng hợp có tính sáng tạo và giải trí cao, kết hợp âm nhạc, thơ ca, diễn xướng, hội họa và văn học, lại mang tính đại chúng. Có thể nói ở Phú Yên ai cũng thuộc một vài câu bài chòi để hát những lúc vui, buồn. Bài chòi ghi dấu trong kháng chiến, tiếng hát át tiếng bom, bài chòi hiện diện trong hội hè, bài chòi có mặt trong các buổi giao lưu văn hóa văn nghệ, bài chòi từ trong lao động sản xuất, bài chòi đi lên cùng đất nước.
Gần 40 năm gắn bó với Nghệ thuật biểu diễn, tôi có nhiều kỷ niệm với nghệ thuật dân gian bài chòi.Tôi rất vui khi tổ chức Giáo dục, Khoa học Văn hóa Liên hiệp quốc công nhận nghệ thuật Bài chòi Trung bộ Việt Nam là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Bởi đó cũng chính là sự công nhận và vinh danh các thế hệ nghệ nhân đã giữ gìn và phát triển Bài chòi để có như ngày hôm nay. Đó là những con người cần cù nhưng vui tính, dí dỏm, sáng tạo và yêu thơ ca của mảnh đất miền Trung ruột thịt đầy nắng gió. Tôi xúc động đến rơi nước mắt khi nghe Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc nói những lời này trong buổi Lễ đón bằng UNESCO ghi danh nghệ thuật Bài chòi Trung bộ Việt Nam là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại: “Chơi bài chòi là để chia sẻ cảm xúc, tri thức và kinh nghiệm sống. Nghe bài chòi là để tu dưỡng lòng nhân ái, tình yêu quê hương, đất nước. Thưởng thức bài chòi là để phê phán thói hư tật xấu, sảng khoái vui cười, phấn đấu cho một cuộc sống tốt đẹp hơn. Có lẽ, ít có loại hình nghệ thuật nào vừa mang tính giải trí sáng tạo cao lại vừa gắn kết nhân dân lao động như bài chòi. Do vậy, thông qua việc UNESCO ghi danh nghệ thuật bài chòi, cộng đồng thế giới đã tái xác nhận và khẳng định kho tàng di sản văn hóa phong phú của Việt Nam và trân trọng ghi nhận những đóng góp của dân tộc chúng ta vào việc làm giàu hơn nữa kho tàng văn hoá của nhân loại… Đây chính là thương hiệu quốc gia mà thế giới dành cho chúng ta, qua đó góp phần giới thiệu với bạn bè quốc tế phẩm chất cần cù, sáng tạo, nhân ái của con người miền Trung Việt Nam, góp phần làm cho khu vực này phát triển du lịch mạnh hơn trong tương lai”.
Câu hô bài chòi: Mùa xuân vui khắp nơi nơi/ Xin mời cô bác đến chơi bài chòi… đã làm rộn rã mùa Xuân đang về! Yêu thương lắm Bài chòi.
NSND Cao Hữu Nhạc
 

Phamngochien.com - 23:22 - 17/03/2021 - Bài của văn nghệ sĩ          

Gửi bình luận