Một chặng đường đổi mới lí luận văn học Việt Nam (1986-2011)

Một chặng đường đổi mới lí luận văn học Việt Nam (1986-2011) - Chuyên luận của Cao Hồng - Nhà xuất bản Hội nhà văn, 2011 - Sách dày 320 trang khổ 14,5 x 20,5 

Đây là chuyên luận của tác giả hiện là Tiến sĩ, giảng dạy tại Đại học Thái Nguyên.

Ngoài phần dẫn nhập, kết luận và Thư mục tham khảo, chuyên luận gồm ba chương:
Chương I: Đổi mới lí luận văn học Việt Nam sau năm 1986 : Nguyên nhân, diện mạo
Chương II :  Vận động tư duy xung quanh một số vấn đề lí luận cơ bản
Chương III : Tiếp thu lí luận văn học hiện đại thế giới
Trong lời giới thiệu, PGS, TS Nguyễn Ngọc Thiện viết :
" Chuyên luận Một chặng đường đổi mới lí luận văn học Việt Nam (1986-2011) của nhà giáo, nhà nghiên cứu, TS Cao Hồng là một công trình hiếm có, lần đầu tiên xuất hiện, khảo sát một cách dụng công và có trọng tâm về bức tranh toàn cảnh diện mạo lý luận văn học Việt nam từ giữa những năm 80 của thế kỉ trước vắt sang thập niên đầu thế kỉ mới; làm rõ nét từng bước vận động đổi mới tư duy lí luận văn học trên bốn vấn đề cơ bản, then chốt ( văn học và chính trị; văn học và hiện thực; phương pháp sáng tác; tính dân tộc và tính hiện đại). "

Nguồn: Blog Vũ Nho

Một đoạn nhắc đến Phạm Ngọc Hiền

 

Xem bài Lược sử Thi pháp học Việt Nam của Phạm Ngọc Hiền

Xem bài viết liên quan của TS. Cao Hảo

 

Trích bài giới thiệu của PGS Nguyễn Ngọc Thiện:

 

Chuyên luận Một chặng đường đổi mới lý luận văn học Việt Nam (1986-2011) của nhà giáo, nhà nghiên cứu, TS.Cao Hồng là một công trình hiếm có, lần đầu tiên xuất hiện, khảo sát một cách dụng công và có trọng tâm về bức tranh toàn cảnh diện mạo lý luận văn học Việt Nam từ giữa những năm 80 thế kỷ trước vắt sang thập niên đầu thế kỷ mới; làm rõ nét từng bước vận động đổi mới tư duy lý luận văn học trên bốn vấn đề cơ bản, then chốt (văn học và chính trị; văn học và hiện thực; phương pháp sáng tác; tính dân tộc và tính hiện đại). Công trình cũng mở ra góc nhìn về sự giao lưu, hội nhập nhanh nhạy của tư duy lý luận văn học Việt Nam với thành tựu mới từ các trào lưu tư tưởng học thuật Âu Mỹ - những khu vực tiên tiến của thế giới văn minh, hiện đại.

     Có thể nói, chuyên luận này là một tiếng nói thận trọng mà kịp thời, có căn cứ và giàu sức thuyết phục, khẳng định sự tất yếu và nỗ lực bền bỉ đổi mới tư duy lý luận văn học ở Việt Nam 25 năm gần đây trên các phương diện: hệ hình nghiên cứu, phương pháp luận và thủ pháp nghiên cứu để tìm đến được những quy luật bản chất, đặc thù của quá trình văn học, của sinh thể tác phẩm văn chương. Được tạo thành từ sự quan sát cuộc sống và sự trải nghiệm của nhà văn, bằng chất liệu ngôn từ phi vật thể, qua dụng công của chủ thể sáng tạo, tác phẩm văn học hay một khi đi vào sự tiếp nhận của các tầng lớp công chúng sẽ dần dần phát lộ giá trị đích thực, ý nghĩa tiềm ẩn từ trong văn bản và cấu trúc thế giới hình tượng nghệ thuật của tác phẩm...

     Trong hệ liên vấn đề của quá trình văn học, đan cài và tương tác các mối quan hệ: đời sống hiện thực- nhà văn- tác phẩm- công chúng cùng các cội nguồn ảnh hưởng từ nội sinh  hoặc từ bên ngoài trong các mối quan hệ nói trên...đã được ngòi bút tinh tế, chặt chẽ của Cao Hồng lần lượt diễn giải, thấu thị, ghi nhận những bước tiến rõ rệt của lý luận văn học Việt Nam trong những năm đổi mới.

    Đó là một nền lý luận văn học đã trưởng thành do nhiều thế hệ học giả, nhà nghiên cứu, cây bút có nghề và tâm huyết xây đắp nên...vượt thoát khỏi những ấu trĩ, hạn chế và bất cập một thời để trở nên khoa học, khách quan, trở về đúng với bản thể của mình. Lý luận văn học giờ đây gắn bó, bám sát thực tiễn sáng tạo và diễn biến của quá trình văn học, nhằm lý giải và tác động vào sự phát triển phong phú của nền văn nghệ dân tộc, hiện đại; vào sự hình thành và nảy nở các cá tính nghệ thuật và phong cách sáng tạo đặc sắc cùng những tác phẩm có giá trị đóng góp vào kho tàng văn học dân tộc và nhân loại. Đó cũng là một nền lý luận dân chủ, đối thoại cởi mở, khuyến khích những tranh biện, tìm tòi vì lợi ích chung của cộng đồng.

   Tuy chuyên luận chỉ giới hạn đi sâu vào lý luận văn học những năm đổi mới, nhưng sự phát triển và thành quả của lý luận giai đoạn này cũng đủ làm nên một "cú hích" quan trọng giúp cho phê bình văn học phát huy đầy đủ vai trò của nó với tư cách vừa là một khoa học nhân văn vừa là một nghệ thuật của ngôn từ, nhằm thẩm định chân giá trị của tác gia, tác phẩm.

      Cuốn sách vẫn rộng mở sự tiếp tục trao đổi, đối thoại về mặt học thuật. Song có thể nói qua hơn 300 trang sách, tác giả Cao Hồng đã bổ sung một cách tiếp cận, một cách nhìn, một cách lý giải và đánh giá riêng của người trong cuộc về thực trạng đã qua và triển vọng của lý luận văn học hôm nay.

    Vui mừng trước kết quả lao động khoa học nghiêm túc, tâm huyết của nhà nghiên cứu trẻ, tôi xin trân trọng giới thiệu cùng quý bạn đọc rộng rãi và giới nghiên cứu chuyên ngành công trình đầu tay này của TS.Cao Hồng.

                                                                          Hà Nội, 7 tháng 9 năm 2011

                                                                        PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện

 


Phamngochien.com - 21:44 - 22/12/2011 - Bài của văn nghệ sĩ          

Gửi bình luận