Mùa mưa nhớ món bánh xèo quê tôi (Lê Nguyên Phú)

Nơi tôi sinh ra nằm ở một làng nghèo của miền Trung. Cha mẹ tôi cả đời lam lũ, nhưng "tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ", nên làm quanh năm chỉ mong đủ ăn. Cả tuổi thơ tôi như củ khoai, hột lúa trôi theo dòng thời gian, rồi cũng lớn dần theo năm tháng.

Tôi nhớ mãi, những ngày mưa dầm gió bấc, không làm việc gì được, nên cả nhà quây quần bên nhau. Cả làng tôi, đã là phụ nữ thì ai cũng phải biết làm các món ăn, thức uống dân dã như bánh xèo, bánh bèo, bánh canh, xu xoa - một loại thức uống, được làm bằng rau câu biển, xong tráng lên bằng nước đường đen,... Vào những dịp như thế, hầu như nhà ai cũng nức mùi thơm của hành, tỏi phi mỡ. Thời đó, chưa có máy móc, nên việc xay bột thường làm thủ công. Là con lớn trong nhà, nên tôi được "ưu tiên" làm việc này, qua nhiều công đoạn: ngâm gạo, sau đó đến nhờ cối đá của anh Ba gần nhà để xay thành bột nhuyễn, rồi mang về. Lúc này, mẹ tôi đã chuẩn bị: tôm, giá đậu xanh, ít thịt ba chỉ, ít thịt mỡ để tráng khuôn làm bánh. Hồi đó, hình như chưa có khái niệm máu nhiễm mỡ, gan nhiêm mỡ. Nhà nghèo, ít khi được ăn thịt heo, nên có mấy ai dám sợ "thịt mỡ" đâu, còn dầu ăn là thứ hàng xa xỉ, chưa dám nghĩ đến.

Bắt khuôn đúc bánh xèo lên bếp được nhóm bằng củi keo, vừa cháy đượm, vừa có than cho nóng lên; dùng tàu chuối vạt đầu dài ngang bằng chiếc đũa, nhúng vào chén mỡ, rồi đưa qua đưa lại tráng đều trên khuôn. Xong, mẹ tôi dùng vá múc bột gạo, thả xuống từ từ xem thử bột đã vừa chưa, có cần thêm nước nữa hay không, rồi đổ bột vào khuôn, cầm cán khuôn tráng bột thật đều, bỏ lên trên ít thịt ba chỉ, tôm, và sau cùng là giá đậu, rồi mới đậy vung. Cha tôi đã chuẩn bị dụng cụ để vớt bánh ra đĩa. Đó là cây ghim tre, hơi bè ra một tí. Mẹ tôi dùng ghim, lật úp bánh lại thành hình bán nguyệt, sắp bánh ra chiếc sàng hình tròn đã lót sẵn bằng lá chuối.

Sau này, có điều kiện đi nhiều nơi, ăn nhiều loại bánh xèo, từ miền Tây, miền Trung và cả vùng đất thần kinh vốn nổi tiếng nhiều loại bánh trái, nhưng với tôi, chưa có loại bánh xèo nào ngon như loại bánh do cha tôi làm. Cũng như cách làm trên, nhưng trước khi thêm "nhân", ông lại tráng thêm một lớp bột nếp. Không hiểu kiểu làm bánh này bị thất truyền hay sao, mà đến nay không thấy ai làm nữa. Khi ăn, ta thấy vị đượm, beo béo và cả hơi deo dẻo do bột nếp nữa, ngon thật!

Nhà chỉ có bốn người con, thế mà mẹ tôi đúc bánh liên hồi vẫn không kịp cho chúng tôi ăn. Là con lớn trong nhà, nên việc ăn uống, tôi lại được "ưu tiên" ăn sau cùng, sau khi các em tôi đã căng bụng. Ăn bánh nóng để thỏa thuê cơn thèm, nhưng ăn không được nhiều, thường bị "nóng cổ", ngang bụng. Có khi, dùng bánh tráng mỏng, cuốn với bánh xèo, thêm rau sống, rồi ít khế chua,... bên trong, chấm với nước mắm đục (một loại nước mắm làm từ cá cơm) đã pha chế ớt, tỏi, chanh, đường,... Và, trời thì cứ mưa, gió bấc cứ thổi, song ngọn lửa vẫn cứ bập bùng đủ sưởi ấm cho cả nhà, còn sàng bánh xèo thì cứ vơi dần. Cứ thế, chúng tôi cứ ăn, rồi nghỉ, lại thèm rồi ăn tiếp đến tối. Ăn không hết, để dành sáng mai ăn sáng đi học.

Giờ, làng tôi như chật hơn, sướng hơn, thích ăn món gì thì ra quán. Nhưng với tôi, vẫn thấy thiếu thiếu thế nào. Tôi nhớ ngọn lửa bập bùng thưở xưa, nhớ mùi khói bếp, nhớ vị béo ngậy của miếng tốp mỡ, và nhớ cả hình ảnh cha tôi ngồi chỉ huy trận đánh làm bánh xèo năm nào... Tất cả đã xa, mờ dần.

Giờ về quê, nhưng nỗi nhớ quê vẫn da diết, vẫn cứ ùa về. Nhớ quê khi đang ở quê mình, nói ra không ai tin nổi, nhưng kỳ thực là vậy!

Lê Nguyên Phú

Hiền cùng các bạn Quảng Nam, Quãng Ngãi, Phú Yên ăn bánh xèo Bình Định



Phamngochien.com - 08:10 - 17/10/2014 - Bài của văn nghệ sĩ          

Gửi bình luận