Một chiều sau mồng Tết (Võ Thị Tuyết Nhi)

 

Một buổi chiều sau ngày tiễn đưa ông bà về lại “tinh cầu” bên kia sau dăm ba ngày về đoàn tụ ăn Tết cùng gia đình, chợt nghĩ tới mới vừa cách đó mấy hôm, khi Tết chưa đến, ông Công ông Táo còn chưa kịp chầu trời mà không khí khác biết mấy. Xuân sang, Tết đến, nghe xuân nghe Tết là nghe mùa vị của sức sống, của tươi trẻ, của cái đẹp. Bởi ai cũng yêu xuân, thích Tết.

Mà cũng phải, cái đẹp ai mà chẳng lại không yêu thích. Cũng đang hưởng cái gió xuân sau ngày Tết ấy, nghe tiếng “cười đùa” của lóc nhóc vài ba con chuột cảnh lại thấy thấm cái “đẹp” hơn. Cũng cùng là chuột, chỉ khác chuột Ta chuột Tây, khác cái sợi lông, màu mắt mà loài phải tìm thức ăn trong đường hầm, ẩn nấp, loài lại thức tươi, vật ngọt, “nhà” sang đủ loại. Xét cho thì vốn con người hay con vật lại chẳng không thích cái đẹp, mà bởi hamster thì bộ lông mịn mượt, nục nịch béo tròn, còn loài chuột cống, chuột đồng chỉ hôi tanh, màu lông đen sạm. Con người đối với loài vật đã thấy khác biệt, huống hồ chi con người nhìn con người.

Ông cha ta nói: “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”, nhưng giới trẻ nay bảo chưa bắt con mắt thì sao có thú để hiểu cái tâm. Bởi vậy mới thấy, đời sống bây giờ cái mặc không chỉ là “có” hay “không” mà phải xét ở phương diện “đẹp” hay “xấu”. Một ngoại hình ổn, trước tiên bạn đã có được thiện cảm từ người đối diện. Điều này hẳn ai cũng nghe mà quá nhiều người biết, song mấy ai hiểu và thực sự để ý được đến cái điều mà phụ nữ nào cũng quan tâm?

Mới ngày Tết qua đây, ra đường xum xoe váy áo, hoa mai, hoa đào mở rực cả trời xuân mà cũng không đủ để lấn đi phần rực rỡ của các chị em. Thế nhưng, sau gian bếp kia mấy ai thấy được những bộ quần áo xộc xệch, đôi mi bên kẻ, bên chưa, má hồng còn chưa kịp đánh, tóc rối tự nhiên bởi từ sớm qua đến sớm nay chưa kịp vuốt. Tết đến bao người áo nô nức khoác áo mới du xuân, mà sau những buổi say xưa của các anh các chú, lại có một người còng lưng dọn dẹp.

Từ khi còn bé, tới bây giờ có thể tạm gọi là trưởng thành, hình ảnh cứ đến ngày Tết mẹ vắt chân lên cổ mà lo việc nước việc nhà không thể xuể, ấy vậy mà mẹ vẫn ưng đến Tết. Chẳng phải mong được nghỉ dăm ba mồng Tết, bởi thực ra những ngày đó còn cày sức mẹ hơn bao phần ngày thường, mà bởi cái tinh thần người Việt vẫn mãi mong ngóng một ngày “đầu năm” với bao điều hy vọng. Chỉ với những điều nhỏ nhặt nhất, ngàn năm nay vẫn truyền tụng tai nhau mà tạo nên một nếp rất riêng của Tết Việt: không quét nhà, không được để đổ bể, không nói lời sui sẻo, không…. Ngàn điều cấm kỵ trong Tết, ngồn ngộn công việc trước Tết, phải chăng điều đó làm cho người phụ nữ ngày nay trở nên “héo” hơn mỗi khi xuân về?

Tết cổ truyền thật sự rất ý nghĩa, song với những con người hiện đại, sự công nghiệp khiến cho tư duy con người trở nên hướng ngoại, họ cũng thích cái tết ở nước ngoài và làm theo cái tết của nước bạn. Những chuyến du xuân không còn là chúc Tết bà con, không còn tất bật chè, rượu nữa, thay đó là sự tận hưởng những chuyến đi xa. Đó cách để con người hưởng thụ và thư giãn sau một năm cật lực làm việc.

Chẳng thể nói ăn Tết thế nào là đúng, là hay, là tốt bởi mỗi người một hoàn cảnh, suy nghĩ. Song, Tết thật sự phải là Tết đoàn viên, Tết mà mọi thành viên cùng nhau làm, cùng nhau vui. Cùng chia sẻ bớt những phần việc, giảm bớt những kiêng kỵ là giảm điều căng thẳng điều đó đã tạo điều kiện cho mẹ được diện thêm một bộ váy mới, đủ thời gian để chải lại mái tóc, tô son điểm phấn được vẹn tròn. Đó mới là Tết đúng nghĩa. Mặt trời lặn, lại hết một mồng, vậy là tự ngẫm sang năm lại giúp mẹ dọn Tết.   


Phamngochien.com - 06:58 - 07/03/2021 - Bài của văn nghệ sĩ          

Gửi bình luận